Tăng tốc ôn thi THPT quốc gia
Chỉ còn 3 tháng nữa, học sinh khối 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Ngay lúc này, nhiều trường THPT ở TP HCM đã lên kế hoạch tăng tiết, phân loại học sinh để có kế hoạch ôn tập phù hợp
Theo kế hoạch của Trường THCS-THPT Đăng Khoa, sau khi kết thúc một số môn như tin học, thể dục, giáo dục công dân… trường sẽ tăng tiết. Ngoài 3 môn bắt buộc, học sinh có thể chọn thêm nhiều môn khác để phù hợp xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhiều trường THPT khác ở TP HCM cũng đang lên kế hoạch tăng tiết cho học sinh.
Tăng 3 tiết/tuần
Bà Bùi Thị Tuyết Nga, quyền Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đăng Khoa (TP HCM), cho biết trong tháng 4, trường sẽ thực hiện tăng tiết cho học sinh. Ba môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia là toán, ngữ văn, tiếng Anh tăng thêm 3 tiết/tuần; các môn còn lại là địa lý, vật lý, hóa học, sinh học và lịch sử, mỗi môn tăng từ 1 đến 2 tiết/tuần.
Thầy Nguyễn Đức Long, giáo viên Trường THCS-THPT Đăng Khoa (TP HCM), trong giờ dạy toán cho học sinh lớp 12
Bà Nga cho rằng tăng tiết là việc làm được trường tổ chức hằng năm cho học sinh để các em đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi. Nếu như các năm trước, trường tổ chức cho các em ôn thi tốt nghiệp rồi sau đó mới ôn thi ĐH thì nay trong đề cương ôn tập vừa có căn bản vừa có nâng cao bởi chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả xét tốt nghiệp vừa làm cơ sở xét tuyển ĐH, CĐ. Tăng tiết nhưng trường không thu thêm học phí của học sinh.
Không riêng gì trường ngoài công lập, các trường THPT công lập cũng đã thực hiện tăng tiết cho học sinh. Bà Tô Hạ Uyên, Hiệu trưởng Trường THPT Gò Vấp, cho biết từ học kỳ II, học sinh của trường đã đăng ký học thêm. Hầu hết các em đăng ký học thêm 5 môn để thi THPT quốc gia vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Tới đây, khi kết thúc học kỳ II sẽ có kỳ tăng tiết cho các em. Ở Trường THPT Nguyễn Trung Trực, trường dự kiến trong tháng 4 này sẽ họp phụ huynh để xin ý kiến việc tăng tiết. Ông Đinh Minh Hoa, hiệu trưởng nhà trường, cho biết dù là trường công lập nhưng điểm đầu vào của học sinh trường này rất thấp. Nếu không tăng tiết để ôn tập thì các em khó lòng đậu tốt nghiệp chứ đừng mơ ĐH.
Dạy theo đối tượng
Không giống các tiết học chính khoa, nhiều trường lên kế hoạch phân loại học sinh để có kế hoạch ôn tập phù hợp.
Cô Lê Thanh Xuân, Tổ trưởng Bộ môn ngữ văn Trường THCS-THPT Đăng Khoa, cho biết cũng như nhiều tổ bộ môn khác, tổ ngữ văn đã xây dựng tài liệu ôn tập cho học sinh theo 2 nhóm: từ trung bình trở lên và dưới trung bình. Với đối tượng học sinh có học lực dưới trung bình, giáo viên chỉ cần các em nắm căn bản tác phẩm văn học, kỹ năng làm bài để có thể đạt điểm trung bình; với học sinh từ trung bình trở lên, tài liệu ôn tập tăng cường những nội dung khó hơn để các em có điểm cao khi xét vào ĐH, CĐ.
Tương tự, bà Tô Hạ Uyên cho biết sau khi kiểm tra học kỳ II, trường sẽ phân loại học sinh để ôn tập. Học sinh yếu sẽ được giáo viên chăm sóc “đặc biệt” để lấp những khoảng trống trong kiến thức căn bản. Học sinh khá trở lên được học nâng cao để đáp ứng cho xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Năm nay, đối tượng học sinh yếu ở các môn có khoảng 4 lớp. Ở Trường THPT Nguyễn Trung Trực, trường này đang lọc học sinh để khi có sự đồng thuận của phụ huynh sẽ chia lại lớp để ôn tập. Ông Hoa cho biết số học sinh yếu còn nhiều hơn học sinh khá.
Đại diện các trường THPT cho răng phân loại học sinh là cách để tổ chức ôn tập tốt hơn, hiệu quả hơn vì đề cương ôn tập cần phù hợp hơn cho từng đối tượng khác nhau.
Theo nld.com.vn