Tân nghị sĩ livestream, hô hào xông vào tòa quốc hội Mỹ
Derrick Evans, một nghị sĩ mới được bầu vào hạ viện bang Tây Virginia, phát video trực tuyến khi cùng đám đông ủng hộ Trump xông vào tòa quốc hội.
Video livestream trên Facebook hôm 6/1 cho thấy Evans nhiều lần quay camera vào thẳng mặt ông và tuyên bố “Derrick Evans đang ở Đồi Capitol”. Ông đội mũ bảo hiểm, mặc trang phục theo phong cách quân đội, hô hào khi những người phía trước đạp đổ cửa để vào trong.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa sau đó cùng đám đông tràn qua một lối vào của tòa nhà, cầm cờ và biểu ngữ ủng hộ Tổng thống Donald Trump.
“Chúng tôi đã vào trong, đi thôi, tiến lên, anh em!”, Evans hô. Những người khác giục “Đẩy đi! Đẩy đi!” và qua mặt hai cảnh sát bảo vệ Đồi Capitol. “Những người yêu nước đã vào trong rồi, các anh em!”.
Hạ nghị sĩ Derrick Evans livestream cảnh xông vào tòa quốc hội hôm 6/1. Video: Facebook/ Derrick Evans .
Hình ảnh cho thấy có lúc người biểu tình chiếm khu vực chính của tòa quốc hội, hò hét, chụp ảnh với các bức tượng. Evans đã nhắc nhở đám đông không đập phá bất cứ thứ gì vì “đây là nhà của chúng ta và chúng ta tôn trọng nó”.
“Ôi Chúa ơi! Tôi không thể tin được là chúng tôi đã ở đây ngay lúc này! Ai mà nghĩ điều này sẽ xảy ra hôm nay?”, ông nói trong video.
Evans sau đó đã xóa video này khỏi Facebook nhưng đăng lại trên những nền tảng mạng xã hội khác. Trong một tuyên bố sau vụ bạo loạn, hạ nghị sĩ Tây Virginia không phủ nhận mình là một thành viên của nhóm biểu tình, nhưng khẳng định không tham gia “bất cứ vụ phá hoại nào đã xảy ra”. Evans cũng nói rằng mình đến đó với tư cách “một thành viên độc lập của truyền thông” chứ không phải một nghị sĩ.
Evans, 34 tuổi, người đã tuyên thệ nhậm chức tháng trước, là một phần của làn sóng mới gồm những người trung thành với Trump, những người tranh cử với tư cách là đảng viên Cộng hòa nhưng ghét bỏ đảng và thay vào đó xác định mình là thành viên của phong trào “yêu nước”.
Suốt chiến dịch tranh cử của mình, Evans đã chia sẻ trên Facebook những cáo buộc gian lận bầu cử mà Trump đưa ra, như hàng nghìn người chết đi bỏ phiếu, các thuyết âm mưu về vaccine Covid-19, lên án phong trào Black Lives Matter và vận động người ủng hộ Trump mang vũ khí.
Cảnh sát đối đầu người biểu tình xông vào Đồi Capitol hôm 6/1. Ảnh: Reuters .
Theo trang Facebook của ông, Evans đã giúp tổ chức hai chuyến xe buýt chở đầy “những người yêu nước” không đeo khẩu trang từ các bang Tây Virginia, Kentucky và Ohio đến Washington vào tối 5/1 để tham gia liên minh “Stop The Steal” (Chặn đánh cắp).
Trước khi xông vào Đồi Capitol, Evans cũng phát trực tuyến hình ảnh từ sân của tòa nhà, cho thấy các nhóm nhỏ người ủng hộ Trump trước hàng rào sắt.
“Tôi muốn nhìn thấy Nancy Pelosi đi qua đây”, ông nói nhắc tới Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Một phụ nữ bên cạnh đáp: “Nếu bà ấy đi qua, sẽ có người liều mạng với bà ấy. Họ sẽ làm thế. Họ thà ngồi tù còn vui hơn”.
Evans bày tỏ đồng tình và phá lên cười. Trong một video khác, Evans nói rằng “ngày hôm nay sẽ trở nên hỗn loạn” và lặp lại những cáo buộc rằng Tổng thống đắc cử Joe Biden đã lạm dụng tình dục trẻ em.
Việc Evans tham gia vào nhóm biểu tình ở tòa quốc hội vấp phải chỉ trích dữ dội từ các lãnh đạo Tây Virginia, trong đó có chủ tịch hạ viện bang Roger Hanshaw, một thành viên Cộng hòa.
Ông Hanshaw cho hay trong một tuyên bố rằng tân hạ nghị sĩ “sẽ phải trả lời các cử tri và đồng nghiệp về việc tham gia vào những gì đã xảy ra hôm nay”.
“Dù tự do ngôn luận và biểu tình ôn hòa là giá trị cốt lõi của xã hội Mỹ, việc xông vào các tòa nhà chính phủ và tham gia vào một cuộc bạo động có chủ đích, nhằm phá vỡ một trong những thể chế chính trị cơ bản nhất của quốc gia chúng ta, là một tội ác cần bị truy tố ở mức tối đa của pháp luật”, ông Hanshaw nói.
Nghị sĩ Mỹ phải đeo mặt nạ phòng độc khi người biểu tình tràn vào điện Capitol
Tòa nhà quốc hội Mỹ phong tỏa và các nghị sĩ phải đeo mặt nạ phòng độc khi cuộc đụng độ bạo lực nổ ra giữa cảnh sát và những người biểu tình.
Bạo lực nổ ra khi những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump xông vào phá hoại các rào chắn an ninh của tòa nhà Quốc hội hôm 6/1, trong nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử. Các nhà lập pháp phải đeo mặt nạ phòng độc khi cảnh sát sử dụng hơi cay.
Nghị sĩ Mỹ đeo mặt nạ phòng độc rời Quốc hội.
Một phụ nữ đã bị bắn chết. Lực lượng Vệ binh Quốc gia, cảnh sát tiểu bang và liên bang được triển khai để kiểm soát tình hình. Washington và các vùng ngoại ô lân cận ban hành lệnh giới nghiêm.
Dù tòa nhà Capitol đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình và bạo lực - bao gồm cả một vụ xả súng năm 1954, sự kiện hôm 6/1 vẫn gây kinh ngạc và chỉ trích từ giới chính trị gia và lãnh đạo quốc tế.
Biểu tình hỗn loạn đã khiến Quốc hội phải tạm dừng việc kiểm đếm kết quả của Cử tri đoàn theo hiến pháp, trong đó ông Biden giành 306 phiếu bầu và ông Trump 232 phiếu bầu.
Người biểu tình ủng hộ Trump vẫn tiếp tục ở trên các đường phố bất chấp lệnh giới nghiêm được áp đặt sau cuộc bạo lực.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết phiên làm việc về việc khẳng định chiến thắng của ông Biden sẽ tiếp tục sau khi Điện Capitol được bảo đảm an toàn.
Pelosi nói bà đưa ra quyết định với sự tham vấn của Lầu Năm Góc, Bộ Tư pháp và Phó Tổng thống, người sẽ chủ trì cuộc họp. Bà nói ngày này sẽ luôn là "một phần của lịch sử", nhưng bây giờ nó sẽ là "một bức tranh đáng xấu hổ về đất nước của chúng ta trước thế giới".
7 nghị sĩ Cộng hòa phản đối 'lật kèo' bầu cử 7 hạ nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố sẽ không tham gia cùng khoảng 100 nghị sĩ khác thách thức kết quả kiểm phiếu đại cử tri hôm 6/1. "Chỉ các bang mới có quyền bổ nhiệm các đại cử tri theo luật bang. Quốc hội chỉ có vai trò nhỏ trong tiến trình bầu cử tổng thống. Nhiệm vụ của cơ quan...