Tên tuổi ‘Thống Nhất’ hơn nửa thế kỷ: Nơi thu ngàn tỷ, chỗ vật vã bỏ nghề
Điện cơ Thống Nhất , Xe đạp Thống Nhất, Diêm Thống Nhất, những cái tên gắn với thương hiệu “Thống Nhất” đến nay vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người. Có công ty thu lợi ngàn tỷ mỗi năm, nhưng cũng có doanh nghiệp đang gặp khó.
Thu về ngàn tỷ
Công ty Cổ phần Điện cơ Thống Nhất vừa công bố báo cáo tài chính quý 3 và ba quý đầu năm 2019 với doanh thu trong 9 tháng đạt 985 tỷ đồng, tăng 18,4% so với mức 832 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Trong các năm trước đó, doanh nghiệp này đều đặn thu về hàng trăm tỷ đồng doanh thu và hàng chục tỷ lợi nhuận mỗi năm. Thương hiệu Điện cơ Thống Nhất vẫn sống tốt trong hơn 50 năm qua.
Theo kế hoạch, Điện cơ Thống Nhất đạt doanh thu 1.031 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 86 tỷ trong năm 2019. Sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành 96% kế hoạch doanh thu và 95% kế hoạch lợi nhuận trước thuế của cả năm.
Doanh thu của Điện cơ Thống Nhất đã lên ngưỡng ngàn tỷ.
Điện cơ Thống Nhất là một trong những đơn vị sản xuất quạt điện lớn nhất Việt Nam, tiền thân là Xí nghiệp Điện khí Thống Nhất. Công ty được thành lập năm 1965 trên cơ sở sáp nhập 2 bộ phận sản xuất quạt điện của 2 xí nghiệp công tư hợp doanh Điện thông và Điện cơ Tam Quang, với nhiệm vụ chuyên sản xuất các loại quạt điện phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Một thương hiệu “Thống Nhất” khác cũng được giữ gìn và phát triển cho tới ngày nay là Xe đạp Thống Nhất của CTCP Thống Nhất. Đây là thương hiệu hoành tráng một thời. Trong thời gian dài, những chiếc xe đạp Thống Nhất được nhiều gia đình Việt xem như báu vật. Xe được cấp biển số, giấy chứng nhận không khác gì xe máy, ô tô ngày nay.
Xe đạp Thống Nhất cũng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử.
CTCPThống Nhất Hà Nội tiền thân là nhà máy xe đạp Thống Nhất, được thành lập ngày 30/6/1960. Đến tháng 9/1993, Xí nghiệp Xe đạp Thống Nhất chuyển thành Công ty Xe máy xe đạp Thống Nhất. Tháng 10/2004, Công ty xe đạp Viha và Công ty Xe đạp xe máy Đống Đa sáp nhập vào Công ty Xe máy xe đạp Thống Nhất.
Đến tháng 11/2005, công ty chuyển đổi mô hình, thành Công ty TNHH Nhà nước MTV Thống Nhất; tới tháng 1/2012 chuyển thành Công ty TNHH MTV Thống Nhất và hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con cho đến nay.
Video đang HOT
Xe đạp Thống Nhất từng là một tài sản lớn của gia đình Việt.
Đến đầu 2017, Xe đạp Thống Nhất chính thức thành công ty cổ phần. Trụ sở chính công ty đặt tại số 10B Tràng Thi, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm.
Trong 57 năm xây dựng và phát triển với thương hiệu vượt thời gian, Thống Nhất đã đưa ra thị trường hàng triệu sản phẩm phục vụ cho mọi đối tượng khách hàng, ở mọi lứa tuổi. Thương hiệu xe đạp Thống Nhất đã in sâu vào trí nhớ, thói quen tiêu dùng của nhiều người Việt.
Khó khăn phía trước
Đến nay, Xe đạp Thống Nhất vẫn dẫn đầu về sản xuất và kinh doanh xe đạp trong nước nhưng sức sống của thương hiệu không còn như xưa. Với slogan “Nghĩ đến xe đạp – nghĩ đến Thống Nhất”, doanh nghiệp muốn khơi dậy giá trị thương hiệu ngày nào. Song, việc tiêu thụ sản phẩm là không dễ bởi mức độ cạnh tranh quá lớn và lợi nhuận của thị trường xe đạp thấp.
Gần đây, doanh nghiệp cũng đã mở rộng kinh doanh, nhập bán xe đạp ngoại, đồ nội thất và cả hợp tác kinh doanh bất động sản nhờ sở hữu quỹ đất vàng lớn ngay tại trung tâm Hà Nội.
Xe đạp Thống Nhất mở rộng hoạt động kinh doanh, sang cả mảng bất động sản.
Một thương hiệu “Thống Nhất” khác cũng đang gặp khó là là Diêm Thống Nhất. Thương hiệu 63 năm tuổi đời này sắp bị khai tử sau khi ĐHCĐ bất thường của công ty đã thông qua hai nội dung quan trọng: dừng sản xuất diêm kể từ năm 2020 và hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPcom.
Diêm Thống Nhất ra đời từ năm 1956 với nhận diện quen thuộc là những bao diêm có hình chim bồ câu trắng trên nền trời xanh. Trước đây, sản phẩm chính của doanh nghiệp là diêm, nhưng sản phẩm này đã mất dần vị thế.
Cách đây một thập kỷ, mức tiêu thụ diêm lên tới 180 triệu bao mỗi năm thì cho đến nay chỉ còn chưa tới 100 triệu bao và được dự báo sẽ còn giảm mạnh trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Ngoài khó khăn trong việc tiêu thụ, việc sản xuất diêm que còn bị ảnh hưởng từ nguyên liệu sản xuất. Việc thu mua gỗ để sản xuất diêm vẫn rất khó khăn và nguồn cung ngày càng hạn chế và giá cao.
Sở dĩ tiêu thụ diêm sụt giảm là bởi người dùng đã chuyển sang dùng sản phẩm bật lửa nhiều tiện lợi hơn. Diêm Thống Nhất cũng mở sang sản xuất bật lửa, sản xuất bao bì, in ấn và kinh doanh thương mại… Tuy nhiên, hoạt động vẫn còn khó khăn.
Thương hiệu Diêm Thống Nhất sắp sửa bị xóa sổ.
Tiêu thụ bật lửa không cao như kỳ vọng ban đầu của công ty. Trong năm 2016, Diêm Thống Nhất đặt mục tiêu tiêu thụ 85 triệu chiếc bật lửa nhưng đến cuối năm, chỉ có 10 triệu chiếc được tiêu thụ. Trong năm 2017, sản lượng bật lửa tiêu thụ chỉ khoảng 11 triệu chiếc và năm 2018 là hơn 14 triệu sản phẩm.
Với việc xóa sổ hoạt động sản xuất diêm, Diêm Thống Nhất (DTN) quyết định sẽ chỉ tập trung vào sản phẩm bật lửa. Công ty đã dần xây dựng được các nhà phân phối nhưng có lẽ cần thời gian để số lượng tiêu thụ được như kỳ vọng.
DTN cũng sẽ hủy giao dịch trên sàn UPCoM và rút cổ phiếu khỏi thị trường chứng khoán theo yêu cầu của Ủy ban chứng khoán do số lượng cổ đông của công ty giảm xuống dưới 100.
H. Tú
Theo Vietnamnet.vn
Ngoài diêm, Diêm Thống Nhất còn gì để "cháy"?
Ngoài bài toán kinh doanh, Diêm Thống Nhất còn đang gặp vướng quanh câu chuyện đất đai. Dự án tại trụ sở hiện nay đang chậm trễ do đối tác. Trong khi hợp đồng thuê khu đất nhà xưởng mới lại đang vướng kiện tụng.
Sự thoái trào của những hộp diêm, sản phẩm mới khó bật vì hạn chế vốn
"Ngọn lửa Diêm Thống Nhất vẫn cháy mãi" - tiêu đề bản tin gần nhất trên website của Diêm Thống Nhất xuất hiện sau thông tin doanh nghiệp này dừng sản xuất diêm.
Trước đó, vào ngày 15/11/2019, công ty đã hoàn tất thủ tục lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Đại đa số lượng cổ phần có quyền biểu quyết (hơn 98%) nằm trong tay 18 cổ đông của CTCP Diêm Thống Nhất (mã DTN) đã đồng ý đối với tờ trình của HĐQT mà đại diện là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hưng về việc chấm dứt sản xuất diêm thông qua hình thức đưa ý kiến bằng văn bản.
Dù quyết định của ĐHĐCĐ là chấm dứt sản xuất diêm nhưng theo lãnh đạo công ty, công ty dừng việc tổ chức sản xuất trên dây chuyền thiết bị tại công ty do việc tổ chức sản xuất đại trà và xuất khẩu không còn hiệu quả. Thay vì đại trà, công ty vẫn sản xuất chọn lọc các sản phẩm diêm hộp Thống Nhất và diêm quảng cáo cho các khách hàng có nhu cầu.
Ước tính, năm 2019, doanh số của Diêm Thống Nhất chỉ đạt gần 70 triệu bao diêm, giảm hơn một nửa so với số lượng bao diêm bán ra hồi năm 2012. Đối mặt xu hướng thoái trào, doanh số mặt hàng truyền thống làm nên thương hiệu của công ty giảm rõ rệt.
Tổng doanh thu của Diêm Thống Nhất trong 6 năm qua vẫn tăng 20% nhờ mở rộng thêm hai sản phẩm: bật lửa và bìa carton. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ngày càng thu hẹp. Dù có sẵn lợi thế ban đầu tư thương hiệu, đưa ra một dòng sản phẩm mới đều đòi hỏi những khoản đầu tư ban đầu, nhất là khi công ty lựa chọn sản xuất.
Hoạt động sản xuất bìa carton đang tận dụng nhà xưởng cũ có sẵn không hoàn toàn phù hợp. Năng suất thấp và chi phí giá thành kém cạnh tranh khiến lo ngại tình trạng mất khách hàng vào tay đối thủ luôn thường trực. Như năm 2018 vừa rồi, công ty cho biết sản phẩm bao bì gặp khó khăn cả đầu vào và đầu ra. Trong khi nguồn cung và chất lượng nguyên liệu không ổn định, sản phẩm bao bì còn chịu sự cạnh tranh của các bên khi tình trạng bị mất khách hàng vào tay đôi thủ luôn thường trực. lợi nhuận tích lũy không nhiều trong khi cổ đông không góp thêm vốn mới, việc đầu tư sản xuất sản phẩm bật lửa vẫn nhỏ giọt, mỗi năm vài tỷ đồng. Công ty thừa nhận dù tăng trưởng nhưng thị phần bật lửa vẫn chưa đáng kể.
"Đất vàng" vướng kiện tụng
Trụ sở Diêm Thống Nhất tại Long Biên
Cùng với phương án chấm dứt sản xuất diêm, công ty cũng đã thống nhất sử dụng quỹ dự phòng tài chính (nay là quỹ đầu tư phát triển) để bù đắp tổn thất trong kinh doanh và hỗ trợ người lao động bị mất việc làm. Đến cuối năm 2018, số dư các quỹ này là 5,3 tỷ đồng. Nguồn vốn tích lũy hẹp dự kiến càng thêm hẹp.
Bên cạnh câu chuyện sản xuất kinh doanh, công ty còn đang vướng vào câu chuyện đất đai. Tại trụ sở hiện nay của nhà máy Diêm Thống Nhất, từ năm 2011, công ty đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp văn phòng - thương mại và nhà ở Thống Nhất. Công ty sẽ góp vốn bằng quyền sử dụng đất và khai thác mặt bằng. Trong tổng số tiền đặt cọc 30 tỷ đồng, Diêm Thống Nhất mới nhận 10 tỷ đồng. Đối tác xin gia hạn khoản tiền đặt cọc còn lại nhưng đến nay vẫn chưa chuyển tiền, dự án cũng chưa được triển khai thực hiện.
Cũng trong năm 2011, Tổng giám đốc của công ty khi đó đã ký và ứng trước tiền thuê đất tại Cụm Công nghiệp đa nghề Đông Thọ với số tiền hơn 11,82 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Địa ốc Sông Hồng. Tuy nhiên, phía công ty đã khởi kiện và yêu cầu được trả lại số tiền do hợp đồng được ký kết mà không có sự chấp thuận của ĐHĐCĐ dù giá trị hợp đồng tại thời điểm ký vượt quá 50% tổng tài sản. Đến nay, vụ kiện vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Tuy nhiên, câu chuyện di dời nhà máy cũ nhiều khả năng sẽ được khởi động lại. Trong đợt lấy ý kiến bằng văn bản vừa qua, các cổ đông đã thông qua phương án tăng vốn từ 20 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng. Giá phát hành bằng mệnh giá. Số tiền 28 tỷ đồng tăng thêm dự kiến sử dụng để "thực hiện kế hoạch di dời cơ sở sản xuất theo chủ trương của thành phố Hà Nội".
Diêm Thống Nhất giao dịch trên sàn UPCoM từ năm 2014. Cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp đã có sự thay đổi mạnh từ năm 2016 sau khi Tổng công ty Giấy Việt Nam đã thoái toàn bộ hơn 20% vốn. Số lượng cổ đông theo báo cáo hiện chỉ còn 45 người. Vì lý do này, 18 cổ đông với số cổ phần nắm giữ hơn 98% vốn đã tán thành việc rút cổ phiếu DTN khỏi sàn chứng khoán.
Với mức vốn điều lệ khiêm tốn, số cổ phiếu lưu hành chỉ 2,2 triệu cổ phiếu. Thanh khoản trên sàn của cổ phiếu DTN cũng gần như đóng băng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 11 vừa qua, giá cổ phiếu đã tăng vọt, cao gấp 5 lần sau các phiên giao dịch khiêm tốn 100 cổ phiếu sang tay.
Thanh Thủy
Theo Baodautu.vn
Diêm Thống Nhất chính thức bị khai tử sau 63 năm hoạt động Những bao diêm với hình chim bồ câu trắng vốn thân quen với nhiều thế hệ người dân Việt Nam trong suốt 63 năm qua sắp trở thành quá khứ. Ảnh: zing.vn Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty Cổ phần Diêm Thống Nhất ngày 15/11 quyết định "khai tử" sản phẩm diêm từ năm 2020. Công ty...