Tán vợ hàng xóm, chuốc họa vào thân
Trong tình yêu lứa đôi nói chung và trong quan hệ vợ chồng nói riêng, “ghen” là một thứ gia vị không thể thiếu góp phần làm nên sự lãng mạn, hạnh phúc của của tình yêu nhưng nhiều khi nó cũng là nguyên nhân khiến gia đình tan vỡ, thậm chí người chết, kẻ ở tù… Vụ án sau đây là một ví dụ.
1. Năm 23 tuổi, Nguyễn Văn Phong (SN 1983, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) kết tóc xe duyên với chị Nguyễn Thị Thùy L., cô gái trẻ hơn Phong 4 tuổi, đẹp người đẹp nết, nhà ở xã bên. Cưới nhau được một thời gian, họ được cha mẹ Phong chia cho ít ruộng đất kế bên để cất nhà ra ở riêng.
Bị cáo Nguyễn Văn Phong.
Được hai bên nội ngoại giúp đỡ, cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ nhanh chóng ổn định và khấm khá. 1 năm sau đó, khi “nàng công chúa nhỏ” của họ ra đời, Phong càng yêu vợ hơn. Anh ta giành hết công việc nặng nhọc về mình, để vợ có nhiều thời gian chăm lo con gái. Về phần L., chị cũng luôn để tâm vun vén hạnh phúc gia đình, cố gắng làm tốt bổn phận của một người vợ, người mẹ.
Video đang HOT
Đáng ra cuộc sống của hai vợ chồng nông dân ấy sẽ mãi mãi đầy ắp tiếng cười nếu không có trò đùa tai hại của một cậu thanh niên mới lớn ở cùng xóm. Cách nhà vợ chồng Phong chưa đầy 100m là nhà của Mai Văn D. (SN 1992), ngày nào đi chợ, chị L. cũng đi qua trước cổng nhà D. Dẫu biết chị L. hơn mình tới 5 tuổi và đã có chồng con nhưng mỗi lần trông thấy người phụ nữ này, D. đều nhìn chị chăm chăm không chớp mắt, tỏ vẻ thèm muốn. Khi D. xin số điện thoại của mình, chị L. nghĩ là chỗ láng giềng nên đã đọc số mà không mảy may nghi ngại. Lúc ấy, L. không thể ngờ rằng từ đó, tai họa đã ập đến và phá tan tổ ấm bé nhỏ của chị.
2. Từ lúc cho D. số điện thoại, chị L. liên tục bị D. gọi điện, nhắn tin tán tỉnh. Thấy D. đã đi quá đà, nhiều lần chị L nhắn tin lại cho D.: “Đừng có điện thoại hay nhắn tin chọc ghẹo tôi nữa, tôi đã có chồng, có con rồi xấu như ma chứ đẹp cái nỗi gì…”. Thậm chí, chị L. còn van xin và cả cảnh báo với D.: “Chồng tôi hay ghen lắm, D. đừng có giỡn nữa!”.
Bỏ ngoài tai tất cả, D. vẫn tiếp tục tròng ghẹo chị L. Một đêm hè năm 2010, D. đã đùa quá trớn khi gọi điện vào máy của chị L. Sợ Phong ghen nên chị L. thấy số của D. thì tắt máy cái “phụp” và ra ngoài rửa mặt. Khi quay vào giường, chị L. im lặng trước mọi câu hỏi của chồng và còn đập vỡ chiếc điện thoại của mình. Phong đã đánh vợ đến khi chị L. khai ra đó là số điện thoại của D. thì hỏi tiếp: “Mày với nó có quan hệ gì không?”.
Lần đầu tiên bị chồng đánh, chửi sau 5 năm chung sống, chị L. hoảng sợ nhận đại: “Có quan hệ một lần”. Phong xông vào đánh, tát và đòi chém chết người vợ mà mình hết mực yêu thương. Chị L. vùng chạy sang nhà cha mẹ chồng cách đó khoảng 50m cầu cứu. Đuổi theo đến nơi, Phong được cha mẹ khuyên can: “Chuyện đâu còn có đó. Mày cứ về nhà ngủ đi, có gì ngày mai tính”. Phong hậm hực ra về, còn chị L. được cha mẹ chồng giữ lại ngủ qua đêm.
Sáng ra, chị L. cùng cha mẹ đẻ xin phép “ông bà xui” cho mình ẵm con về nhà ngoại “lánh nạn” mấy bữa. Về phần Phong, sau khi “hạ hỏa”, chiều chiều anh ta lại xuống nhà thông gia xin được rước vợ đón con nhưng chị L. đều giận dỗi từ chối…
3. Vài hôm sau, vào ngày 13/7/2010, tình cờ Phong gặp Mai Văn D. ở nhà một người dân trong xóm. Phong hỏi: “ Sao lại gọi điện cho vợ tao lúc nửa đêm?”. D nói: “Chỉ giỡn chơi thôi mà, có gì đâu?”… Lời qua tiếng lại, Phong tát gẫy sống mũi D. Chiều cùng ngày, chính quyền địa phương đã nhắc nhở Phong và anh ta hứa không tái phạm.
Chiều hôm sau – 14/7/2010, Phong lại đi năn nỉ vợ về nhưng chị L. ra điều kiện: Chỉ về ở với Phong nếu cha mẹ Phong qua “thưa chuyện” với bố mẹ chị L. Lủi thủi về nhà cha mẹ đẻ, nhà có khách, cha Phong sai Phong đi mua 1 lít rượu để ông đãi khách. Lúc mang rượu về, Phong bực tức khi gặp D. nằm trên võng trước cửa nhà anh ruột của D, nhưng kiềm chế. Về đến nhà, Phong thấy mẹ và mợ út đang nhỏ to chuyện gì đó dưới bếp. Tuy không nghe rõ nhưng anh ta lại cho rằng họ đang nói về chuyện của vợ chồng Phong…
Phong nghĩ bất hạnh của anh ta là do D. gây ra nên mang theo một cái kéo bằng sắt, quay lại chỗ D. nằm lúc nãy. Phong hất hàm nói với anh D.: “Tại sao mày không lại xin lỗi cha mẹ tao một tiếng?. Vợ tao nó bỏ đi luôn rồi”. D. không trả lời nên Phong gằn giọng: “Tại sao mày không xin lỗi hả?”. D. bảo: “Biết gì đâu mà xin lỗi”. Vừa nghe dứt câu, Phong lao đến định dùng kéo rạch mặt D. nhưng D. chống trả và tránh được. Không ngừng tay, Phong dùng kéo đâm mạnh hai nhát vào chân phải và chân trái của D. Sau khi gây án, Phong bỏ hung khí lại hiện trường và bỏ chạy.
D. đứng dậy đi được một đoạn khoảng 7m thì bị ngất xỉu, sau đó tử vong trên đường đi cấp cứu. Nhận tin D. đã chết, 18h30 cùng ngày, Phong đến Công an huyện Vị Thủy đầu thú.
4. Tại phiên tòa sơ thẩm được xét xử lưu động tại UBND xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, trước sự tham dự của đông đảo bà con lối xóm, Nguyễn Văn Phong thừa nhận toàn bộ hành vi của mình như cáo trạng đã truy tố. Phong khai nhận dùng kéo đâm D. vì nghi D. có quan hệ bất chính với vợ mình. Đại diện hợp pháp của nạn nhân (mẹ D.) yêu cầu Tòa buộc bị cáo phải bồi thường tiền tổn thất tinh thần theo mức cao nhất mà pháp luật quy định…
Tòa xét thấy trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, Phong đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực tác động gia đình bồi thường khắc phục hậu quả cho gia đình người bị hại (bồi thường hơn 41 triệu đồng), sau khi phạm tội đã ra đầu thú nên đã tuyên phạt Phong mức án 9 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 3, Điều 104, Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung tăng nặng là “Dẫn đến chết người”. Về trách nhiệm dân sự, Tòa buộc Phong phải tiếp tục bồi thường cho gia đình D. số tiền 43,8 triệu đồng (tương đương 60 tháng lương tối thiểu, mức cao nhất mà pháp luật quy định).
Sau phiên xét xử sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của bị hại có đơn kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với Phong, còn Phong thì có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt và giảm phần bồi thường TNDS.
Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, HĐXX xét thấy mức án và mức bồi thường TNDS mà Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật nên đã không chấp nhận đơn kháng cáo của cả bị cáo và người đại diện hợp pháp cho người bị hại, tuyên y án sơ thẩm.
Theo PLVN