Texas kiện lệnh hoãn trục xuất của Biden
Tổng chưởng lý Texas đệ đơn kiện chống lại lệnh ngừng trục xuất người nhập cư trong 100 ngày được chính quyền Tổng thống Joe Biden ban hành.
Trong đơn kiện trình tòa án hôm 22/1, Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton cho hay bang sẽ phải đối mặt “hậu quả không thể khắc phục” nếu việc quyết định ngừng trục xuất của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) được thông qua.
Ông lập luận lệnh ngừng trục xuất vi phạm nghĩa vụ thực thi luật liên bang theo hiến pháp mà tổng thống phải tuân thủ. Paxton, một đảng viên Cộng hòa, cũng cho rằng việc ngừng thi hành hoạt động trục xuất là vi phạm thỏa thuận thực thi luật pháp mà bang và chính quyền cựu tổng thống Donald Trump đạt được hồi đầu tháng.
Tổng chưởng lý Texas phát biểu bên ngoài Tòa án Tối cao Mỹ ở thủ đô Washington hồi tháng 4/2016. Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Sau khi Biden nhậm chức hôm 20/1, các quan chức hàng đầu của DHS đã ban hành một bản ghi nhớ, yêu cầu ngừng một số vụ trục xuất để cơ quan này có thể xử lý tốt hơn với những thách thức tại biên giới Mỹ – Mexico trong thời gian đại dịch.
“Trong 100 ngày, bắt đầu từ 22/1, DHS sẽ dừng trục xuất đối với một số người không phải là công dân Mỹ, để đảm bảo một hệ thống thực thi nhập cư công bằng và hiệu quả, tập trung vào bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh biên giới”, trích thông báo của quyền Bộ trưởng DHS David Pekoske.
Động thái mở đầu gây tranh cãi này của chính quyền Biden cũng vấp phải phản đối của một số đảng viên Cộng hòa.
Vấn đề người di cư: Tân Tổng thống Mỹ thúc đẩy cải cách lớn
Vài giờ sau khi nhậm chức, Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thu hồi một số chính sách về người di cư gây tranh cãi nhất của người tiền nhiệm Donald Trump, mở ra hy vọng cho hàng triệu người đang trong diện cư trú bất hợp pháp tại Mỹ có cơ hội được cấp quy chế cư trú hợp pháp.
Người di cư Trung Mỹ tới trung tâm tiếp nhận ở McAllen, Texas, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Tại phòng Bầu dục, nhà lãnh đạo mới của Mỹ đã đặt bút ký sắc lệnh gỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân nhiều quốc gia Hồi giáo cũng như ngừng xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Với những người có quan điểm ủng hộ mở rộng chính sách nhập cư sau 4 năm chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa dân túy "Nước Mỹ trước tiên", đây được xem là quyết định đáng khích lệ. Tuy nhiên, những người ủng hộ nhìn nhận vào thực tế là những cuộc tranh cãi mới còn ở phía trước, mà cụ thể là vấn đề các nghị sĩ của hai đảng có cùng gạt bỏ những bất đồng để cùng nhau xem xét lại toàn bộ hệ thống nhập cư của Mỹ vốn được cho là "suy yếu" hay không khi có tới khoảng 11 triệu người nhập cư đang cư trú không giấy tờ tại nước này. Các cuộc thảo luận chỉ bắt đầu khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng.
Theo sắc lệnh ban hành năm 2017, Mỹ cấm công dân của các nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh vào nước này. Lệnh cấm đã gây ra phản ứng trái chiều từ dư luận quốc tế và khiến một loạt các toà án Mỹ ra phán quyết bác bỏ. Iran và Sudan sau đó đã được gỡ bỏ khỏi danh sách, song trong năm 2018, Tòa án Tối cao Mỹ đã bổ sung Triều Tiên và Venezuela vào danh sách này.
Trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông Biden đã ký sắc lệnh mới bảo vệ những người ôm "Giấc mơ Mỹ" - người nhập cư bất hợp pháp là trẻ em và những người được bảo vệ tạm thời khỏi nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ theo một chương trình mà chính quyền của người tiền nhiệm vẫn luôn tìm cách xóa bỏ nhằm hạn chế số người nhập cư.
Cùng với đó, ông Biden còn đảo ngược một trong những sắc lệnh của người tiền nhiệm nhằm thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm và trục xuất người di cư phi pháp, đồng thời áp đặt lệnh đình chỉ 100 ngày đối với hầu hết các trường hợp bị trục xuất. Quyết định của ông Biden đã nhận được sự tán thành từ những người ủng hộ nhập cư. Camille Mackler, người đứng đầu Nhóm luật sư ủng hộ người nhập cư - tổ chức được thành lập để chống lại lệnh cấm nhằm vào các quốc gia Hồi giáo, nhấn mạnh: "Đám mây đen trên đầu chúng ta đã bay đi".
Chủ tịch Cơ quan nhập cư và người tị nạn Lutheran, Krish O'Mara Vignarajah hoan nghênh điều chỉnh của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong vấn đề nhập cư: "Sau 4 năm xảy ra cái gọi là cuộc chiến trong vấn đề người nhập cư và người di cư, đây giống như bình minh của một ngày mới".
Trong khi đó, ứng cử viên được Tổng thống Biden chỉ định làm Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ, ông Alejandro Mayorkas cho biết ông Biden sẽ chuyển cho Quốc hội dự thảo cải cách luật nhập cư bao gồm các nội dung mà theo ông sẽ cải tạo hệ thống nhập cư suy yếu của nước này.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez bày tỏ hy vọng những nỗ lực nhằm thông qua cải cách trong hệ thống nhập cư vốn từng thất bại vào phút chót trước đây, sẽ thành công tại Quốc hội lần này. Theo dự thảo, những người nhập cư không có giấy tờ, nếu nộp thuế và không có tiền án tiền sự hoặc các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, sau thời gian làm việc hợp pháp 6 năm, có thể xin cấp quy chế cư trú dài hạn. Theo ông Menendez, dự thảo luật sửa đổi này cần nhận được 60 phiếu ủng hộ tại Thượng viện gồm 100 ghế để được thông qua. Điều này đồng nghĩa với việc đảng Dân chủ sẽ cần nhận được sự ủng hộ của cả các nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Cải cách chính sách nhập cư luôn là vấn đề nhạy cảm đối với thành viên đảng Cộng hòa - những người có quan điểm hoài nghi về các quy định hợp pháp hóa và một số người trong số đó sẽ tìm cách tái đắc cử trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2022.
Ông Menendez kêu gọi cộng đồng các doanh nghiệp, đặc biệt những công ty trong lĩnh vực công nghệ và trong lĩnh vực nông nghiệp vốn phụ thuộc nguồn nhân lực là người di cư, nhập cuộc để thuyết phục đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, ông Menendez lưu ý rằng mọi đề xuất cải cách sẽ cần thương lượng và thỏa hiệp.
Theo ông Sahar Aziz - Giáo sư luật thuộc Đại học Rutgers, quy chế cư trú hợp pháp của hàng triệu người nhập cư vào Mỹ là vấn đề lớn không được giải quyết trong hàng chục năm qua. Ông nhấn mạnh mỗi lần Tổng thống của đảng Dân chủ nỗ lực tìm kiếm một con đường cấp quy chế công dân cho người nhập cư, đảng Cộng hòa đều bác bỏ. Nhận định này dự báo tương lai không mấy sáng sủa về dự thảo luật nhập cư sửa đổi của Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.
Phe Cộng hòa hối thúc Biden đáp trả Trung Quốc Các lãnh đạo phe Cộng hòa hối thúc Tổng thống Biden cứng rắn hơn với Trung Quốc sau khi nước này áp trừng phạt với 28 quan chức thời Trump. Jim Risch, lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, hôm 21/1 cho biết việc Bắc Kinh trừng phạt 28 quan chức nước này đã thách thức "quyết tâm tiếp tục đi...