Tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt ở nước ngoài
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức Khóa tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và phương pháp dạy học tiếng Việt hiện đại cho giáo viên dạy tiếng Việt đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.
80 giáo viên tham gia tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài năm 2022. Ảnh Ngô Chuyên.
Phát biểu tại buổi khai mạc vào sáng 15/8, bà Vũ Thị Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT nói: “Đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài có vai trò quan trọng đối với sự phát triển, bảo tồn ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, chính vì vậy việc tổ chức bồi dưỡng, cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới, trao đổi phương pháp, kỹ năng và kinh nghiệm dạy học cho giáo viên kiều bào là hết sức cần thiết.
Bà Vũ Thị Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT. Ảnh Ngô Chuyên.
Khóa tập huấn nhằm giúp giáo viên dạy học dễ dàng hơn và hiệu quả góp phần duy trì ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ cho con em kiều bào không quên tiếng Việt, luôn hướng về cội nguồn”. Đồng thời giúp cho giáo viên Việt kiều các chuyên đề liên quan đến dạy học tiếng Việt, qua đó giúp giáo viên có thêm kiến thức và kinh nghiệm dạy học để từ đó áp dụng vào thực tế hoạt động giảng dạy.
Tại các buổi tập huấn, giáo viên sẽ được nghe các báo cáo viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học sư phạm Hà Nội và Khoa tiếng Việt- Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về giảng dạy tiếng Việt trình bày, trao đổi về một số chuyên đề nhằm giúp các thầy cô hiểu rõ hơn, sâu hơn về một số kỹ năng thực hành dạy học.
ThS Bùi Thiên Dương – chuyên viên chính Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT thông tin về chương trình, nội quy khóa tập huấn. Ảnh Ngô Chuyên.
Bên cạnh đó, khóa tập huấn cũng là dịp để các thầy cô học hỏi, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm dạy học hay cùng những khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ.
Video đang HOT
Cũng tại buổi tập huấn, cô Phạm Phi Yến, giáo viên dạy tiếng Việt ở Nhật Bản (Trường cao đẳng Tổng hợp về trẻ em TP. Kobe, tỉnh Hyogo, môn Việt Nam ngôn ngữ và Văn hóa) chia sẻ: “Tôi muốn dạy tiếng Việt để cho trẻ em Việt Nam ở Nhật Bản nhằm tuyên truyền văn hóa, ngôn ngữ của Việt Nam đến với các em để các em hiểu về cội nguồn của mình.
Ngoài ra, số lượng trẻ em Việt Nam ở Nhật Bản khá nhiều, tuy nhiên các em đang sử dụng ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Nhật, hạn chế về khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ trước những thực tế đó tôi đã tổ chức một lớp học trực tuyến để dạy tiếng Việt cho người Việt Nam”.
80 giáo viên tham gia tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài năm 2022. Ảnh Ngô Chuyên.
Được biết, sau gần một năm tổ chức lớp học trực tuyến đó, đối với những học sinh chưa biết gì về tiếng Việt sau 4 tháng học các em có thể giao tiếp đơn giản.
Tháng 8/2021, căn cứ đề xuất của Ủy ban nhà nước về NVNONN tại công văn số 152/UBNV-V2 ngày 12/8/2021 đề nghị Vụ GDTX, Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức Khóa tập huấn năm 2021 theo hình thức trực tuyến, Vụ GDTX trình và được Lãnh đạo Bộ GDĐT phê duyệt phối hợp với Vụ Thông tin-Văn hóa, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức “Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài” năm 2021 theo hình thức trực tuyến diễn ra từ tháng 10/2021 đến tháng 12/2021. Khóa tập huấn được tổ chức thành 2 khóa dành cho học viên thuộc địa bàn Châu Á-Châu Úc gồm 148 người và dành cho học viên thuộc địa bàn Châu Âu-Bắc Mỹ gồm 85 người.
Cần thiết xây dựng trường học chuyên biệt cho trẻ khuyết tật tại Hà Tĩnh
Hà Tĩnh hiện có hơn 1.000 học sinh khuyết tật đang học hòa nhập tại các nhà trường. Trong đó, tại TP Hà Tĩnh có 102 em, chủ yếu thuộc nhóm rối loạn về trí tuệ, tự kỉ, tăng động, hạn chế khả năng học tập, giao tiếp.
Chiều 12/8, UBND thành phố tổ chức hội nghị tư vấn phát triển giáo dục cho trẻ khuyết tật và định hướng xây dựng cơ sở giáo dục chuyên biệt tại Hà Tĩnh.
Tham dự hội nghị có bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT); ông Lee Seok Hee - Viện trưởng, Chủ nhiệm dự án hợp tác (Học khu Gyeongnam Hàn Quốc) và các thành viên đoàn cố vấn cao cấp Viện Giáo dục đặc biệt thuộc Học khu Gyeongnam Hàn Quốc.
Về phía Hà Tĩnh có Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) Đào Thị Anh Nga; đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT; lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh và một số sở, ngành liên quan.
Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 1.000 học sinh khuyết tật đang học hòa nhập tại các nhà trường. Trong đó, tại TP Hà Tĩnh có 102 em (71 học sinh tiểu học và 31 em THCS), chủ yếu thuộc nhóm rối loạn về trí tuệ, tự kỉ, tăng động, hạn chế khả năng học tập, giao tiếp (gọi chung là khuyết tật trí tuệ).
Để hỗ trợ, đồng hành cùng với các nhà trường và tạo điều kiện để các em học sinh khuyết tật tiếp cận giáo dục, HĐND thành phố Hà Tĩnh cũng đã ban hành nghị quyết hỗ trợ giáo viên giảng dạy lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập (mỗi tháng 300.000 đồng/giáo viên).
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Duy Đức báo cáo tình hình học sinh khuyết tật học hòa nhập tại TP Hà Tĩnh.
Việc tổ chức giáo dục học sinh khuyết tật học hòa nhập tại TP Hà Tĩnh được bố trí vào các lớp của trường học chính quy với mỗi lớp không quá 2 học sinh khuyết tật.
Giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh khuyết tật, chú trọng vào việc phát triển các kĩ năng. Nội dung chương trình học được các nhà trường điều chỉnh, giảm nhẹ phù hợp với đối tượng học sinh.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hồng Cường: Hiện nay, nhu cầu từ thực tiễn về trường học chuyên biệt cho trẻ khuyết tật ở Hà Tĩnh là rất bức thiết. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT rà soát toàn bộ hệ thống trường học có học sinh khuyết tật học hòa nhập để có phương án bền vững, lâu dài. Việc TP Hà Tĩnh chủ động đề xuất triển khai mô hình này trên địa bàn đã thể hiện được tâm huyết, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền đối với công tác phát triển giáo dục nói chung và giáo dục đặc biệt nói riêng.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện giáo dục cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn gặp khó khăn như: hầu hết trẻ khuyết tật đều thuộc nhóm khuyết tật trí tuệ, những biểu hiện ít biểu lộ, do đó nhiều em có xu hướng tăng nặng, gây khó khăn cho việc tiếp cận giáo dục khi đến trường học. Một số học sinh khuyết tật có biểu hiện bất thường về tâm sinh lý, gây ảnh hưởng đến hoạt động, chất lượng của lớp học.
Tâm lý phụ huynh học sinh khuyết tật còn thiếu hợp tác, thừa nhận. Trên địa bàn chưa cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho giáo dục chuyên biệt ở các trường học chưa đầy đủ, đồng bộ...
Đoàn công tác Bộ GD&ĐT và Viện Giáo dục đặc biệt thuộc Học khu Gyeongnam Hàn Quốc lắng nghe những chia sẻ, đề xuất của TP Hà Tĩnh về triển khai mô hình giáo dục đặc biệt tại Hà Tĩnh.
Tại hội nghị, các đại biểu thành phố đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn việc thành lập, phân cấp quản lý và hoạt động của hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt; có giải pháp hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh và các địa phương trong việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật; hỗ trợ kêu các chương trình, dự án về giáo dục đặc biệt.
Ông Lee Seok Hee - Viện trưởng, Chủ nhiệm dự án hợp tác (Học khu Gyeongnam Hàn Quốc) đánh giá cao sự quan tâm của Hà Tĩnh đối với giáo dục đặc biệt. Đoàn cố vấn sẽ đồng hành, hỗ trợ và tư vấn với tỉnh và thành phố trong việc xây dựng trường học chuyên biệt có hiệu quả, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Đối với tỉnh, TP Hà Tĩnh đề nghị HĐND tỉnh cần ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên làm công tác giáo dục trẻ khuyết tật; chính sách hỗ trợ học sinh khuyết tật học hòa nhập; UBND tỉnh xây dựng đề án thành lập và xây dựng trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật; tổ chức chuyên đề, hội thảo, bồi dường giáo viên giảng dạy học khuyết tật.
Bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT): Đánh giá cao sự chủ động, tiên phong của TP Hà Tĩnh về việc quan tâm đề xuất xây dựng trường học chuyên biệt nhằm đáp ứng nhu cầu học và phát triển của học sinh khuyết tật. Cùng với việc hoàn thiện các hệ thống cơ sở pháp lý, Vụ Giáo dục thường xuyên sẽ là đầu mối kết nối với các chuyên gia Viện Giáo dục đặc biệt thuộc Học khu Gyeongnam Hàn Quốc để hỗ trợ địa phương trong quá trình thực hiện. Đồng thời, đoàn tiếp thu các đề xuất của TP Hà Tĩnh trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, làm cơ sở trình Chính phủ về các cơ chế, chính sách trong công tác giáo dục cho học sinh khuyết tật.
Tại buổi làm việc, đoàn cố vấn cấp cao Viện Giáo dục đặc biệt thuộc Học khu Gyeongnam Hàn Quốc đã chia sẻ các thông tin về mô hình trường học chuyên biệt tại Hàn Quốc; tư vấn thêm về các cơ chế chính sách phát triển giáo dục đặc biệt; phương án triển khai, cơ sở xây dựng trường chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật; cơ cấu nhân sự, giáo viên tham gia giảng dạy giáo dục đặc biệt...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Hiếu bày tỏ cảm ơn đến Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) đã quan tâm, hoàn thiện hệ thống pháp lý về xây dựng cơ sở giáo dục chuyên biệt cũng như kết nối với các chuyên gia Học khu Gyeongnam Hàn Quốc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các giáo viên trên địa bàn về giáo dục đặc biệt.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Hiếu phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND thành phố cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp, tư vấn tâm huyết từ các chuyên gia đoàn cố vấn cấp cao Viện Giáo dục đặc biệt thuộc Học khu Gyeongnam Hàn Quốc, làm cơ sở bước đầu để địa phương đề xuất triển khai mô hình giáo dục chuyên biệt tại Hà Tĩnh. Thời gian tới, TP Hà Tĩnh mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các chuyên gia với các kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể. UBND thành phố tiếp thu các ý kiến góp ý để đề xuất UBND tỉnh xây dựng trường giáo dục chuyên biệt đảm bảo đúng quy hoạch, nhu cầu thực tiễn, đáp ứng yếu tố nhân văn trong công tác xã hội và giáo dục cho trẻ khuyết tật.
Khẳng định sự cần thiết xây dựng trường học chuyên biệt cho học sinh khuyết tật, Chủ tịch UBND thành phố đề xuất với Bộ GD&ĐT và các cơ quan cấp tỉnh nghiên cứu, có cơ chế chính sách đối với giáo dục đặc biệt, nhất là trong việc thu hút nguồn nhân lực đối với Hà Tĩnh nói chung và thành phố nói riêng. Sở GD&ĐT cần tham mưu UBND tỉnh đưa vào quy hoạch xây dựng trường chuyên biệt tại Hà Tĩnh; đề xuất định hướng xây dựng trường chuyên biệt liên cấp. TP Hà Tĩnh sẽ đồng hành cùng các chuyên gia và sở, ngành chuyên môn nhằm tiến tới xây dựng trường giáo dục chuyên biệt tại Hà Tĩnh, đáp ứng nhu cầu bức thiết hiện nay trong ngành giáo dục cũng như tâm lý của phụ huynh học sinh.
82 giáo viên Việt Nam được bồi dưỡng kiến thức về giáo dục đặc biệt Chuyên gia đến từ Hàn Quốc cung cấp cho các giáo viên, cán bộ quản lý ở Hà Tĩnh và các tỉnh, thành trong cả nước những kiến thức liên quan tới phương pháp giảng dạy, thiết bị bổ trợ, hỗ trợ giao tiếp đối với học sinh khuyết tật. Sáng 8/8, tại Hà Tĩnh, Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp...