Tham gia gìn giữ hòa bình là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) là một trong những trụ cột của đối ngoại quốc phòng, là điểm sáng trong quan hệ đa phương của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm gần đây.
Chiều 7/1, tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Tổng kết về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2012-2020.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chủ trì hội nghị
Hội nghị do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên BCHTW Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động GGHB LHQ chủ trì.
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: “Cùng với đối ngoại của Đảng, nhà nước, nhân dân, đối ngoại quốc phòng đã được khẳng định là một kênh quan trọng, góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; từng bước xây dựng lòng tin chiến lược, “quyền lực mềm” và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục xác định và khẳng định tầm quan trọng tại Nghị quyết 806 về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.
Video đang HOT
Theo Thượng tướng, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) là một trong những trụ cột của đối ngoại quốc phòng; là điểm sáng trong quan hệ đa phương của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm gần đây. Lực lượng “mũ nồi xanh” của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Liên hợp quốc, Phái bộ và bạn bè quốc tế tin tưởng, đánh giá cao lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam về chuyên môn, tính kỷ luật, đoàn kết quốc tế và khả năng thích ứng với môi trường đa quốc gia, khí hậu khắc nghiệt, an ninh, bệnh dịch phức tạp.
Cụ thể về những kết quả Việt Nam đạt được trong quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ giai đoạn 2012-2020, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng – Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết: Từ tháng 6/2014 đến tháng 12/2020, Việt Nam đã cử 179 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ tại các phái bộ Nam Xu-đăng, Cộng hòa Trung Phi và Cục Hoạt động hòa bình tại trụ sở Liên hợp quốc, được Liên hợp quốc đánh giá cao, dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ.
Năm 2020, 3 sĩ quan của Cục GGHB Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các bài kiểm tra của Liên hợp quốc để trở thành nhân viên tại cơ quan hoạch Định chính sách của Liên hợp quốc (tại New York, Hoa Kỳ) và sĩ quan điều phối hoạt động quân sự của Phái bộ GGHB LHQ và Quân đội Cộng hòa Trung Phi (tại Cộng hòa Trung Phi).
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng báo cáo những kết quả Việt Nam đạt được trong quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ giai đoạn 2012-2020
Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 53 sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân và 126 bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC2.1) và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC2.2). Kết quả thực hiện nhiệm vụ của cả 2 bệnh viện được Chỉ huy Phái bộ và Liên hợp quốc đánh giá cao. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động GGHB và Cố vấn Quân sự của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại New York gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp y tế. Hiện nay, BVDC2.2 cũng đang hoạt động rất hiệu quả và tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiêm cao, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên Liên hợp quốc tại địa bàn đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp.
Một lĩnh vực nữa mà Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam trong việc tham gia hoạt động GGHB LHQ là đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân theo Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh. Trong 6 năm qua, Việt Nam đã cử 20 nữ quân nhân trong đội hình BVDC2 và 4 sĩ quan nữ tham gia hoạt động GGHB LHQ theo hình thức cá nhân; cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do Liên hợp quốc đưa ra. Hiện tại, Việt Nam đang chuẩn bị Đội công binh gồm 295 người để sẵn sàng triển khai trong năm 2021.
Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 để tạo hành lang pháp lý cho việc tham gia lực lượng GGHB LHQ, ngày 13/11/2020, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết của Quốc hội về Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ, với số phiếu tán thành 100%. Chính phủ xây dựng Nghị định số 162/2016/NĐ-CP ngày 14/12/2016 về chế độ, chính sách; Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 241-QĐ/TW ngày 30/10/2020 về thẩm quyền, quy trình cử, điều chỉnh, rút lực lượng tham gia lực lượng GGHB LHQ. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, làm cơ sở để các lực lượng triển khai tham gia hoạt động GGHB LHQ thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.
Tháng 6/2018, Liên hợp quốc đã công nhận Cục GGHB Việt Nam là một trong bốn Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo Chương trình đối tác 3 bên. Trong ba năm 2018, 2019, 2020, Việt Nam đã chủ trì 3 khoá huấn luyện cho nhiều sĩ quan quốc tế và trong nước về vận hành trang bị công binh hạng nặng. Việc Việt Nam được lựa chọn là địa điểm huấn luyện các lực lượng GGHB LHQ của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á một lần nữa cho thấy sự đánh giá cao của Liên hợp quốc đối với những kết quả tham gia hoạt động GGHB LHQ mà Việt Nam đã đạt được.
Các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã thống nhất cử Việt Nam làm Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm GGHB khu vực châu Á – Thái Bình Dương (AAPTC) nhiệm kỳ 2020-2021 và dự kiến tổ chức Hội nghị tại Việt Nam năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận cương vị này kể từ khi chính thức tham gia vào hoạt động GGHB LHQ năm 2014. Đồng thời, các Trung tâm huấn luyện GGHB của ASEAN (APCN) cũng lựa chọn Việt Nam làm Chủ tịch Mạng lưới APCN và Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến Mạng lưới APCN năm 2020 (7/2020) và dự kiến tổ chức Hội nghị trực tiếp năm 2021 tại Việt Nam.
Tham gia lực lượng GGHB LHQ đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, giúp “chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi” như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành Trung ương đánh giá kết quả tham gia hoạt động GGHB LHQ của Quân đội trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng./
Triển khai hiệu quả các chương trình khoa học - công nghệ hỗn hợp Việt - Nga
Chiều 1/12, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Phân ban Việt Nam trong Ủy ban phối hợp liên Chính phủ về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức Phiên họp toàn thể năm 2020.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Phân ban Việt Nam, chủ trì phiên họp.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Phân ban Việt Nam, chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN phát
Báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết phiên họp lần thứ 30 của Ủy ban phối hợp, Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, nhấn mạnh, năm 2020, các đề tài, nhiệm vụ thuộc Kế hoạch nghiên cứu khoa học và công nghệ hỗn hợp Việt - Nga đã được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Liên bang Nga và Việt Nam. Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường của phía Việt Nam do Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đảm nhiệm cơ bản được hoàn thành.
Trung tâm đã xây dựng đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ bám sát định hướng phát triển khoa học và công nghệ của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, gắn với nhu cầu thực tế phục vụ quân sự - quốc phòng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Kết quả nghiên cứu cơ bản và ứng dụng quan trọng đều đạt được trên cả 3 hướng gồm: độ bền nhiệt đới, sinh thái nhiệt đới và y sinh nhiệt đới; triển khai có hiệu quả việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn. Công tác đào tạo cán bộ, công tác tuyển dụng, thu hút, tạo nguồn cán bộ khoa học tiếp tục được quan tâm và đạt kết quả tốt.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đánh giá cao kết quả hoạt động của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga trong năm 2020; biểu dương Trung tâm đã rất tích cực, chủ động tận dụng những lợi thế sẵn có, tham gia hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; phối hợp tốt với phía Nga và các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các chương trình khoa học - công nghệ đã xây dựng...; đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị các nội dung cho Phiên họp lần thứ 31 Ủy ban phối hợp liên Chính phủ về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.
Hợp tác quốc phòng ASEAN đóng góp vào phòng, chống dịch Covid-19 Ngày 17/11, Hội nghị trực tuyến Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN (ADSOM) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ADSOM Việt Nam. Đại biểu các nước tham dự hội nghị. Ảnh: Trọng Hải Tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, trong năm 2020,...