Tạo cơ hội, khuyến khích học sinh yêu khoa học
Chiều 23-4, Trường tiểu học – THCS Fansipan đã tổ chức ngày hội “Em yêu khoa học 2021″ thu hút đông đảo học sinh và phụ huynh tham gia.
Ngày hội thu hút đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia.
Tại ngày hội, các sản phẩm giáo dục STEM của giáo viên, học sinh nhà trường đã được trưng bày, giới thiệu. Đây là những sản phẩm được hình thành do sự nghiên cứu, chế tạo của giáo viên và học sinh từ các nguyên liệu tái chế, tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Các sản phẩm trưng bày
Theo đó có các loại dụng cụ, máy móc, thiết bị, sản phẩm, mô hình, phục vụ trong lớp học; các thí nghiệm minh họa kiến thức đã học, các thí nghiệm vui, phần mềm giải trí hữu ích; mô phỏng các hiện tượng thiên nhiên, mô hình hóa các thiết bị, máy móc phức tạp; các đề án, dự án, giải pháp khả thi, giải quyết sáng tạo và tối ưu những vấn đề trong lớp học, nhà trường, gia đình và xã hội.
Sản phẩm do học sinh và giáo viên sáng tạo
Video đang HOT
Giáo dục STEM là một cách tiếp cận mới trong dạy và học tích hợp nội dung và kỹ năng về Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (tiếp cận liên môn và thông qua thực hành, ứng dụng).
Triển khai phát triển giáo dục STEM trong nhà trường nhằm tạo bước đột phá về đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên và cách học của học sinh, nâng cao hứng thú học tập, hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh; đảm bảo giáo dục toàn diện, thực hiện hướng nghiệp; kết nối trường học với cộng đồng, thực hiện đạt hiệu quả cao mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhân dịp này nhà trường đã kết hợp trưng bày các đầu sách hay, bổ ích, phù hợp với lứa tuổi. Đồng thời, tổ chức các hoạt động thực hành, trải nghiệm thực tế lắp ghép mô hình từ các hình khối toán học, robot bắn bóng, bong bóng khổng lồ… cho các em học sinh tham gia.
Các em học sinh tham gia trải nghiệm
Ngày hội là dịp để cán bộ, giáo viên và học sinh thể hiện ý tưởng sáng tạo, giới thiệu các sản phẩm, mô hình về ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào trong thực tiễn, tạo môi trường cho các em học sinh giao lưu, chia sẻ, học tập kinh nghiệm để hiểu rõ hơn Robotics, Math, Stem và các ứng dụng của Robot, Math, Stem trong cuộc sống hàng ngày, góp phần thúc đẩy đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.
Thi KHKT cho học sinh trung học: Phần tất yếu của đổi mới giáo dục
Học sinh, nhà giáo và chuyên gia đều khẳng định việc Bộ GD&ĐT tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học là cần thiết.
Thầy An Văn Thái - giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Sơn La) cùng hướng dẫn học sinh sáng chế máy rèn, duỗi kim loại và hợp kim. Ảnh: NTCC
Đây là sân chơi bổ ích, tạo điều kiện cho học sinh phát huy năng lực sáng tạo; thúc đẩy đổi mới dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.
Kiến thức quý báu cho thầy và trò
Trong 3 ngày (từ 25 - 27/3), tại Thừa Thiên - Huế, Bộ GD&ĐT tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (Cuộc thi) năm học 2020 - 2021. Mục đích Cuộc thi là khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật và vận dụng kiến thức của môn học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống. Hoạt động này góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; thực hiện giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán. Sau thời gian dài tổ chức, ý nghĩa tích cực của cuộc thi này ngày càng được ghi nhận.
Là Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi năm học 2020 - 2021, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế khẳng định: Đây là hoạt động giúp học sinh làm quen và đam mê lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sáng tạo. Ông Nguyễn Tân cho rằng: Vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn là một trong những mục tiêu hình thành năng lực cho học sinh phổ thông. Các trường phổ thông triển khai hoạt động dạy - học và trải nghiệm dưới nhiều hình thức phong phú; trong đó có tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật để nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo, bước đầu giúp học sinh nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh giáo dục STEM...
"Qua theo dõi hoạt động này ở cơ sở, Ban tổ chức nhận thấy tinh thần dám nghĩ, dám làm để tiến thân vào con đường khoa học của học sinh. Cuộc thi tại cơ sở cũng phản ánh được tiềm năng sáng tạo phong phú, thiết thực trên nhiều lĩnh vực của học sinh phổ thông, mà những người làm công tác giáo dục, khoa học không thể không chú ý khơi gợi, phát triển. Với các trường, Cuộc thi góp phần thúc đẩy mạnh hơn đổi mới dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện mục tiêu chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học. Cuộc thi đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu sáng tạo, thực hành trong tổ chức dạy học; là nền móng để đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong thế hệ trẻ. Có thể nói, đây là hoạt động trải nghiệm không thể thiếu trong hoạt động chuyên môn của nhà trường" - ông Nguyễn Tân nhận định.
Từng tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật, Nguyễn Minh Thư, học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết em đã học hỏi được rất nhiều; trong đó có tăng kỹ năng làm việc nhóm, tự nghiên cứu. Sản phẩm nghiên cứu của Minh Thư và bạn học - máy ATM đa năng - đã giành giải Nhì thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; đồng thời được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen.
Chia sẻ góc nhìn từ trường ĐH, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa - cho biết: Nhà trường chú trọng trải nghiệm, đổi mới sáng tạo. Trải nghiệm tốt nhất là học sinh chủ động, tích cực tham gia các dự án, trực tiếp giải quyết những vấn đề thực tiễn. Việc các em tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học chính là cơ hội để trải nghiệm, từ đó phát huy sự sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và hình thành tinh thần đồng đội. Đây là những phẩm chất vô cùng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
"Năm nay, Trường ĐH Phenikaa hỗ trợ 2 đội thi đến từ Trường THPT chuyên Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên và Trường THPT chuyên Chu Văn An, tỉnh Lạng Sơn. Hai dự án đã giành giải Nhì và giải Ba Cuộc thi khoa học và kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc vừa tổ chức tại Thừa Thiên - Huế. Thực tế cho thấy, qua quá trình triển khai dự án, kiến thức thu được với cả thầy và trò đều rất quý báu. Học sinh được đến Trường ĐH Phenikaa thực hiện các thí nghiệm, tiếp xúc với trang thiết bị hiện đại, được nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi từ các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực các em quan tâm. Qua đó cũng tác động tích cực đến định hướng nghề nghiệp của học sinh" - PGS.TS Nguyễn Phú Khánh chia sẻ.
Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học là sân chơi bổ ích cho mỗi người học.
Cơ hội cho người học
Theo ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Đồng Tháp, việc Bộ GD&ĐT tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học là cần thiết, góp phần hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh; tạo điều kiện phát triển giáo dục STEM... Các biểu hiện tiêu cực (nếu có) chỉ là hiện tượng cá biệt, không phải là bản chất của Cuộc thi.
Tuy nhiên, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cũng cần có biện pháp cần thiết, khả thi để kiểm tra, sàng lọc các ý tưởng đã tham gia. Theo đó, các đơn vị tham dự phải tự rà soát và chịu trách nhiệm trước Bộ GD&ĐT về dự án dự thi. Bộ GD&ĐT nên công bố các dự án dự thi (tên, lĩnh vực, tóm tắt cấu tạo, cách vận hành...) trước thời gian tổ chức cấp quốc gia 1 tuần để đơn vị tham gia rà soát, phát hiện dự án trùng lắp,...
Góp ý để Cuộc thi hiệu quả hơn, PGS Nguyễn Phú Khánh cho rằng: Nên có sự gắn bó khăng khít hơn nữa giữa trường ĐH và phổ thông để tận dụng tối đa nguồn lực và kinh nghiệm từ trường ĐH; từ đó mang lại hiệu quả tốt hơn nữa cho học sinh.
Đưa ý kiến từ cơ sở, ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Thái Thụy, Thái Bình, cho rằng: Giáo dục là một quá trình. Sản phẩm giáo dục có được là do quá trình học tập, tu dưỡng và rèn luyện. Với hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo khoa học kỹ thuật, ngay từ đầu không thể có chuyện học sinh tự làm được, mà tất yếu phải có sự hỗ trợ, hướng dẫn của giáo viên. Trong việc này, bởi vậy đòi hỏi cao sự kiên trì của mỗi giáo viên, từng nhà trường. Khi tham gia, chắc chắn học sinh sẽ được củng cố, thậm chí được cung cấp thêm một lượng kiến thức nhất định về toán, kỹ thuật, công nghệ... Các em có thói quen, kỹ năng tốt hơn khi giải quyết vấn đề thực tiễn. Dù Cuộc thi đâu đó còn có hạn chế, nhưng chúng ta cần có giải pháp quản lý hoạt động này tốt hơn chứ không phải là dừng lại; trước hết là từ trách nhiệm của mỗi giáo viên làm công tác hướng dẫn nghiên cứu khoa học.
Quan trọng nhất là ý thức, trách nhiệm của mỗi giáo viên hướng dẫn, nhà trường, sở GD&ĐT. Từ đó, không làm sai lệch mục đích cũng như ý nghĩa của cuộc thi. "Ý nghĩa của Cuộc thi góp phần giáo dục phát triển học sinh toàn diện trong bối cảnh đổi mới giáo dục là không thể phủ nhận" - ông Nguyễn Tân nhấn mạnh.
Đẩy mạnh trải nghiệm STEM nhằm tiếp cận với chương trình GDPT mới Với những kiến thức đã học trong sách giáo khoa Toán, Vật lý, Hóa học, Khoa học, các em học sinh với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo đã tạo ra những sản phẩm STEM thiết thực, gắn bó với cuộc sống. Mô hình máy rửa tay tự động của Trường THCS Yên Sở tham dự Ngày hội STEM cấp THCS...