“Tất cả vì học sinh thân yêu” đã được lan tỏa mạnh mẽ từ lễ khai giảng
Hơn 22 triệu học sinh cả nước đã chính thức bắt đầu bước vào năm học 2019-2020 sau lễ khai giảng ngày hôm qua 5/9. Khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu” ngay từ lễ khai giảng đã lan tỏa ở nhiều trường học trên cả nước.
Ngày 5/9/1945, trong thư gửi học sinh cả nước, Bác Hồ đã viết: “Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”.
Học sinh náo nức trong lễ khai giảng năm học mới 2019 – 2020
Trong nhiều năm tiếp theo, dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng, ngày khai giảng luôn là một ngày hội với các em học sinh, là dịp để ông bà, bố mẹ đưa con cháu đến trường, mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần hiếu học để non sông, đất nước Việt Nam trở nên tươi đẹp hơn, dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn.
Tuy nhiên, theo thời gian lễ khai giảng ở nhiều trường học trở nên hình thức, không thực sự vì học sinh.
Hình ảnh trong lễ khai giảng nhiều năm trước là học sinh đội mưa, đứng nắng đón đại biểu hay vị trí trang trọng nhất dành cho các vị quan khách đến dự khai giảng, có bàn, ghế, nước uống, hoa quả. Học sinh ngồi phía dưới nghe những bài phát biểu, báo cáo thành tích dài lê thê. Quá nhiều nghi lễ, hình thức, phần nhiều dành cho người lớn, đem đến sự mệt mỏi cho các em lẫn cha mẹ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự lễ khai giảng một trường tiểu học tại Tp.HCM
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2015-2016 tổ chức ngày 12/8/2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trăn trở khi ngày khai giảng không còn là ngày hội đến trường của các cháu học sinh. Ngày, giờ khai giảng phải phụ thuộc lãnh đạo đến khi nào, thời tiết nắng hay mưa các cháu phải xếp hàng đợi.
Phó Thủ tướng đã đề nghị ngành giáo dục chọn một ngày khai giảng đồng loạt cả nước. Các trường làm đúng nghi lễ chào cờ, hát quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước. Hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn. Dành nhiều thời gian cho các cháu học sinh, để các em học sinh thực sự cảm thấy vui vẻ.
Nhắc lại lời dặn của Bác Hồ “dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt”, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Bây giờ các đồng chí phát động phong trào gì, khẩu hiệu gì thì suy cho cùng vẫn là dạy tốt, học tốt, phải khơi dậy điều này thành tinh thần chủ đạo trong hệ thống giáo dục và phải thực sự vì học sinh”.
Video đang HOT
Học sinh vùng cao tung tăng đến dự lễ khai giảng
Đến dự lễ khai giảng Trường tiểu học Ngọc Hà, ngày 5/9/2017, Phó Thủ tướng đã “đặt hàng” Nhà trường và Hội Phụ huynh từ sang năm thay vì để các cháu học sinh đứng vẫy cờ chào đại biểu thì các thầy cô, phụ huynh sẽ đứng đón học sinh, học sinh lớp lớn đón học sinh lớp 1. Đại biểu thay vì ngồi hàng ghế đầu, có bàn, phía trước thì ngồi sau, xung quanh các cháu học sinh.
“Đặt hàng” của Phó Thủ tướng, qua từng năm, cách tổ chức lễ khai giảng các trường học đã chuyển biến tích cực, giảm dần những lễ khai giảng rườm rà, làm vất vả học sinh. Lễ khai giảng không dành cho người lớn, mà thực sự dánh cho các em, tạo niềm vui và sự háo hức của trẻ thơ.
Lễ khai giảng năm học mới 2019 – 2020, rất nhiều trường học có thời gian tổ chức lễ khai giảng từ 45 phút đến 1 tiếng. Nhiều trường học đã dành toàn bộ sân trường cho các em học sinh trong khi đại biểu, cùng cha mẹ học sinh lùi về phía sau. Một trong những nghi thức quan trọng là các thầy cô giáo, người lớn, anh chị học sinh lớp lớn cùng chào đón các em học sinh lớp bé. Các nghi thức chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước… diễn ra trang trọng, ngắn gọn.
Ngập lụt tại tỉnh Quảng Trị
Ở miền Trung, nhiều trường, lớp còn bộn bề sau lũ nhưng lễ khai giảng, dù đơn sơ nhưng mang nặng tình cảm thầy trò, đã đem lại niềm vui, sự háo hức cho các em học sinh chính thức bước vào năm học mới. Không chỉ phụ huynh đội mưa, gió đưa con đi khai giảng mà nhiều thầy cô giáo tại các điểm trường vùng cao cũng khăn gói vào bản để đưa học trò đến trường đúng ngày khai giảng.
Một lễ khai giảng không thể đơn giản hơn được tổ chức trên một điểm trường Tắk Pổ – cách trung tâm huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam 10km nhưng không có đường xe máy lên. Các cô giáo lên dạy học phải đi bộ 2 tiếng đồng hồ vượt núi từ trung tâm xã về điểm trường. “Bục sân khấu” – nơi diễn ra các nghi thức cũng chỉ có một chiếc bàn nhỏ được phủ lên bởi tấm vải cũ, bên trên là tấm ảnh Bác Hồ.
Cả 34 học sinh đều là người dân tộc thiểu số. Trên bục lễ, hai cô giáo bận hai tà áo dài tinh tươm đọc thư chúc mừng khai giảng năm học mới, hướng dẫn học sinh hát quốc ca, làm các nghi thức chào mừng. Ở bàn kế bên, “đại biểu” lãnh đạo là một người đàn ông Ca Dong – là Trưởng nóc Tắk Pổ.
Giữa núi rừng, một lễ khai giảng không thể đơn sơ hơn nhưng vẫn khiến người ta cảm thấy ấm lòng, xúc động về tình cảm của những cô giáo “cắm bản”, một câu chuyện giáo dục đẹp hơn cả ngàn lời nói…
Học sinh miền núi dự lễ khai giảng
Tuy nhiên, những người làm giáo dục chưa thể hài lòng khi thực tế các em học sinh vẫn còn phải đến trường nhiều buổi để tập nghi thức chuẩn bị cho khai giảng. Hay lễ khai giảng tại trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) mất một nửa thời gian cho một doanh nghiệp vào tuyên truyền. Không ít ban giám hiệu vẫn chưa từ bỏ được “thói quen” mời được càng nhiều đại biểu, lãnh đạo càng tốt.
Những “hạt sạn” đó cho thấy đổi mới giáo dục có lộ trình lâu dài, còn rất nhiều việc phải làm. “Tất cả vì học sinh thân yêu” hãy bắt đầu trước hết từ lễ khai giảng để mỗi ngày đến trường của các em học sinh là một ngày vui.
Thái Bình
Theo Dân trí
Tưng bừng khai giảng năm học mới: Dạy chữ quan trọng, dạy người, dạy đức, dạy lối sống còn quan trọng hơn
Ngày 5/9, cùng với học sinh trên cả nước, 2 triệu học sinh thành phố Hà Nội náo nức dự lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 đồng loạt tại 30 quận, huyện, thị xã.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Hoàng Trung Hải và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội đã đến dự Lễ Khai giảng năm học mới tại một số trường trên địa bàn Thủ đô.
Trong không khí cả nước chào đón 22 triệu học sinh bước vào năm học mới, sáng 5/9, tại thị xã Sơn Tây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ khai giảng của Trường THPT Sơn Tây. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, công tác giáo dục và đào tạo luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Dễ thấy là, năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục cả nước đã đạt được nhiều thành tích tốt, tích cực đổi mới theo Nghị quyết 29/NƯ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; có nhiều thay đổi về mô hình phát triển và định hướng phát triển theo tinh thần đổi mới mà Trung ương đã xác định. Kết quả đạt được của toàn ngành thật đáng mừng, được xã hội và nhân dân ghi nhận.
Giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, những cải tiến về phương pháp, tiếp cận mới về mô hình phát triển, đặc biệt là nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập đã được khẳng định. Trong năm học mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, bên cạnh tiếp tục dạy học hiệu quả các môn văn hóa - mà thường gọi là dạy chữ - các thầy cô cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống cho học sinh, sinh viên - tức dạy người - để học sinh phát triển toàn diện, phát huy năng lực sáng tạo. "Như các thầy cô, các em đều biết, con người cần có đức, có tài thì mới đóng góp xây dựng được đất nước, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Dạy chữ quan trọng, dạy người, dạy đức, dạy lối sống văn hóa còn quan trọng hơn trong thời kỳ hội nhập và trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4" - Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi gắm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh trống Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 tại Trường THPT Sơn Tây.
Đến dự Lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị: "Là giáo viên của ngôi trường chuyên hàng đầu Thủ đô, tôi mong các thầy, cô giáo tiếp tục học tập, tu dưỡng nâng cao trình độ cả về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất, đạo đức để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; đủ năng lực để bồi dưỡng toàn diện về đức, trí, thể, mỹ cho học sinh. Mỗi thầy, cô giáo của nhà trường phải thực sự là tấm gương sáng cho học sinh và là chuẩn mực về trình độ và đạo đức nghề nghiệp của giáo dục Thủ đô".
Đồng thời, Bí thư cũng nhắn nhủ, với niềm vinh dự và tự hào được học tập, rèn luyện dưới mái trường có bề dày truyền thống về giáo dục và tình hữu nghị quốc tế, tôi mong rằng, mỗi học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nỗ lực học tập, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, trau dồi kỹ năng, phát huy sáng tạo, nuôi hoài bão lớn, phấn đấu hôm nay là học sinh giỏi, sau này trở thành hiền tài, là nguyên khí quốc gia; mỗi học sinh phải là đại sứ cho thương hiệu của nhà trường về đào tạo và đại diện cho nét đẹp của Thủ đô văn hiến, "Thành phố Vì hòa bình" của thế giới, xứng đáng là chủ nhân tương lai của Thủ đô và đất nước. Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các cấp, các ngành và các bậc phụ huynh tiếp tục quan tâm, đồng hành, tạo điều kiện, chung tay cùng thầy và trò nhà trường xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và tiên tiến.
Nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo Thủ đô
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2019 - 2020, Hà Nội có 2.746 trường học các cấp với 2 triệu học sinh (tăng 40.000 học sinh so với năm học trước). Đáng chú ý, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn là mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã kiên trì triển khai. Nhấn mạnh điều này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: Thành phố luôn quán triệt phương châm "Giáo dục là quốc sách hàng đầu". Do đó, Thành phố luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục về mọi mặt, tạo điều kiện về môi trường tốt nhất cho công tác dạy và học của các nhà trường.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dự Lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Tại các cơ sở giáo dục đào tạo, phương châm "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" cũng luôn được quán triệt và thực tế hóa bằng nhiều hoạt động cụ thể. Chia sẻ về điều này, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây Lương Quỳnh Lan cho biết: Năm học 2018 - 2019, mục tiêu hàng đầu của nhà trường là thông qua việc chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh, lấy chất lượng là nền tảng cốt lõi. Kết quả, với 1.558 học sinh, toàn trường có 806 học sinh giỏi toàn diện (chiếm tỷ lệ 51.7%, tăng 1.7% so với năm học trước); 99.79% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT; thi học sinh giỏi quốc gia đạt 5 giải; thi học sinh giỏi thành phố các môn văn hóa có 94 học sinh đạt giải, các cuộc thi chuyên đề khác đều đạt thành tích cao... Nhiều năm liền, nhà trường giữ vững an ninh, trật tự, không có tệ nạn xã hội, không có học sinh vi phạm pháp luật, giảm tới mức thấp nhất số học sinh bị xử lý kỷ luật, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá là 100%.
Bên cạnh việc đầu tư nâng cao hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học, đề ra phương hướng, đổi mới cách dạy... trong ngày đầu khai giảng, nhiều trường trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện tốt phong trào "nói không với rác thải nhựa". Theo ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thời gian tới, với phong trào "nói không" với rác thải nhựa, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức để mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh cùng hành động bảo vệ môi trường. Đây là hành động thiết thực, ý nghĩa nhằm thay đổi những thói quen nhỏ nhưng có tác động lớn.
Cô giáo Lương Quỳnh Lan khẳng định: Bước vào năm học mới 2019 - 2020, nhà trường sẽ vẫn quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giáo dục đã đề ra. Trong đó thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu của ngành gần liền với việc tăng cường nề tiếp, kỷ cương và chất lượng, hiệu quả công tác, tăng cường nền nếp, kỷ cương và chất lượng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục theo hướng tự chủ trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với nâng cao năng lực quản trị trường học; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đa dạng hóa các hình thức giáo dục, chủ trọng các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh...
Còn tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, theo Hiệu trưởng Lê Thị Oanh, năm học tới, bên cạnh việc tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và xây dựng môi trường giáo dục hiện đại, văn minh và an toàn, nhà trường sẽ quản lý hiệu quả các nhân tố của quá trình dạy và học cũng như nghiên cứu khoa học và mở rộng hợp tác quốc tế, coi tiếp thu tiến bộ của giáo dục thế giới để phát triển năng lực và phẩm chất công dân Việt Nam là nhiệm vụ then chốt.
Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Đồng Lê Thị Thanh Phương cho biết, năm học mới này trường sẽ đẩy mạnh 3 công khai, 4 kiểm tra. Đây là những nhiệm vụ trọng tâm triển khai. Cụ thể, trường sẽ tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực của học sinh, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đổi mới công tác quản lý theo hướng tích cực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Phát huy dân chủ ở cơ sở thực hiện tốt 3 công khai, 4 kiểm tra trong nhà trường. Tăng cường cơ sở vật chất nhà trường, xây dựng môi trường thân thiện, an toàn với học sinh...
Tại Trường THCS Lê Ngọc Hân - Hiệu trưởng Nguyễn Thị Vân Anh cho hay: Những năm qua, chính quyền các cấp cùng các bậc cha mẹ học sinh luôn dành cho thầy trò nhà trường sự quan tâm sâu sắc, ưu tiên đầu tư mọi nguồn kinh phí và thúc đẩy nhà trường phát triển. Bởi vậy, năm học 2019-2020, thầy trò Trường THCS Lê Ngọc Hân đã đón một niềm vui to lớn là được học tập ở một ngôi trường mới khang trang, hiện đại. Hiện đây là trường THCS có cơ sở vật chất hiện đại nhất ở quận Hai Bà Trưng với mỗi phòng học rộng 67m2, chỉ có trung bình 43 học sinh/lớp; đầy đủ các phòng chức năng đẹp, hiện đại gồm nhạc, Tin học, Ngoại ngữ, Hóa sinh, Lý công nghệ, cùng phòng đồ dùng học tập, thư viện, nhà đa năng rộng rãi... Năm học này cũng là năm thứ ba, trường có 10/33 lớp học Ngoại ngữ 2 (tiếng Nhật). Năm học 2018 - 2019, nhà trường đã vinh dự được nhận Cờ thi đua dẫn đầu của UBND thành phố Hà Nội.
Là địa phương có số lượng học sinh lớn nhất cả nước, công tác giáo dục đạo đức được ngành Giáo dục Thủ đô kiên trì triển khai. Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất biên soạn, đưa vào giảng dạy đại trà từ lớp 1 đến lớp 12 bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh" từ nhiều năm nay. Trong năm học mới này, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, xây dựng trường học an toàn, thân thiện, tích cực; tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tăng cường giám sát thực hiện kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo...
Phạm Thảo - Đinh Luyện
Theo laodongthudo
Nước sạch ngày khai trường Hôm qua 5/9, tại trường Tiểu học Vân Thủy (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn), long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới và Khánh thành giếng khoan "Nâng bước em đến trường". Công trình giếng khoan có tổng kinh phí xây dựng trên 45 triệu do CLB "Thắp sáng niềm tin" (thành phố Lạng Sơn) và các nhà hảo tâm trên...