Tây Ban Nha: Rác thải sau lũ gây ô nhiễm khu bảo tồn ngập mặn đa dạng sinh học
Công viên thiên nhiên Albufera của Tây Ban Nha, một trong những khu bảo tồn ngập mặn đa dạng sinh học nhất châu Âu, đang bị ngập trong hàng tấn rác thải nhựa, ô tô hỏng và dược phẩm, do lũ quét tàn phá khu vực Đông Nam nước này hồi tháng trước.
Các tình nguyện viên thu gom rác thải và nhựa tại cảng Catarroja gần hồ Albufera, Catarroja, Valencia, Tây Ban Nha, ngày 30/11/2024. Ảnh: REUTERS
Đầm phá Albufera nằm ở phía Nam thành phố Valencia, là nơi sinh sống của ít nhất 372 loài chim cũng như một số loài cá nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, sau lũ, khu vực này ngập tràn tủ lạnh, bình xăng, bóng và các mảnh vỡ khác. Khu vực bị ảnh hưởng chiếm 2/3 trong diện tích 21.000 ha của Công viên thiên nhiên Albufera, bao gồm các cánh đồng lúa – vốn cung cấp nguyên liệu làm món cơm thập cẩm paella nổi tiếng của Valencia và đóng góp 17% tổng sản lượng gạo của Tây Ban Nha. Một số khu vực đang bị ô nhiễm do nước thải chưa qua xử lý từ các nhà máy đang ngưng hoạt động và hệ thống cống bị hư hỏng.
Giám đốc điều hành của tổ chức Greenpeace Tây Ban Nha, Eva Saldana lấy làm tiếc khi tận mắt chứng kiến một khu vực có giá trị về cảnh quan, văn hóa, kinh tế như vậy lại biến thành bãi rác thải độc hại.
Theo tòa thị chính Valencia, quá trình phục hồi sẽ tốn ít nhất 10 triệu USD. Báo cáo của tòa thị chính cho thấy các trận lụt chưa từng có đã làm mực nước đầm phá dâng cao thêm 1 mét với 120 triệu lít nước, tương đương 50%-70% lượng nước thường chảy vào hệ thống trong một năm.
Nhà nghiên cứu đứng đầu hội đồng quản lý công viên Albufera, Carles Sanchis cảnh báo dư lượng hóa chất đang ở mức cao. Tình trạng này đang gây thiệt hại nặng nề đối với các ngư dân và nông dân trồng lúa trong khu vực.
EC kêu gọi COP16 hành động khẩn trương
Các quan chức châu Âu coi trận lũ lụt nghiêm trọng ở Tây Ban Nha vừa qua là lời nhắc nhở về tác hại của việc con người phá hủy thiên nhiên, đồng thời kêu gọi các đại biểu đang tham dự Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về đa dạng sinh học (COP16) tại thành phố Cali (Colombia) hãy hành động.
Ô tô bị cuốn trôi chồng lên nhau trên phố sau lũ quét tại Valencia, Tây Ban Nha ngày 30/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Đặc phái viên của Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách về môi trường, bà Florika Fink-Hooijer, cho rằng thảm họa ở miền Đông và Nam Tây Ban Nha trong tuần này đã làm nổi bật mối liên hệ giữa sự phá hủy đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu do con người gây ra. Phát biểu với báo giới tại thành phố Cali, bà Fink-Hooijer nhấn mạnh: "Nếu chúng ta hành động vì đa dạng sinh học, ít nhất chúng ta có thể giảm bớt một số tác động đến khí hậu". Cũng theo bà, COP16 là nơi để các bên thực sự có cơ hội hành động.
Với khoảng 23.000 đại biểu đăng ký dự họp, hội nghị thượng đỉnh COP16 là cuộc họp có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Hội nghị bắt đầu từ ngày 21/10 với nhiệm vụ đánh giá và tăng cường tiến độ thực hiện các kế hoạch bảo vệ thiên nhiên, huy động ngân quỹ cho việc thực hiện 23 mục tiêu đã được LHQ nhất trí vào năm 2022 nhằm "ngăn chặn và đảo ngược" sự hủy diệt các loài vào năm 2030. Đây là sự tiếp nối Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal đã được 196 bên tham gia Công ước LHQ về đa dạng sinh học (CBD) nhất trí tại COP15 ở Canada 2 năm trước. Khung này đặt mục tiêu huy động 200 tỷ USD/năm vào năm 2030 để thực hiện các mục tiêu, trong đó có việc bảo vệ 30% diện tích đất liền và biển của Trái đất. Số tiền này bao gồm 20 tỷ USD/năm vào năm 2025 và 30 tỷ USD/năm vào năm 2030 quyên góp từ các nước giàu để chuyển sang cho các nước nghèo.
Hội nghị dự kiến kết thúc trong ngày 1/11 nhưng các cuộc đàm phán vẫn bế tắc về phương thức tài trợ. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã phải lên tiếng hối thúc các nhà đàm phán "đẩy nhanh" tiến độ.
Ông cảnh báo: "Thời gian đang trôi qua. Sự sống còn của đa dạng sinh học trên hành tinh chúng ta và cả sự sống còn của chính chúng ta đang bị đe dọa".
Mối nguy hại của rác thải bị tuồn trái phép từ châu Âu vào Đông Nam Á Buôn bán chất thải bất hợp pháp từ châu Âu đến Đông Nam Á đang trở thành hoạt động trái phép có lợi nhuận cao, rủi ro thấp và tác động nguy hại đến môi trường, nền kinh tế cùng sức khỏe con người. Rác thải nhựa của một trong những nhà máy giấy lớn nhất Indonesia. Ảnh: DW Theo một báo cáo...