Tết thưởng một tiêu mười, tôi phải rút cả tiền tiết kiệm
Có mỗi khoản tiết kiệm nho nhỏ để phòng việc đột xuất, ốm đau, cần lo cho con cái, thế mà suốt cả tuần nay chồng tôi cằn nhằn đòi rút ra để “tiêu Tết cho sướng”.
“Rút tiền tiết kiệm đi, cả năm có mỗi cái Tết, tiêu cho sướng!”. Chồng tôi buông câu chốt ấy sau khi tôi thông báo mức tiền thưởng của mình và trao đổi với anh các khoản chi dùng, biếu tặng cần phải có Tết Nguyên đán này, đúng một tuần trước.
Tôi, cán bộ tầm tầm ở một cơ quan Nhà nước tự chủ tài chính, thu nhập hàng tháng chỉ vừa đủ để góp cùng chồng lo cho gia đình; còn chồng tôi có mức lương trung bình 15 triệu đồng/tháng. Ở giữa Hà Nội cái gì cũng đắt này, với thu nhập như chúng tôi, phải nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, trả góp ngân hàng mua nhà, nói về tài chính thì chưa bao giờ dư dả.
Tôi phải nhận làm thêm nhiều việc, căn ke từng chút khi chi tiêu, gom góp từng khoản thưởng trong năm của hai vợ chồng thì mới có thể có chút tiết kiệm dự phòng. Thế nên với tôi, khoản tiết kiệm này vô cùng quý, là “bảo hiểm” cho lúc có công việc đột xuất, khi trong nhà chẳng may có người bệnh nặng hay con cái cần những khóa học đặc biệt…
Năm nay, kinh tế khó khăn, chỗ chồng tôi chỉ có tháng lương 13, không thưởng thêm. Bên tôi còn ít hơn, chỉ thưởng tháng lương cơ bản; tổng cộng hai vợ chồng chưa được nổi 20 triệu đồng. Hai đứa tôi đều quê xa, cha mẹ già, anh em đông; với số tiền này, để lo đủ cái Tết thực sự đau đầu.
Tôi bàn với chồng thay vì đi máy bay về quê, cả nhà có thể túc tắc chạy xe, về muộn hơn chút nhưng bớt được một khoản. Tiền biếu Tết bố mẹ có thể giữ nguyên nhưng khoản mừng tuổi các cháu thì bớt đi, ý nghĩa tượng trưng là chính chứ có phải chạy đua đâu mà phải là 200 hay 500 nghìn đồng mỗi đứa.
Tôi cũng đề xuất, đồ sắm về quê ăn Tết năm nay tiết giảm lại. Thực tế những năm trước mua thùng to thùng nhỏ về nhưng ăn được mấy đâu, năm nào cũng thừa 2/3, sau Tết lại mất công gói gói buộc buộc mang đi, rồi cả tháng Giêng ăn đồ cũ đến phát sợ.
Video đang HOT
Chồng tôi nói, cả năm có mỗi ngày Tết, lại ở xa về, không quà cáp tươm tất được thì về làm gì. (Ảnh minh họa: Minh Đức)
Tôi cũng ý kiến rằng việc quà cáp thăm hỏi họ hàng ở quê có thể giản dị hơn; đi xa về, quan tâm và quý nhau, có món quà đưa tay là được. Lễ dâng nhà thờ họ cũng quý ở tâm mình, không phải đồ xịn quá. Ngay cả việc sắm đồ mới cho cả nhà, tôi cũng thấy không cần thiết khi trong tủ vẫn còn đầy đồ đẹp, đủ dùng.
Chồng tôi nghe vợ nói, nét mặt cứ xấu dần đi. Khi tôi nói xong, anh bảo: “Nói như em thì còn gì là Tết”.
Quan điểm của chồng tôi, tiền làm ra là để tiêu, hết lại kiếm. Tiền tiết kiệm thì cũng là tiền, không khác gì. Tết là dịp quan trọng, chính là việc dự phòng chứ đâu. Cả năm có mỗi ngày Tết, lại ở xa về, không tươm tất được thì về làm gì.
Chồng tôi bảo: “Ôm tiền để lúc chết mang theo xuống mồ à mà cứ khư khư như gà giữ ổ “.
Chúng tôi tranh cãi nhiều ngày nay. Tôi vẫn quyết tâm bảo vệ quan điểm của mình, vẫn cố gắng lo tròn mọi thứ. Còn chồng vẫn kiên định sẽ gom tiền thưởng, tiền lương tháng 2 của cả hai vợ chồng và rút một số tiền tiết kiệm ra. Anh nhất quyết không chấp nhận cái Tết này kém sang hơn những Tết trước; nhất định không nhượng bộ giảm các khoản quà cáp, mừng tuổi, thăm hỏi với tư tưởng “không để ai khinh mình ở Hà Nội về mà nghèo”.
Tôi thực sự mệt mỏi.
Nếu theo ý chồng tôi thì tiền biếu bố mẹ đôi bên là 20 triệu đồng; quà cáp về quê cho các cụ, lễ ban nhà thờ, đồ ăn Tết lặt vặt khoảng 15 triệu; mừng tuổi người già trẻ nhỏ 20 triệu; quần áo mới cho cả nhà tầm 3-4 triệu; các khoản khi về quê đi chợ, sắm cây sắm hoa 5-10 triệu… Cộng cả tiền sắm Tết ở Hà Nội, đi lại, phát sinh (chưa kể quà sếp hay anh em bạn bè đồng nghiệp), cái Tết trong tính toán của chồng tôi là cả trăm triệu đồng, hoặc hơn.
Ra Tết, lương đã ứng tiêu hết. Tiền tiết kiệm cũng không còn. Tôi chỉ nghĩ đến cái cảnh đầu năm đã đi vay để trả ngân hàng, đã xoay mòng mòng lo tiền nộp học con, phải cân từng bữa đi chợ mua đồ mà thấy người rũ rượi muốn tụt huyết áp. Còn chồng tôi thì vẫn thấy mọi việc nhẹ tênh, kiểu ” cứ tiêu tạm thẻ tín dụng vài ngày, hơn 2 tuần lại có lương tiếp chứ sao đâu”.
Còn như ý tôi, chỉ cần Tết biếu bố mẹ 10 triệu thôi, sắm quà 5 triệu, mừng tuổi đầu xuân 5 triệu, về quê đi chợ trang hoàng nhà cửa các thứ 5 triệu, sắm Tết Hà Nội 5 triệu, đi lại dự phòng 15-20 triệu. Tất cả cộng lại bằng 1/2 mong muốn của chồng tôi, cũng là vừa vặn khoản thưởng Tết và ứng lương tháng 2 của gia đình. Như vậy, sau Tết, tôi có thể dùng một phần tiết kiệm khi chờ lương, mọi thứ vẫn đủ đầy, quan trọng gia đình vẫn được vui vẻ, đoàn viên, không phải phấp phỏng lo lắng.
Tôi nên kiên quyết bảo vệ quan điểm “Tết giản dị, đoàn viên để đời sống không nợ nần ” hay thuận theo chồng tôi “T ết hoành tráng nhất làng, tiền hết rồi lại kiếm” ?
Cầm 20 triệu thưởng Tết đi mua sắm, tôi sụp đổ khi chọn đồ xong thì phát hiện mất ví
Mất tiền, tiếc 1 phần, nhưng tôi sợ nhiều hơn.
Tôi 30 tuổi, kết hôn 6 năm nhưng mới được quyền "giữ két" 1 năm nay. Trước đó, đều là chồng tôi cầm tiền, anh là người tính toán, keo kiệt, lúc nào cũng nghiêm khắc trong mọi chuyện, đặc biệt là tiền bạc. Thế nên lúc lấy nhau về, anh nói để anh cầm tiền thì có sổ tiết kiệm, tôi còn trẻ, chưa biết giữ tiền, bản tính lại phóng khoáng, chẳng mấy mà chi tiêu hết.
Lúc đó tôi ngây ngô nghĩ tiền vợ hay tiền chồng thì cũng là để chăm lo cho gia đình, nếu chồng tôi khéo léo trong việc chi tiêu hơn thì để anh giữ cũng được. Từ đó, tôi đối mặt với việc lúc nào cũng trong tình trạng túi không có 1 đồng. Muốn mua cốc cà phê mà còn phải hỏi vay tiền đồng nghiệp vì chồng không cho tiền tiêu vặt. Anh bảo phụ nữ ăn ít thôi!!! Về sau, tôi nhận thêm công việc, số tiền kiếm được đó tôi để dành riêng. Còn tiền lương cứng thì nộp cho chồng.
Năm ngoái, khi được nhiều người tư vấn, góp ý nọ kia thì chồng đưa tôi giữ tiền. Thế nhưng anh luôn trong vai trò giám sát chặt chẽ. Một lần, tôi mua chiếc váy để mặc trong đám cưới đứa em họ, anh đã nổi giận, nói rằng việc chi tiêu phải được lên kế hoạch cẩn thận.
Biết chồng không bao giờ chấp nhận việc vay mượn, nhưng tôi vẫn phải loay hoay tính đến phương án đó. (Ảnh minh họa)
Lần khác, khi tôi mua cho con 2 hộp sữa bột và 1 thùng sữa nước, chồng cũng kêu lãng phí, nói con ăn uống được thì không cần phải cho uống nhiều sữa. Nói chung, chồng tôi chỉ thích tiết kiệm thôi. Vợ con chi tiêu gì cũng cảm thấy hoang phí.
Hôm qua, tôi cầm 20 triệu đi sắm Tết, khi ở quầy mua đồ về thắp hương ông Công ông Táo, tôi phát hiện ra mình bị mất ví. Khỏi phải nói, lúc đó tôi hoảng loạn thế nào. Cũng may giấy tờ tôi để trong ví nhỏ ở nhà nên chỉ mất tiền. Song đó là toàn bộ tiền thưởng Tết của vợ chồng tôi. Mất tiền, tiếc 1 phần, nhưng tôi sợ nhiều hơn. Sợ chồng biết thì anh sẽ giận dữ, thất vọng và có thể sẽ thu hồi không để tôi giữ tiền nữa.
Biết chồng không bao giờ chấp nhận việc vay mượn, nhưng tôi vẫn phải loay hoay tính đến phương án đó. Tôi không thể để gia đình thiếu thốn ngày Tết. Tôi cũng không thể sử dụng số tiền riêng của mình, vì nếu anh biết được, anh sẽ cho rằng tôi không tôn trọng quyết định chung của chúng tôi, "dám lập quỹ đen". Mỗi phương án đều khiến tôi đối diện với rủi ro. Nhưng tôi phải làm gì bây giờ?
Sau 5 ngày trong bệnh viện, bố tôi bạc trắng mái đầu vì nhận ra sai lầm của bản thân Trên đường từ bệnh viện về, bố còn bảo tài xế dừng lại để bố mua cho các cháu thùng sữa. Bố tôi rất keo kiệt, thời thơ ấu thiếu ăn thiếu mặc khiến ông dù sau này đầy đủ mọi thứ, vẫn giữ tính tiết kiệm đến mức hà tiện. Mẹ tôi nhiều lần kêu than vì chồng quá chi li tính...