Tăng cường công tác phổ cập bơi cho trẻ em
Dù năm học kéo dài nhưng mùa hè đã đến, thời tiết nắng nóng cùng với đặc thù trên địa bàn tỉnh có nhiều sông, kênh, rạch, khiến mối lo về nguy cơ đuối nước ở trẻ em tăng lên.
Do vậy, các địa phương, trường học đang tích cực tổ chức lớp phổ cập bơi cho trẻ em bằng nhiều hình, mục tiêu trang bị cho các em kỹ năng bơi cơ bản và kiến thức ứng phó với tai nạn xảy ra trên sông nước.
Cuối tháng 5-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang đã ban hành văn bản yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố, Hiệu trưởng trường THPT tăng cường công tác phổ cập bơi, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Theo đó, công văn yêu cầu tiếp tục phối hợp giữa nhà trường – gia đình – chính quyền địa phương tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh. Đồng thời, đưa nội dung dạy bơi vào chính khóa và ngoại khóa nhằm nâng cao kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh; kỹ thuật cứu đuối trong cán bộ, giáo viên, trẻ em và học sinh.
Các đơn vị cần phối hợp phụ huynh và địa phương giáo dục cho trẻ em đảm bảo an toàn tính mạng, không tổ chức đi tắm ao, hồ, sông, suối hoặc chơi ở những vùng có nguồn nước nguy hiểm… tránh tai nạn đuối nước. Năm nay, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành “Chương trình bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh”.
Chương trình được triển khai thực hiện từ ngày 1-6 đến 10-11 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân còn nêu cao trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Video đang HOT
Hồ bơi di động phổ cập bơi cho trẻ em vùng nông thôn
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng chủ yếu do sự chủ quan của người lớn, chưa giám sát chặt chẽ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc. Trong khi đó, bản thân các em chưa có kỹ năng để tự bảo vệ bản thân hoặc cho người bên cạnh. Vì vậy, hoạt động phổ cập bơi lội trong thời điểm này đã được triển khai ở nhiều nơi. Từ đầu tháng 6, Đoàn Thanh niên phối hợp các trường học tổ chức phổ cập bơi và dành nhiều buổi riêng tại trường để hướng dẫn kỹ năng cứu đuối, kiến thức sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh.
Tại TP. Long Xuyên, nhiều chương trình luyện tập môn bơi và phòng, chống đuối nước được đồng loạt thực hiện với sự hưởng ứng của trẻ em lẫn phụ huynh. Còn tại huyện Châu Phú, rất nhiều lớp học đã được diễn ra nhằm cung cấp cho các em các kỹ năng cơ bản về phòng, chống đuối nước. Những lớp phổ cập bơi trong trường học còn tạo ra sân chơi bổ ích, hấp dẫn, giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, chủ động thích nghi với đặc điểm tự nhiên của địa phương.
Gắn với Tháng hành động vì trẻ em, Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Phú Tân phối hợp các xã, thị trấn thực hiện mô hình hồ bơi di động để mở các lớp phổ cập bơi miễn phí cho trẻ em từ 6 – 11 tuổi. Hồ bơi di động có diện tích bơi trên 77m2; diện tích phần khung 91m, đầy đủ thang, máy bơm, bình lọc giúp nước trong bể luôn sạch… Kinh phí lắp đặt từ nguồn ngân sách huyện. Mỗi lớp học kéo dài 1 tháng và luân phiên di chuyển đến tất cả 18 xã, thị trấn.
Em Lê Thị Cẩm Tú (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học “A” Bình Thạnh Đông) cho biết, ở nhà được ba mẹ tập bơi dưới sông nhưng em vẫn chưa biết bơi vì tâm lý sợ nước. Lớp học trong bể bơi di động giúp em thấy an tâm hơn để luyện tập, mực nước vừa nên không sợ. Còn chị Hồ Thị Diệu Hoa (phụ huynh có con 10 tuổi) chia sẻ: “Ở nhà cũng trang bị áo phao cho con xuống nước tập nhưng chưa bơi được, vả lại không phải ngày nào cũng có thời gian. Ở lớp học này có huấn luyện viên tập luyện cho các con nên tôi thấy rất yên tâm, khi các con biết bơi thì có thể tự bảo vệ bản thân dưới nước”.
Các địa phương cũng khai thác sử dụng hiệu quả các công trình thể thao tại địa phương và kèm theo chính sách khuyến khích như: miễn, giảm giá vé tập bơi cho trẻ em.
Thầy giáo ngăn dòng dạy bơi miễn phí cho học sinh
Với mong muốn giúp học sinh ở vùng rốn lũ biết bơi, suốt 8 năm nay, thầy giáo Nguyễn Viết Tước và Đoàn xã Hải Hưng (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã ngăn dòng chảy, mở lớp dạy bơi miễn phí.
Thầy giáo Nguyễn Viết Tước dạy bơi miễn phí cho học sinh
8 mùa hè không có một ngày nghỉ
Thầy giáo Nguyễn Viết Tước là giáo viên dạy môn Thể dục tại Trường Tiểu học và THCS Hải Vịnh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Từ những ngày đầu về dạy học ở địa phương, thầy Tước phát hiện nhiều học sinh không biết bơi, trong khi đây là vùng trũng, có kênh mương dày đặc và thường xảy ra lũ.
Trước thực tế này, năm 2012, thầy Tước viết đơn lên chính quyền xã Hải Hưng xin được mở lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh các cấp. Các em muốn tham gia lớp học bơi của thầy Tước đều phải làm đơn đăng ký và gia đình cam đoan phối hợp cùng thầy đảm bảo an toàn nhất cho các con.
Ý tưởng của thầy Tước nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền xã cũng như nhiều phụ huynh, học sinh. Thầy Tước tự bỏ tiền túi mua một số dụng cụ học bơi cơ bản, rồi dọn dẹp bến bãi, ngăn dòng thành điểm dạy bơi an toàn. Thầy Tước cùng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đi chặt từng cây tre luồng về ngăn dòng thành từng ô để dạy bơi. Mỗi ô có chiều dài 10m, dành cho từng nhóm học.
Ngay từ năm đầu tiên đã có tới 96 em theo lớp học bơi miễn phí của thầy Tước. "Tiếng lành đồn xa", số em tham gia lớp học tăng lên theo từng năm, trung bình mỗi năm có từ 140 - 160 học sinh. Lớp học đông, thầy Tước phải chia lớp ra thành 2 ca, dạy mỗi ngày và xuyên suốt tất cả các ngày trong tuần.
Suốt mùa hè thầy Tước không có một ngày nghỉ. Một ngày phải ngâm mình dưới nước nhiều tiếng đồng hồ dạy bơi cho các em, với thầy Tước đó là niềm vui, niềm hạnh phúc. "Tôi chưa khi nào thấy mệt khi dạy bơi cho các em, mà chỉ luôn thường trực nỗi lo. Dạy bơi thì sự an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu. Vì thế, mỗi buổi dạy bơi, tôi luôn tính toán đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em", thầy Tước chia sẻ.
Đền đáp tấm lòng của thầy, tất cả học sinh tham gia lớp học bơi không chỉ biết bơi mà còn học thành thạo các kỹ năng cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt, nhiều học sinh học bơi từ lớp của thầy Tước đã đoạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng các cấp khi tham gia thi bơi tại Hội khỏe Phù Đổng; Thể thao học đường...
Nhiều năm không có học sinh đuối nước
Mô hình dạy bơi của thầy Tước nhanh chóng tạo sự lan tỏa. Từ 2015 đến nay, Đoàn xã Hải Hưng phối hợp, hỗ trợ cùng thầy Tước dạy bơi cho các em học sinh. Để giảm bớt vất vả cho thầy Tước, ĐVTN xã Hải Hưng còn dựng mái che cho các em có chỗ khởi động, đỡ nắng nóng và giám sát, đảm bảo an toàn.
Anh Nguyễn Minh Dũng, Bí thư Đoàn xã Hải Hưng cho biết, Đoàn xã kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ lớp học bơi kinh phí để mua các thiết bị học bơi cần thiết từng năm. Hiện tại, Đoàn xã đang kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ nước uống và sữa phục vụ các em học bơi. Anh Dũng cho biết thêm, vào mỗi dịp đầu hè, Đoàn xã Hải Hưng đến từng trường tuyên truyền về phòng chống đuối nước và kêu gọi, khuyến khích tất cả các em học sinh tham gia học bơi miễn phí. Nhờ đó, suốt 10 năm nay, xã Hải Hưng chưa từng xảy ra vụ đuối nước nào.
Anh Trần Hữu Bắc, Bí thư Huyện Đoàn Hải Lăng (Quảng Trị) cho biết, Hải Lăng là huyện vùng trũng, có hệ thống sông ngòi, đê đập, khe suối dày đặc. Vào mùa lũ lụt, nhiều vùng tại huyện Hải Lăng ngập sâu trong nước, phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe, thuyền. Đó là những yếu tố tiềm ẩn những tai nạn đuối nước đối với trẻ em.
Từ mô hình rất ý nghĩa của thầy Tước và Đoàn xã Hải Hưng, Huyện Đoàn Hải Lăng quyết định nhân rộng mô hình này trong toàn huyện. Hiện tại, 100% xã đoàn, thị trấn trong toàn huyện Hải Lăng đều có mô hình dạy bơi miễn phí cho học sinh, trong đó, nhiều địa phương đã ngăn sông làm điểm dạy bơi.
"Với mô hình này, vừa có chi phí thấp, vừa tranh thủ được lực lượng tình nguyện là sinh viên đang học tập chuyên ngành dạy bơi, các giáo viên thể dục tại các trường trên địa bàn", anh Bắc nói.
Nghệ An: Địa phương, trường học đầu tư hàng trăm triệu đồng xây bể bơi cho học sinh Mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn, song các xã, trường học trên địa bàn huyện Đô Lương vẫn huy động từ nhiều nguồn lực để xây dựng bể bơi dạy bơi cho trẻ em. Trên địa bàn xã Nam Sơn, huyện Đô Lương có sông Lam, sông Đào chảy qua, ngoài ra còn có đập tràn và nhiều ao, hồ...