Tết hàn Thực và những món ăn không thể thiếu trong ngày này
Không đơn thuần là những loại bánh quen thuộc trong tết Hàn thực, bánh trôi, bánh chay còn là nét văn hóa của người Việt.
Nguồn gốc của tết Hàn Thực
Ngày tết này ở Việt Nam bắt nguồn từ một phong tục của người Trung Quốc được lưu truyền cho đến ngày nay. Nguồn gốc của phong tục này liên quan đến câu chuyện vào đời Xuân Thu giữa vua nước Tần là Tấn Văn Công và hiền sĩ Giới Tử Thôi.
Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770 – 221 trước Công nguyên), vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở. Bấy giờ, có một hiền sỹ tên là Giới Tử Thôi, theo phò vua đã giúp đỡ nhiều mưu kế.
Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng 19 năm, cùng nhau “nếm mật nằm gai”. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết đem lòng cảm kích vô cùng.
Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công khi xưa, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình theo phò vua là chuyện nên làm. Ông cho rằng những việc đó đâu có gì đáng nói nên đã về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Nhưng vì là người không tham danh vọng, Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng.
Vì muốn thúc ép Tử Thôi quay về, Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng. Không ngờ Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng.
Nhà vua hối hận cho lập miếu thờ. Hàng năm, đến ngày 3/3 là ngày chết cháy của 2 mẹ con Tử Thôi thì cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước, đây được coi là ngày Tết Hàn thực.
Ý nghĩa của tết Hàn Thực
Ở Việt Nam, Tết Hàn Thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay và khi du nhập vào Việt Nam, ngày Tết Hàn Thực có ý nghĩa tâm linh khác. Tết tháng 3 tại Việt Nam, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng của người Việt. Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất.
Video đang HOT
Có thể khẳng định rằng, ý nghĩa ban đầu của Tết Hàn thực ở Trung Hoa đã có nhiều thay đổi khi du nhập vào Việt Nam. Giờ đây, ngày 3/3 Âm lịch trở thành một trong những ngày lễ được nhiều người chờ đón để bày tỏ tấm lòng với tổ tiên. Đây cũng là ngày các bà các mẹ dạy các con nhỏ nặn chiếc bánh từ bột gạo nếp dẻo thơm để gìn giữ một nét đẹp văn hoá lâu đời của người Việt. Bởi thế, bài thơ của Hồ Xuân Hương về chiếc bánh trôi đã in sâu trong tâm trí mỗi người Việt Nam ta:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Những món ăn không thể thiếu trong ngày tết Hàn Thực
Bánh trôi và bánh chay là hai món ăn không thể thiếu trong Tết Hàn thực của người Việt. Ngoài ra, trong ngày này, ở một số nơi, người ta còn có thể nấu xôi chè. Tại một số vùng ngoại thành Hà Nội và ở Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội), người dân nơi đây còn làm bánh nhót để lễ Phật và cúng gia tiên
Nhiều người cho rằng bánh trôi và bánh chay có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng cũng có tích kể lại rằng bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương. Tục làm bánh trôi, bánh chay để nhắc lại sự tích “bọc trăm trứng” của Âu Cơ.
Tuy bánh trôi, bánh chay là loại bánh dễ làm nhưng để có được viên bánh ngon, người làm bánh cũng phải lựa chọn nguyên liệu rất cầu kỳ. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải kén được nếp cái hoa vàng và pha theo tỷ lệ cứ 8 tám phần hoặc 9 phần nếp với 1 đến non 2 phần gạo tẻ.
Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường phên già. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên Dương Liễu, Cát Quê, với những miếng đường đỏ thắm, rắn đanh và giòn, hương thơm mát.
Bánh trôi được viên thành những viên tròn nhỏ, vừa miệng kèm một viên đường phên cắt nhỏ vuông thành, sắc cạnh làm nhân. Bánh nặn xong, thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh” thì vớt ra và ngâm trong nước lã đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi lại vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm thơm là.
Cũng làm từ chất liệu bột như bánh trôi nhưng kích thước của viên bánh chay thường to hơn với nhân bánh làm từ đậu xanh nấu chín trộn với đường và dừa nạo sợi. Muốn có viên bánh chay ngon, người ta thường chọn giống đỗ tiêu hạt nhỏ, thơm để làm nhân.
Bánh chay được đựng trong bát, chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi. Tùy nơi, người ta có thể rắc thêm chút vừng, hoặc dừa hay đỗ xanh lên mặt bánh.
Ngoài bánh trôi, bánh chay, một số tỉnh thành miền Bắc còn làm bánh quả nhót nhân tết Hàn thực. Cũng được làm từ bột nếp nhưng bánh nhót không có nhân. Tùy từng nơi mà sau khi luộc chín, bánh sẽ được xào qua với mật hoặc dính thêm vài hạt lạc bên ngoài bánh.
Ngày nay, xung quanh cách làm bánh trôi, bánh chay cổ truyền, còn có rất nhiều biến thể như bánh trôi hình chân mèo ngộ nghĩnh hay trộn bột bánh với lá dứa, gấc, khoai lang để có màu thật đẹp mắt. Bánh chay thay vì đậu xanh thì có thể là bánh chay bí đỏ, bánh chay nhân đậu đỏ…
Hạ Lam
Cần cúng gì trong mâm cúng Tết Hàn thực, các mẹ biết không?
Vào Tết Hàn thực, người Việt dâng bánh trôi bánh chay lên gia tiên với ý nghĩa hướng về tổ tiên, nhưng cúng như thế nào mới chuẩn thì không phải mẹ nào cũng biết.
Ai cũng biết rằng 3/3 âm lịch là Tết Hàn thực - một trong những ngày Tết chính của người Việt. Cứ vào dịp này, nhiều nhà thường đi mua hoặc cùng nhau nặn bánh trôi bánh chay để cúng tổ tiên.
Nhưng liệu mấy ai biết Tết Hàn thực xuất phát từ đâu và mâm cúng Tết Hàn thực gồm những gì?
Tết Hàn thực có từ đâu?
Xuất phát từ câu chuyện thời nhà Tấn ở Trung Quốc khi Tấn Văn Công không may đốt rừng thiêu chết trung thần phò tá mình 19 năm trời - Giới Tử Thôi.
Để tưởng nhớ Thôi, vua Tấn ban lệnh 3/3 - 5/3 âm lịch hàng năm dân phải kiêng đốt lửa, chỉ được ăn đồ nguội.
Dù không liên quan đến điển tích này của người Trung Quốc, nhưng người Việt xưa đã sáng tạo ra món bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng là món ăn nguội để thờ cúng tổ tiên, đất trời. Và vì thế, người Việt thường gọi mùng 3/3 âm lịch - Tết Hàn thực (ăn đồ ăn lạnh) là Tết bánh trôi bánh chay.
Vậy mâm cúng của Tết Hàn thực gồm những gì?
Theo truyền thống, mâm cỗ cúng dâng lên bàn thờ ngày 3/3 âm lịch này gồm hương, hoa, quả, trầu cau và 5 hoặc 3 bát bánh trôi cùng 5 hoặc 3 bát bánh chay.
Nhưng vì sao lại là 3 hoặc 5 bát bánh trôi, bánh chay? Lý do là bởi ông cha ta quan niệm số lẻ là số tâm linh.
Về mặt phong thủy, số lẻ tượng trưng cho may mắn (dương), còn số chẵn tượng trưng cho điềm xui (âm). Vì thế, người xưa thường dâng 3 bát hoặc 5 bát bánh trôi, bánh chay lên ban thờ nhà mình như thể hiện mong muốn cầu xin gặp được nhiều may mắn.
Ngoài ra, những đĩa bánh trôi, bánh chay tuy nhỏ nhưng tượng trưng cho những thức ăn nguội. Đó là sản vật từ mùa lúa bội thu dâng lên ông bà tổ tiên cũng như một lời cầu mong mưa thuận gió hòa.
Bên cạnh đó, việc nhiều người trong gia đình cùng quây quần sum tụ để cùng nhau nhào bột, nặn bánh cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc Việt ta.
Bánh trôi bánh chay: Hoa lá phủ màu Hoa lá đồi và rừng phủ màu lên màu bánh trôi bánh chay đây các bạn. Nhìn đã đẹp, ăn lại còn ngon và lành. Tết Hàn thực sắp tới rồi, mình cùng "phủ màu" với nhau nào! Đậu biếc giàu vitamin E lắm, cả đàn ông và đàn bà đều cần vitamin E. Đậu biếc nhuộm màu cho cơm, xôi, chè, các...