Tật xấu “con gà tức nhau tiếng gáy” khiến học sinh lớp 6 đọc, viết như lớp 1
“ Bệnh thành tích rất dễ lây lan, không chỉ xảy ra ở một cấp, một ngành, do đó cần xử lý nghiêm khắc, quy trách nhiệm cụ thể”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Ngày 14/4, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Quý Khiêm – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự kiến đầu tuần tới (19/4), tỉnh sẽ họp các cán bộ quản lý giáo dục trên đại bàn triển khai các công việc cụ thể liên quan đến việc học sinh lớp 6 chưa đọc thông viết thạo như báo đã đưa tin trước đó.
Hiện tỉnh đang cho rà soát lại toàn bộ các trường học trên địa bàn tỉnh về tình trạng học sinh không đạt chuẩn về kiến thức và kỹ năng, xử lý nghiêm túc việc này.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao có rà soát, có kiểm tra mà vẫn xảy ra tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp nghiêm trọng? Để xảy ra vụ việc này, quy trách nhiệm cụ thể về ai, cơ quan nào?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho biết: “Chuyện xảy ra ở Đồng Tháp chỉ là một thí dụ mới nhất chứ không phải là trường hợp duy nhất có tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp một cách khôi hài mà chúng ta đã nhiều lần nhắc đến.
Vụ việc học sinh ở Đồng Tháp lên đến lớp 6 rồi vẫn đọc chưa thông, viết chưa thạo, theo tôi là nghiêm trọng. Bởi theo chương trình giáo dục phổ thông, sau khi kết thúc lớp 1 phải biết đọc thông, viết thạo. Như vậy, những học sinh này đã được nhảy cóc phi lý lên 5 lớp liên tiếp”.
Ông Lê Như Tiến nói thẳng, học sinh lớp 6 mà chưa đọc thông, viết thạo có trách nhiệm của giáo viên, nhà trường và cả phụ huynh. Ảnh: quochoi.vn
Theo ông Lê Như Tiến, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới sự việc này: “Đầu tiên, nguyên nhân chính là bệnh thành tích vẫn tồn tại ở rất nhiều cơ sở giáo dục đào tạo. Chất lượng đào tạo không tương thích với chủ thể được đào tạo, học sinh lớp 6 nhưng kiến thức chỉ được như lớp 1. Học sinh học kém nhưng vẫn đẩy lên lớp thì không có lý do nào ngoài bản chất chính xác là bệnh thành tích.
Thứ hai là nếu không phải bệnh thành tích thì đó chính là sự thiếu trách nhiệm của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Không thể có chuyện các cô sát sao, quan tâm, chăm lo học trò mà không biết rằng học sinh của mình rơi vào tình trạng này.
Bên cạnh đó, để sự việc xảy ra như vậy đó cũng có lỗi của phụ huynh. Chúng ta không thể giáo dục học trò đến nơi, đến chốn, nếu thiếu sự chung tay góp sức của phụ huynh học sinh. Hàng ngày, phụ huynh học sinh phải có trách nhiệm kiểm tra xem con em của mình học hành như thế nào. Chưa đọc thông, viết thạo mà lên tới lớp 6 thì phụ huynh phải biết chuyện này xảy ra chứ”, ông Tiến chia sẻ.
Để một học sinh có môi trường học, kiến thức học tập đầy đủ là sự kết hợp giữa nhà trường, thầy cô, phụ huynh và chính các em học sinh. Do đó, thiếu đi một trong các yếu tố này thì sản phẩm trí tuệ không thể được như mong muốn.
Vậy nếu trường hợp “nhảy cóc” phi lý đến 5 lớp học liên tiếp thì vấn đề xảy ra ở khâu nào?
Việc truy xét trách nhiệm của cá nhân và tập thể liên quan tới sự việc này sẽ phải làm rõ, nhưng bên cạnh đó một vấn đề khác cũng rất quan trọng là phải có giải pháp cụ thể khi xảy ra sự việc như vậy, đặc biệt đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là các em học sinh.
Video đang HOT
“Bệnh thành tích là căn bệnh dễ lây lan, không chỉ xảy ra ở một cấp, một ngành. Căn bệnh thành tích có khiến cô giáo phải chịu sức ép từ ban giám hiệu, hiệu trưởng và cấp cao hơn?
Bệnh thành tích chui vào các ngõ ngách của giáo dục nên cần phải có những biện pháp nghiêm minh, nghiêm khắc, triệt để.
Đó là căn bệnh “con gà tức nhau tiếng gáy”, tỉnh này đạt chỉ tiêu 100% thì tỉnh mình cũng phải đạt, mặc dù điều kiện khác, cơ sở vật chất kém hơn nhưng vẫn cố đạt được chỉ tiêu về mặt hình thức. Tại sao không đào tạo đúng thực tiễn để thấy chất lượng chưa đạt, phải nâng cao, học hỏi mà phải ép học sinh cố gắng lên lớp 100%. Đó là hậu quả rõ ràng nhất của bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay”, ông Tiến nhận định.
Bệnh thành tích trong giáo dục là căn bệnh trầm kha, nghiêm trọng, để lại nhiều hậu quả khôn lường và tình trạng “ngồi nhầm lớp” xảy ra thì người chịu ảnh hưởng nặng nhất chính là học sinh.
Vở của em N. viết sai khá nhiều. Ảnh: N.TÀI.
Theo ông Lê Như Tiến: “Giải pháp không có gì khác là đưa học sinh trở về đúng với trình độ của mình. Nếu xứng đáng trình độ bằng lớp 1 thì đưa trở về lớp 1. Đưa học sinh trở về với đúng lớp có trình độ tương thích như thế.
Thanh tra, kiểm tra của ngành giáo dục, của sở, phòng giáo dục địa phương phải vào cuộc để tìm ra nguyên nhân, xử lý và sửa chữa từ tận gốc rễ.
Câu chuyện này giống như sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả. Chúng ta phải thu hồi và xử lý bằng cấp của họ do không đúng trình độ như họ vốn có. Nếu tiếp tục đào tạo thì cũng chỉ là kiến thức giả, mà đã là kiến thức giả thì không được phép tồn tại trong nền giáo dục Việt Nam”.
Phải xem căn bệnh ngụy thành tích, giả dối,... trong giáo dục là tội ác
Những nhà giáo chân chính, thậm chí phụ huynh học sinh, mong chờ ngành giáo dục cần lấy lại chữ "thật" trong đánh giá học tập.
Gần đây vụ việc một số học sinh Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) được báo chí phát hiện đọc, viết khó khăn. Có em đọc không liền câu mà phải đánh vần; viết chữ sai chính tả nhiều.
Điều đáng nói là các em đang học lớp 6 khi hiện nay nếu các em đọc, viết chưa rành có nghĩa là các em chưa đủ kiến thức của lớp...1.
Nhưng mà nghiễm nhiên các em được cho lên lớp và học đến lớp 6 thì vụ việc mới bị phát hiện. Thực tế, các vụ việc này không phải hiếm, nếu làm khảo sát các em trước khi vào lớp 6 sẽ có nhiều trường hợp như trên.
Ảnh minh họa. (Nguồn: vtv.vn)
"Lùa", "đẩy" học sinh lên vì bệnh ngụy thành tích
Chắc chắn, những trường hợp ở Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Mỹ không phải trường hợp duy nhất, thậm chí nhiều em có thể lên lớp cao hơn khi các trường đang cố "đẩy" học sinh lên lớp vì bệnh ngụy thành tích như hiện nay.
Chính vì căn bệnh ngụy thành tích, bệnh giả dối trong giáo dục đã tạo ra các trường hợp trên.
Điều này giờ quy trách nhiệm thì phải có trách nhiệm từ giáo viên lớp 1 đến lớp 5, gồm cả giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, ban giám hiệu nhà trường.
Nếu xử lý thì tất cả các thành viên trên đều phải bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý nặng hơn, chính vì họ mà hiện nay các em được coi là "cá biệt", chính vì học mà bây giờ để học sinh "ngồi nhầm lớp", chính vì họ mà tương lai các em có thể "đen tối",...
Nếu từ lớp 1 nếu đã làm đủ mọi cách mà học sinh chưa đủ kiến thức thì được cho ở lại lớp thì có lẽ giờ đây các em đã khác xưa.
Về lý thuyết như thế, nhưng những người làm giáo viên mới hiểu, họ không có cái "quyền" cho học sinh ở lại vì hầu hết chỉ tiêu 100% học sinh là lên lớp thẳng, chỉ tiêu của trường cũng gần như 100% học sinh lên lớp thẳng, nếu giáo viên cho học sinh ở lại đồng nghĩa với việc cắt thi đua, đồng nghĩa với việc "chống đối" quy định nhà trường, đồng nghĩa với việc sẽ bị sa thải trong thời gian tới.
Vì chỉ tiêu gần như 100% trên nên học sinh ở lại lớp thì không chỉ giáo viên bị cắt thi đua mà trường cũng bị cắt thi đua, thì giáo viên mà cho học sinh ở lại bị xem như "tội phạm", phải làm giải trình, báo cáo, cam kết, bằng chứng,...
Không ai tự dám đứng lên, mạnh dạn làm điều chống lại quy định của nhà trường, cấp trên vì làm như thế thì có thể mất việc bất cứ lúc nào.
Thôi thì đánh nhắm mắt làm trái lương tâm mà giữ được việc, trường được xét thi đua, nên tiếp tục "lùa", "đẩy" học sinh lên lớp, đó chính là suy nghĩ của một số giáo viên hiện nay.
Phải xem việc chạy theo thành tích ảo, giả dối trong giáo dục,... là tội ác
Muốn dẹp nạn chạy theo chỉ tiêu thành tích, giả dối, báo cáo láo,... trong giáo dục phải mạnh tay với xử lý vi phạm, với việc chạy theo các chỉ tiêu thành tích như hiện nay.
Các em học sinh học tới lớp 6, 7 mà chưa biết đọc, biết viết trôi chảy là lỗi của căn bệnh ngụy thành tích trầm kha trong giáo dục hiện nay.
Phụ huynh đã tốn 5 năm, tốn biết bao nhiêu công sức, tiền bạc,... để đưa con, em họ đến trường với hy vọng được học, được biết, đảm bảo kiến thức,... tuy nhiên kết quả nhận được là các em chưa đủ kiến thức của học sinh lớp 1, vậy mà giờ các em đang ngồi ở lớp 6.
Ai phải chịu trách nhiệm, đền bù lại những gì phụ huynh và học sinh đã bỏ ra trong 5 năm qua?
Rồi tiếp sau đây đến lớp 7, 8, 9,... các em sẽ được học như thế nào?
Theo kinh nghiệm của tôi đến lứa tuổi lớp 6 mà các em chưa đọc, viết trôi chảy thì các môn khác các em cũng như "ngáo ộp", các em không còn cách gì để học và lên lớp được, dù làm kiểu gì cũng không thể phụ đạo kiến thức cho các em được.
Do đó phải xem căn bệnh ngụy thành tích, giả dối,... trong giáo dục hiện nay chính là tội ác.
Và người để cho nó ngang nhiên tồn tại là người có "tội" đối với đất nước, nhân dân.
Phải đưa và xử lý nghiêm khắc, nghiêm minh thì mới có hy vọng dần dần loại bỏ căn bệnh trầm kha trên.
Do đó, những nhà giáo chân chính, thậm chí phụ huynh học sinh, mong chờ ngành giáo dục cần lấy lại chữ "thật" trong đánh giá học tập.
Điều đó lý giải vì sao, có chuyện giáo viên nhận xét tốt vào học bạ, có năng lực hoàn thành tất cả các môn nhưng thực tế học sinh lại chưa biết đọc.
Căn bệnh thành tích không chỉ "lùa", "đẩy" học sinh lên lớp, khiến học sinh ngồi nhầm chỗ, học sinh yếu, kém vẫn lên lớp mà còn phát sinh nhiều vấn đề khác như báo cáo láo, làm láo thì được khen, làm thật thì bị xử lý, rồi ảnh hưởng đến thi đua, công bằng trong giáo dục,...
Phụ huynh không muốn con, em họ lên lớp khi kiến thức trong đầu là điều trống rỗng, họ chỉ mong muốn dù lên lớp hay ở lại thì các em tiến bộ hằng ngày, học thật, kiến thức thật là điều quan trọng nhất.
Rất mong trong thời gian tới, bằng sự quyết tâm, quyết liệt Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ dẹp cho bằng được căn bệnh ngụy thành tích, giả dối trong giáo dục, lấy lại niềm tin của nhân dân.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Học sinh lên lớp 6 chưa đọc thông, viết thạo: Sở GD-ĐT nói gì? Đại diện Sở GD-ĐT Đồng Tháp cho biết đã yêu cầu phòng GD-ĐT huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) rà soát lại trước thông tin học sinh lớp 6 Trường THCS - THPT Tân Mỹ chưa đọc, viết thông thạo. Trước đó, có thông tin một số học sinh Trường THCS - THPT Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đọc viết khó khăn,...