Thách thức đào tạo nguồn nhân lực 4.0
Từ ngày 6 -8/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế châu Á lần thứ 18 của Hiệp hội Phát triển nguồn nhân lực quốc tế (AHRD) với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực: Đổi mới và phát triển trong kỷ nguyên số” do ĐH Ngoại thương phối hợp cùng Học viện Viettel tổ chức.
Các chuyên gia đến từ trong nước và quốc tế đã mổ xẻ nhiều nội dung liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel, hiện nay, đang có một sự chuyển dịch khá thú vị. Các doanh nghiệp đang cố gắng để trở thành các tổ chức học tập để bù đắp các kiến thức thiếu hụt, đồng thời phát triển, ứng dụng các tri thức trong doanh nghiệp, lấy đó làm cơ sở để tạo dựng lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững.
Trong khi đó, các trường ĐH lại đang nỗ lực đưa “hơi thở” của doanh nghiệp đến gần hơn với các bài giảng, những bài phân tích nghiên cứu khoa học để nâng cao tính thực tiễn cho các chương trình đào tạo, mang những lý thuyết khoa học trong nhà trường được song hành, hòa quyện cùng với “màu sắc” doanh nghiệp.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho hay, giáo dục ĐH đã dần mở rộng và ổn định quy mô đào tạo, bước đầu hội nhập với khu vực và quốc tế nên đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của mọi người, chất lượng của nhiều cơ sở giáo dục ĐH được nâng cao.
Mặc dù vậy, so với khu vực và trên thế giới, chất lượng giáo dục ĐH của Việt Nam vẫn còn những khoảng cách không nhỏ. Do chất lượng giáo dục ĐH chưa đáp ứng tốt yêu cầu của người sử dụng lao động dẫn đến tình trạng doanh nghiệp cần nguồn nhân lực trình độ cao nhưng vẫn còn một bộ phận lao động trình độ ĐH không có việc làm hoặc làm việc không đúng với trình độ được đào tạo.
Trong bối cảnh tiến bộ khoa học diễn ra nhanh chóng và cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội thì đào tạo nguồn nhân lực cần phải đổi mới cả mô hình và cơ cấu, từ trạng thái tư duy chỉ cần học một lần để làm việc suốt đời sang trạng thái phải học suốt đời mới đủ khả năng làm việc suốt đời.
“Vì vậy, vấn đề đào tạo lại cho người lao động vẫn còn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng để đảm bảo nguồn nhân lực luôn đáp ứng được yêu cầu thay đổi nhanh chóng của thế giới việc làm. Từ đó cho thấy, quá trình đổi mới giáo dục ĐH cần phải được tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt hơn với những giải pháp mang tính đột phá, đồng bộ trong thời gian tới” – bà Phụng nói.
NGHIÊM HUÊ
Theo Tiền phong
Trường học thời 4.0
Trước xu thế thay đổi lớn của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục cũng không ngoại lệ và nhà trường đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Đó có thể nói là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để giáo dục vươn lên.
Ảnh tư liệu
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các thành tựu nổi bật của internet, dữ liệu khổng lồ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, mạng xã hội, di động, robot, công nghệ sinh học và công nghệ nano... đang tác động mạnh mẽ đến cách dạy và cách học. Vì vậy, giáo dục phải là đầu tàu trong cuộc cách mạng lần thứ tư này. Những trường học ảo, lớp học ảo, thầy giáo ảo, phòng thí nghiệm ảo, thiết bị ảo, thư viện ảo... thời công nghệ số đã tạo thách thức không nhỏ tác động đến trường học truyền thống. Những trường học tiên tiến, hiện đại là xu hướng tất yếu hiện nay. Sách giáo khoa điện tử, nội dung chương trình mở, trường học thông minh cần phải được tính tới trong lần cải cách giáo dục vào năm 2020 này. Đầu tư cho giáo dục vì thế phải không ngừng tăng lên mới mong bắt kịp các nước tiên tiến có nền giáo dục phát triển.
Những yếu tố không thể thiếu của giáo dục kỷ nguyên 4.0 là phương pháp quản lý và giáo viên. Phương pháp quản lý giáo dục và người thầy cần phải được thay đổi theo những tiêu chuẩn mới. Cách quản lý vẫn còn đang ở mức 1.0, 2.0 hay dù tới 3.0 đều sẽ bị đào thải. Phương pháp quản lý nhờ vào các công cụ, phần mềm thông minh, công nghệ thông tin sẽ thúc đẩy chất lượng giáo dục. Cách quản lý hành chính, sổ sách đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của nó nếu không muốn nói là đã quá lạc hậu, không hiệu quả. Quản lý giáo dục cần được số hóa, nhà quản lý giáo dục cần có tâm huyết, đổi mới tư duy chỉ đạo, khả năng thích ứng, luôn luôn tiếp cận và tiếp thu cái mới, giỏi công nghệ thông tin...
Người thầy thời 4.0 nếu không bắt kịp với nhịp độ phát triển của công nghệ, thiếu thay đổi chính mình sẽ tụt hậu. Từ dạy học theo lối truyền thụ kiến thức nặng nề chuyển sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học cho thấy thầy cô giáo cần phải đổi mới chính mình. Đó là kỹ năng sử dụng các thiết bị tiên tiến trong dạy học, khai thác triệt để internet phục phụ cho bài giảng, nhanh nhạy với thông tin mới, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin, trang bị những phương pháp dạy học hiện đại, những kỹ thuật dạy học tích cực... Người thầy hôm nay không chỉ có kiến thức giỏi, năng lực sư phạm tốt mà còn phải thấu hiểu hoàn cảnh, tâm sinh lý học sinh mới đem lại cho các em niềm tin, sự yêu thương, sự phấn đấu, khuyến khích học sinh tự học, tìm tòi, tư duy sáng tạo, phát triển năng lực.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, đặt giáo dục trước những thử thách vô cùng lớn, đầy cam go, không có thời gian để chúng ta chờ đợi và lựa chọn. Giáo dục khai phóng được coi là nền tảng để xây dựng con người. Chính vì thế, bắt nhịp và hành động ngay là yêu cầu cấp bách đối với các nhà trường hiện nay.
Đào Khởi
Theo baodongnai
Lộ diện 15 gương mặt vào chung kết Olympic tiếng Anh Trải qua hai vòng thi, Cuộc thi Olympic Tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ năm 2019 đã chọn ra 15 gương mặt xuất sắc nhất để tranh tài trong vòng chung kết toàn quốc sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Cuộc thi Olympic Tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ năm 2019 do T.Ư Đoàn phối hợp với Hệ thống...