Tăng cường tiếng Anh: Không gây xáo trộn học sinh?
Từ học kỳ 2, học sinh lớp 1 tại TP.HCM bắt đầu chương trình tăng cường tiếng Anh (TCTA). Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD – ĐT, giải đáp một số thắc mắc xung quanh việc thực hiện chương trình.
Nhiều phụ huynh và giáo viên lo ngại việc triển khai chương trình TCTA từ học kỳ 2 sẽ làm xáo trộn tình hình học tập ở các trường, ý kiến của ông về vấn đề này?
Chủ trương của Sở là không sắp xếp lại tổ chức lớp vì đây là chương trình ngoại khóa được thực hiện vào buổi chiều. Vào giờ học TCTA, HS sẽ học ở các phòng bộ môn với cấu trúc lớp riêng. Như vậy sẽ không gây xáo trộn hay mất ổn định.
Nhiều trường có 100% HS đăng ký tham gia chương trình nhưng điều kiện của trường chưa thể đáp ứng thì sẽ giải quyết thế nào, thưa ông?
Trên tinh thần là có bao nhiêu HS đăng ký thì trường phải thỏa mãn và tận dụng tối đa mọi điều kiện để đáp ứng. Chẳng hạn nếu thiếu phòng học thì phải sắp xếp và phân bổ thời khóa biểu hợp lý để lần lượt thực hiện các lớp học sao cho đảm bảo 8 tiết/tuần.
HS lớp 1 trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM)
Các trường cũng gặp khó khăn về giáo viên (GV). Nếu muốn hợp đồng bên ngoài thì GV phải thỏa mãn điều kiện trình độ theo yêu cầu của Sở. Ngoài ra, nhiều trường cũng không đủ kinh phí để trả lương GV hợp đồng. Ông có tính đến những vấn đề này?
Video đang HOT
Những GV trong biên chế và đang giảng dạy tại trường mặc nhiên đã đáp ứng về yêu cầu trình độ mà Sở đưa ra. Với những GV do phòng giáo dục hay trường tự hợp đồng thì phải đạt những yêu cầu như: tốt nghiệp CĐ Sư phạm trở lên hoặc ĐH chuyên ngành tiếng Anh và phải có chứng chỉ TKT ( Teaching Knowledge Test), là một chứng chỉ năng lực tiếng Anh nhằm kiểm tra kiến thức về giảng dạy tiếng Anh của GV do Hội đồng Khảo thí Cambridge cấp.
Lương cho GV cũng là một khía cạnh khi thực hiện chương trình này. Vì vậy hiệu trưởng cần thể hiện vai trò lãnh đạo và năng động của mình.
Tại sao năm nay Sở lại thay đổi giáo trình TCTA sau nhiều năm sử dụng bộ Let’s go?
Nếu áp dụng các chuẩn đánh giá của Hội động Khảo khí Cambridge thì các giáo trình Let,s go, Let,s learn English hay Family and Friends đều đáp ứng các điều kiện như nhau. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế giảng dạy, các GV đánh giá và nhận xét giáo trình Family and Friends hiện đại hơn, HS thích thú hơn với mỗi bài giảng, mỗi tình huống đưa ra. Vì vậy, hội đồng thẩm định của Sở đã họp bàn và thống nhất chính thức đưa giáo trình này vào sử dụng thay cho Let’s go đang sử dụng.
Xin cảm ơn ông!
Áp lực chuyển sang giữa năm học Thời điểm này các trường đang phải gấp rút chuẩn bị cho kế hoạch tuyển sinh chương trình TCTA lớp 1. Không còn kỳ khảo sát khả năng học ngoại ngữ để lấy căn cứ trong việc lựa chọn, điều kiện phòng học và GV còn nhiều khó khăn nên mỗi trường làm một kiểu. Tại Q.1, trường TH Lương Thế Vinh tổ chức họp phụ huynh học sinh vào cuối tháng 11 để xác định lại số lượng HS đăng ký tham gia. Ông Lý Văn Huệ – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phát phiếu thăm dò phụ huynh nên cũng nắm sơ qua số lượng, cụ thể trong tổng số 205 HS lớp 1 thì chỉ còn 20 HS không đăng ký mà thôi. Ngoài việc có đủ cơ sở vật chất thì trường đã làm công tác chuẩn bị nguồn GV để nếu có 100% HS đăng ký vẫn đảm bảo nhận hết”. Trong khi đó, bà Đỗ Thị Hoa – Phó phòng Giáo dục Q.Gò Vấp lo lắng vì chưa biết tính toán như thế nào. Bà Hoa cho hay: “Các trường báo về số lượng HS đăng ký vượt xa so với thực tế nên chúng tôi yêu cầu phải báo cáo chi tiết rồi mới quyết định tổ chức chương trình ở trường nào. Ngoài ra, chúng tôi cũng cử người họp bàn trực tiếp với phụ huynh để chia sẻ khó khăn trước khi thực hiện. Nhưng nói thật, hiện nay chưa biết giải quyết như thế nào để tránh tối đa sự mất bình đẳng hay xáo trộn trong HS”. Tương tự, lãnh đạo của một phòng GD đặt vấn đề: “Cứ tưởng tránh được áp lực trong tuyển sinh đầu năm nhưng không phải vì như hiện nay thì áp lực đó chuyển từ đầu năm sang giữa năm học”. Sẽ có Chuẩn nghiệp vụ giáo viên tiếng Anh Bộ GD-ĐT cho biết: đang xây dựng Chuẩn nghiệp vụ GV tiếng Anh. Theo đó, GV tiếng Anh tốt nghiệp CĐ phải đạt trình độ 4 (B2 theo Khung chuẩn chung châu Âu) và tốt nghiệp ĐH Sư phạm phải đạt trình độ 5 (C1 Khung chuẩn chung châu Âu). Trong khuôn khổ của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020″, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức rà soát lại trình độ năng lực ngoại ngữ của tất cả GV, trước mắt bắt đầu với GV tiếng Anh tiểu học và sẽ tổ chức đào tạo lại những GV chưa đạt chuẩn. Phấn đấu đến năm 2015, 100% GV tiếng Anh trong cả nước sẽ đạt chuẩn nghiệp vụ.
24H.COM.VN (Theo Thanh niên)
Dạy lớp 1 tiếng Anh tăng cường: Rối như tơ vò!
Thay vì dự khảo sát đầu vào, từ năm học 2010-2011 học sinh (HS) lớp 1 ở TP.HCM có nhu cầu học tiếng Anh tăng cường (TATC) chỉ việc đăng ký với nhà trường. Thông tin này khiến nhiều người mừng rỡ bởi kỳ thi dành cho trẻ chưa đi học đã bị xóa bỏ. Thế nhưng, nhiều trường tiểu học đang lâm vào cảnh dở khóc, dở cười vì cầu vượt xa cung.
"Trường mình có hơn 160 HS lớp 1 đăng ký học lớp TATC. Số HS này được xếp học chung với những HS không có nhu cầu học TATC. Sắp tới sang học kỳ 2 phải tách ra học riêng sẽ gây tình trạng xáo trộn cho cả cô và trò. Ai cũng biết rèn nề nếp cho HS lớp 1 là cực nhất, đã qua ba tháng mọi thứ đang dần ổn định thì chúng tôi phải làm lại từ đầu nếu tách lớp. Trường tôi năm nay sẽ bị thanh tra, sang học kỳ 2 nề nếp còn chưa ổn định thì làm sao dạy tốt?" - một giáo viên Trường tiểu học Bàu Sen, Q.5 lo lắng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Bảo - hiệu trưởng Trường tiểu học Bàu Sen - cho biết: "Chúng tôi chưa biết phải giải quyết như thế nào đối với số HS đăng ký học TATC. Theo đúng quy định, số HS này phải chia thành bốn lớp để học TATC nhưng khả năng của trường chỉ có thể đáp ứng cho hai lớp. Trường tôi có phòng bộ môn tiếng Anh nên không gặp khó khăn về chỗ học nhưng cái khó nhất là giáo viên. Không dễ gì tuyển thêm giáo viên tiếng Anh với đồng lương quá thấp như hiện nay".
Lần khảo sát tiếng Anh trước khi vào lớp 1 TATC cuối cùng năm 2009. Năm nay không khảo sát đầu vào nhưng sàng lọc như thế nào, phòng ốc, giáo viên... ra sao đang là dấu hỏi
Giáo viên ở đâu?
Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ năm học này giáo viên dạy TATC phải có chứng chỉ TKT do Cambridge Esol cấp. Muốn đạt chứng chỉ này, giáo viên phải tham gia một khóa tập huấn kỹ năng giảng dạy tiếng Anh cho thiếu nhi với giáo viên nước ngoài.
Theo nhận định của một số giáo viên và chuyên viên tiếng Anh phòng GD-ĐT, cùng với việc được cấp chứng chỉ, giáo viên còn được trang bị những kỹ năng đứng lớp từ khóa tập huấn. Khổ nỗi, chính bản thân giáo viên phải tự trang trải khoản học phí khoảng 6 triệu đồng/người (tùy từng trung tâm).
"Về chuyên môn, chứng chỉ TKT thật sự cần thiết nhưng đồng lương giáo viên đã thấp, bây giờ còn bắt tự bỏ tiền ra đi học. Trường cũng muốn hỗ trợ kinh phí cho giáo viên đi học. Tuy nhiên học phí TATC bao nhiêu năm nay vẫn chỉ có 50.000 đồng/tháng/HS, trả lương giáo viên còn không đủ, tiền đâu mà hỗ trợ?" - một hiệu trưởng ở Q.3 bức xúc.
Chưa kể phòng ốc cũng đang là bài toán khó đối với nhiều trường vì số HS đăng ký học TATC quá đông, phòng đâu để chia HS với sĩ số 35 HS/lớp? Theo quy định của sở, những trường có sĩ số cao hơn phải có phòng học chức năng dành riêng cho môn tiếng Anh.
"Chúng tôi phải dành hết tất cả phòng học có thể để đảm bảo tất cả trẻ em trên địa bàn đều được đến trường. Phòng học riêng cho môn tiếng Anh dù rất muốn nhưng không dễ có được. Nếu thực hiện đúng theo quy định, chắc Tân Phú khó mở lớp TATC!" - hiệu trưởng một trường tiểu học quận Tân Phú khẳng định.
Mỗi nơi mỗi kiểu
Trên thực tế, các trường tiểu học đã thực hiện chủ trương của Sở GD-ĐT TP (ngưng khảo sát đầu vào lớp 1 TATC, chỉ thực hiện giảng dạy từ đầu học kỳ 2 chứ không phải đầu năm lớp 1) mỗi nơi mỗi kiểu. Một số nơi triển khai cho phụ huynh đăng ký học lớp TATC theo nguyện vọng.
Nhiều trường tiểu học tại các quận trung tâm có số HS đăng ký học lớp TATC chiếm 2/3, thậm chí gần 100% số HS lớp 1. Có nơi xếp HS học tiếng Anh vào cùng một lớp, có nơi xếp học chung với HS bình thường. Thậm chí, có nơi đến nay vẫn chưa triển khai cho phụ huynh đăng ký.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.3 bộc bạch: "Trường chúng tôi vẫn đang chờ Phòng GD-ĐT hướng dẫn chi tiết. Nhưng các giáo viên âu lo lắm, họ đã quen với HS lớp mình ba tháng nay rồi, sang học kỳ 2 lại chia tách tùm lum, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Sợ nhất là HS lớp 1 còn quá nhỏ, mỗi lần làm quen với lớp mới, cô giáo mới là rất khó khăn, có em bị sốc, khóc lóc suốt buổi".
Cùng nỗi lo trên, cô T. - giáo viên ở Q.3 - tâm sự: "Năm nay chắc giáo viên lớp 1 bị cắt thi đua hết, dạy học mà cứ thay đổi liên tục, không ổn định, rất khó nâng cao chất lượng".
Nên bắt đầu dạy tiếng Anh tăng cường từ lớp 2? Dù đã có hướng dẫn của sở nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn băn khoăn, không thuận với việc tổ chức dạy lớp 1 TATC từ giữa năm học. Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi đã nghe nhiều hiệu trưởng, lãnh đạo phòng GD-ĐT đề nghị: cho các trường tổ chức dạy tiếng Anh tự chọn đến hết lớp 1. Hè năm lớp 1, có thể tổ chức kỳ thi tuyển bằng tiếng Anh và bắt đầu dạy chương trình TATC từ lớp 2.
24H.COM.VN (Theo Tuổi trẻ)
Phim của tác giả bức thư hay nhất UPU giành giải cao nhất Cùng với hai người bạn tại Trường THCS Tây Sơn, TP Đà Nẵng, em Hồ Thị Hiếu Hiền (tác giả bức thư giành giải nhất quốc tế cuộc thi viết thư UPU) vừa đoạt giải nhất cuộc thi "Làm phim toàn quốc dành cho học sinh Việt Nam - kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội". Ngày 5/10, Sở GD- ĐT TP Đà...