Tập Cận Bình cam kết thúc đẩy thủ phủ công nghệ Thâm Quyến
Ông Tập hứa sẽ nới lỏng các quy định để khuyến khích những ngành công nghiệp mới phát triển tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến.
Trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến hôm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi “đại chấn hưng Trung Quốc” và “tối ưu hóa, nâng cấp quy trình sản xuất”, thể hiện mong muốn biến Trung Quốc thành quốc gia dẫn đầu trong mọi lĩnh vực, từ viễn thông, công nghệ sinh học cho tới xe điện và năng lượng tái tạo.
Ông Tập cam kết sẽ tiến hành các bước đi mới để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của Thâm Quyến, thủ phủ công nghệ của Trung Quốc, trong đó các quy định sẽ được nới lỏng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mới.
Tivi trong một nhà hàng ở Hong Kong đưa tin về bài phát biểu kỷ niệm 40 năm ngày thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14/10. Ảnh: AP
Các công ty công nghệ ở Thâm Quyến, trong đó có Huawei, thương hiệu toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch đầy tham vọng trên của ông Tập. Tuy nhiên, điều này cũng biến các công ty đó trở thành mục tiêu của Mỹ với lý do đe dọa an ninh quốc gia hoặc làm xói mòn sự thống trị của ngành công nghiệp Mỹ.
Phát biểu trước các doanh nghiệp và quan chức Thâm Quyến, ông Tập cho biết đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành hơn 60 thay đổi chính sách hoặc hướng dẫn mới. Ông không nêu chi tiết nhưng cho biết Thâm Quyến sẽ “có nhiều quyền tự chủ hơn trong các lĩnh vực quan trọng”.
Thâm Quyến có tầm quan trọng mang tính biểu tượng trong nền chính trị Trung Quốc. Trong chuyến thăm Thâm Quyến năm 1992, lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã kêu gọi “cải cách và mở cửa” Trung Quốc. Chính sách này được chủ tịch nước khi đó là Giang Trạch Dân ủng hộ, cam kết thực hiện những thay đổi theo định hướng thị trường giúp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bùng nổ suốt nhiều thập kỷ.
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo ra các đối thủ cạnh tranh công nghệ với Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc năm 2018.
Video đang HOT
Washington cấm các công ty công nghệ Mỹ bán công nghệ và linh kiện cho Huawei. Tổng thống Mỹ hồi tháng 8 tuyên bố WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến thuộc Tencent, một gã khổng lồ khác trong ngành công nghệ Trung Quốc, đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ.
Trước áp lực từ phía Mỹ, giới quan sát cho rằng Trung Quốc càng cần phải bảo vệ những nhà sản xuất chip và công nghệ cao khác, trong nỗ lực tập trung vào Thâm Quyến và một số trung tâm công nghệ.
Thâm Quyến đã phát triển từ một làng chài 30.000 dân năm 1980 tới một đô thị 13 triệu dân như hiện nay, với sản lượng kinh tế năm ngoái lên tới 400 tỷ USD, lớn hơn cả Nam Phi, quốc gia có 58 triệu dân.
Trung tâm thành phố là một rừng cao ốc sánh ngang Manhattan hoặc Hong Kong. Trung tâm tài chính Bình An là tòa nhà chọc trời cao thứ 4 thế giới với độ cao 599 mét. Thành phố cũng là nơi đặt một trong hai sàn chứng khoán của Trung Quốc đại lục.
Thành phố được coi là đầu tàu kinh tế của khu vực trong kế hoạch tích hợp và phát triển các thành phố ở cửa sông Châu Giang tỉnh Quảng Đông, đe dọa địa vị trung tâm kinh tế tài chính của Hong Kong.
Trung Quốc tham vọng biến Thâm Quyến thành 'cốt lõi' cải cách
Bắc Kinh công bố kế hoạch biến Thâm Quyến thành "động cơ cốt lõi" của cải cách, thúc đẩy tăng trưởng và sáng tạo ở Khu vực Vịnh Lớn.
Thâm Quyến, trung tâm công nghệ cao thuộc tỉnh Quảng Đông giáp Hong Kong, sẽ được trao nhiều quyền tự chủ hơn trong các lĩnh vực như sử dụng đất, công nghệ và sáng tạo, kinh tế dữ liệu lớn và thuê chuyên gia nước ngoài, trong kế hoạch phát triển từ 2020 tới 2025.
Kế hoạch được công bố hôm 11/10, trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào 14/10, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến.
Thành phố Thâm Quyến. Ảnh: Xinhua
Nội dung kế hoạch bao gồm một loạt lĩnh vực, từ cải cách thị trường tài chính tới phát triển thị trường dữ liệu, đồng thời kêu gọi Thâm Quyến đóng vai trò đầu tàu trong Khu vực Vịnh Lớn. Đây là một khu vực phát triển nhằm mục đích liên kết các thành phố Hong Kong, Macau, Thâm Quyến, Quảng Châu và 7 thành phố khác thuộc tỉnh Quảng Đông thành một trung tâm kinh tế kinh doanh giống San Francisco và Vịnh Tokyo.
"Noi theo chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình về xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới.... trao cho Thâm Quyến quyền tự chủ lớn hơn để thực hiện cải cách trong các lĩnh vực mới và quan trọng", trích nội dung kế hoạch. "Nó hỗ trợ Thâm Quyến đi đầu trong cải cách và mở cửa từ một vị trí thuận lợi hơn, ở cấp độ cao hơn và mục tiêu lớn hơn. Thâm Quyến sẽ thúc đẩy hợp tác với Hong Kong ở cấp độ cao hơn và tăng cường vai trò của nó như một động cơ cốt lõi trong quá trình phát triển của Khu vực Vịnh Lớn, và làm tốt việc nêu gương xây dựng một thành phố kiểu mẫu đại diện cho một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại và đầy sức sống".
Tài liệu đề cập đến từ "khám phá" 28 lần, thể hiện tham vọng của Bắc Kinh muốn biến Thâm Quyến thành nơi thử nghiệm chính sách mà chính quyền trung ương đang muốn làm nhưng chưa sẵn sàng triển khai trên toàn quốc.
Thâm Quyến là sự lựa chọn tất yếu bởi câu chuyện về thành phố từ một làng chài nhỏ vươn mình thành một đô thị sôi động thường được Bắc Kinh nhắc tới như một bằng chứng về sự quản lý hiệu quả của chính quyền.
Guo Wanda, phó chủ tịch điều hành của Viện Phát triển Trung Quốc, một tổ chức tư vấn ở Thâm Quyến, cho hay cải cách sẽ được thử nghiệm ở thành phố.
"Tài liệu nói rằng Thâm Quyến là lá cờ đầu trong việc mở cửa đất nước", Guo nói. "Thâm Quyến đang ở một vị trí thuận lợi trong việc tiến hành nhiều cải cách hơn nữa bởi nó có nền tảng tốt và nhiều vấn đề mà Thâm Quyến đối mặt cũng liên quan tới những khu vực khác ở Trung Quốc".
Nhưng ông lưu ý rằng so với 4 thập kỷ trước, khi mới bắt đầu cải cách và mở cửa, Thâm Quyến bây giờ đã khác hẳn.
"Một số cải cách mà kế hoạch nói tới đã đề cập đến những thách thức hiện tại của Thâm Quyến như thiếu quỹ đất và dịch vụ không tương xứng", Guo nói.
Đất đai đang ngày càng khan hiếm ở Thâm Quyến. Thành phố có diện tích hành chính chỉ bằng 1/3 Thượng Hải và 1/8 Bắc Kinh. Theo kế hoạch, thành phố sẽ có quyền tự chủ chuyển đổi và sử dụng đất nông nghiệp cho các mục đích công nghệ và dân cư mà không cần chính quyền tỉnh Quảng Đông cũng như chính quyền trung ương Bắc Kinh phê duyệt.
Quỹ đất dành cho nhà ở tại Thâm Quyến chỉ chiếm 22,6% tổng nguồn cung quỹ đất dành cho phát triển, khiến nó trở thành một trong những thành phố đắt đỏ nhất Trung Quốc với dân số chính thức hơn 12,5 triệu người.
Bắc Kinh không cho Thâm Quyến "thêm đất" bằng cách sáp nhập các thị trấn lân cập vào đơn vị hành chính, nhưng bật đèn xanh cho thành phố để tạo ra một thị trường đất đai tự do hơn.
Vương Vĩ Trung, bí thư đảng Cộng sản Thâm Quyến, từng phát biểu trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, cho rằng cải cách sẽ ngày càng khó khăn hơn bởi GDP đầu người của thành phố đã đạt 30.000 USD sau 4 thập kỷ phát triển kinh tế.
Zhang Hongqiao, một đại biểu của Hội đồng nhân dân thành phố Thâm Quyến, cơ quan lập pháp của thành phố, cho rằng tài liệu này không thể coi là thuốc chữa bách bệnh cho Thâm Quyến vì một số vấn đề của nó liên quan tới việc tách rời tương quan giữa Trung Quốc và Mỹ.
Ông cho hay việc chú trọng phát triển dữ liệu lớn sẽ là hướng đi tốt cho Thâm Quyến, cho phép thành phố thử nghiệm các biện pháp mới chưa từng thấy ở những khu vực khác tại Trung Quốc.
Zhang cũng lưu ý rằng kế hoạch không lập tức đưa ra giải pháp cho hai thách thức lớn nhất của thành phố là giá bất động sản cao và thiếu quỹ đất. Ông nghi ngờ liệu Thâm Quyến có thể đóng vai trò dẫn đầu ở Khu vực Vịnh Lớn không, bởi mọi thành phố trong khu vực này đều đóng vai trò khác nhau.
"Vai trò của mỗi thành phố trong Khu vực Vịnh Lớn thực sự phụ thuộc vào việc chúng có thể thích ứng với những thay đổi của tình hình đất nước và quốc tế hay không, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Đây không phải là điều mà kế hoạch này có thể giải đáp", Zhang nói.
Cuộc chiến 4 năm của Trump với Trung Quốc Tổng thống Trump cam kết kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng nhiều chuyên gia nhận định ông dường như đã thất bại với mục tiêu này. Sau những lời lẽ tốt đẹp dành cho nhau trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ, như ca ngợi cuộc gặp đầu tiên ở Mar-a-Lago hồi năm 2017 là "miếng bánh sô cô la xinh...