Tăng trách nhiệm giám sát tới học sinh trong dạy và học online
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, khi cả nước cùng cố gắng chống dịch thì ở môi trường giáo dục cũng vậy, từ các Sở GD&ĐT đến các phòng, ban và đặc biệt, nhà trường, phụ huynh, giáo viên cùng học với học sinh.
Để hiểu rõ hơn nội dung này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT.
Ông Thái Văn Tài
Có một thực tế là ở nhiều vùng miền, vẫn còn những lớp học trực tuyến với khoảng 1% học sinh tham gia. Vậy giải pháp của Bộ là gì, thưa ông?
- Tôi xin khẳng định lại, dạy học trực tuyến, trên truyền hình không bắt buộc. Các địa phương sẽ tùy theo tình hình cụ thể để linh hoạt áp dụng các mô hình đào tạo phù hợp. Ngay lúc này, các Phòng GD&ĐT phải phát huy vai trò là cơ quan quản lý gần nhất, sát nhất với cơ sở giáo dục, nhanh chóng nắm bắt và đưa ra các giải pháp cũng như tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền các giải pháp cụ thể ở địa phương mình.
Nhiều địa phương cũng lo ngại không thể giảng dạy trực tuyến do thiếu hạ tầng cũng như không ít giáo viên lúng túng khi triển khai mô hình này?
- Trong hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có giao nhiệm vụ cho các Sở GD&ĐT điều chỉnh kế hoạch dạy học trong học kỳ II năm học 2019 – 2020, bảo đảm Chương trình giáo dục phù hợp với tình hình thực tế. Bộ đã đề nghị các nhà trường ứng biến linh hoạt các giải pháp, trên nguyên tắc bảo đảm quyền lợi người học là trên hết, không bắt buộc phải dạy trực tuyến.
Để làm tốt mô hình này, cần áp dụng nhiều bước, theo trình tự. Trước hết, các cơ sở giáo dục phải công khai lịch dạy, tiếp đến, gửi lịch giảng dạy tới phụ huynh, học sinh. Sau đó, nhà trường, giáo viên phải tương tác với phụ huynh để cùng phân vai. Ví dụ với các em còn nhỏ, phụ huynh phải sát sao về giờ phát sóng hay học trực tuyến để cùng học với con. Với giáo viên, hàng ngày, sau mỗi bài giảng đều phải thực hiện thao tác trao đổi lại với phụ huynh, học sinh để hoàn thiện dứt điểm bài giảng đó, qua đó, nắm bắt được khả năng tiếp thu bài giảng cũng như năng lực từng học sinh để có những điều chỉnh phù hợp.
Nói đến khả năng tiếp thu, việc kiểm tra hay đánh giá năng lực học sinh sẽ gặp khó khi áp dụng việc dạy học trực tuyến hay trên truyền hình. Ông đánh giá như nào về điều này?
Video đang HOT
- Mỗi một cách làm, một mô hình giảng dạy đều có ưu và nhược điểm. Với tình thế như hiện nay, việc cần làm ở cơ sở giáo dục, giáo viên, nhà trường là tăng trách nhiệm giám sát tới học sinh. Bằng cách, các giáo viên phải thường xuyên tổ chức đánh giá khả năng hoàn thành học tập; tham gia, đánh giá định kỳ (đánh giá tập trung) cùng nhà trường khảo sát, đánh giá lại xem học sinh tiếp thu đến đâu. Sau đó, nhà trường sẽ tổ chức phân loại học sinh để đưa ra giải pháp đào tạo phù hợp.
Đã có những lo lắng về việc nghỉ học nhiều sẽ không đủ thời gian để hoàn thành chương trình, phía Bộ GD&ĐT có tính đến điều này không, thưa ông?
- Trong quá trình rà soát, tinh giản, Bộ GD&ĐT đã tính toán kỹ lưỡng. Đặt tình huống nếu học sinh đầu tháng 5 đi học trở lại, có thể tính từ ngày 1/5 đến 15/7 là kết thúc năm học, với nội dung đã giản lược, hoàn toàn đủ thời gian để giảng dạy hoàn thiện chương trình giáo dục theo yêu cầu.
Xin cảm ơn ông!
Bảo Thắng thực hiện
Vì sao dạy - học online không thể thay thế lớp học truyền thống?
Dạy và học online có thể là một phần quan trọng trong chương trình giáo dục tổng thể nhưng không thể thay thế hoàn toàn lớp học truyền thống.
Mặc dù học và hướng dẫn học online (trực tuyến) đang trở thành xu thế gần đây, đặc biệt gia tăng mạnh khi cả thế giới đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thực tế và nhiều nghiên cứu cho thấy lớp học truyền thống đem lại những lợi ích cho cả học sinh và giáo viên mà dạy - học trực tuyến không có được.
Ảnh minh họa. Nguồn: The Daily AZTec
MOOC là cụm từ viết tắt của Massive Open Online Courses (Các khóa học trực tuyến mở đại chúng), chỉ việc cung cấp các khóa học không giới hạn số người dự học qua Internet.
MOOC được cung cấp bởi rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ như Coursera, Alison, Canvas Network, Udemy, Linkedin Learning... trong đó rất nhiều khóa học miễn phí.
Do miễn phí nên tất cả những ai có mạng Internet và máy tính đều có thể tiếp cận được các khóa học này. Đó là lý do khiến việc học online đang tạo thành tiếng vang và gây lo ngại cho không ít giáo sư chuyên môn và nhà quản lý giáo dục đại học.
Tính riêng Coursera, hiện đã có 1,7 triệu người đăng ký sử dụng các khóa học của nhà cung cấp này. Điều này có thể khiến nhiều người nghĩ rằng MOOC sẽ là tương lai của giáo dục đại học.
Tuy nhiên, thực tế vận hành của MOOC cho thấy chúng sẽ không thể là tương lai của giáo dục đại học và không thể thay thế lớp học truyền thống, do sự hạn chế hoặc gần như không có tương tác giữa người dạy và người học.
Lợi thế lớn nhất của MOCC là người học có thể học online và có những khóa học hoàn toàn miễn phí, thậm chí đã có các giáo sư nổi tiếng của Đại học Havard, Đại học Stanford, Princeton và nhiều trường đại học khác tạo các bài giảng MOOC của mình cho người học, giúp các khóa học này trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, điều những bài giảng này thiếu chính là góc độ xã hội của việc dạy và học.
Điểm cộng của lớp học truyền thống. Nguồn: India Today
Một nghiên cứu mới đây do Đại học Pennsylvania thực hiện trên tổng số mẫu một triệu người sử dụng MOOC cho thấy chỉ 4% người được khảo sát hoàn thành một khóa học và 50% chưa bao giờ xem đầy đủ một bài giảng. Những con số này chỉ ra một chiều kích của giáo dục mà chúng ta đã mặc định hoặc quên đi.
Mặc dù một số khóa học được hỗ trợ với các nền tảng công nghệ cho phép người dạy và người học tương tác qua lại, việc học online vẫn chưa tạo được nhiều động lực cho người học.
Việc tới lớp cùng thầy, cô và bạn bè là đặc biệt quan trọng, là động lực khiến người học mở những cuốn sách trong khóa học ra nghiên cứu. Nó giúp gắn kết giữa kiến thức lý thuyết và thực hành và biến hoạt động tiếp nhận thông tin thành tương tác với thông tin.
Ngoài ra, người dạy online cũng gặp những khó khăn nhất định như phải chuẩn bị bài giảng theo một cách khác, không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn cả kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ.
Hơn nữa, kiến thức luôn là một khái niệm động, không bất biến, đòi hỏi phải cập nhật liên tục. Đây là điều mà các bài giảng trực tuyến ghi hình sẵn không làm được. Khái quát lại, lớp học truyền thống có những đặc điểm sau mà lớp học online không có được:
- Lớp học truyền thống thúc đẩy và kích thích tinh thần hợp tác trong học tập, giúp tăng cường năng lực tự nhận thức của người học, làm cho quá trình học tập dễ dàng hơn, người học chăm chỉ hơn trong lớp và sau khi ra khỏi lớp học.
- Lớp học truyền thống tăng cường các kỹ năng tư duy sâu, tư duy phản biện do trong lớp người học có thể tham gia (hoặc buộc phải tham gia) vào các cuộc tranh luận, thảo luận. Khi đó, người học buộc phải huy động các kỹ năng tư duy phản biện và tư duy sâu để hình thành ý tưởng và lập luận để tranh luận, bảo vệ quan điểm của mình.
- Lớp học truyền thống thúc đẩy các kỹ năng giao tiếp xã hội do có sự tương tác trực tiếp giữa người học với nhau cũng như giữa người học với người dạy, tạo lập mối quan hệ trong lớp học. Đây là một nội dung quan trọng của giáo dục, giúp phát triển năng lực giao tiếp xã hội cho người học, đặc biệt là trẻ nhỏ.
- Lớp học truyền thống xây dựng cho học sinh các kỹ năng tổ chức kỷ luật như tới lớp học đúng giờ, làm bài tập đầy đủ trước khi đến lớp, chuẩn bị sẵn tâm thế trả lời bất cứ câu hỏi nào của giáo viên và sẵn sàng tham gia thảo luận... Tóm lại, người học sẽ phải biết cách tổ chức thời gian của mình, chấp hành kỷ luật trong lớp học...
- Lớp học truyền thống kích thích được sự chú ý và tập trung của người học. Bản thân sự có mặt của giáo viên đã là một nguồn động lực giúp người học tương tác và tham gia đầy đủ vào các hoạt động trong lớp.
- Lớp học truyền thống cho phép người dạy điều chỉnh phương pháp giảng dạy theo phản ứng của người học hoặc thay đổi nội dung giảng dạy theo các vấn đề người học nêu ra. Ở khía cạnh người học, những câu hỏi hoặc nghi vấn đặt ra về một nội dung nào đó của bài giảng có thể được người dạy lý giải nhanh chóng trước khi bước vào chủ đề học tiếp theo.
- Lớp học truyền thống phát triển nhân cách và các kỹ năng nghề nghiệp quan trọng cho người học. Trong lớp học truyền thống, các kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết trình một cách tự tin trước bạn bè và giáo viên, phát triển tinh thần làm việc nhóm... là những điều hiếm khi có được ở lớp học online.
Những điều nói trên cho thấy dạy và học online có thể là một phần quan trọng trong chương trình giáo dục tổng thể nhưng không thể thay thế hoàn toàn lớp học truyền thống.
Hữu Dương (tổng hợp)
Dạy học môn ngữ văn 12 hiệu quả với hình thức trực tuyến Phương pháp dạy học trực tuyến được các thầy cô áp dụng tích cực để ôn luyện bài cũ và trang bị kiến thức mới cho HS. Các phần mềm CNTT đã được các giáo viên lớp 12 ứng dụng linh hoạt trong việc dạy và học môn ngữ văn. Ứng dụng các phần mềm CNTT vào dạy trực tuyến Thống nhất nội...