Tây Ban Nha sẽ vượt Nhật Bản thành nước thọ nhất thế giới năm 2040
Lối sống lành mạnh của người Địa Trung Hải là lý do chính khiến Tây Ban Nha đang dần trở thành quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới.
Theo dự báo của viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) ở Seattle (Mỹ), trong những năm tới, mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe và tuổi thọ của con người là béo phì, huyết áp cao và tiểu đường, các chất kích thích, đồ uống có cồn…
Tờ Guardian dẫn lời tiến sĩ Christopher Murray, giám đốc IHME tại Đại học Washington (Mỹ): “Người Tây Ban Nha cần phải giảm thiểu mức độ sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên nhìn chung, các chỉ số đo lường cho thấy sức khỏe của họ đều đang ở mức tốt”.
Ông cũng cho biết thêm tuổi thọ trung bình dự kiến của người Tây Ban Nha vào năm 2040 là 85,8 tuổi. Con số này sẽ còn tăng nữa nhờ chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh hiện tại.
Một cửa hàng thực phẩm hữu cơ tại Bilbao, Tây Ban Nha.
Theo biểu đồ từ nhóm nghiên cứu của IHME, năm 2016, Nhật Bản đứng vị trí đầu bảng với tuổi thọ trung bình là 83,7 tuổi. Tây Ban Nha đứng vị trí thứ 3 với con số 82,9 tuổi.
Với thói quen ăn uống, sinh hoạt như hiện tại, IHME dự báo vào năm 2040 Tây Ban Nha sẽ thay Nhật Bản giữ vị trí số 1 với mức tuổi thọ trung bình là 85,8 tuổi.
Một trong những nguyên nhân khiến đất nước Phù Tang bị thay thế vị trí là do tỷ lệ người hút thuốc lá và béo phì ngày một gia tăng tại quốc gia này.
Biểu đồ dự báo tuổi thọ của các nước trên thế giới vào năm 2040 được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu IHME.
Cũng theo biểu đồ nghiên cứu, đất nước thuộc khu vực Đông Nam Á là Singapore thuộc top những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao. Năm 2016, Singapore cùng Thụy Sĩ chỉ xếp sau Nhật Bản với tuổi thọ khoảng 83,3 tuổi. Năm 2040, tuổi thọ trung bình của người Singapore có thể sẽ đứng sau Tây Ban Nha và Nhật Bản với con số là 85,3 tuổi.
Nhóm nghiên cứu của viện IHME đã thống kê các chỉ số và đưa ra dự báo về tuổi thọ trung bình của 195 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, nhóm này cũng công bố những nguyên nhân tiêu cực, tích cực ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ con người.
Theo ông Murray, những chỉ số sẽ được cải thiện nhờ chính sách chăm sóc sức khỏe người dân của các quốc gia. Các nước nên giảm thiểu tình trạng hút thuốc lá, béo phì, cải thiện nguồn nước và mức độ ô nhiễm không khí.
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, người dân Anh có khả năng tăng tuổi thọ từ 80,8 tuổi vào năm 2016 lên 83,3 tuổi vào năm 2040 và xếp vị trí 26 trong bảng xếp hạng trên thế giới.
Video đang HOT
Tuổi thọ trung bình của người Mỹ chỉ tăng nhẹ từ 78,7 tuổi lên 79,8 tuổi vào năm 2040. Một trong những nguyên nhân ngày càng nhiều ca tử vong ở nước này là do sử dụng thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện.
Các quốc gia châu Phi thuộc nhóm có tuổi thọ thấp nhất thế giới. Quốc gia xếp cuối là Lesotho, thuộc miền nam châu Phi, dự kiến người dân nước này sẽ có tuổi thọ 57,3 tuổi vào năm 2040.
Nghèo đói và dịch bệnh khiến người dân một số nước châu Phi có tuổi thọ trung bình thấp. Ảnh: Kate Holt.
Cũng theo bảng dự báo, công dân Cộng hòa Trung Phi có tuổi thọ trung bình là 58,4 tuổi, Zimbabwe trên 61,3 tuổi và Somalia khoảng 63,6 tuổi. IHME đang cảnh báo rằng, sự trở lại của vấn nạn HIV/AIDS là nguyên nhân chính làm giảm tuổi thọ của người dân tại một số quốc gia châu Phi.
Vị đại diện IHME cho hay sự cách biệt giữa các quốc gia đứng đầu bảng và cuối bảng là rất lớn. Tại nhiều quốc gia nghèo và đang phát triển, người dân có mức thu nhập thấp, hưởng nền giáo dục và chế độ phúc lợi xã hội không tốt, điều này dẫn đến chất lượng cuộc sống của họ không được đảm bảo.
Ông bày tỏ sự mong muốn về việc cải thiện tuổi thọ trung bình của người dân ở mọi quốc gia được đồng đều. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng việc giảm thiểu tình trạng hút thuốc lá và nâng cao chế độ ăn uống sẽ giúp nâng cao tuổi thọ đáng kể.
Theo Zing
Điều gì xảy ra khi tuổi thọ con người đạt ngưỡng 130?
Ước mơ "trường sinh bất lão" là chính đáng, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi tuổi thọ bình quân đạt ngưỡng 130, kể cả các tác động xã hội lẫn cách sống của người trong cuộc?
Ước mơ trẻ mãi không già sẽ trở thành hiện thực?
Truyền thuyết và thần thoại cổ đại đã từng lan truyền về ước muốn trẻ mãi không già của các vị thần. Ví dụ, Zeus (thần Dớt) đã được yêu cầu ban cho hoàng tử Tithonus trường thọ đời đời, nhưng điều này đã không đạt được và cuối cùng Tithonus đã già đi và héo mòn. Ước muốn về sự bất tử thường được đề cập trong văn học, nghệ thuật.
Chẳng hạn cuốn tiểu thuyết đầy kịch tính của Simone de Beauvoir, All Men Are Mortal (Mọi người đàn ông đều bất tử), đã đề cập về một người đàn ông Italia thế kỷ 13, Fosca kể về sự bất tử của ông cho một nữ diễn viên hồi thế kỷ 19 nghe. Fosca ước muốn sức mạnh, tiền bạc, gia đình và tình yêu nhưng chính sự bất tử lại phá hủy mọi thứ.
Kết thúc câu chuyện, Fosca cho rằng mọi thứ đều có giới hạn của nó, nói cách khác, con người chỉ nên ước mơ tới tuổi thọ cao chứ không hề có chuyện bất tử.
Sau hàng ngàn năm tìm kiếm Chén Thánh (công cụ mà Chúa Jesus sử dụng tại Bữa tiệc biệt ly, nghe đồn nó chứa đựng nhiều sức mạnh và quyền lực vô biên) không nghỉ và không mang lại kết quả, sự hấp dẫn của sự bất tử đã không còn sức hấp dẫn nên người ta đã tìm đến với nhiều thực tế hơn.
Tiên phong có giải pháp lạnh đông cơ thể để có cơ may hồi sinh trở lại sau nhiều thế kỷ. Giáo sư Robert Ettinger ở ĐH Michigan, Mỹ, là người đã đề xuất kỹ luật lạnh đông cryonics trong nghiên cứu mang tên The Prospect of Immortality (Triển vọng bất tử) cho rằng con người có thể đảo ngược được cái chết.
Năm 2011, Ettinger đã qua đời, xác ông được bảo quản tại Viện Cryonics ở Michigan cùng với mẹ và hai bà vợ của mình trong một chiếc bình kim loại, nhiệt độ lúc nào cũng -1960C. Nhiều người tin rằng thay vì bất tử, nhờ khoa học phát triển tuổi thọ con người sẽ được nâng cao. Bằng chứng, trong vòng vài thế kỷ trở lại đây, tuổi thọ con người đã được cải thiện đáng kể. Ví dụ, trong thế kỷ 20 tuổi thọ trung bình đã đạt tới ngưỡng 70 mà vẫn khỏe mạnh.
Kỹ luật lạnh đông cryonics giúp con người có cơ hội tái thế
Tuổi thọ tương lai của con người sẽ là bao nhiêu?
Trước thế kỷ 19, tỉ lệ người chết trẻ cao hơn nhiều so với hiện nay, tình yêu hôn nhân chỉ đạt tối đa 10 - 20 năm, nhưng từ năm 1840, tuổi thọ trung bình đã tăng khoảng 3 tháng mỗi năm.
Vì vậy, mỗi năm một người sẽ sống lâu hơn ba tháng so với những người sinh ra một năm trước đó. Thụy Điển một trong những quốc gia giữ được hồ sơ nhân khẩu học rất tốt, tài liệu cho thấy tuổi thọ phụ nữ năm 1840 là 45 nhưng đến nay tuổi thọ của họ đã tăng tới 83.
Tuổi thọ giữa các vùng cũng có sự khác biệt, ví dụ người sinh ra ở Ma-rốc cuộc sống hoàn toàn khác với ngườiCanada. Hay ở Sierra Leone và Nhật Bản hoàn toàn khác nhau. Tại Sierra Leone tuổi thọ trung bình là 50,1 năm còn ở Nhật lại cao tới 83,7 năm vì vậy giới nhân khẩu học tin rằng với những đột phá khoa học và y học cùng với những thay đổi về lối sống, tuổi thọ con người có thể vượt qua ngưỡng 100.
Năm 2013, Trung tâm nghiên cứu Pew (PRC) đã khảo sát hàng ngàn người Mỹ và phát hiện thấy ước muốn sống lâu không rõ ràng. 1/3 không muốn sống tới 80, và 56% nói rằng họ không muốn sống tới 120 tuổi, chỉ có 8% muốn sống hơn 100 tuổi. Tại sao con người lại không muốn sống lâu hơn, câu hỏi chứa đựng nhiều bí ẩn PRC vẫn chưa giải thích được.
Hiệu ứng tiêu cực khi con người sống thọ hơn?
Câu chuyện của hoàng tử người Hy Lạp Tithonus như đề cập ở trên đã không trường thọ vĩnh cửu mà thay vào đó, phát triển theo quy luật già nua, héo mòn. Từ bài học này, người Hy Lạp cổ đại nhận ra rằng, sự bất tử không có giá trị nếu con người không có sức khỏe và hạnh phúc.
Lão hóa nói chung liên quan đến sự thoái hóa sức khỏe, sự mất cân bằng thể chất, chính điều này khiến mọi người không muốn sống lâu. Ngoài ra còn phải kể đến các yếu tố khách quan như hôn nhân, kinh tế, con cái và các mối quan hệ xã hội khác, nhất là trong bối cảnh cuộc sống hôn nhân đang bị tác động mạnh như hiện nay.
Trường thọ phải đi đôi với khỏe mạnh và hạnh phúc
Theo các chuyên gia nhân khẩu học, xã hội sẽ ra sao nếu số người thọ trên 100 tăng nhanh, và khi dân số ngày càng lão hóa mạnh, trong khi đó tỉ lệ sinh đẻ lại giảm. Việc chăm sóc người già sẽ ra sao nếu nó vượt qua khả năng của xã hội hiện tại?
Zoltan Istvan một nhà triết học kiêm siêu nhân học người Mỹ gốc Hung, tác giả cuốn The Transhumanist Wager cho rằng, nếu chúng ta sống trên 130 năm, xã hội về cơ bản sẽ thay đổi rất lớn, con người sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về phúc lợi xã hội và hưu trí. Nó vượt qua khả năng của con người nếu duy trì cách quản lý như hiện nay.
Zoltan Istvan đại diện cho cộng đồng "transhumanism" (siêu nhân học), những người tham gia trào lưu này tin rằng, công nghệ có khả năng biến đổi cơ thể và tâm trí con người. Istvan theo đuổi trào lưu này giống như các ứng cử viên tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng Mỹ.
The Transhumanist Wager được hoàn thành trong 5 năm trong đó Istvan nhấn mạnh đến giấc mơ bất tử và ủng hộ sự phát triển trí tuệ nhân tạo và tin rằng, với sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ trở thành hiện thực và giúp con người hoàn thành giấc mơ trường sinh bất lão.
Những giải pháp giúp con người sống thọ hơn?
Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến giữa thế kỷ 21, số người trên 60 tuổi của thế giới sẽ đạt con số trên 2 tỉ. Để đối phó với thực trạng này, nhiều quốc gia đã áp dụng một số giải pháp tình thế để tái cơ cấu xã hội, tăng tuổi nghỉ hưu, cải tổ chế độ đóng bảo hiểm, cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn là duy trì chất lượng cuộc sống cho con người một cách bền vững thay vì các chi phí chữa bệnh hoặc chăm sóc tại nhà dưỡng lão. Đặc biệt, sử dụng công nghệ cao để nâng cao chát lượng cho người già.
Mặc dù không lệ thuộc hoàn toàn vào công nghệ nhưng trong vòng 50 hoặc 100 năm tới, công nghệ được xem "điểm nhấn" để tạo ra sự đồng bộ giữa sức khỏe cơ thể với sức khỏe não bộ, tiêu chí quan trọng để giúp nhóm người siêu thọ sống vui, sống khỏe và hạnh phúc.
Cấy ghép não có khả năng cải thiện trí nhớ cho con người còn exoskeleton (bộ khung xương) có thể tăng cường sức mạnh cho cơ thể, tăng cường đồng bộ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho con người. Nhờ các thiết bị hỗ trợ, người cao niên vẫn có thể làm được các việc nặng nhọc nhờ cấu trúc robot phức tạp này. Còn cấy ghép não có thể ngăn ngừa suy giảm thính giác và thị giác khi tuổi cao.
Ngoài các thiết bị nói trên, việc ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen hoặc cấy ghép nội tạng cũng sẽ được áp dụng. Ví dụ, chỉnh sửa gen hay máu của người trẻ cho người già sẽ có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa.
Năm 2014, hãng Organovo đã in thành công các mô gan và theo công ty này, trong vài thập kỷ tới, y học sẽ cho ra đời các bộ phận cơ thể quan trọng dạng rắn như gan, tim và thận. Các mô gan sinh học sẽ được Cơ quan Quản lý Thực & Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt cho phép sử dụng vào năm 2019.
Tương lai không xa, kỹ thuật ectogenesis được đưa vào ứng dụng để tạo ra em bé bên ngoài tử cung cùng với khả năng tải tâm trí con người lên máy tính hoặc loại bỏ giới tính tự nguyện sẽ hạn chế tình trạng sinh non... Với những tiến bộ này, tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh sẽ được hạn chế và tuổi thọ của con người sẽ được tăng lên đáng kể.
Công nghệ cho xã hội lão hóa hiện đang được giới khoa học quan tâm. Một số công nghệ y tế đã giúp con người duy trì sức khỏe thể chất, như RespondWell, sử dụng cảm biến hành vi Kinect giúp người dùng biết được sức khỏe bản thân để tư vấn bác sĩ, lên kế hoạch luyện tập phù hợp, hoặc tai TV Ears cho phép người khiếm thính nghe rõ tivi mà không cần tăng âm lượng hay Liftware, một dụng cụ thông minh hỗ trợ chuyển động và giúp tay bớt run tới hơn 70% giúp người trong cuộc thao tác dễ dàng hơn... Đây là những động lực rất quan trọng giúp giảm bớt gánh nặng trong xã hội lão hóa.
Để kết thúc bài viết và cũng là ý kiến của các các nhà tương lai học, con người đầu tiên sống trên 150 tuổi đã được sinh ra. Nếu điều này là sự thật, tương lai sẽ có thế hệ con người mới, thế hệ của những người siêu thọ. Điều này đồng nghĩa với trách nhiệm và hậu quả. Con người sẽ phải giải quyết đồng bộ những vấn đề phát sinh để chờ đón một cuộc sống siêu dài.
Trong khi công nghệ cung cấp nhiều trợ giúp, chính công nghệ lại hoàn toàn phụ thuộc vào cách mà chúng ta khai thác chúng và cách con người giải quyết vấn đề phát sinh liên quan đến tuổi thọ. Nhưng dù sao, ước muốn sống lâu và thịnh vượng của con người vẫn là chính đáng cần được cổ vũ.
Theo vietnamnet.vn
Gạo biến đổi gen có thể trở thành phương thuốc phòng HIV? Gạo GMO đã được phát triển để giải quyết suy dinh dưỡng và biến đổi khí hậu. Giờ đây, các nhà khoa học từ Mỹ, Anh và Tây Ban Nha đã phát triển một dòng mới để quản lý các triệu chứng HIV ở những quốc gia mà các loại thuốc truyền thống có thể khó tiếp cận. Một nhóm các nhà nghiên...