Tân Tổng thống Ai Cập hứa bổ nhiệm nội các “toàn người tài”
Ông Mohammed Mursi – học giả Hồi giáo và là tổng thống được bầu cử dân chủ đầu tiên của Ai Cập – tuyên bố bắt đầu thành lập chính phủ mới sau khi cam kết sẽ trở thành nhà lãnh đạo của tất cả người dân Ai Cập.
Tân Tổng thống Ai Cập Mohammed Mursi.
Ông Mursi (60 tuổi) có thể tuyên thệ nhậm chức vào ngày 30.6, mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về mức độ quyền hạn của ông. Nhiệm vụ giờ đây của tổng thống mới đắc cử là bắt tay vào xây dựng một chính quyền dân sự. Bên cạnh đó, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào việc ông lựa chọn ai làm thủ tướng.
Phóng viên BBC tại Cairo cho biết, có nhiều nguồn tin nói rằng ông Mursi đã thảo luận với ông Mohamed ElBaradei – người từng giành giải Nobel Hoà bình. Tổng thống mới đắc cử cũng hứa bổ nhiệm một loạt phó tổng thống và một nội các gồm “toàn những người tài”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, với những hy vọng của cuộc cách mạng Ai Cập đặt nặng lên vai tổng thống mới đắc cử, ông Mursi sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong và ngoài nước. Hiện tại ở Ai Cập, tổng thống là vị trí không có quyền lực thực sự, bởi Hội đồng các Lực lượng vũ trang tối cao nắm trong tay toàn bộ quyền sinh sát khắp đất nước. Theo một tuyên bố hiến pháp tạm thời, hội đồng quân sự nói rằng sẽ duy trì quyền lực cho đến khi hiến pháp mới và quốc hội mới được thông qua.
Bên cạnh đó, ông Mursi còn “thừa hưởng” một nền kinh tế chật vật, tỉ lệ đói nghèo lan rộng, thất nghiệp tăng cao và ngành du lịch vẫn đầy rẫy khó khăn do bất ổn chính trị. Chiến thắng của ông cũng đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa Ai Cập với Israel. Mặc dù khẳng định sẽ bảo vệ tất cả các thỏa thuận quốc gia và quốc tế, song trong bài phỏng vấn với hãng thông tấn Iran Fars hôm qua, ông Morsi nói rằng muốn “xem xét lại” Hiệp ước Hoà bình năm 1979 với Israel và xây dựng quan hệ với Iran nhằm tạo một thế cân bằng chiến lược ở Trung Đông.
Lãnh đạo quân đội Ai Cập – Thống tướng Hussein Tantawi – là một trong những người đầu tiên lên tiếng chúc mừng ông Mursi. Ngoại trưởng Anh William Hague cũng đã chúc mừng, nói rằng cuộc bầu cử đánh dấu một “thời khắc lịch sử của Ai Cập”.
Nhà Trắng thì gọi cuộc bầu cử này là “dấu mốc quan trọng trong tiến trình chuyển giao tới dân chủ của Ai Cập”. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói: “Chúng tôi tin rằng điều tối quan trọng là Chính phủ Ai Cập tiếp tục thực hiện vai trò trụ cột trong hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực của mình”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói ông hy vọng hiệp ước hoà bình lâu dài giữa hai quốc gia sẽ được tiếp tục thực hiện. Ai Cập là quốc gia Arab đầu tiên ký hiệp ước hoà bình với Israel, nhưng tổ chức Huynh đệ Hồi giáo xưa nay vẫn tỏ ra không ưng thuận hiệp ước này.
Trước đó, trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Mursi kêu gọi người dân Ai Cập tăng cường đoàn kết dân tộc. “Sẽ không có chỗ cho ngôn ngữ của đối đầu” – tổng thống mới đắc cử nói sau khi ủy ban bầu cử tuyên bố ông giành chiến thắng với tỉ lệ 51,73% trước cựu Thủ tướng Shafiq trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống hôm 16 – 17.6.
Ông Mursi cũng hứa hẹn rằng sự lãnh đạo của ông sẽ bao trùm cả các đảng phái khác và ngỏ lời trấn an cả các cử tri Thiên chúa giáo cũng như phe thế tục.
Tân Tổng thống Mohammed Mursi “thừa hưởng” một nền kinh tế chật vật, tỉ lệ đói nghèo lan rộng, thất nghiệp tăng cao và ngành du lịch vẫn đầy rẫy khó khăn do bất ổn chính trị.
Theo Lao Động
Pakistan: Ông Ashraf được đề cử làm thủ tướng
Đảng Nhân dân (PPP) đang cầm quyền tại Pakistan ngày 22/6 đã đề cử ông Raja Pervez Ashraf làm Thủ tướng mới, sau khi Tòa án Tối cao Pakistan ban bố lệnh bắt đối với ứng cử viên ban đầu là ông Makhdoom Shahabuddin do Tổng thống Asif Ali Zadari giới thiệu.
Ông Raja Pervez Ashraf được đề cử làm thủ tướng mới. (Nguồn: thenewstribe.com)
Ông Ashraf hiện đang giữ chức Bộ trưởng Công nghệ Thông tin được đề cử thay thế ông Shahabuddin sau khi Tòa án tối cao ra lệnh bắt đối với ông này với cáo buộc liên quan tới việc nhập khẩu phi pháp một số loại thuốc bị hạn chế vào năm 2010, khi đang còn tại vị Bộ trưởng Y tế.
Tuy nhiên, việc ông Ashraf được đề cử làm Thủ tướng mới cũng được cho là một quyết định gây tranh cãi bởi ông Ashraf cũng đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng hồi còn đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Nước và Năng lượng Pakistan. Bên cạnh đó, ông Ashraf cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong việc giải quyết hậu quả khủng hoảng năng lượng của chính phủ nước này.
Dự kiến trong ngày 22/6, Hạ viện Pakistan sẽ chính thức bầu chọn Thủ tướng mới nhằm chấm dứt tình trạng khủng hoảng chính trị đang leo thang sau khi Tòa án Tối cao nước này truất tư cách thủ tướng của ông Yusuf Raza Gilani với cáo buộc nhạo báng bộ máy tư pháp khi không chấp hành lệnh của tòa án về việc đề nghị giới chức Thụy Sĩ mở lại cuộc điều tra tham nhũng đối với Tổng thống Zadari. Thủ tướng mới cũng sẽ phải đối mặt với yêu cầu của tòa về việc này.
Hiện có bốn chính trị gia khác, trong đó có hai người thuộc phe đối lập với PPP, tham gia vào cuộc bầu chọn người đứng đầu nội các Pakistan. Đảng PPP chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm 2008, chấm dứt một thập kỷ cầm quyền của quân đội nước này./.
Theo TTXVN
Thái Lan gia hạn áp dụng tình trạng khẩn cấp 3 tỉnh cực Nam Nội các Thái Lan cũng yêu cầu ban ngành hữu quan sớm tiến hành điều tra, xét xử các vụ án gây mất trật tự an ninh ở các tỉnh miền Nam. Tình trạng khẩn cấp được gia hạn tại 3 tỉnh cực Nam Thái Lan Ngày 19/6, theo đề nghị của Hội đồng an ninh quốc gia, Nội các Thái Lan đã...