Thẩm định sách giáo khoa mới: Năm người mười ý
Bộ GD&ĐT có quy định rất rõ về thẩm định sách giáo khoa (SGK), nhưng theo chuyên gia, dù quy định theo tiêu chí nào, việc thẩm định vẫn phụ thuộc vào con người, nên đòi hỏi minh bạch, độc lập là rất khó.
SGK Tiếng Việt 1- công nghệ đang được giảng dạy hiện hành. Ảnh: Như Ý
Chiều 12/9, trao đổi với PV Tiền Phong, một cựu thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói, không bất ngờ khi bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại bị loại khỏi danh sách những bộ SGK cho chương trình mới bắt đầu được thực hiện từ năm 2020.
Theo phân tích của ông, hội đồng thẩm định không chê tính khoa học, không chê cách viết mà do nội dung của bộ SGK này vượt quá yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Vấn đề ở chỗ khi hội đồng thẩm định yêu cầu chỉnh sửa thì GS Đại không đồng ý.
Vị cựu thứ trưởng này cũng cho rằng, nếu GS Hồ Ngọc Đại không đồng ý chỉnh sửa theo yêu cầu của hội đồng thẩm định, năm 2020, khi triển khai thay SGK lớp 1 mà bộ sách này không được đưa vào giảng dạy thì thật đáng tiếc.
“Nói thật là phương pháp tiếp cận vấn đề, nội dung của bộ SGK này hay, đổi mới. Nhưng tôi được biết thời gian qua, nhiều người đã góp ý nhưng GS Hồ Ngọc Đại không sửa. Bộ SGK công nghệ giáo dục môn tiếng Việt lớp 1 đã mang lại hiệu quả lớn, nhưng môn Toán thì thật sự nặng đối với học sinh lớp 1″, chuyên gia này nói.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hội đồng thẩm định SGK phải độc lập với những người biên soạn SGK. Nhưng theo GS Phạm Tất Dong, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương, mối quan hệ giữa người biên soạn SGK, đơn vị xuất bản SGK, hội đồng thẩm định hiện nay nhằng nhịt như một ma trận.
“NXB lẽ ra chỉ là đơn vị xuất bản SGK thì giờ kiêm luôn cả vai trò biên soạn SGK, không phân biệt rạch ròi. Có khi một người làm cả hai vai. Thậm chí khi Bộ GD&ĐT chưa công bố chương trình SGK đã có đơn vị viết xong SGK, chỉ chờ Bộ “bấm nút”. Điều đó chứng tỏ những người viết sách có thông tin trước”.
GS Dong cũng đặt câu hỏi, có hay không câu chuyện tài chính ở đây khi GS Hồ Ngọc Đại từng nêu ý kiến về vấn đề này.
Video đang HOT
Thành viên trong hội đồng thẩm định, theo GS Dong, phải gồm những chuyên gia đầu ngành trong mỗi môn học, những giáo viên kỳ cựu của môn học đó để hiểu về chuyên môn và có những thông tin về tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và phải nằm ngoài Bộ GD&ĐT.
Còn hiện nay, Bộ GD&ĐT được giao nhiệm vụ này và khó tránh chuyện người trong cuộc lại đi “soát” cho người trong cuộc. Thậm chí, theo GS Dong, có những người làm chủ tịch hội đồng thẩm định một môn học mà ông biết chỉ là một nhà nghiên cứu về phương pháp, chứ không phải là một nhà sư phạm cho nên sẽ có những hạn chế nhất định khi thẩm định.
Còn vị nguyên thứ trưởng từ chối bình luận về tiêu chí để thành lập một hội đồng thẩm định độc lập, công tâm. Vì theo ông, tiêu chí thế nào đi chăng nữa thì con người vẫn có thể làm hỏng tiêu chí.
“NXB lẽ ra chỉ là đơn vị xuất bản SGK thì giờ kiêm luôn cả vai trò biên soạn SGK. Người viết chương trình, người viết SGK, người thẩm định SGK cũng không có sự phân biệt rạch ròi. Có khi một người làm cả hai vai”. GS Phạm Tất Dong
Theo Tiền phong
Hội đồng thẩm định giải thích về việc 'loại' sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại
Trao đổi với báo chí chiều nay (12.8), đại diện của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đã giải thích lý do vì sao sách công nghệ tiếng Việt và toán của GS Hồ Ngọc Đại bị đánh giá là không đạt ngay từ vòng 1.
Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã giải thích vì sao sách của GS Hồ Ngọc Đại nhận đánh giá "không đạt" - Ảnh NGỌC DƯƠNG
Không thể sửa chương trình để theo sách của GS Hồ Ngọc Đại
Thông tin sách công nghệ tiếng Việt 1 và toán của GS Hồ Ngọc đại nhận được đánh giá là "không đạt" của hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, ngay từ vòng 1, đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều người.
PGS Trần Kiều, thành viên của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1, khẳng định về mặt nguyên tắc, khi chúng ta đã xây dựng và ban hành được chương trình mới thì phải xây dựng được một bộ sách giáo khoa phù hợp cho chương trình mới. Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải bám sát vào 4 điều, 13 tiêu chí và 40 chỉ báo trong Thông tư 33 của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
"Tôi từng tham gia vài ba lần thẩm định sách từ trước tới nay, nhưng chưa lần nào hội đồng thẩm định làm việc chặt chẽ, tỉ mỉ và có tiêu chí rõ ràng như lần này", ông Trần Kiều nhận định.
"Sau thẩm định vòng 1, một số bộ hoặc cuốn sách giáo khoa không đạt vì vi phạm nguyên tắc "đủ và đúng", có những cuốn đủ cũng không đủ, đúng cũng chả đúng. Tuyệt nhiên, Hội đồng không thiên kiến, định kiến với tác giả nào, cứ đúng theo tiêu chí mà đánh giá, nên đạt hay không đạt đều căn cứ vào đó", PGS Trần Kiều nói.
Theo PGS Trần Kiều, tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới và khi thực hiện một chương trình và nhiều bộ/cuốn sách giáo khoa, thì sách giáo khoa phải tạo cơ hội cho thầy cô đổi mới phương pháp, chứ không phải chỉ loay hoay về mặt chữ nghĩa. Đặc biệt, với sách lớp 1, học sinh đi học mà chưa hề biết chữ nên sách giáo khoa viết gì, dạy gì cho phù hợp là điều chúng tôi phải đặc biệt cân nhắc.
Nói về sách của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Trần Kiều khẳng định cuốn sách có những nội dung rất hay, nhưng không phải tất cả đều thế, và đặc biệt là không bám theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Hầu như lấy nguyên sách hiện hành để gửi thẩm định.
"Tôi mong GS Hồ Ngọc Đại sẽ bám theo chương trình giáo dục phổ thông mới để sửa, viết lại. Bộ chắc chắn sẽ mong đợi điều đó. Còn với sách gửi thẩm định như vừa qua, thì tôi cho rằng Bộ GD-ĐT không thể thay chương trình để đi theo bộ sách của GS Đại được", PGS Trần Kiều chia sẻ.
Sách phải được soạn theo nội dung, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới
Trả lời câu hỏi về tính thực tiễn và quá trình thực nghiệm, "sức sống" của sách tiếng Việt - công nghệ giáo dục hàng chục năm trời ở các nhà trường, có được coi là một yếu tố để cân nhắc trong quá trình thẩm định hay không, GS Trần Đình Sử, một thành viên khác của Hội đồng thẩm định, nhấn mạnh: Điều kiện tiên quyết để đánh giá sách giáo khoa là cuốn sách ấy phải được soạn theo nội dung, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
"Mọi bộ sách giáo khoa đang được thẩm định đều có quyền bình đẳng như nhau", GS Sử nhấn mạnh.
Lấy ví dụ cụ thể từ sách tiếng Việt 1 - Công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại, GS Sử nêu: "Chương trình mới với môn tiếng Việt lớp 1 yêu cầu dạy học sinh 4 kỹ năng nghe nói đọc viết, phân biệt được các trường hợp chính tả, biết viết những câu đơn giản, biết kể chuyện,... nhưng sách của GS Đại chủ yếu là dạy âm, chữ, dạy quy tắc chính tả. Sách có những ưu điểm nhưng những mặt khác mà chương trình yêu cầu thì không có. Bên cạnh đó, lại có những yêu cầu quá cao, hàn lâm hoặc không cần thiết đặt ra với học sinh lớp 1. Và như vậy là vượt quá yêu cầu của chương trình".
Theo GS Sử, thành viên của hội đồng thẩm định có những giáo viên đang trực tiếp dạy lớp 1, có người là hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục tiểu học ở những nơi đang sử dụng sách tiếng Việt 1 - Công nghệ, nhưng họ đều chỉ ra những bất hợp lý khi dạy theo sách này.
"Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà cả 15/15 thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá là chưa đạt với cuốn sách ấy", GS Sử khẳng định.
Vẫn còn cơ hội cho những sách giáo khoa "không đạt"
TS Thái Văn Tài, Quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho biết đến thời điểm này, hội đồng thẩm định đang tiến hành thẩm định vòng 2 đối với sách giáo khoa lớp 1 và dự kiến công bố kết quả thẩm định sau 2 vòng vào tháng 10 tới. Có 5 bộ sách giáo khoa tham gia thẩm định ở vòng 1.
Sau vòng 1, ngoài sách tiếng Việt và toán của GS Hồ Ngọc Đại được hội đồng thẩm định đánh giá là chưa đạt, còn có những những cuốn ở các môn khác. Tuy nhiên, Bộ cũng chưa nhận được được bất cứ phản ứng nào với kết quả thẩm định vòng 1.
Ông Tài khẳng định nhiệm vụ của các hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa không phải là tuyển lựa và xếp hạng cao thấp các sách giáo khoa được gửi đến thẩm định, mà đánh giá các sách giáo khoa này theo các tiêu chí quy định để có kết luận cuối cùng là: "đạt", "đạt cần sửa chữa", hay "không đạt".
Theo quy trình, sau khi tiếp nhận bản thảo sách giáo khoa do các tác giả và các nhà xuất bản gửi thẩm định, Hội đồng thẩm định sẽ đọc một cách độc lập trong vòng 15 ngày. Kết thúc thời gian này, trong buổi làm việc tập trung đầu tiên, thống nhất lịch làm việc, nghe các tác giả sách giáo khoa trình bày về nội dung và quan điểm xây dựng sách. Sau đó, Hội đồng sẽ có thời gian làm việc độc lập, phân tích và kết luận về bản thảo sách giáo khoa. Tại buổi công bố kết quả này, Hội đồng và tác giả sách giáo khoa lại tiếp tục có buổi lắng nghe và đối thoại.
Ông Thái Văn Tài cho hay: "Yêu cầu hàng đầu là hội đồng thẩm định làm việc với tinh thần khoa học, công tâm, đồng thời cũng cởi mở với cái mới và sự đa dạng của các ý tưởng. Có như vậy thì các sách giáo khoa được thẩm định và phê duyệt mới đáp ứng được kỳ vọng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông trong bối cảnh triển khai chương trình mới với nhiều thay đổi.
Cũng theo ông Tài, thành viên của hội đồng thẩm định gồm những nhà khoa học, nhà chuyên môn và nhà giáo có uy tín, phù hợp với những yêu cầu đó đối với các hội đồng thẩm định.
Sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục và sách toán lớp 1 đã được triển khai ở nhiều nhà trường từ hơn 40 năm nay. Sách này xuất phát từ đề tài khoa học cấp nhà nước được nghiệm thu do GS Hồ Ngọc Đại chủ trì, sau đó được dạy thử nghiệm thành công ở nhiều địa phương, với trên 900.000 học sinh được học.
Sách cũng được thẩm định nhiều lần bởi Hội đồng thẩm định cấp quốc gia.
Theo Thanh niên
Sách giáo khoa Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại bị loại khỏi vòng thẩm định Bộ sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vừa bị Hội đồng thẩm định quốc gia chấm "không đạt" ngay từ vòng thẩm định. SGK Tiếng Việt 1 - Công nghệ trước đó đã được giảng dạy ở nhiều trường Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, ông Thái Văn Tài, Quyền vụ trưởng vụ giáo...