Tập gym thế nào để không bị thô?
Nỗi lo tập gym bị thô, to của phái nữ hoàn toàn có thể được loại bỏ nhờ những lưu ý nhỏ trước khi tới phòng tập.
Do lo lắng cơ thể sẽ trở nên quá thô cứng, lộ rõ các bắp tay, đùi…, khi tập gym, nhiều người kiên quyết từ chối áp dụng phương pháp này bất chấp lợi ích của chúng. Tuy nhiên, mối lo ngại này thường không thực tế do đặc điểm giới tính và cường độ tập luyện của mỗi người. Thậm chí, chúng ta hoàn toàn có thể lưu ý một số vấn đề nhằmg thay đổi vóc dáng sao cho phù hợp mục tiêu.
Theo huấn luyện viên Giang Sơn (Hà Nội), yếu tố đầu tiên ảnh hưởng tới mức độ to, thô của cơ thể trong quá trình tập luyện với tạ là hormone.
“Loại hormone quyết định nam giới có thể tăng cơ tốt với khối lượng lớn là testosterone. Tuy nhiên, cơ thể họ vẫn có khoảng 1/10 là hormone nữ estrogen. Ngược lại, cơ thể nữ giới chỉ có khoảng 1/10 là hormone testosterone. Do đó, việc nữ giới chỉ dựa vào tập luyện để có lượng cơ bắp lớn như đàn ông là không thể”, Giang Sơn giải thích.
Thực tế, nguyên nhân gây ra nỗi sợ trên là những hình ảnh của các vận động viên thể hình nữ với đường nét cơ bắp thô cứng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Tuy nhiên, để có thành tích thi đấu tốt, những vận động viên nữ này thường phải hy sinh sức khỏe để tiêm thêm hormone nam cùng một số chất khác.
Yếu tố hormone khiến nữ giới không thể thô, to được như nam giới dù nỗ lực. Ảnh: Squat wolf.
Bên cạnh yếu tố đặc điểm giới, việc lựa chọn, sắp xếp, cân đối tỷ lệ các bài tập hay cường độ, áp lực đặt lên một nhóm cơ trong mỗi buổi tập cũng rất quan trọng. Việc thiết kế một chương trình tập phù hợp với mục tiêu của bản thân sẽ giúp chúng ta đi đúng hướng.
Cụ thể, việc lựa chọn bài tập, tần suất, tỷ lệ trong buổi tập như thế nào sẽ quyết định cơ thể của chúng ta tăng cơ tại phần nào nhiều hơn.
“Ví dụ, một bạn nữ mong muốn tăng kích thước vòng 3, săn chắc eo, có rãnh lưng…, sẽ không muốn tập một chương trình chú trọng vào các bài tập tác động tới vai hay bắp tay…”, Giang Sơn nói.
Video đang HOT
Theo huấn luyện viên này, mỗi nhóm cơ có một khoảng cường độ nhất định để kích thích chúng phát triển. Bên cạnh đó, để cơ bắp phát triển tối ưu, người thiết kế chương trình cần quyết định cường độ tập luyện dựa trên kinh nghiệm, mức độ cảm nhận cơ, mức tạ thực tế hay thói quen ngủ nghỉ…, của người tập.
Giang Sơn cho biết: “Thông thường, người mới tập cần khoảng 10-15 hiệp/nhóm cơ mỗi tuần. Trong khi đó, con số này với người đã có kinh nghiệm tập là 15-20. Với mục tiêu giữ cơ, 5 hiệp/nhóm cơ mỗi tuần là yêu cầu bắt buộc”.
Việc cân đối tỷ lệ các bài tập trên – dưới cũng là yếu tố quan trọng cần lưu ý trong việc thiết kế chương trình tập. Huấn luyện viên Giang Sơn khuyên để tối ưu hiệu quả tập luyện và tránh thô cứng phần thân trên, nữ giới nên duy trì tỷ lệ các bài tập là 3:2 hoặc 2:1 (2 bài thân dưới – một bài thân trên hay 2 buổi thân dưới – một buổi thân trên).
“Nhiều bạn nữ lo lắng vai và tay bị thô cứng nên quyết định chỉ tập thân dưới. Tuy nhiên, việc này dẫn đến tình trạng thân dưới quá khỏe trong khi thân trên yếu. Lúc này, một số bài tập, điển hình như squat, có thể mang đến nguy cơ chấn thương cao do thân dưới đủ sức nâng mức tạ đó nhưng lưng, vai, vùng cơ trung tâm lại không đủ khỏe”, Giang Sơn khuyến cáo.
Sự thật bất ngờ đằng sau thân hình cơ bắp cuồn cuộn của cô gái Cà Mau
Nguyễn Thanh Vương (23 tuổi, Cà Mau) sở hữu thân hình cơ bắp cuồn cuộn nhờ đến với gym. Dù bị kỳ thị về hình thể, cô vẫn không nản chí .
Với đa số các cô gái hiện đại sở hữu một thân hình mảnh mai, đường cong nóng bỏng là điều ai cũng mong muốn. Thế nhưng, khác với số đông, Nguyễn Thanh Vương lại lựa chọn sở hữu thân hình cơ bắp cuồn cuộn và luôn tự hào về cơ thể của mình.
Để có được thân hình cơ bắp như mong muốn, Vương đã trải qua những ngày tháng khổ luyện. PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trò chuyện để hiểu rõ hơn về những khó khăn mà cô trải qua.
Khổ luyện để sở hữu thân hình cơ bắp
Năm 2015 khi vừa tròn 18 tuổi, Vương lần đầu theo cô bạn thân tới phòng tập gym với mong muốn cải thiện sức khỏe do sức khỏe của cô khá yếu. Thế nhưng, vì không biết gì về thể hình nên Vương đã nhìn và luyện tập theo anh chàng cao to nhất trong phòng tập. "Do thời gian đầu không có ai hướng dẫn, tự mày mò tìm hiểu và tự tập, tôi đã không thu lại được kết quả gì nên bỏ giữa chừng", Vương chia sẻ.
Sau một thời gian tạm dừng, đến năm 2017, Vương quay trở lại tập nghiêm túc. Cô bắt đầu tìm hiểu sâu về gym và xem các bài hướng dẫn trên mạng để tập luyện bài bản hơn.
Thanh Vương bắt đầu luyện tập từ năm 18 tuổi.
"Khi không hiểu trong quá trình luyện tập, tôi sẽ hỏi những người đi trước có kinh nghiệm luyện tập lâu năm. Tôi có một lời khuyên cho mọi người khi bắt đầu đến với bộ môn tập thể hình (cũng như những bộ môn khác): Nếu như không biết mình phải bắt đầu từ đâu, không biết phải tập gì thì tốt nhất hãy nhờ sự hướng dẫn từ PT, đừng tự tập. Tập sai sẽ tốn tiền, tốn sức, tốn thời gian, không hiệu quả và cái giá phải trả là bị chấn thương. Đừng tự làm bất cứ điều gì khi không hiểu mình đang làm gì", Vương chia sẻ.
Cô gái duy trì tập từ 1 - 1,5 tiếng mỗi ngày. Theo chia sẻ của Vương, thời gian tập sẽ có những thay đổi tùy vào mục tiêu của bản thân. Ban đầu, mục đích của cô là tăng cân, tăng sức bền và hiểu rõ hơn về cơ thể.
Sau một năm tập luyện, Vương cho biết, cô đạt được mức cân mong muốn, body săn chắc và tiếp tục luyện tập để cải thiện vòng eo và mông.
Lúc này, bài tập cũng thay đổi, cô chia thành 2 giai đoạn: Xả và siết. Ở giai đoạn xả, đó là khi cô muốn phát triển cơ bắp nhiều hơn. Vương sẽ tập với cường độ cao, mức tạ nặng hơn để kích thích cơ bắp. Còn ở giai đoạn siết, đó là khi cô muốn giảm mỡ xuống đến mức mong muốn. Khi ở giai đoạn này, mức tạ sẽ nhẹn hơn (trong mức cho phép). Vương ưu tiên bài tập đầu tiên là khởi động, tiếp theo là các bài compound (kết hợp nhiều nhóm cơ), cuối cùng là các bài iso (cô lập một nhóm cơ).
Chia sẻ bí quyết tránh gặp phải chấn thương, Vương cho hay: "Thời gian đầu, hãy nhờ huấn luyện viên hoặc bạn tập đỡ tạ để tránh chấn thương cổ tay, ngực, vai. Kinh nghiệm cho những người mới bắt đầu là không nên bắt chước những người đã tập lâu hay thực hiện bài tập quá nặng so với khả năng".
Sau năm tháng khổ luyện, cô gái 23 tuổi sở hữu thân hình cơ bắp.
Về chế độ ăn uống, Vương cố gắng nạp đủ 3 nhóm chất cơ bản cần thiết cho cơ thể trong ngày: Carb (tinh bột), protein (chất đạm), fat (chất béo). Nguồn tinh bột chính cô lấy từ yến mạch, gạo lứt, khoai lang, bánh mì đen. Chất đạm từ gà, cá, bò, trứng, sữa và chất béo tốt từ dầu oliu, các loại hạt. Bên cạnh đó, cô chia ra nhiều bữa trong ngày, hạn chế đồ ăn ngọt và thức ăn đã qua chế biến.
Nhờ tập luyện và ăn uống đúng cách, Thanh Vương đã có thân hình cơ bắp thể hiện qua việc thay đổi chỉ số 3 vòng của cơ thể, từ 80-65-90 sang 85-60-94, cân nặng từ 49 kg sang 52 kg, với chiều cao 1,50 m.
Bị miệt thị về hình thể
Sở hữu thân hình cơ bắp và sức khỏe tốt nhờ tập gym, thế nhưng, Vương cho biết thường bị mọi người nhìn ngó, nó ra nói vào về thân hình của cô. Vương liên tục nhận những lời nói: "Sao giống con trai vậy?", "Sao dáng con gái gì mà thô kệch", "Con gái gì mà đô con, vừa lùn vừa xấu"... Chưa dừng lại ở đó, Vương còn phải chịu đựng những lời nhận xét đầy hoài nghi của mọi người về giới tính khi đăng ảnh lên mạng xã hội.
"Ban đầu, tôi rất buồn, con gái mà, ai lại muốn phải nghe những lời miệt thị ngoài hình như vậy. Nhưng lâu dần, tôi học cách phớt lờ những ánh mắt soi mói, đánh giá của người khác. Tôi đã không còn cảm thấy buồn vì đơn giản họ đâu hiểu những gì tôi đang làm. Đa số những người chê bai là những người lười vận động. Tôi cứ im lặng và làm, có kết quả mọi người tự khắc hiểu, chấp nhận những gì tôi đã và đang làm", cô gái 23 tuổi với thân hình cơ bắp bày tỏ.
Vương phớt lờ những lời miệt thị, nỗ lực theo đuổi mục tiêu đặt ra.
Khi hỏi tại sao Thanh Vương lại theo đuổi việc sở hữu một thân hình cơ bắp mà không phải luyện tập để có thân hình nóng bỏng. Cô gái quê Cà Mau chia sẻ: "Cuộc sống muôn hình muôn vẻ, đối với tôi, không có gì gọi là chuẩn cả. Trong bộ môn thể hình cũng không ngoại lệ, có người thích thì có kẻ chê, tuỳ vào giác quan của mỗi người. Cái quan trọng ở đây, mục tiêu của tôi đặt ra là trở thành vận động viên thể hình chuyên nghiệp. Và một người phụ nữ có cơ bắp không có nghĩa họ không quyến rũ".
Thanh Vương chia sẻ thêm: "Điều quan trọng của một vận động viên (kể cả một người tập luyện bình thường) là kiến thức phải tốt. Khi tập đúng, dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi tốt thì sức khoẻ mới tốt được. Chỉ có điều, để trở thành một vận động viên, tôi phải cố gắng nhiều hơn người tập bình thường".
Cô gái mong muốn trở thành vận động viên thể hình chuyên nghiệp.
Cô gái 23 tuổi cũng tâm sự, đến tận bây giờ, gia đình vẫn luôn lo sợ cô bị chấn thương khi cô tập với cường độ cao dù mọi người không phản đối khi Vương đến với bộ môn hình thể.
"Tôi không lo lắng vì thân hình cơ bắp sẽ khó có bạn trai hay không vừa mắt mọi người. Đây là cuộc sống, cơ thể, sức khỏe của tôi và là những gì tôi chọn, tôi tự hào về cơ thể hiện tại", Thanh Vương tâm sự.
Cô gái Cà Mau bị nghi ngờ giới tính chỉ vì tập thể hình, có cơ bắp Bất chấp những bàn tán, kỳ thị hình thể, Nguyễn Thanh Vương (23 tuổi) vẫn trung thành với gym để rèn luyện sức khỏe. Khác với nhiều cô gái, Nguyễn Thanh Vương (23 tuổi, Cà Mau) không thích vẻ đẹp mảnh mai, dịu dàng. Cô luôn mong muốn mình sở hữu cơ bắp chắc khỏe. Nhiều năm nay, cô chăm chỉ luyện tập...