‘Thà cô chết chứ không để trò chết’ vào đề thi Văn lớp 11
Học sinh lớp 11 tại Lâm Đồng có dịp thể hiện suy nghĩ về câu nói của 4 cô giáo cứu 13 học sinh mầm non khỏi lũ dữ tại Phú Yên ngày 13/12 vừa qua.
Lời tâm sự “ Thà cô chết chứ không để trò chết” của các giáo viên trường Mầm non An Hiệp (huyện Tuy An, Phú Yên) đã xuất hiện trong đề thi học kỳ môn Ngữ văn lớp 11 của trường THPT Lộc Phát (thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).
Đề thi yêu cầu học sinh viết đoạn văn (khoảng 100 chữ) trình bày suy nghĩ về tâm sự nói trên của 4 cô giáo trường mẫu giáo An Hiệp.
Đề thi học kỳ môn Ngữ Văn lớp 11 được trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng đăng tải trên trang web của trường. Ảnh chụp màn hình.
Câu hỏi này được đánh giá mang tính nhân văn cao, tạo cho học sinh hiểu được cấu trúc của đoạn văn nghị luận. Qua đó, các em có dịp thể hiện nhận định và đánh giá của bản thân về hành động dũng cảm, yêu thương học trò của 4 cô giáo mầm non.
Trước đó, như Zing.vn đưa tin, khoảng 12h30 ngày 13/12, lũ lớn từ trên núi ập về gây ngập sân trường Mầm non xã An Hiệp, huyện Tuy An.
Cô giáo Võ Thị Thu Sương – Hiệu trưởng trường Mầm non Mỹ Phú 2 – cùng cô Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Hòa và hai giáo viên Thái Thị Tuyết Hồng, Lê Thị Kim Hằng nhanh chóng thông báo phụ huynh đến đón học sinh. Tuy nhiên, chỉ 20 phụ huynh đến sớm đón kịp các cháu. 15 cháu cùng 4 cô bị mắc kẹt trong nước lũ cao hơn 1,5 m.
Trước tình thế nguy nan, 4 cô giáo mầm non ngâm mình trong nước lũ, đưa các học trò lên nóc tủ. Số cháu còn lại, các cô cho đứng trên vai, đu bám vào cửa sổ. Có cháu sợ hãi rớt xuống nước, cô giáo lại ngụp lặn vớt lên.
Các cô giáo cùng 15 học trò ngâm mình trong nước suốt gần 2 tiếng, khản giọng kêu cứu trong lũ dữ.
Đến 14h cùng ngày, lực lượng cứu hộ cùng người dân mới tiếp cận được hiện trường, chuyển 15 trẻ nhỏ và giáo viên đến nơi an toàn.
Cô giáo Thái Thị Tuyết Hồng chưa nguôi ám ảnh cảnh tượng bốn cô giáo cùng 15 cháu học sinh đu cửa sổ chống chọi với lũ dữ chờ cứu hộ. Ảnh: Minh Hoàng.
Video đang HOT
Sáng 17/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen bốn cô giáo mầm non nói trên.
“Thật cảm động trước suy nghĩ của các cô giáo: ‘thà cô chết chứ không để trò chết’. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi lời biểu dương, khen ngợi các cô giáo trường Mầm non xã An Hiệp và người dân địa phương đã tham gia cứu giúp các cháu”, trích thư của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo VNE
Làm vỡ gương xe và bài học về xin lỗi
Bạn trẻ học về xin lỗi từ năm lớp 2 nhưng do môi trường sống không giống kiến thức sách vở, nhiều em không thực hiện. Lời xin lỗi vốn bình thường lại trở thành "hiện tượng hiếm".
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh mẩu giấy dán vào cửa kính ôtô kèm nội dung: "Do vô tình đâm vào gương ôtô, cháu xin lỗi. Liên hệ với cháu qua số điện thoại... để cháu đền ạ. Do cháu không biết chủ ôtô là ai".
Người để lại dòng tin nhắn này là em Nguyễn Thế T., học sinh lớp 11, trường THPT Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng.
Hành động đẹp thu hút hàng nghìn lượt thích, bình luận khen ngợi vì như lời một độc giả, "cuộc sống có những điều nhỏ nhặt nhưng không phải ai cũng làm được".
Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Hồi tháng 10, một hành động tương tự cũng khiến cư dân mạng chia sẻ. Sau khi làm vỡ gương ôtô bên đường, người phụ nữ ở Hải Dương để lại lời xin lỗi kèm địa chỉ và số điện thoại của mình để chủ xe liên hệ.
Lời xin lỗi khiến mọi chuyện trở nên đơn giản hơn. Ảnh chụp màn hình.
Cũng trong tháng 10, nữ sinh Học viện Cảnh sát Nhân dân bất ngờ nhận được chiếc gương mới cùng lời xin lỗi của người làm gãy.
Trong cả 3 trường hợp trên, sau khi nhận lời xin lỗi, chủ xe đều tỏ ra vui vẻ và sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện.
"Ngay khi đọc lời nhắn, mình yêu đời hơn. Xã hội còn nhiều người tốt và có ý thức. Mình cũng gọi điện cho phụ nữ này và không bắt đền, chi phí sửa xe không nhiều", chủ nhân chiếc xe ở Hải Dương chia sẻ.
Nhiều người thừa nhận rằng họ gặp không ít trường hợp bỏ trốn sau khi gây thiệt hại và hy vọng ngày càng có nhiều người biết cách nhận lỗi, xin lỗi khi làm sai.
Độc giả Nguyễn Phong kể hàng ngày, anh bắt gặp rất nhiều chuyện bức xúc, từ giật vé số đến gây tai nạn rồi bỏ chạy. Có thể vì thế, hành động xin lỗi tưởng rất bình thường lại trở thành "hiện tượng lạ" và trở nên đáng quý.
Nhiều khi chỉ một lời xin lỗi đơn giản cũng có thể biến chuyện phức tạp thành đơn giản, "lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Nó cũng cho thấy thái độ sống có trách nhiệm giữa người với người.
"Con người nên dũng cảm nhìn nhận cái sai của mình và nói lời xin lỗi, sửa sai biết cách cảm ơn khi cần. Như vậy, người khác sẽ không gây khó khăn hay có tỏ ra nặng nhẹ với mình", bạn Nguyễn Văn Tiệp bình luận.
Xin lỗi - biết nhưng không thực hiện
Tuy nhiên, không ít người tỏ ra khó hiểu, thậm chí nghi ngờ vì cho rằng xã hội này hiếm ai chịu khó dừng lại chỉ để ghi một lời xin lỗi.
Theo lời TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), người trẻ bất ngờ trước hành động bình thường này vì không nhiều người làm điều tương tự, dù ai cũng biết cần xin lỗi khi sai.
Trên thực tế, bài học về nhận và sửa lỗi được đưa vào giảng dạy trong chương trình đạo đức lớp 2. Sách Giáo dục công dân lớp 6 cũng đề cập cách sống lịch sự, lễ độ, bao gồm việc biết xin lỗi đúng lúc. Nội dung này được nhắc lại trong phần Công dân với đạo đức ở môn Giáo dục công dân lớp 10.
Nội dung bài học về lời xin lỗi được đề cập đến trong sách bài tập Đạo đức lớp 2. Ảnh: Nguyễn Sương.
Tuy nhiên, dù được định hướng từ nhỏ, nhiều bạn trẻ vẫn quên mất cách nói lời xin lỗi và coi việc bỏ qua những sai lầm của bản thân là chuyện bình thường.
TS Trần Thành Nam cho rằng nguyên nhân nằm ở việc học sinh thiếu điều kiện, môi trường thực hành để biến kiến thức từ sách vở thành hành động thực tế, trở thành giá trị, thái độ sống của chính bản thân.
Ông cũng nhận định hiện nay, việc dạy môn Đạo đức và Giáo dục công dân ở trường mới chỉ dừng lại ở truyền đạt kiến thức, chứ chưa rèn luyện kỹ năng.
Cũng như một số môn học khác, việc thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành trong môn Giáo dục công dân không dễ. Giáo viên luôn muốn hướng người học áp dụng kiến thức sách vở vào thực tế nhưng quá trình đó có không ít khó khăn.
Cô Thu Phương, giáo viên ở Hà Tĩnh, lý giải vấn đề nằm ở hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, với thời lượng chương trình hiện tại, giáo viên chỉ đáp ứng được nhiệm vụ truyền đạt kiến thức. Trong khi đó, quá trình biến kiến thức thành kỹ năng cần đến thời gian cho các hoạt động ngoại khóa chứ không thể chỉ phụ thuộc tiết học trên lớp.
Thứ hai, những gì học sinh học ở trường và thực tế cuộc sống chưa ăn nhập. Rõ ràng, các em được dạy phải biết nhận lỗi khi mắc sai lầm nhưng nhiều người xung quanh, từ giáo viên đến bố mẹ lại không có thói quen nói lời xin lỗi.
Sự trái ngược này khiến kiến thức học được ở trường trở nên thiếu thuyết phục, hành vi đạo đức không thể trở thành thói quen đạo đức.
"Rõ ràng, học sinh tiểu học được dạy cảm ơn, xin lỗi và thực hiện điều đó rất tốt. Nhưng trong quá trình trưởng thành, các em không được người lớn uốn nắn, lại nhiễm thói quen không hay từ những người xung quanh nên quên luôn việc áp dụng bài học cơ bản này", nữ giáo viên giải thích.
Vì thế, việc tạo môi trường để học sinh thực hành kiến thức đạo đức rất quan trọng.
TS Trần Thành Nam cho rằng ít nhất, trong hai môi trường gần gũi nhất với trẻ là nhà trường và gia đình, mọi người phải tuân thủ những giá trị đạo đức cơ bản, tạo điều kiện để trẻ thực hành những gì được học từ sách vở.
Ngoài ra, nêu gương là biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất. Các trường hợp thực tế về xin lỗi như câu chuyện nam sinh Hải Phòng hay phụ nữ ở Hải Dương là những tấm gương cần được phổ biến tới người khác, đặc biệt là trẻ em.
"Hành động của T. bình thường nhưng hiếm gặp và nó cần được nhân rộng, ít nhất trong gia đình, khu phố, trường học", TS Nam nói.
Theo Zing
10 hành động đẹp và nhân ái của Kim Kardashian Bên cạnh nhiều anti-fan, có rất đông người yêu mến và ngợi ca bà xã Kanye West vì những công việc thiện nguyện của cô. Từ khi nổi tiếng, Kim đã đóng góp rất nhiều cho các quỹ từ thiện. Năm 2013, cô tổ chức buổi đấu giá trên eBay và quyên 10% số tiền kiếm được cho nạn nhân cơn bão Typhoon...