“Tăng lực” cho phụ nữ và tư vấn viên phòng chống bạo lực gia đình
Người bị bạo lực e dè, ngại chia sẻ; sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức còn hạn chế; cán bộ thiếu ý thức, đổ lỗi cho nạn nhân… là nguyên nhân khiến cho việc phòng chống bạo lực gia đình còn thiếu hiệu quả.
Kết nối tạo sức mạnh để hỗ trợ nạn nhân
Trước đó, trong cuộc hội thảo kết nối mạng lưới các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam vừa tổ chức, bà Phạm Hương Giang – Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã chỉ ra nhiều bất cập trong hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình (BLGĐ). Hạn chế đầu tiên đến từ yếu tố chủ quan, nhiều nạn nhân e dè không dám chia sẻ việc bị bạo lực. Tiếp theo là sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị còn hạn chế, không ít những cán bộ, ban ngành thiếu ý thức, hiểu biết, đổ lỗi cho nạn nhân thay vì hỗ trợ.
Phụ nữ được tư vấn hỗ trợ phòng chống bạo lực gia đình tại Nam Định. Ảnh: Thùy Anh
Hơn một nửa phụ nữ tại Việt Nam đều có nguy cơ bị bạo lực tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. 32% phụ nữ từng kết hôn cho biết đã trải qua bạo lực thể chất trong cuộc đời và 6% đã trải qua bạo lực thể chất trong vòng 12 tháng qua. Tỷ lệ bạo lực tinh thần ở mức cao: Có 54% phụ nữ cho biết đã từng bị bạo lực tinh thần trong cuộc đời và 25% bị bạo lực tinh thần trong 12 tháng qua” – báo cáo của Liên Hợp Quốc về bạo lực gia đình ở Việt Nam năm 2010.
Bà Giang cũng cho biết, tính từ năm 2007 đến nay, Ngôi nhà Bình yên (thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển) đã hỗ trợ 68 phụ nữ và trẻ em bị bạo lực; hỗ trợ 350 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán; truyền thông, tham vấn cho gần 30.000 chị em.
Cụ thể, Ngôi nhà Bình yên cung cấp chỗ ăn ở an toàn cho phụ nữ, trẻ em và nạn nhân của bạo lực giới, được nhân viên bảo vệ 24/24 giờ và địa điểm được bí mật. Thời gian tạm lánh có thể linh hoạt, thường là 3 tháng với nạn nhân bị bạo lực giới, 6 tháng với phụ nữ trẻ em bị mua bán. Ngôi nhà Bình yên cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với một số đơn vị hỗ trợ tâm lý chuyên biệt với Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội để giúp đỡ, tư vấn tâm lý cho các nạn nhân.
Theo bà Giang: “Kết nối mạng lưới làm công tác phòng ngừa BLGĐ là việc cần làm sớm nhằm đảm bảo quyền lợi cho nạn nhân cũng như là đảm bảo lợi ích tốt nhất cho nạn nhân. Qua đây cũng là kênh để kết nối các cơ quan, tổ chức nhằm phát huy thế mạnh để bảo vệ trẻ em và phụ nữ, phòng tránh BLGĐ, bạo lực giới”.
Video đang HOT
Địa phương cần được “tăng lực”
Bà Trần Thị Sâm – Phó Ban Chính sách pháp luật (Hội LHPN tỉnh Nam Định) cho biết, thời gian qua, Nam Định cũng nỗ lực hết mình bảo vệ và phòng chống bạo lực giới nói chung BLGĐ nói riêng.
Trong năm 2017, các cấp hội phụ nữ chủ động nghiên cứu giải quyết kịp thời đơn thư thuộc thẩm quyền, kiến nghị đề xuất các cơ quan chức năng xem xét giải quyết đơn thư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.
“Bên cạnh việc phát tờ rơi phổ biến pháp luật và kiến thức phòng tránh, xử lý khi bị BLGĐ, chúng tôi còn phối hợp với các ngành chức năng kịp thời giải quyết đơn thư tố cáo về vấn đề có liên quan tới bạo lực theo đúng quy định. Các cấp Hội trong tỉnh đẩy mạnh việc tư vấn pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, giải quyết dứt điểm các đơn thư thuộc thẩm quyền của Hội” – bà Sâm nói.
Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tổ chức rà soát, kiện toàn lại đội ngũ mạng lưới cộng tác viên tư vấn pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan, duy trì thường xuyên việc tư vấn cho hội viên phụ nữ. “Hiện tại ở Nam Định đã thành lập được 461 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, bao gồm nhà tạm lánh do các đơn vị như công an, Hội Phụ nữ… tổ chức nhằm hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ khi họ cần địa chỉ để lánh nạn” – bà Sâm chia sẻ thông tin.
Là người trực tiếp triển khai hoạt động tư vấn phòng ngừa tại địa phương, bà Sâm mong muốn được Trung ương Hội LHPN tăng cường hỗ trợ tập huấn kiến thức tư vấn, phòng ngừa BLGĐ cho tư vấn viên và phụ nữ. Thêm vào đó, Trung ương Hội cũng nên có kênh để liên kết các đơn vị, cơ sở cùng làm công tác phòng chống BLGĐ.
Theo Danviet
Tổ trưởng dân phố giỏi ngăn bạo lực gia đình
"Điều quan trọng nhất khi làm việc và hoà giải những vụ bạo lực gia đình là phải xử lý có lý, có tình. Thậm chí, phải nắm vững kỹ năng mới có thể nói chuyện với những người gây bạo lực" - ông Trần Văn Hiền - tư vấn viên kiêm tổ trưởng dân phố số 3, phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự.
Càng làm càng say
Ông Trần Văn Hiền vốn là một quân nhân về hưu. Ông tâm sự: "Nói thật, lúc đầu mình ngại làm tổ trưởng lắm, nhưng mình là đảng viên, được giao nhiệm vụ thì phải làm. Công việc tuy bận rộn, có chút lích kích nhưng càng làm càng say. Giờ được gần dân, được bà con tin yêu, có gì cũng gọi tới tâm sự, mình thấy rất vui" - ông Hiền cho biết.
Đến nay, ông Hiền mới làm chưa được một nhiệm kỳ, nhưng ông đã quá quen với công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Ngoài những nhiệm vụ chính trị được giao, ông Hiền còn tham gia tổ hoà giải bạo lực gia đình (BLGĐ).
Phường Xuân Tảo trước đây là vùng nông thôn, bà con làm nông nghiệp nên văn hoá làng xã vẫn ăn sâu vào tiềm thức. Do vậy, một bộ phận bà con vẫn chưa ý thức chấp hành pháp luật, tình trạng BLGĐ vẫn xảy ra hàng ngày, lúc âm ỉ, lúc bùng phát thành những vụ cãi nhau, xô xát.
Ông Trần Văn Hiền (giữa) tham gia dự thi Tổ trưởng thân thiện và giành giải nhất. Anh:Thuỳ Anh
Trong quá trình làm công tác hoà giải BLGĐ, kỷ niệm mà ông Hiền nhớ nhất chính là vào Tết năm 2014, khi vừa nhậm chức được 1 tuần thì ông phải lóc cóc đi giảng hoà vào lúc giữa đêm.
"Hôm đó đã 22 giờ 30 ngày 29 Tết, gia đình mình đang nấu bánh chưng thì nghe hàng xóm báo có vợ chồng trong tổ dân phố cãi nhau, thế là mình vứt cả nồi bánh đang nấu để sang giảng hoà" - ông Hiền nhớ lại.
Cụ thể, ông chồng đi uống rượu về say, vợ nói thì mắng vợ rồi tát vợ, thậm chí còn đập hết cả bát đũa trong nhà. Thấy căng thẳng quá, ông Hiền vận động mãi rồi kéo thêm cả tổ hoà giải sang khuyên răn. Phải sau 3-4 tiếng hòa giải, vợ chồng họ mới dừng cãi nhau.
Gần đây nhất, ngày 8.7, một vụ BLGĐ cũng đã xảy ra ở tổ dân phố của ông Hiền. Vợ chồng trẻ mới cưới được 8 tháng chưa có con, nhưng vì nghi ngờ vợ bồ bịch mà anh chồng về nhà bạo hành vợ. Không chỉ mắng mỏ, hành hạ về mặt tinh thần, anh ta còn ra tay đánh vợ. Sau khi chị vợ gọi điện báo công an thì ông tiếp nhận và qua thực hiện hoà giải. Lúc đầu, anh chồng cũng ngoan cố, tìm đủ lý do biện minh nhưng bằng kỹ năng của mình ông Hiền đã giải thích để anh ta nhận ra hành vi đánh vợ là sai trái, cần bị lên án. Sau đó, ông cùng tổ hoà giải tiếp tục tư vấn để anh thay đổi nhận thức và giám sát kỹ vụ việc để có thể tư vấn, hoà giải kịp thời.
Thuộc lòng kỹ năng hoà giải
Tháng 6 vừa qua ông Trần Văn Hiền là 1 trong 60 tổ trưởng dân phố giỏi của thành phố Hà Nội tham gia Hội thi Tổ trưởng dân phố thân thiện. Lần đầu tiên tiết mục dự thi về "Chuyện phố tôi" do chính ông Hiền tự biên tự diễn đã giành giải nhất cuộc thi.
Tổ hoà giải của của Tổ dân phố số 3 (Xuân Tảo) được thành lập với 5 thành viên thuộc tổ chức, đoàn thể như Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ... Hầu hết các hội viên đều đã được tham gia tập huấn về nhiều kỹ năng cơ bản trong công tác hoà giải nói chung và hoà giải BLGĐ nói riêng.
Theo ông Hiền, một hai năm trở lại đây phường Xuân Tảo rồi Phòng văn hoá cũng có tổ chức mở những lớp tập huấn về kỹ năng hoà giải cho cán bộ tổ dân phố. Ngoài những kiến thức chung như luật pháp, các tổ trưởng dân phố còn nắm được kỹ năng thuyết phục, kỹ năng phân tích, hoà giải...
"Nhiều lần hoà giải cho các gia đình xảy ra BLGĐ, tôi thấy người gây bạo lực đa phần là các ông chồng. Họ thường có tâm lý đổ lỗi và không chịu trách nhiệm về hành vi bạo lực. Thậm chí có người còn bày đủ lý do như vợ ngoại tình, vợ lăng nhăng, vợ không đảm đang... để tìm kiếm sự ủng hộ của người khác nhằm xoá bỏ tội lỗi của mình gây ra" - ông Hiền phân tích.
Để hoà giải thành công, theo ông Hiền, trước hết cần xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây bạo lực. Sau đó, khi tiến hành hoà giải cũng cần chú ý đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Nghiêm khắc lên án hành vi gây ra bạo lực, không xoa dịu làm nhẹ đi vấn đề.
"Một kinh nghiệm khác nữa trong việc xử lý các vụ việc BLGĐ mà tôi thấy trong quá trình làm việc, đó chính là cần phải tôn trọng người gây ra bạo lực khi hòa giải, không dè bỉu, lên án họ. Bản thân họ là con người nên cũng cần được tôn trọng nhân phẩm, không thể gọi họ là thằng này, thằng kia. Quan điểm của tôi là nam giới gây bạo lực cũng cần được hỗ trợ, giúp đỡ để thay đổi. Chỉ khi họ nhận thấy cái sai của hành vi mình gây ra thì mới dừng được hành vi bạo lực" - ông Hiền tiết lộ thêm./.
Theo Danviet
Nhảy Zumba để phòng chống bạo lực gia đình Quần áo ám mùi thịt cá, bàn tay còn vương nhựa rau, chân đi ủng, các nữ tiểu thương ở chợ Bãi Đá (Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội) vẫn nhiệt tình nhảy theo điệu Zumba sôi động. Đây là hoạt động giúp chị em giải phóng năng lượng, thoát khỏi buồn đau và tự tin hơn để phòng chống bạo lực gia...