Tăng tiết vì quá tải?
Sở GD&ĐT chưa cho tăng tiết đại trà. Nhà trường lách bằng cách chia lớp theo phân loại học sinh để khi có thanh tra thì báo cáo là phụ đạo, bồi dưỡng.
Bộ GD&ĐT nghiêm cấm dạy thêm, học thêm trái quy định dưới hình thức tăng tiết có thu tiền. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các trường THPT tại TP.HCM đều thực hiện tăng tiết ngay từ đầu năm học với các môn Văn, Toán, ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh. Nhiều trường nói thẳng: Tăng tiết ngay từ đầu năm học để giáo viên có thời gian hướng dẫn học sinh làm bài tập. Mỗi môn học chính như Văn, Toán, ngoại ngữ… tăng 1-3 tiết ngay từ đầu năm học. Và các trường bắt đầu tăng tiết mạnh khi Bộ công bố môn thi tốt nghiệp THPT.
Không giải quyết hết bài tập!
Lý do các trường giải thích cho việc tổ chức tăng tiết là chương trình học hiện nay quá nặng, thời gian bố trí tiết giảng chưa phù hợp, giáo viên dạy lý thuyết đã hết giờ còn thời gian đâu làm thực hành, thí nghiệm, giải bài tập… Các giờ tăng tiết trên lớp chủ yếu là giải các dạng bài tập đã học lý thuyết trên lớp. Chương trình phân phối của Bộ cũng ít tiết bài tập nên nhà trường phải tăng tiết phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Hiệu trưởng một trường THPT cho hay: Nhu cầu của phụ huynh muốn cho con học thêm rất nhiều, bản thân học sinh cũng cần thấy việc học tăng tiết là có lợi cho mình khi trên lớp giáo viên không đủ thời gian hướng dẫn giải bài tập các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh. Các trường tổ chức tăng tiết sẽ chia lớp phân loại học sinh yếu, trung bình, khá, giỏi để khi có thanh tra thì trường sẽ báo cáo là… phụ đạo, bồi dưỡng!
Một giờ học tăng tiết môn Lý của học sinh Trường THPT Marie Curie
Thầy Nguyễn Hào Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, cho hay: Qua thăm dò, phụ huynh cũng thống nhất cho con học tăng tiết dưới dạng giải bài tập nhiều ngay sau khi học bài học trên lớp. Chưa kể một số trường học sinh đông, phòng học ít nên việc tăng tiết ở buổi thứ hai để giáo viên có điều kiện hướng dẫn học trò của mình làm tốt bài tập hơn.
Video đang HOT
Không chỉ trường THPT có tăng tiết, ngay cả các trường THCS, đặc biệt là học sinh cuối cấp (lớp 9), nhà trường cũng thực hiện tăng tiết, có thu phí, cho học sinh để chuẩn bị kiến thức thi vào lớp 10.
Tăng tiết = Tăng chất lượng?
Việc tăng tiết được các trường thực hiện chủ yếu ở buổi học thứ hai mặc dù tiêu chí của buổi học thứ hai chủ yếu dành cho hoạt động vui chơi, ngoại khóa.
Khảo sát một nhóm học sinh tại Trường THPT Marie Curie, quận 3, hầu hết đều cho biết ngoài việc học thêm tại trung tâm văn hóa ngoài giờ, các em đều học tăng tiết các môn Toán, Văn, Anh văn, Hóa, Lý tại trường vào buổi chiều (buổi học thứ hai). Em Tuấn Anh, học sinh lớp 12, cho biết: Năm nay là năm thi nên nhà trường có tổ chức tăng tiết các môn như Văn, Toán, Anh văn, mỗi tuần tăng ba ngày, mỗi môn học tăng 2-3 tiết (tùy môn), học phí khoảng 100.000 đồng/tháng/môn.
Thầy Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, nhìn nhận khi thực hiện tăng tiết, chất lượng học tập có tăng lên rõ rệt. “Tôi thấy việc học tăng tiết mang lại hiệu quả nhất định, chất lượng học sinh được nâng lên” – thầy Việt chia sẻ.
Phụ huynh cũng đồng thuận. “Đi họp phụ huynh có hỏi vụ học tăng tiết thì giáo viên chủ nhiệm giải thích là chương trình quá dài, giáo viên bộ môn không có thời gian giải bài tập trong giờ học chính khóa nên nhà trường tổ chức tăng tiết, mỗi môn học chính tăng 1-2 tiết/tuần. Vậy cũng chấp nhận được” – anh Bùi Anh Khánh, phụ huynh học sinh ở Tân Phú, nói.
Theo Pháp luật Tp.HCM
Khó "thoát" học thêm!
Mặc dù Bộ GDĐT "Cấm dạy thêm dưới bất kỳ hình thức nào" nhưng xem ra "lệnh cấm" này bị các trường, GV ngó lơ khi các trường, giáo viên đã có nhiều cách để "lách luật". Cả HS lẫn phụ huynh đều gồng mình với lịch học kín mít từ sáng tới 8 - 9 giờ tối mỗi ngày.
Tăng tiết, phụ đạo
Khi Bộ GDĐT cấm các trường phổ thông dạy thêm, học thêm tại trường và yêu cầu thực hiện nghiêm túc thì nhiều trường lại "lách luật" bằng các chiêu bài tăng tiết, phụ đạo tại các trung tâm văn hóa . HS gồng mình tăng số buổi học từ 1 lên 2 hoặc 3 buổi/ngày.
Với việc xin thành lập các Trung tâm văn hóa ngoài giờ ngay tại trường, các trường đã "đường đường chính chính" có thể tận dụng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cả nguồn học sinh của trường để tổ chức tăng tiết, các lớp phụ đạo. Từ trường THPT chuyên đến THCS các trung tâm này đều hoạt động một cách nhộn nhịp, có tổ chức.
Sau ngày học mệt mỏi ở trường, học sinh lại phải gồng mình đến lớp học thêm
Đơn cử các trung tâm văn hóa ngoài giờ của trường THPT chuyên L.H.P, Q.5, trường THPT N.A.N, Q.10, THPT B.T.X... đều phân chia các lớp theo học lực giỏi, khá, trung bình. Mỗi lớp sẽ có thời khóa biểu, số tiết, số buổi riêng để phù hợp và đây cũng là "chiêu bài" biến từ dạy thêm sang phụ đạo để các trường "qua mặt" các đoàn thanh tra. So với mức học phí hiện hành là 15 - 30 ngàn đồng/tháng/HS như hiện nay thì mức phí phụ đạo cho 8-20 tiết/tuần là 150 - 450 ngàn/tháng/HS, cao gấp chục lần.
Theo báo cáo của Sở GDĐT TPHCM thì khoản thu từ học phí luôn thấp hơn tổng các khoản phí mà trường thu thêm. Ví dụ, năm học 2010-2011 học phí là 343 tỉ đồng thì các khoản thu khác là 862 tỉ đồng, năm học 2011-2012 học phí là 367 tỉ đồng thì các khoản ngoài quy định là 923 tỉ đồng.
Hiệu trưởng của một trường cho rằng, mức học phí mà ngành giáo dục áp dụng ở các trường hiện nay được xây dựng từ cách đây gần 15 năm, từ đó đến nay mọi thứ đều tăng giá đến chóng mặt mà trường chỉ trông chờ vào các khoản thu học phí thì sao mà trụ nổi nên phải "xoay" để có tiền trang trải chi phí mà nguồn thu từ các trung tâm bồi dưỡng văn hóa luôn giữ vai trò chủ đạo.
"Lách" bằng nhiều cách
Theo quy định dạy thêm học thêm của Bộ GDĐT: Tuyệt đối không được dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học. GV không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà GV đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý.
Tuy nhiên với lý do chương trình học quá nặng nề, đặc biệt yêu cầu các kỳ thi đầu cấp, chuyển cấp, ĐH-CĐ quá khó nhiều trường, GV cho rằng, phải có học thêm thì HS của mình mới cạnh tranh được với HS của các trường khác, lớp khác. Thầy N.V.Thanh, GV trường tiểu học quận 5 cho biết: "Vừa là giáo viên, vừa là phụ huynh tôi cũng muốn mình được dạy nhẹ nhàng, HS học nhẹ nhàng nhưng đâu có được.
Khi mà các kỳ thi đầu cấp, ĐH-CĐ có yêu cầu quá sức đối với khả năng tự học của HS. HS lớp 1 đã học tiếng Anh, tin học, rồi đánh giá thành tích của trường qua kết quả các kỳ thi, tỉ lệ lên lớp, HS khá, giỏi... Trường nào cũng dạy thêm, trường mình không dạy cũng không được. Phụ huynh, HS than khổ với học thêm nhưng chấp nhận đưa đón con đến lớp".
Ngay từ ngày họp phụ huynh, đi kèm với thông báo các khoản phí, GV chủ nhiệm thông báo luôn việc mở lớp dạy thêm "ngoài trường", cho số điện thoại để phụ huynh tiện đăng ký.
Tại nhiều trường, GV không dạy tại trường mà thuê địa điểm gần trường để dạy thêm. Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ, Q.10, nhiều phụ huynh cho biết sau giờ học trên lớp, sẽ đưa con sang lớp của cô chủ nhiệm nằm trên đường Ba Tháng Hai, HS của một số lớp Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, Q.5 cũng được "bố trí" học thêm tại một địa điểm trên đường Nguyễn Kim, Q.5 cách trường không xa...
Theo lao động
Tăng cường chuẩn hóa giáo viên thể dục Cần quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Thể dục thể thao nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ này thông qua các hình thức đào tạo nâng cấp, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên ở Trung ương và địa phương. Mục tiêu đạt được đến năm 2015 phải chuẩn hóa giáo viên dạy thể dục,...