Tân hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng ước mơ về nền giáo dục tiên tiến
Ông Hồ Thanh Phong kỳ vọng chương trình dạy 100% bằng tiếng Anh, giáo trình quốc tế, liên kết với trường nước ngoài, sinh viên dễ chuyển tiếp du học.
Nhà giáo nhân dân, phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Thanh Phong có nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu bối cảnh giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới và mô hình quốc tế hóa tại Việt Nam. Ông chia sẻ dự định, kế hoạch trong năm học đầu tiên nhận chức Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU).
- Đánh giá của ông với giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay?
- Giáo dục đại học Việt Nam trước đây từng là một hệ thống giáo dục tinh hoa. Ở giai đoạn hiện tại, giáo dục đại học có tính phổ cập và nhắm đến nhu cầu xã hội nhiều hơn, từ đó, dẫn đến sự phân tầng, phân lớp, chia ra nhiều mức độ giữa các trường đại học. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển năng động và toàn cầu hóa mạnh mẽ, dường như tốc độ của giáo dục đại học Việt Nam vẫn chưa bắt kịp nhịp độ phát triển kinh tế.
Một trong những vai trò và trách nhiệm của trường đại học là cung cấp nhân lực để hội nhập quốc tế, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống và nền kinh tế. Nhưng không dừng lại ở những ngành nghề thời thượng, chính các trường đại học phải quan tâm đến ngành nghề ít hấp dẫn nhưng quan trọng và cần thiết cho sự phát triển bền vững của xã hội, ví dụ như ngành môi trường hay quản lý tài nguyên nước… Tôi mơ ước điều này đã từ lâu và mong sớm thành hiện thực. Tôi tin nếu mọi người cùng thực thi nhiệm vụ với sự tin tưởng, đồng thuận và cảm thông thì gian nan sẽ giảm, con đường sẽ ngắn lại.
Trong xu hướng đó, Đại học Quốc tế Hồng Bàng không ngoài cuộc. Tuy chưa phải là trường có thứ hạng cao trong nước nhưng với ước vọng về nền giáo dục đại học tiên tiến, HIU sẽ phấn đấu, nỗ lực để quốc tế hóa toàn diện chương trình đào tạo, trở thành trung tâm đào tạo, khoa học xuất sắc, nơi hội tụ của tri thức, khoa học công nghệ, văn hóa và niềm tin.
Nhà giáo nhân dân, phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Thanh Phong mong muốn Đại học Quốc tế Hồng Bàng sẽ trở thành trung tâm đào tạo, khoa học xuất sắc.
- Để trở thành trường đại học chuẩn quốc tế, Đại học Quốc tế Hồng Bàng sẽ làm những gì?
Video đang HOT
- Con người làm nên tất cả. Đầu tiên, vận dụng cơ chế tự chủ tài chính, trường sẽ xây dựng chính sách thu hút nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ tốt. Về thu nhập, nhà trường xây dựng cơ chế trả lương theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ ở mức cạnh tranh nhất. Trong đó, thu nhập của giảng viên được cấu thành bởi hai thành phần, gồm phần cứng đảm bảo thu nhập ổn định và phần chi trả theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Nhiệm vụ của giảng viên gồm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ.
Sau khi ổn định về đội ngũ, HIU rà soát chương trình đào tạo, xây dựng hệ thống chương trình đa ngành, đa lĩnh vực gồm khối Khoa học Sức khỏe, Khoa học Kinh tế – Quản lý – Luật, Khoa học Tự nhiên và Xã hội, Kỹ thuật – Công nghệ. Nhà trường sẽ xây dựng các chương trình giảng dạy bán phần và hướng đến toàn phần bằng tiếng Anh, liên kết với các đại học uy tín của nước ngoài theo hình thức 2 2, 3 1, hệ thống giáo trình học liệu chuẩn mực… phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trường tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phát triển giảng dạy, nghiên cứu khoa học và kết nối với cộng đồng. Hướng đến chương trình giảng dạy 100% bằng tiếng Anh, khi không còn rào cản, giảng viên nước ngoài có thể đến trường giảng dạy dễ dàng, sinh viên có thể chuyển tiếp du học hay làm việc ở bất kỳ nơi đâu.
Tân Hiệu trưởng đánh trống khai giảng năm học mới 2018-2019 tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
- Làm thế nào để trường có thể đào tạo ra những sinh viên trở thành công dân toàn cầu?
- Hội nhập không nằm trong một, hai môn học hay một, hai chương trình. Hội nhập phải nhắm đến cách dạy, môi trường và nhận thức của người học. Bản thân chương trình đào tạo phải hội nhập để sinh viên có được khả năng linh hoạt, hòa nhập nhanh với môi trường.
Nhà trường sẽ đẩy mạnh quốc tế hóa và hội nhập mạnh mẽ về ngành nghề đào tạo với phương cách đào tạo mới, phát huy thế mạnh của các ngành nghề hiện có và ngành nghề mới mà xã hội đang và sẽ cần. Bên cạnh đó, hợp tác cùng nhiều doanh nghiệp theo mô hình trường học doanh nghiệp giúp đảm bảo 100% sinh viên có khả năng tìm kiếm cơ hội việc làm tại thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Trường sẽ tham gia kiểm định theo chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018, kiểm định AUN (Asian University Network) năm 2019 cho một số ngành đào tạo mạnh và phấn đấu tham gia xếp hạng đại học trên thế giới năm 2020.
Ngọc Tuyền
Theo VNE
Kỹ sư robot - nghề 'nóng' trong kỷ nguyên 4.0
Mặc dù ngành công nghệ robot (robotics) tại VN còn rất non trẻ, nhưng theo dự báo của các chuyên gia, trong tương lai, VN cần đến hàng trăm ngàn cán bộ kỹ thuật có trình độ về tự động hóa và robot khi ngày càng có nhiều ứng dụng liên quan người máy.
Robot được ứng dụng ngày càng nhiều trong các lĩnh vực - ẢNH: NAM SƠN
Nhân lực chưa được đào tạo bài bản
Theo ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN, Chủ tịch Hội Tự động hóa VN, hiện VN chưa thực sự có nguồn nhân lực về công nghiệp robot theo đúng nghĩa. Tại một số trường ĐH kỹ thuật mới chỉ có bộ môn hoặc khoa chuyên ngành về tự động hóa, một lĩnh vực liên quan nhiều nhất đến robot. "Công nghiệp robot không chỉ có tự động hóa hay công nghệ thông tin. Để có ngành công nghiệp robot thì phải phát triển đồng bộ công nghệ thông tin truyền thông - trí tuệ nhân tạo, công nghệ cơ khí - chế tạo và công nghệ vật liệu... Trong khi chúng ta mới chỉ quan tâm đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, còn nhân lực ngành cơ khí và vật liệu bị suy giảm nghiêm trọng trong nhiều năm gần đây, thậm chí nhiều trường ĐH không tuyển được sinh viên theo học các ngành này hoặc phải dừng đào tạo", ông Quân nói.
Nói về thực trạng phát triển robot tại VN, ông Quân cho hay robot công nghiệp đã được sử dụng khá rộng rãi ở VN, nhưng chủ yếu là trong các dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một số doanh nghiệp VN cũng quan tâm đưa robot vào sản xuất nhưng quy mô còn nhỏ. Do chưa có năng lực cơ khí chế tạo, gần như toàn bộ robot công nghiệp đều nhập khẩu nên nhân lực chủ yếu là để sử dụng robot. Ông Quân chia sẻ: "Hiện nay, chúng ta nói rất nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp robot là rất lớn. Nếu các ngành công nghiệp đều ứng dụng trí tuệ nhân tạo và robot để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thì nền kinh tế sẽ cần hàng trăm ngàn cán bộ kỹ thuật có trình độ về tự động hóa và robot, tương lai sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới".
Nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cao
TS Đinh Triều Dương, Chủ nhiệm Khoa Điện tử - Viễn thông Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho hay nhu cầu nhân lực trong ngành khá cao. Hiện nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những tập đoàn lớn đang có nhu cầu về kỹ sư tự động hóa và robot đóng vai trò chủ đạo. Các kỹ sư kỹ thuật robot hoàn toàn có cơ hội làm việc trong các hệ thống dây chuyền sản xuất công nghiệp đòi hỏi khả năng xử lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo, hệ thống điều khiển thông minh...
Là một trong những đơn vị tiên phong phát triển nền tảng robot công nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, anh Trương Trọng Toại, sáng lập Công ty TNHH chế tạo máy Robot 3T, cho biết: "Nhiều sinh viên học các ngành cơ khí, cơ điện tử, tự động hóa... rất thích làm robot nhưng do chưa được đào tạo bài bản về robot nên khi tuyển dụng chúng tôi thường phải đào tạo lại từ 6 - 12 tháng mới có thể làm được việc. Tuy nhiên, việc tuyển dụng nhân lực đạt yêu cầu không phải dễ".
Tại hội thảo "Công nghệ robotics - mechatronics trong cách mạng công nghiệp 4.0" do Bộ Công thương và Bộ KH-CN tổ chức mới đây, Thứ trưởng Công thương Cao Quốc Hưng nhìn nhận, robotics có thể được xem là một trong những trụ cột của nền công nghiệp 4.0 với những nhà máy thông minh và doanh nghiệp được chuyển đổi số hóa toàn diện, cũng như nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống.
Theo các chuyên gia dự báo, 20 năm tới, tại VN, robot càng trở nên quan trọng và không thể thiếu cho sự phát triển của con người. Hiện nay, robot công nghiệp phát triển mạnh mẽ nhưng sắp tới xu hướng sẽ là robot dịch vụ vì nó tham gia phục vụ trực tiếp vào các công việc như giúp việc, chăm sóc người già, nhân viên tại các viện bảo tàng... hay ứng dụng robot thay thế giảng viên ngoại ngữ tại các trường ĐH. Đặc biệt, tới đây tự động hóa là một trong 6 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, trong đó sẽ tập trung vào ngành công nghiệp robot.
Theo anh Toại, hiện các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thu hút các chuyên gia kỹ thuật có trình độ cao. Thậm chí, nhiều sinh viên học năm thứ 3 các chuyên ngành cơ khí, thiết kế chế tạo máy, cơ điện, tự động hóa cũng được "đặt hàng" tuyển dụng. Mức lương trong ngành robotics so với mặt bằng chung cao hơn một số ngành nghề, tùy theo từng vị trí, kỹ sư nghiên cứu robot có thể đạt được mức lương 20 triệu đồng/tháng. "Nhu cầu nhân lực trong ngành này là rất thiếu, tương lai đây là lĩnh vực có tiềm năng. Ngoài làm việc trong các doanh nghiệp, nếu các bạn trẻ có những ý tưởng tốt có thể phát huy khởi nghiệp từ lĩnh vực robot", anh Toại chia sẻ.
Bổ sung mã ngành đào tạo robot
Để chuẩn bị nhân lực ngành robot cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo ông Nguyễn Quân, trước hết cần sớm ban hành các quy định để thu hút lao động trẻ vào ngành robotics như: bổ sung mã ngành đào tạo robot cho các trường ĐH, CĐ; tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành tự động hóa, cơ khí chính xác, vật liệu hợp kim và vật liệu điện tử cho các trường ĐH công nghiệp trọng điểm; yêu cầu các trường xây dựng chương trình đào tạo tích hợp công nghệ thông tin và cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, thiết kế chế tạo linh kiện điện tử và vi mạch...
Mặc dù có những lo ngại việc đưa robot vào sản xuất thay thế con người trong nhiều công đoạn sản xuất có thể sẽ làm dôi dư lao động hay tăng tỷ lệ thất nghiệp ở một số ngành như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm..., nhưng ông Quân cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới trình độ cao hơn, năng suất lao động cao hơn, có thu nhập tốt hơn.
Theo thanhnien
Tự chủ đại học: Cân nhắc kỹ bài toán tăng học phí Khi Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học "cởi trói", cho phép tự chủ tài chính đại học thì một băn khoăn lớn khi thực hiện quyền tự chủ, các trường đại học được quyền thu học phí với mức cao nhất có thể. Có băn khoăn rằng, liệu có làm mất cơ hội tiếp cận giáo dục tinh...