Tăng cường giáo dục quốc phòng – an ninh cho học sinh THPT ở Hà Tĩnh
Thông qua môn Giáo dục QP-AN đã trang bị cho học sinh Hà Tĩnh những kiến thức, kỹ năng quân sự cần thiết và giúp các em xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đội tuyển dự thi giải quốc gia môn Giáo dục QP-AN của các trường THPT ở Hà Tĩnh thục luyện kỹ thuật băng bó, chuyển thương.
Có mặt tại Trường Quân sự tỉnh (phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh), chúng tôi được chứng kiến buổi thục luyện các kỹ năng của các em học sinh thuộc đội tuyển dự thi giải quốc gia về môn Giáo dục QP-AN. Dưới sự hướng dẫn của thầy Hoàng Công Trình (giáo viên môn Giáo dục QP-AN Trường THPT Hà Huy Tập, huyện Cẩm Xuyên), từng học sinh đã hào hứng “nhập vai”, thực hành các động tác, kỹ năng quân sự cơ bản như: điều lệnh, các tư thế vận động trên chiến trường, kỹ thuật băng bó cấp cứu, chuyển thương…
Thầy Hoàng Công Trình cho biết: “Không chỉ có các em trong đội tuyển được học tập, rèn luyện bài bản mà chất lượng đại trà của môn học này cũng đang ngày càng được nâng lên. Hằng năm, Sở GD&ĐT đều chỉ đạo các trường có kế hoạch cử giáo viên giảng dạy bộ môn này đi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực và phương pháp giảng dạy. Các trường cũng được đầu tư mua sắm đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất, sách giáo khoa… đáp ứng cơ bản yêu cầu dạy và học theo phân phối chương trình 1 tiết/tuần”.
Cán bộ quân sự hướng dẫn đường bắn cho học sinh Trường THPT Nghi Xuân (huyện Nghi Xuân).
Trung tá Trần Quốc Huy – sĩ quan biệt phái của Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Để nâng cao chất lượng giảng dạy môn Giáo dục QP-AN, các nhà trường đặc biệt chú trọng việc nghiên cứu, triển khai mô hình lồng ghép giữa nội dung học tập chính khóa gắn với tổ chức các hoạt động bổ trợ, ngoại khóa như tham quan các địa chỉ đỏ, bảo tàng, các đơn vị quân đội, xem dân quân tự vệ thực hành huấn luyện, diễn tập bắn đạn thật và hội thi hội thao Giáo dục QP-AN… Qua đó, góp phần đổi mới, cải cách nội dung, hình thức và phương pháp thực hiện để đạt kết quả cao nhất”.
Nhờ sự đổi mới cả về nội dung lẫn phương pháp nên các tiết học QP-AN đều tạo được sự hứng khởi, thích thú cho học sinh. Em Trần Uyển Nhi, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Nghi Xuân (Nghi Xuân) chia sẻ: “Trước đây, em chỉ biết hình ảnh của các anh bộ đội qua phim ảnh, sách báo, thơ văn, nhưng giờ qua môn học Giáo dục QP-AN thì em đã được học tập, sinh hoạt và huấn luyện như chiến sĩ thực thụ. Những tiết học bổ ích như thế này vừa giúp chúng em bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu Tổ quốc và trang bị những kiến thức, rèn luyện các kỹ năng quân sự cơ bản, tạo hành trang cần thiết cho chúng em sau này”.
Video đang HOT
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Thạch Hà) thực hành nội dung điều lệnh đội ngũ đi đều.
Từ năm học 2008 – 2009 đến nay, môn Giáo dục QP-AN trở thành môn học chính khóa trong chương trình THPT với 1 tiết/tuần. Mặc dù việc tổ chức học tập, rèn luyện còn gặp khó khăn nhưng các cơ quan quân sự địa phương và các trường THPT trên địa bàn đã tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là vấn đề thiếu giáo viên chuyên sâu, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, dụng cụ huấn luyện thiếu….
Nhờ đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp dạy và học nên kết quả môn Giáo dục QP-AN cho học sinh THPT trên địa bàn toàn tỉnh hằng năm không ngừng được cải thiện. Hằng năm, có trên 41 nghìn học sinh ở 39 trường THPT trên địa bàn đã hoàn thành chương trình giáo dục QP-AN theo quy định; trong đó, gần 88% đạt khá, giỏi. Qua đó, nhằm góp phần trang bị cho các “chủ nhân tương lai của đất nước” những kiến thức về QP-AN, hình thành những kỹ năng quân sự cơ bản và bồi dưỡng lý tưởng, xác định trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.
Học sinh Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Cẩm Xuyên) thực hành kỹ thuật bắn súng tiểu liên AK vào tháng 3/2022.
Thượng tá Nguyễn Xuân Thắng – Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giáo dục QP-AN tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Là cơ quan thường trực của Hội đồng Giáo dục QP-AN tỉnh, trong những năm qua, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở GD&ĐT chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục – đào tạo trong toàn tỉnh và quan tâm bảo đảm các trang thiết bị dạy học cho các nhà trường. Hằng năm, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch liên ngành kiểm tra công tác giáo dục QP-AN đối với các trường THPT để kịp thời chỉ đạo tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ các trường đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn này”.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp hỗ trợ, đồng hành với các trường trong việc chuẩn bị phương tiện, mô hình, vật chất, thao trường bãi tập gắn với tập huấn, bồi dưỡng phương pháp lên lớp, nâng cao kỹ năng huấn luyện thực hành các nội dung quân sự cho đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn Giáo dục QP-AN. Qua đó, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học bộ môn này” – Thượng tá Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ thêm.
Thi đua nâng cao chất lượng dạy học trong các trường THPT ở Hà Tĩnh
Bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội thi giáo viên giỏi, sinh hoạt chuyên môn liên khối, liên trường, việc nâng cao chất lượng dạy học đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong khối THPT ở Hà Tĩnh.
Đây cũng là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Hội thi giáo viên dạy giỏi đã được Trường THPT Nghi Xuân tổ chức bài bản, chặt chẽ, đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Trong ảnh: Một giờ dạy thuộc phần thi của giáo viên Trường THPT Nghi Xuân.
Cô Nguyễn Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Xuân thông tin: "Giáo viên ở các tổ chuyên môn vừa được trải nghiệm những giờ phút khó quên của hội thi giáo viên giỏi cấp trường. Đến với sân chơi bổ ích này, ngoài các tiêu chí, chuẩn nghề nghiệp theo quy định, giáo viên tham gia phải trải qua hai phần thi: trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy và thực hành dạy một tiết theo kế hoạch giảng dạy. Các phần thi được nhà trường tổ chức bài bản, chặt chẽ, đúng quy định của Bộ GD&ĐT".
21 giáo viên tham gia đã mang đến hội thi của Trường THPT Nghi Xuân những điều bất ngờ, hấp dẫn. Đó là sự năng động đổi mới trong phương pháp giảng dạy, trong kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh theo hướng tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới. Những giờ dạy cũng đã phát huy tính tích cực, chủ động của người học, tạo không khí hào hứng, nâng cao hiệu quả tiếp thu bài giảng cho học sinh.
Cô Đinh Thị Hương Dịu - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Nghi Xuân cho biết: "Hội thi không chỉ tạo điều kiện cho chúng tôi cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy mà qua quá trình chuẩn bị bài thi, phần thi, chúng tôi còn kích hoạt nhiều khả năng tiềm tàng, cố gắng để tích lũy, củng cố về năng lực chuyên môn và kinh nghiệm dạy học".
Những ngày qua, hoạt động sinh hoạt chuyên môn giữa các trường khối THPT trên toàn huyện Cẩm Xuyên cũng đã tạo nên bầu không khí sôi nổi tại Trường THPT Cẩm Bình. Hoạt động này được thực hiện theo hướng nghiên cứu bài học ở 3 môn: Toán, Sinh học, Lịch sử của lớp 10 - chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thông qua các giờ của hội giảng, học sinh Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm.
Nghiên cứu kỹ chương trình mới và sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại, các giáo viên Trường THPT Cẩm Bình đã thiết kế nội dung bài giảng thành các hoạt động học tập kế tiếp nhau. Theo đó, học sinh được tiếp cận bài học theo hình thức đổi mới với các bước: từ khởi động (mở đầu) đến khám phá (hình thành kiến thức mới) rồi luyện tập và vận dụng. Từ đó, đặc thù của môn học được phát huy, học sinh có thể tự chiếm lĩnh kiến thức và phát triển được các phẩm chất, năng lực của bản thân.
Em Nguyễn Trọng Khôi - học sinh lớp 10A9, Trường THPT Cẩm Bình cho biết: "Tiết học Toán với những vấn đề xuất phát từ tình huống thực tế trong cuộc sống đã tạo nên sự hứng thú để chúng em tìm hiểu sâu hơn kiến thức của bài học. Qua đó, chúng em nhận thấy, toán học không phải chỉ là những con số khô khan mà ngược lại, có nhiều điều hấp dẫn, dễ hiểu".
Giáo viên, học sinh Trường THPT Cẩm Bình trao đổi sau hội giảng.
Thời gian qua, các phong trào thi đua nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên được triển khai ở lớp 10 đã lan tỏa, trở thành phong trào thi đua sôi nổi tại các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh.
Tiêu biểu như: sinh hoạt chuyên môn liên trường dạy học Ngữ văn lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi và Trường THPT Mai Thúc Loan (Lộc Hà); hội giảng - dạy thể nghiệm chương trình giáo dục phổ thông 2018 các môn học ở Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Kỳ Anh), Trường THPT Lê Hữu Trác (Hương Sơn)...; các hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn đổi mới phương pháp giảng dạy ở THPT Can Lộc...
Từ các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, giáo viên Trường THPT Can Lộc đã vận dụng linh hoạt vào giờ dạy, phát huy hiệu quả chương trình sách giáo khoa mới.
Với sự nỗ lực đổi mới của giáo viên, sự tích cực chủ động, hợp tác của học sinh, các trường THPT đã bắt nhịp và phát huy nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nội dung chương trình mới đã từng bước phát huy hiệu quả như mong muốn, học sinh đạt được năng lực về nhận thức, đồng thời rèn luyện và phát triển các kỹ năng tự học, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Hoạt động sinh hoạt chuyên môn tại các trường cho thấy tinh thần nhiệt huyết, tìm tòi đổi mới của đội ngũ giáo viên, đáp ứng với nhu cầu đổi mới và phát triển giáo dục hiện nay. Mỗi tiết học đều bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy. Thông qua các hình thức sinh hoạt chuyên môn, giáo viên các trường có cơ hội học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, tạo tâm thế thoải mái trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mới.
Thầy Đậu Quang Hồng
Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh
Thiết bị trường học ở Hà Tĩnh được các nhà thầu "thổi giá" như thế nào? Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tại Hà Tĩnh đã bị "thổi giá" gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Ngày 13/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có Kết luận thanh tra số 320/KL-UBND về việc chấp hành các quy định pháp luật trong thực...