Test nhanh không xác định được người nhiễm nCoV
Xét nghiệm kháng thể nhằm phát hiện phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với nCoV, không phải phát hiện virus, dẫn đến trường hợp âm tính giả rất nguy hiểm.
Bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội từng xét nghiệm kháng thể âm tính, sau khi xuất hiện triệu chứng và xét nghiệm lại bằng RT-PCR thì dương tính. Giữa hai lần xét nghiệm, anh này di chuyển và tiếp xúc rất nhiều người. Điều này cho thấy mối nguy khi những người có âm tính giả chủ quan không cách ly đủ 14 ngày.
Bác sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết nguyên tắc của xét nghiệm nhanh nCoV là tìm kháng thể mà cơ thể tạo ra để chống kháng nguyên nhất định. Lượng kháng thể cao, xét nghiệm sẽ báo dương tính. Kháng thể cao hoặc do cơ thể sinh ra khi mắc bệnh hoặc có miễn dịch tự nhiên. Lúc này cần xét nghiệm thêm bằng phương pháp RT-PCR để khẳng định.
“Không dùng test nhanh kháng thể để khẳng định, vì bản chất của test là dùng để phát hiện kháng thể của người đã bị nhiễm và thường là khỏi rồi, chứ không phải phát hiện người mới nhiễm”, bác sĩ nhấn mạnh.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Huyết học – Truyền máu Trung ương, cũng khẳng định phương pháp xét nghiệm chính xác nhất là sử dụng kỹ thuật RT-PCR, còn xét nghiệm nhanh chỉ giúp phát hiện kháng thể của nCoV. Đây cũng là lý do đầu tiên khiến test nhanh không phù hợp để phát hiện người nhiễm.
“Dùng xét nghiệm nhanh phát hiện kháng thể mà đi tìm kháng nguyên là không đúng. Nếu dương tính, test nhanh không phản ánh việc người đó còn kháng nguyên trong cơ thể. Và nếu trước đó nhiễm thì hậu quả gây lây lan virus đã xảy ra rồi”, ông nói.
Ngoài ra, test nhanh không phù hợp vì luôn âm tính khi xét nghiệm sớm. Kết quả âm tính cũng không phản ánh liệu người đó có virus trong cơ thể hay không. Người nhận được kết quả âm tính test nhanh cho rằng không bị nhiễm virus, không còn mang virus, gây tâm lý chủ quan.
“Nếu người có virus trong cơ thể thì sẽ làm lây lan cho cộng đồng, là vấn đề nguy hiểm nhất. Nếu họ chưa nhiễm, có thể không phòng hộ đầy đủ, rồi nhiễm”, giáo sư Anh Trí cho biết.
Giáo sư Trí nhấn mạnh test nhanh không có giá trị sàng lọc để phát hiện nCoV trong cơ thể người về từ vùng dịch. Ông đề nghị các tỉnh, thành phố tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về sử dụng xét nghiệm sàng lọc người nhiễm và nghi nhiễm.
Video đang HOT
Nhân viên y tế Trung tâm y tế huyện Hải Lăng (Quảng Trị) lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho học sinh lớp 12 trở về từ vùng dịch. Ảnh: Hoàng Táo
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nghiêm Luật, Nguyên Trưởng Khoa Hóa sinh, Đại học Y Hà Nội, chuyên gia về xét nghiệm, cho biết thêm xét nghiệm kháng thể không xác nhận sự hiện diện của nCoV trong cơ thể, chúng chỉ cho biết bệnh nhân đang hoặc đã từng bị nhiễm bệnh. “Do đó, không quá ngạc nhiên khi nhiều trường hợp sau khi xét nghiệm kháng thể cho kết quả âm tính, sau đó xét nghiệm lại bằng RT-PCR cho kết quả dương tính”, ông Luật nói.
Hiện tại, xét nghiệm RT-PCR vẫn là chủ đạo, phát hiện xem hầu họng có virus hay không. Tuy nhiên, xét nghiệm phân tử RT-PCR lại không cho biết một người có miễn dịch do nhiễm nCoV trong quá khứ hay là chưa từng bị phơi nhiễm. Kết hợp giữa xét nghiệm phân tử RT-PCR và xét nghiệm kháng thể có thể cho biết sự tiến triển qua các giai đoạn của bệnh một cách cụ thể hơn.
Do đó, tùy từng trường hợp để sử dụng xét nghiệm phù hợp, như tình trạng bệnh nhân, yếu tố dịch tễ… để có phương pháp xét nghiệm phù hợp, tránh gây lãng phí và không bỏ sót ca nhiễm.
Các chuyên gia khuyến cáo, những người xét nghiệm sớm trước ngày thứ 14, nếu kết quả âm tính cũng không nên chủ quan tự phá vỡ các quy tắc cách ly. Thời gian ủ bệnh của hầu hết bệnh nhân là dưới 14 ngày. Tỷ lệ rất nhỏ thời gian này có thể dài hơn, do virus sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ âm thầm nhân lên đến khi đạt tải lượng nhất định mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng.
Do đó, các trường hợp về từ vùng dịch phải cách ly tuyệt đối 14 ngày để đảm bảo an toàn. Cán bộ y tế cũng cần lấy mẫu toàn bộ các trường hợp có dấu hiệu, triệu chứng và xét nghiệm cùng với những người về từ những ổ dịch đã xác định.
Ngày 6/8, một nhân viên xe buýt ở Hà Nội được Bộ Y tế ghi nhận là “bệnh nhân 714″. Người này từ Đà Nẵng về và trước đó, khi xét nghiệm kháng thể kết quả âm tính, song sau đó lại dương tính. Ngoài ra, hơn 70.000 người được test nhanh và âm tính, “vẫn còn xác suất tồn tại người nhiễm bệnh chưa được phát hiện”, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát toàn bộ số người về từ Đà Nẵng, Quảng Nam… để cách ly y tế tại nhà. Tất cả các trường hợp về từ Đà Nẵng từ 15/7 đến nay, dù đã test nhanh cũng phải làm xét nghiệm PCR để khẳng định, tránh để lọt ca bệnh ra cộng đồng.
Hiểu đúng về các loại xét nghiệm nCoV
Hai phương pháp xét nghiệm nCoV hiện nay là xét nghiệm RT-PCR với kết quả mang tính khẳng định, và xét nghiệm nhanh có ý nghĩa sàng lọc.
Bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết xét nghiệm RT-PCR nhằm tìm virus trong các dịch xuất tiết đường hô hấp (mũi, hầu họng, khí phế quản, phổi) của bệnh nhân; còn xét nghiệm nhanh tìm kháng thể kháng lại virus, hình thành trong máu của bệnh nhân.
"Tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh, diễn biến lâm sàng và nguồn lực kinh tế mà chúng ta sử dụng một trong hai hoặc cả hai loại xét nghiệm trên cho bệnh nhân. Mỗi loại xét nghiệm đều có ưu, nhược điểm riêng", bác sĩ Tình nhấn mạnh.
Xét nghiệm RT-PCR cho phép xác định sự hiện diện của virus trong cơ thể, thường được chỉ định cho nhóm người bị phơi nhiễm trong vòng hai tuần đầu hoặc theo dõi quá trình điều trị các bệnh nhân đã được chẩn đoán nhiễm nCoV. Phương pháp này tốn kém về kinh tế, quy trình kỹ thuật phức tạp, thời gian chờ kết quả lâu.
Ngoài ra, những ngày đầu mới nhiễm, virus chưa nhân lên đủ lớn và chưa xuất hiện nhiều trong dịch đường hô hấp. Khi ấy kết quả xét nghiệm có thể âm tính mặc dù cơ thể đã bị nhiễm. Nếu kỹ thuật lấy mẫu, kỹ thuật bảo quản mẫu bệnh phẩm không đảm bảo, thì cũng cho kết quả xét nghiệm không chính xác. Hoặc, sau hai tuần bị nhiễm, xét nghiệm có thể từ dương tính chuyển thành âm tính đối với các trường hợp tự khỏi hoặc được điều trị khỏi.
Hiện nay, cả nước có 66 đơn vị được phép xét nghiệm khẳng định Covid-19. Công suất xét nghiệm tối đa khoảng hơn 30.000 mẫu bệnh phẩm một ngày. Ảnh: Quỳnh Trần
Xét nghiệm tìm kháng thể kháng virus trong máu (xét nghiệm nhanh) cho phép xác định việc bệnh nhân có đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm với virus hay không. Nếu người đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm thì trong máu sẽ có kháng thể kháng nCoV.
Xét nghiệm này thường chỉ định cho các trường hợp sau hai tuần bị phơi nhiễm, thời gian đủ để cơ thể sản xuất ra kháng thể. Kỹ thuật đơn giản, chi phí ít, cho kết quả nhanh nhưng nếu làm sớm trong hai tuần đầu khi cơ thể chưa sinh ra kháng thể thì kết quả vẫn âm tính mặc dù cơ thể đã nhiễm nCoV. Trong trường hợp kết quả dương tính, cũng không thể xác định được kháng thể được sinh ra trong lần nhiễm gần đây hay lần nhiễm trong quá khứ. Khi đó, cần làm bổ sung xét nghiệm RT-PCR để có khẳng định chính xác.
Ngoài ra, xét nghiệm nhanh còn để xác định xem cơ thể có kháng thể kháng lại virus chưa. Tuy nhiên, kháng thể thường hình thành sau hai tuần bị nhiễm.
"Có nghĩa là trong hai tuần đầu bị nhiễm, xét nghiệm nhanh vẫn âm tính mặc dù cơ thể đã nhiễm. Vì vậy, những ai đi từ Đà Nẵng hoặc từ vùng dịch về trong vòng hai tuần gần đây thì xét nghiệm test nhanh không có mấy giá trị, nếu âm tính cũng không được chủ quan", bác sĩ Tình phân tích.
Do đó, nếu xét nghiệm nhanh dương tính mà xét nghiệm RT-PCR âm tính thì có thể lý giải rằng người đó đã từng phơi nhiễm với nguồn lây hoặc đã từng nhiễm bệnh và khả năng lây bệnh cho người khác không còn.
Ngược lại, nếu xét nghiệm nhanh âm tính mà xét nghiệm RT-PCR dương tính, thì khả năng người đó mới bị nhiễm bệnh trong một vài ngày gần đây (
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng khuyến cáo những người xét nghiệm sớm trước ngày thứ 14, nếu kết quả âm tính cũng không nên chủ quan tự phá vỡ các quy tắc cách ly. Một người nếu bị nhiễm nCoV, virus sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ âm thầm nhân lên đến khi đạt tải lượng nhất định thì mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng.
"Quá trình âm thầm nhân lên của virus gọi là thời gian ủ bệnh", bác sĩ Cấp nói. Trong thời gian này, do virus chưa phát tán ra qua đường hô hấp nên các xét nghiệm vẫn có thể âm tính mặc dù cơ thể có virus. Những người này hoàn toàn có thể dương tính vào những ngày sau. Thời gian ủ bệnh của hầu hết bệnh nhân là dưới 14 ngày, nhưng vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có thể dài hơn.
Lấy mẫu máu test nhanh Covid-19 cho người trở về từ vùng dịch, tại Trạm y tế phường 5, TP Đông Hà, Quảng Trị, ngày 3/8. Ảnh: Hoàng Táo.
Hiện nay, vì lý do kinh tế, kỹ thuật và thời gian cho nên xét nghiệm RT-PCR không thể làm rộng rãi trong cộng đồng. Xét nghiệm nhanh hiện nay vẫn là công cụ hữu hiệu nhất giúp cho ngành y tế chống dịch.
Do đó, nếu một người đi qua vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với người bệnh, việc tự cách ly và theo dõi trong 14 ngày mới là điều quan trọng nhất. Ưu tiên xét nghiệm cho những người có triệu chứng hô hấp nhằm phát hiện các ca bệnh để điều trị kịp thời. Xét nghiệm sớm khi chưa có triệu chứng lâm sàng có rất ít giá trị, gây tâm lý chủ quan, không cách ly và có thể trở thành nguồn lây cho cộng đồng nếu những ngày sau đó họ trở thành dương tính.
Người đi về từ vùng dịch không nên vội vàng đi xét nghiệm ngay với tâm lý "để cho yên tâm". Nên thông báo cho y tế địa phương để vào danh sách giám sát và được hướng dẫn tự cách ly trong 14 ngày. Trong thời gian cách ly, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng, tiêu chảy... cần báo cho y tế để xét nghiệm sớm. Các trường hợp khác sẽ xét nghiệm vào ngày thứ 13-14 để khẳng định âm tính và đảm bảo an toàn trước khi tái hòa nhập cộng đồng.
"Việc cần làm nhất đối với mọi người lúc này là đeo khẩu trang, vệ sinh tay, tránh tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc tối thiểu 2 m, khai báo y tế đầy đủ để giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng", bác sĩ Tình khuyến cáo.
Hai người nghi mắc COVID-19 ở Hải Phòng có kết quả xét nghiệm âm tính Kết quả xét nghiệm hai người đàn ông ở Hải Phòng nghi mắc COVID-19 cho kết quả âm tính. Thông tin được bà Phạm Thu Xanh - Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết chiều 5/8. Ông N.V.Q (SN 1962), bảo vệ Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng trước đó có biểu hiện ho, sốt. Sáng nay sau khi...