Tên lửa Triều Tiên và cái bắt tay gượng của ba ‘ông lớn’ Đông Bắc Á
Việc Triều Tiên bắn tên lửa từ một tàu ngầm ngoài khơi bờ biển phía đông nước này dường như đã khiến ba quốc gia Đông Bắc Á vốn có nhiều lục đục xích gần lại gần nhau hơn.
Ngoại trưởng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc gặp mặt tại hội nghị ngoại trưởng ở Tokyo. Ảnh: AP
Tại một hội nghị ở Tokyo vào hôm 24/8, ngoại trưởng ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã lên án kịch liệt vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu chế tạo những hệ thống vũ khí khó phát hiện nhằm tấn công Mỹ và đồng minh. Tên lửa này bay gần 500 km hướng về phía Nhật Bản, xa hơn rất nhiều so với những lần thử nghiệm trước đây, theo New York Times.
Căng thẳng giữa ba quốc gia Đông Bắc Á thời gian qua leo thang nhanh chóng với việc các tàu Trung Quốc liên tiếp ra vào vùng biển tranh chấp xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku do Nhật Bản kiểm soát ở biển Hoa Đông.
Tokyo trong khi đó phản đối chuyến thăm của các nhà lập pháp Hàn Quốc tới một quần đảo mà hai bên đều tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc thì chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận mà Hàn Quốc ký với Mỹ, đồng ý để Washington xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mà nước này cho rằng có thể được sử dụng để chống lại hệ thống tên lửa của Bắc Kinh.
Giới quan sát đánh giá vụ Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đã khiến ba nước nhanh chóng xích lại gần nhau.
“Việc Triều Tiên thử tên lửa đem đến cơ hội hiếm hoi giúp ba quốc gia tìm ra một số quan điểm chung nào đó”, ông J. Berkshite Miller, chuyên gia về quan hệ quốc tế từ Ủy ban Đối ngoại Mỹ, nhận xét.
Theo ông Scott A.Snyder, chuyên gia nghiên cứu bán đảo Triều Tiên thuộc Ủy ban Đối ngoại, nếu Bắc Triều Tiên không thử tên lửa, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc khó lòng ngồi chung một bàn đàm phán và “căng thẳng giữa ba nước sẽ tiếp tục gia tăng”.
Video đang HOT
‘Gượng gạo’
“Nhưng về dài hạn, nếu muốn tìm kiếm những điều kiện có thể đem lại ổn định thực chất cho khu vực, ba quốc gia vẫn cần phải hợp tác”, ông nhấn mạnh.
Vụ thử tên lửa của Triều Tiên diễn ra chỉ hai ngày sau khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu chương trình huấn luyện quân sự chung thường niên. Triều Tiên lên án tất cả các hoạt động quân sự như thế, coi đó là những cuộc tập dượt để tấn công Bình Nhưỡng và thường đáp lại bằng các vụ thử tên lửa hoặc sử dụng ngôn từ đầy hiếu chiến.
Tại cuộc họp báo cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết hành động của Triều Tiên là không thể tha thứ. Người đồng cấp Hàn Quốc, Yun Byung-se, khẳng định Seoul, Bắc Kinh và Tokyo cùng chia sẻ quan điểm cần “ngăn chặn các động thái khiêu khích từ Bình Nhưỡng”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố “Trung Quốc không đồng tình với chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên cũng như bất kỳ ngôn từ hay hành động nào làm leo thang căng thẳng trên bán đảo”. Song, ông tái khẳng định lập trường phản đối việc Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc.
Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm một phần cho những hành động hung hăng từ phía Triều Tiên. Một bài xã luận do hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua đăng tải còn lên án Mỹ và đồng minh đang đẩy khu vực vào thế nguy hiểm.
“Hành vi biểu dương sức mạnh quân sự không đem lại lợi ích gì ngoại trừ khiến Bình Nhưỡng trở nên lo lắng, tức giận và thêm phần khó đoán”, bài xã luận có đoạn.
Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, rất nhiều bài viết lại tập trung chỉ trích lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, miêu tả ông là một người nóng tính và không đáng tin cậy, đồng thời hối thúc chính phủ Trung Quốc cần mạnh tay hơn để kiềm chế Bình Nhưỡng.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng lên án nhà lãnh đạo Triều Tiên trong bài phát biểu nhân chuyến thăm các đơn vị quân đội tiền tuyến.
“Nếu tính đến các yếu tố như Triều Tiên có một hệ thống hoạch định quyết sách bất hợp lý dưới tay một nhà lãnh đạo độc tài và Kim Jong-un là một người khó đoán định thì khả năng cao là những mối đe dọa sẽ sớm thành hiện thực”, bà Park nói.
Các động thái khiêu khích của Triều Tiên gần đây được thực hiện vào đúng thời điểm Nhật Bản, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, đang thảo luận về tương lai quân sự sau 70 năm thi hành điều khoản hòa bình theo Hiến pháp thời kỳ hậu chiến. Năm ngoái, ông Abe thúc giục thông qua một loạt dự luật an ninh cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho hay Tokyo sẽ bắt đầu đào tạo các lực lượng làm nhiệm vụ ở nước ngoài, bao gồm cả những binh sĩ tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình.
Setsu Kobayashi, giáo sư luật tại Đại học Keio, gọi các chương trình huấn luyện quân sự mới là một bước ngoặt lịch sử và vi phạm Hiến pháp Nhật Bản. “Người dân các nước sẽ ngờ vực rằng Nhật Bản có thể trở thành một quốc gia hiếu chiến”, ông bình luận.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích lại nhận định những người Nhật Bản từng phản đối đạo luật an ninh dường như sẽ phải chấp nhận đường hướng mà ông Abe theo đuổi.
“Ngày càng nhiều mối nguy xuất hiện tại khu vực: một Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, một Triều Tiên đầy đe dọa đang tạo sóng gió cho con thuyền ông Abe chèo lái”, Jeff Kingston, giám đốc Chương trình Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Temple ở Tokyo, đánh giá.
Về cơ bản, ông Abe muốn sửa đổi điều khoản hòa bình trong Hiến pháp. Song, người dân cũng như nhiều thành viên Thượng viện, trong đó có cả liên minh cầm quyền của thủ tướng, nhiều khả năng sẽ phản đối ông. “Thậm chí khi môi trường an ninh bị đe dọa hơn nữa, việc đó cũng không hề dễ dàng”, Kingston nhấn mạnh. “Điều khoản hòa bình đã ăn sâu đến mức nó giống như bản sắc quốc gia”.
Phản ứng của người dân Nhật trước vụ thử tên lửa nhìn chung khá thờ ơ mặc dù một số nhà chính trị đã thể hiện thái độ phản đối kịch liệt. Ông Hideaki Monura, chủ tịch quận Aichi, miền Trung Nhật Bản, gọi vụ việc là một hành động khiêu khích nghiêm trọng.
Mức độ nghiêm trọng của việc Triều Tiên thử tên lửa có lẽ sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nữa để thẩm thấu vì dân chúng Nhật Bản dường như đã quá quen thuộc với chúng, cây bút Motoko Rich từ New York Times nhận xét.
“Đối với người dân Nhật, việc tàu Trung Quốc xuất hiện quanh quần đảo Senkaku đáng quan ngại hơn”, ông Tsuneo Watanabe, chuyên gia nghiên cứu tại Quỹ Tokyo, cho biết, đề cập đến việc Trung Quốc điều tàu tới quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. Còn vụ thử tên lửa của Triều Tiên “giống như phim hoạt hình”, ông nói.
Trần Việt
Theo VNE
Ngoại trưởng Nhật, Trung, Hàn gặp mặt lúc căng thẳng tăng cao
Ngoại trưởng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc hôm nay bắt đầu cuộc gặp dài hai ngày trong bối cảnh căng thẳng giữa ba bên tăng cao liên quan đến một số vấn đề trong khu vực.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (giữa) bắt tay hai người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Hàn Quốc Yun Byung-se tại Tokyo, ngày 23/8. Ảnh:AFP.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và hai người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Hàn Quốc Yun Byung-se cùng ăn tối tại một khách sạn ở Tokyo trước khi bắt đầu hội đàm chính thức vào ngày mai, AFP đưa tin. Ba ngoại trưởng bắt tay, mỉm cười trước ống kính và không ai phát biểu trước bữa ăn.
"Việc ngoại trưởng của ba nước có vai trò lớn trong khu vực cùng gặp mặt, thẳng thắn trao đổi quan điểm rất quan trọng", Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu với báo giới trước đó.
Ngoại trưởng Kishida còn có kế hoạch gặp song phương ông Vương và ông Yun.
Cuộc gặp ba bên, lần đầu tiên kể từ tháng 3/2015, diễn ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) tổ chức đầu tháng 9 tại Trung Quốc.
Đây cũng là thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản tăng cao, liên quan đến quần đảo hai bên có tranh chấp là Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi đó, Bắc Kinh và Seoul có bất đồng về việc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ đến Hàn Quốc. Quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản cũng dễ dàng trở nên căng thẳng vì Tokyo từng tấn công Seoul trong quá khứ.
Như Tâm
Theo VNE
Nhật triệu đại sứ Trung Quốc cảnh báo về quan hệ song phương Nhật Bản hôm nay triệu đại sứ Trung Quốc tại nước này cảnh báo quan hệ song phương đang xấu đi vì những hành động của Bắc Kinh trên biển Hoa Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Reuters. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói với Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa rằng môi trường xung quanh...