Thẩm định SGK mới: Có cần thêm kênh lấy ý kiến giáo viên?
Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (SGK) hiện đang tích cực làm việc để lựa chọn các bộ SGK lớp 1 chất lượng, phù hợp cho chương trình mới.
Thông tin bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại nhận đánh giá ‘không đạt’ của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK ngay từ vòng 1 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, sức sống của giáo dục chính là thực tiễn, do vậy bên cạnh sự độc lập của Hội đồng thẩm định SGK cũng cần có thêm những kênh khác như lấy ý kiến của giáo viên về các bộ SGK để đảm bảo sự khách quan, công bằng.
“Sẽ rất đáng tiếc nếu sách Công nghệ giáo dục không còn được đưa vào giảng dạy”
Sách Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục lớp 1 xuất phát từ đề tài khoa học cấp Nhà nước được nghiệm thu do GS Hồ Ngọc Đại chủ trì, sau đó được dạy thử nghiệm thành công ở nhiều địa phương. Ra đời từ 40 năm trước, trải qua nhiều lần thẩm định bởi hội đồng thẩm định quốc gia, bộ sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục 1 đã được triển khai dạy học trong nhiều nhà trường suốt 40 năm qua và hiện có khoảng 931.000 học sinh theo học.
Đặc biệt, một số tỉnh miền núi đã khá thành công khi áp dụng cuốn sách này, tỷ lệ học sinh bị “tái mù” cũng giảm hẳn. Theo kết quả đo kiểm của Trung tâm Công nghệ giáo dục, NXB Giáo dục Việt Nam, trong lần đo kiểm thứ nhất về khả năng đọc và viết của học sinh lớp 1 vào tháng 5-2015 tại Lào Cai, Hải Phòng với 417 học sinh cho thấy, đối với kỹ năng đọc được đo nghiệm trên 305 em cho thấy tỷ lệ học sinh đạt chuẩn đầu ra là rất cao với 99,02%.
Với trình độ viết, tỷ lệ học sinh đạt chuẩn viết đầu ra cũng tương đối cao là 96,40%. Kết quả đo kiểm cũng cho thấy, chất lượng viết của học sinh lớp 1 học theo sách Công nghệ giáo dục là tương đối chắc chắn và không phụ thuộc quá nhiều vào địa bàn. Nhiều địa phương hiện nay vẫn lựa chọn sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giáo viên, phụ huynh, học sinh là Lào Cai, Hải Phòng, Nghệ An…
Việc thẩm định sách giáo khoa cho năm học mới vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh minh họa CTV.
Cô Lê Thị Liên, giáo viên Trường Tiểu học Quỳnh Thiện, Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), người có nhiều năm dạy sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục cho biết: “Đây là tài liệu có phương pháp dạy hay, lấy học sinh làm trung tâm. Học sinh học nắm chắc âm vần và chính tả, phát âm, nắm được các tiếng nói hàng ngày được cấu tạo như thế nào một cách rõ ràng. Đặc biệt, tình trạng viết sai chính tả được cải thiện rõ rệt”.
Cũng theo chia sẻ của cô Liên, nếu sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục không vượt qua vòng thẩm định và có nguy cơ không được đưa vào giảng dạy trong nhà trường từ năm học 2020-2021 khi bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ là một điều đáng tiếc.
Thầy Bùi Bá Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) cũng đánh giá cao cách dạy và học theo sách công nghệ giáo dục. Theo thầy Mạnh, đối với học sinh miền núi, dân tộc, việc dạy tiếng Việt sẽ rất vất vả nếu dạy theo cách đại trà. Trong khi đó, khi thí điểm áp dụng Tiếng Việt-Công nghệ giáo dục thì các em nắm rất chắc về ngữ âm, học đến đâu chắc đến đó, việc viết sai chính tả được hạn chế rất nhiều.
“Nếu sách công nghệ giáo dục không tiếp tục được lựa chọn đưa vào nhà trường sẽ là một thiệt thòi cho học sinh dân tộc, miền núi”-thầy Mạnh nói.
Tuy vậy, cũng có nhiều địa phương ngay từ đầu đã không chọn thí điểm sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Video đang HOT
Ông Trần Xuân Hưng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết: Ngay từ những ngày đầu cho đến nay, Yên Bái đã không chọn thí điểm sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Lý do là sách công nghệ giáo dục chỉ có ở lớp 1, sau khi lên lớp 2 học sinh lại học theo chương trình SGK hiện hành của Bộ GD&Đ, không đảm bảo tính liên tục, thống nhất nên sau nhiều lần đưa ra bàn thảo, cân nhắc, ngành giáo dục Yên Bái đã đưa ra quyết định là không lựa chọn thí điểm.
Một số thành phố lớn khác như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng không chọn sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục với lý do SGK hiện hành giúp học sinh học được nhiều kỹ năng hơn và đảm bảo tính liên tục, thống nhất.
Đề xuất thêm kênh thẩm định SGK mới
Chia sẻ với báo chí ngay sau khi bộ sách Công nghệ giáo dục bị “trượt” khỏi vòng thẩm định, GS Hồ Ngọc Đại đặt câu hỏi: “15 người trong hội đồng hơn hay 930.000 học sinh đang học sách Công nghệ Giáo dục hơn”?
Câu hỏi của GS Hồ Ngọc Đại cũng là câu hỏi khiến dư luận băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thẩm định SGK mới được tiến hành bám theo các tiêu chí phù hợp với chương trình mới là tất yếu. Tuy vậy, nếu các tiêu chí đưa ra quá cứng nhắc cũng sẽ dễ gạt đi những cuốn sách chọn cách tiếp cận và trình bày khác biệt. Kết quả là sẽ chọn ra được những bộ sách có nội dung, hình thức na ná nhau và chủ trương một chương trình nhiều SGK sẽ không còn đúng nghĩa với tính đa dạng trong thống nhất.
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Về cơ cấu, Hội đồng thẩm định SGK mới bao gồm các GS đầu ngành về chuyên môn, giảng viên trường đại học và giáo viên. Thành viên chuyên gia đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam, gồm cả thành thị và vùng sâu, xa để đánh giá SGK có tính chất đa dạng vùng miền.
Ảnh minh họa: Bắt đầu từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ học SGK mới.
“Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào đối với kết quả vòng một. Chúng tôi đánh giá trong giai đoạn vừa qua, hội đồng đã làm việc trách nhiệm, công tâm, tâm huyết với tinh thần tất cả vì sự nghiệp giáo dục, phục vụ công cuộc đổi mới”- ông Tài nói.
Dù không nghi ngờ về trình độ chuyên môn cũng như sự công tâm của các thành viên Hội đồng thẩm định bởi hầu hết Chủ tịch các Hội đồng đều là các GS hàng đầu của các lĩnh vực. Tuy nhiên, qua việc sách Tiếng việt công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại bị đánh giá “không đạt” với lý do không phù hợp với các tiêu chí SGK theo chương trình mới, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh sự độc lập của Hội đồng thẩm định, nên chăng cần thêm một kênh đánh giá khác là ý kiến của giáo viên dạy lớp 1 về các bộ SGK mới.
PGS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT nêu quan điểm: “Sức sống của giáo dục chính là thực tiễn. Bộ sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã được giáo viên và học sinh cả nước đón nhận và đánh giá cao trong suốt 40 năm qua. Điều này cho thấy bộ sách đã có sức sống nhất định. Do vậy, bên cạnh đánh giá của Hội đồng thẩm định cũng cần thêm một kênh khác là lấy ý kiến của giáo viên dạy Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục trên phạm vi cả nước”.
Ở góc độ khác, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Để việc thẩm định SGK mới đảm bảo khách quan, công bằng với mục tiêu cuối cùng là chọn được những bộ SGK có chất lượng tốt nhất, Hội đồng thẩm định phải đại diện cho cộng đồng xã hội, chứ không chỉ đại diện cho Bộ GD&ĐT.
Hội đồng này nên độc lập và không nên có quan chức của Bộ GD&ĐT. Sau khi có kết quả thẩm định, Bộ GD&ĐT chỉ ký ban hành văn bản công nhận sách, như vậy mới không tạo sự nghi ngờ về lợi ích nhóm trong dư luận xã hội.
Huyền Thanh
Theo CAND
SGK công nghệ bị loại: GS Hồ Ngọc Đại cũng nên...
Lấy lý do nội dung vượt chương trình khung trong trường hợp này chưa thật sự thuyết phục
Hội đồng thẩm định sách giáo khoa ngày 12/9 cho biết, ba bản thảo sách giáo khoa Công nghệ giáo dục lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại gồm: Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, Toán Công nghệ giáo dục và Đạo đức Công nghệ giáo dục, bị trượt vòng thẩm định đầu tiên.
Hai trong ba tập sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục hiện hành. Ảnh: VnE
Theo lý giải của Hội đồng thẩm định, các bản thảo trên không đáp ứng đầy đủ 13 tiêu chí của sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có những tiêu chí như: điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa, nội dung, phương pháp giáo dục vượt quá quy định trong chương trình lớp 1, đánh giá kết quả giáo dục, cấu trúc, ngôn ngữ sử dụng, hình thức trình bày...
Qua theo dõi về diễn biến vụ việc, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định, bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã trải qua cả một quá trình thăng trầm, lên xuống khá li kỳ.
Về nguyên nhân các bản thảo không vượt qua được vòng thẩm định đầu tiên do không đáp ứng được các tiêu chí đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT, vị PGS cho biết, có nhiều đánh giá chưa thuyết phục.
Nêu ví dụ về đánh giá sách giáo khoa Công nghệ có nhiều nội dung vượt quá chương trình, tức là nâng cao hơn so với trình khung của Bộ GD-ĐT, đánh giá này cần phải được cân nhắc dựa trên phản ứng thực tế chứ không chỉ dựa trên tiêu chí.
PGS Trần Xuân Nhĩ phân tích, Hội đồng thẩm định nói nội dung chương trình cao hơn so với quy định thì phải nói rõ cụ thể là cao hơn như thế nào?
"Theo tôi được biết, bộ sách giáo khoa Công nghệ đã được thí điểm gần 40 năm nay, đã có hơn 931.000 học sinh đang học chương trình này. Vậy, những học sinh này đã tiếp cận sách thế nào và khả năng tiếp thu ra sao, Hội đồng thẩm định phải có đánh giá cụ thể.
Thực tế, chương trình khung của Bộ GD-ĐT chỉ là quy định ở mức tối thiểu, còn với khả năng nhận thức và khả năng tiếp thu của học sinh hiện tại, học sinh hoàn toàn có thể tiếp thu được với một chương trình nâng cao hơn so với chương trình khung đưa ra.
Nếu những học sinh đang theo học chương trình bộ sách giáo khoa Công nghệ này mà vẫn tiếp thu được, phụ huynh đánh giá tốt, ủng hộ thì Hội đồng thẩm định cũng cần cân nhắc, đưa ra những cải tiến, thay đổi theo hướng tiếp tục sử dụng bộ sách một cách hiệu quả hơn.
Tôi lấy ví dụ, quy định trong sách tiếng Anh của lớp 1 có đưa ra tiêu chí chỉ giảng dạy để học sinh tiếp thu được 70 từ vựng. Tuy nhiên, cháu tôi mới 3 tuổi, đã tiếp cận và đọc được tới vài trăm từ vựng.
Lấy lý do nội dung vượt chương trình khung trong trường hợp này chưa thật sự thuyết phục, như thế là hạ thấp khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh. Trong khi đó, chương trình sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT cũng đang nhận được rất nhiều lời ca thán về nội dung, chương trình quá nặng so với học sinh", PGS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.
Về phía phản ứng của GS Hồ Ngọc Đại, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, việc GS Hồ Ngọc Đại bảo lưu quan điểm, không hạ thấp nội dung chương trình cũng là lý do chính đáng.
Bởi đây là bộ sách đã được ứng dụng hơn 40 năm và đã có một số lượng học sinh rất lớn đã tiếp cận và học theo chương trình này, do đó, Hội đồng thẩm định khi đánh giá cũng phải xem xét dựa trên khả năng tiếp thu của những học sinh này.
Tuy nhiên, trong quan điểm của Hội đồng thẩm định cũng có đưa ra nhận định về hình thức trình bày chưa phù hợp, có nhiều nội dung, chi tiết cần sửa, bỏ... Đây cũng là những ý kiến cần quan tâm.
"Tôi nghĩ rằng, cả GS Hồ Ngọc Đại và Hội đồng thẩm định cần ngồi lại với nhau, cùng thảo luận công khai, minh bạch về các lý do khiến bản thảo bị bác bỏ.
Cùng với những lập luận khoa học thì cũng cần lắng nghe, tiếp thu những đánh giá dựa trên kết quả tiếp nhận thực tiễn, nếu có được những thảo luận, đánh giá công khai, minh bạch, tôi tin hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung", PGS Trần Xuân Nhĩ nói.
Trước đó, đánh giá riêng bản thảo Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, GS Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt, cho rằng bản thảo của GS Hồ Ngọc Đại chỉ đáp ứng tiêu chí về điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa. Nếu tính chi tiết từng tiêu chí, bản thảo có tới 300 nội dung, chi tiết cần sửa, bỏ.
Hội đồng thẩm định đặt ra nguyên tắc số 1 là bản thảo phải viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới, toàn diện, gồm nhiều vấn đề, như: ngữ điệu mới, lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường chứ không phải chỉ học vần, viết chữ. Tuy nhiên, theo GS Chừ, Tiếng Việt Công nghệ giáo dục không thay đổi gì so với cuốn sách đang được hơn 931.000 học sinh sử dụng. GS Đại giữ nguyên ba tập sách, bổ sung một cuốn tự học.
Một số nội dung của Tiếng Việt Công nghệ giáo dục vượt quá quy định trong chương trình lớp 1. Ví dụ, học sinh lớp 1 phải học những cụm từ, thành ngữ, như: thế chẻ tre, dĩ hòa vi quý, dĩ ân báo oán, hay con cà con kê. Học sinh phải tiếp cận với kiến thức ngôn ngữ học, như: khái niệm âm đệm, nguyên âm đôi. Theo Hội đồng thẩm định, kiến thức này là quá sức với học sinh lớp 1, trong khi nguyên tắc của chương trình mới là giảm tải nội dung khó, nâng cao.
GS Chừ thông tin thêm Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thầy cô dạy Tiếng Việt lớp 1 ở các vùng miền, từ vùng núi, nông thôn đến thành phố. Tất cả đều nói để dạy sách Công nghệ giáo dục như hiện nay phải bỏ công sức để nghiên cứu gấp 3-4 lần so với sách thông thường.
Với Bản thảo Toán Công nghệ giáo dục, PGS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán, khẳng định sách của GS Đại chưa đáp ứng được hết tiêu chí, nhiều nội dung quá nặng với học sinh lớp 1. "Hội đồng gồm 13 người, thẩm định căn cứ vào 13 tiêu chí, ghi nhận từng cái một để đánh giá đạt hay không. Ví dụ, nội dung sách phải đúng, đủ theo chương trình. Nếu không đủ, hoặc đúng, đều không thể thông qua", ông Kiều nói.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán cho hay đã phân tích điểm đạt và chưa đạt của bản thảo môn Toán trực tiếp với GS Hồ Ngọc Đại, nhấn mạnh việc thẩm định dựa trên chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời đánh giá cao một số điểm hay ở sách Toán Công nghệ giáo dục. Ông khuyên GS Đại sửa lại theo chương trình mới, kế thừa những điểm tích cực đó.
Trả lời báo chí sáng 12/9, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định sẽ không sửa bản thảo để nộp lại dù có quyền.
"Tôi sẽ không sửa bởi công trình ấy tôi đã làm cả một đời người. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán đến nơi đến chốn. Tôi đã tính toán hết, cũng đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm và nghiên cứu để có những điều chỉnh cần thiết", ông Đại nói.
Lam Nguyễn
Theo baodatviet
'Ai chịu trách nhiệm khi loại sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại?' "Ai sẽ chịu trách nhiệm khi sang năm trẻ tái mù chữ ở các vùng sâu, xa hay học sinh dân tộc thiểu số?", PGS Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi liên quan sách của GS Hồ Ngọc Đại. Bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bao gồm các môn Tiếng Việt, Toán bị...