Tạo không gian giáo dục hiệu quả trên mạng
Hội nghị của Bộ GD&ĐT tổ chức đã chỉ ra những yêu cầu quan trọng trong việc phải thay đổi phương thức tuyên truyền, giáo dục và định hướng thời công nghệ 4.0.
Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống (LTCMĐĐLS) cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020″ được, sau 3 năm thực hiện đề án, đến nay các hoạt động tuyên truyền về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng được đẩy mạnh, hình thức triển khai phong phú. Trong các trường học, hình thức triển khai phong phú. Cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng, nâng cao năng lực để làm công tác Đoàn, Hội.
Tuy nhiên, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên vẫn còn nhiều hạn chế. Phải kể đến như một số địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch còn mang tính hình thức, chưa cụ thể hóa nội dung.
Rất cần những hình thức mới mẻ, phù hợp trong giáo dục. Ảnh:T.F
Việc nắm thông tin, định hướng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho học sinh, sinh viên qua môi trường mạng gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính để duy trì, cập nhật thông tin, phân loại, xử lý còn hạn chế. Trong đó, nhiều sinh viên dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng internet, games online, mạng xã hội nên ngại tham gia các hoạt động đoàn thể, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống.
TS Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban Công tác HSSV của ĐH Thái Nguyên nêu quan điểm: Hiện tại cơ bản những giao tiếp, trao đổi giữa thầy và trò ở trường ĐH, chỉ liên quan đến điểm số. Tôi lấy ví dụ học sinh bị cảnh cáo, đáng ra thầy phải tìm hiểu hoàn cảnh của em, tại sao lại thế, tại sao điểm thấp, đời sống bên ngoài của các em ra sao, có hiểu, có trao đổi tâm tư với các em thì mới biết được các em đang nghĩ gì, để giáo dục, định hướng đúng đắn. Thời gian ngoài nhà trường của sinh viên nhiều, nếu chỉ xoay quanh các câu chuyện về điểm số, thì giáo dục đạo đức không thể đầy đủ được.
Chưa kể phòng tham vấn học đường hiện nay lại chưa có vị trí việc làm. Hầu hết là giáo viên phải kiêm nhiệm, thậm chí có khi ban giám hiệu đang phải thay nhau làm việc thay cho chuyên gia. Đây là điều bất cập mà trong thời gian tới nếu có thể đào tạo và bố trí vị trí việc làm cho chuyên gia tham vấn tâm lý trường học sẽ đạt hiệu quả cao.
PGS.TS Hồng Thanh Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Hồng Bàng cho rằng, bây giờ tất cả các HSSV đều quen với mạng internet, tác động tích cực cũng có, tiêu cực cũng nhiều, khi có một số thói hư tật xấu, phai nhạt lý tưởng sống, sao nhãng học tập cũng từ các không gian mạng “đen” mà ngày ngày sinh viên tiếp xúc. Vì thế, không thể buông lỏng HSSV tự bơi trong môi trường mạng, cần có sự giáo dục qua các “kênh” mới này để phù hợp với thói quen và xu hướng của các em.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Cùng với tiến trình đổi mới chương trình giáo dục, ngành giáo dục đã thực hiện lồng ghép, tích hợp các nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, giáo dục kỹ năng sống vào chương trình giáo dục nhằm định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của HSSV.
Đa số các cơ sở giáo dục, cấp Đoàn đều có trang Fanpage, các nhóm (GroUp) HSSV trên mạng xã hội nhằm thường xuyên tuyên truyền, định hướng, tương tác để nắm tình hình tư tưởng, đạo đức, lối sống của HSSV trên môi trường mạng; việc xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn hóa đối với cán bộ, nhà giáo và HSSV được nhiều cơ sở giáo dục thực hiện, đạt kết quả bước đầu.
PGS.TS Trần Văn Tớp, Hiệu phó trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng không thể không quan tâm đến vai trò của không gian mạng trong giáo dục đạo đức, lối sống tư tưởng cho HSSV. Nếu làm tốt, thì đây cũng có thể là một kênh giáo dục hiệu quả.
Video đang HOT
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị: Tiếp tục rà soát kế hoạch triển khai nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu tại Quyết định 1501 của đơn vị. Mặt khác tăng cường xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo, lực học đường và tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng.
T.Fan
Theo phapluatxahoi
Trường ĐH phải được tự chủ về học thuật
Ông Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, cho rằng luật Giáo dục đại học sửa đổi có nhiều tiến bộ về tự chủ đại học, tuy nhiên điều quan trọng là phải tạo ra được sự tự chủ về mặt học thuật để trường trưởng thành sánh vai với các trường quốc tế.
Xây dựng cơ chế hợp lý giúp các trường ĐH phát triển sẽ tác động vào chất lượng đào tạo - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Chuyển bộ GD-ĐT từ chủ quản sang quản lý nhà nước
Theo ông đánh giá, luật Giáo dục ĐH sửa đổi vừa được thông qua có những sửa đổi quan trọng gì? Mục tiêu của những vấn đề sửa đổi là gì?
Một vấn đề sửa đổi quan trọng lần này là tự chủ đại học, chuyển dần vai trò chủ quản của Bộ GD-ĐT sang quản lý nhà nước. Có nghĩa là mỗi trường ĐH phải là một thực thể độc lập về tài chính, nhân sự, học thuật, phải tự chịu trách nhiệm hoạt động và giải trình.
Trong luật này, cấu trúc của tự chủ ĐH đặt trọng tâm vào hội đồng trường ở trường công và một phần với hội đồng quản trị với trường tư. Nôm na hiểu là hội đồng trường bao quát, với vai trò trách nhiệm khá cao như quyết định về chính sách, chiến lược, nhân sự, tài sản, đầu tư... Hiệu trưởng có trách nhiệm quản lý ĐH chứ không còn tập trung vào những việc có quy mô bao quát. Nếu làm cho đúng thì sẽ cân bằng giữa quyền và trách nhiệm điều hành của hội đồng trường và hiệu trưởng. Trong quá khứ, hiệu trưởng các trường gần như được toàn quyền. Một số trường có hội đồng trường nhưng thực chất không có nhiều quyền.
Lần này cấu trúc để cân đối quyền khá hợp lý. Nhưng làm sao đi vào thực tiễn, trong quy chế hoạt động, cách hoạt động để tạo ra sự cân bằng là điều khó. Với phương Tây, đặc biệt ở Mỹ, công việc này là bình thường. Ở VN, chúng ta mới bắt đầu. Nhưng nếu làm được, đây là bước tiến khá tốt.
Ông Trần Đức Cảnh
Luật cũng nói về số người trong hội đồng trường tối thiểu là 15. Có 4 người là thành viên đương nhiên có mặt là bí thư Đảng, đại diện Đoàn thanh niên, chủ tịch nghiệp đoàn, hiệu trưởng. Còn lại do trong trường bầu. Quy định tối thiểu 30% nhân sự trong hội đồng trường từ bên ngoài cũng là điều tiến bộ.
Tuy nhiên, điều quan trọng của các quy định nâng cao tự chủ ĐH là phải tạo ra được sự tự chủ về mặt học thuật. Đây phải là mục tiêu của giáo dục ĐH. Tự chủ tài chính, nhân sự thật ra chỉ phục vụ cho mục tiêu tự do học thuật. Không có tự do học thuật thì trường ĐH không thể trưởng thành để sánh vai với các trường quốc tế được.
Dưới cái nhìn của người từng làm chính sách giáo dục và đào tạo ở nước ngoài, tôi thấy luật sửa đổi lần này vẫn còn những điểm chưa ổn. Nhưng nhìn chung đã có nhiều tiến bộ. Có thể chúng ta làm và tiếp tục sửa đổi sau này.
Một trong những điểm chưa ổn, liên quan đến tính bao quát của cả một nền giáo dục, là triết lý giáo dục. Một văn bản luật như luật Giáo dục ĐH bao gồm nhiều quy định mang tính chuyên môn, kỹ thuật, nhưng tất cả những quy định đó cần hướng về một thứ là triết lý và mục tiêu giáo dục.
Sinh viên tiếp cận hệ thống giáo dục năng động và sáng tạo hơn
Sinh viên sẽ được lợi ích gì khi có luật Giáo dục ĐH sửa đổi, thưa ông?
Việc xây dựng cơ chế hợp lý giúp các trường ĐH phát triển sẽ tác động vào chất lượng đào tạo sinh viên lâu dài. Một trường ĐH được tự chủ sẽ có quyết định vấn đề nhanh hơn, không phải cái gì cũng báo cáo lên hay xin phép cơ quan chủ quản như hiện nay, quy trình rất chậm và nhiêu khê. Tuy nhiên, nếu sự tổ chức, sắp xếp và quản lý không tốt của một trường tự chủ thì cũng có thể dẫn đến kết quả trái ngược. Nhưng lâu dài tôi thấy mặt rất tích cực của tự chủ đại học.
Trường muốn làm tốt thì cần có khả năng tốt, động cơ tốt, người thực hiện tốt. Các trường sau này không thể đổ thừa Bộ GD-ĐT. Sự tác động này đến các trường dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng của thị trường nguồn nhân lực. Họ phải đào tạo sinh viên chất lượng tốt hơn. Vì vậy, sinh viên có thể tiếp cận một hệ thống giáo dục mới, năng động và sáng tạo hơn từ sự thay đổi này.
Bên cạnh đó, luật Giáo dục ĐH sửa đổi lần này mở rộng hơn về các loại hình đào tạo ngoài chính quy. Đó là liên thông, bán thời gian, liên kết, đào tạo từ xa... Nó giúp những người đang đi làm muốn học thêm, trau dồi nghề nghiệp, lấy bằng cấp ngắn hạn có nhiều lựa chọn tốt hơn. Đây là hướng khá "mở", đáp ứng được sự phát triển giáo dục và đào tạo tương lai.
Trường tư có là doanh nghiệp ?
Thưa ông, qua những nội dung sửa đổi, ông đánh giá những người ban hành luật đang xem trường tư là doanh nghiệp hay đơn vị giáo dục có thu?
Quan niệm như thế nào thật ra không có ý nghĩa gì. Khi xem trường tư với bản chất là một doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục thì phải chấp nhận quy luật của thị trường. Nói "làm giáo dục không kinh doanh" chỉ là một cách nói thôi. Thực chất thì không ai cấm chuyện kinh doanh được.
Chỉ có một cách để kiểm soát nhưng phải mất nhiều thời gian. Đó là để thị trường phát triển lành mạnh sẽ quyết định về chất lượng và kết quả đào tạo. Tuy nhiên, đánh giá được sản phẩm đầu ra của giáo dục thường phải mất ít nhất là 10, 20 năm.
Về phía trường công, nhà nước cũng cần đầu tư tốt và cân bằng với nhu cầu phát triển xã hội hơn. Những ngành về kỹ sư, khoa học xã hội nhân văn, sư phạm, nghiên cứu... nhà nước cần đầu tư nhiều hơn. Những ngành như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin..., một thời điểm nào đó không nhất thiết phải đầu tư quá nhiều, để các trường tư phát triển. Khi tư nhân không muốn làm vì không sinh lời, nhà nước làm không hiệu quả thì loại hình trường phi lợi nhuận có thể sẽ làm thay. Hệ thống trường phi lợi nhuận sẽ cân bằng được sự thiếu hụt này.
Ý KIẾN
Trao quyền thật sự cho hội đồng trường
Một vấn đề cốt lõi giúp tăng cường tính tự chủ của các trường ĐH trong luật Giáo dục ĐH sửa đổi là những điều khoản liên quan tới hội đồng trường. Để đảm bảo quyền tự chủ chặt chẽ, trách nhiệm giải trình của trường cũng như của hiệu trưởng đã được cụ thể hóa. Trước kia, những vấn đề này được đưa vào điều lệ trường ĐH, trong Nghị quyết 77 cũng nhấn mạnh, nhưng giờ đã được luật hóa. Nhiều quyền trước đây là của cơ quan chủ quản thì giờ đã đưa xuống trường, ví dụ như bổ nhiệm nhân sự. Bản chất của quyết định là trao quyền cho tập thể nhà trường mà hội đồng trường là nơi quyết định cuối cùng, là nơi ra nghị quyết để thi hành. Qua đó cho thấy luật mới đã trao quyền thực sự cho hội đồng trường. Tuy nhiên, vấn đề không phải hội đồng trường thực sự có quyền lực hay không mà là làm sao thực hiện được tự chủ một cách có hiệu quả khi luật đã cho phép các trường làm điều này.
PGS Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)
Trường tự quyết, Bộ hậu kiểm
Tới đây, các trường ĐH sẽ được tự chủ trong tuyển sinh bao gồm cả việc xác định chỉ tiêu, mở ngành, liên kết quốc tế. Cả 3 hoạt động này trước đây bị kiểm soát rất chặt, phải làm khá nhiều thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian mới xong. Giờ cả 3 cái này đều nằm trong danh mục tự chủ. Tất nhiên, vẫn phải có những giới hạn, chẳng hạn yêu cầu phải kiểm định... Bộ kiểm soát theo cơ chế hậu kiểm chứ không tiền kiểm như hiện nay. Điều này tạo sự chủ động đồng thời buộc các trường cũng phải tự chịu trách nhiệm.
Đặc biệt các trường tự chủ nhưng nếu vi phạm thì 5 năm tiếp theo không được tự chủ trong lĩnh vực tiếp theo nữa. Phạt nặng nhưng cũng có thể chấp nhận được. Cái được lớn nhất là các trường tự chủ.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT)
Quý Hiên (ghi)
"Một trong những điểm chưa ổn, liên quan đến tính bao quát của cả một nền giáo dục, là triết lý giáo dục. Một văn bản luật như luật Giáo dục ĐH bao gồm nhiều quy định mang tính chuyên môn, kỹ thuật, nhưng tất cả những quy định đó cần hướng về một thứ là triết lý và mục tiêu giáo dục"
Theo thanhnien
Có kỹ năng mà thiếu giá trị sống: Nguy hại! Sinh viên ra trường thiếu kỹ năng mềm nên khó thích nghi với thực tiễn là thực trạng đã được các trường ĐH, CĐ đặc biệt quan tâm nhiều năm gần đây. Thế nhưng, việc chỉ tập trau dồi kỹ năng mà bỏ quên nền tảng cốt lỗi là giá trị sống thì càng nguy hiểm và bất ổn. Nhiều vấn đề quanh...