Tâm thư gây tranh cãi của chàng trai về quê chịu tang cha giữa dịch Covid-19
Gần đây, một số trang fanpage ở tỉnh Bình Định đã đăng tải “tâm thư” của chàng trai từ Campuchia về quê chịu tang cha trong khi cả nước đang thực hiện cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19 thu hút nhiều ý kiến trái chiều.
Nhân vật được nhắc đến trong câu chuyện trên là anh N.H.T (25 tuổi, ở huyện Hoài Ân, Bình Định), đang làm việc tại Campuchia. Sau khi “tâm thư” của anh T đăng tải lên mạng xã hội, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái ngược nhau. Một số cảm thông chia sẻ, cầu mong chàng trai vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng có không ít ý kiến bày tỏ bức xúc vì cho rằng, anh không có ý thức phòng chống dịch.
Mở đầu “tâm thư”, anh T viết: “Mình viết bài này, đầu tiên là để xin lỗi mọi người về quyết định nhập cảnh của mình, như mọi người đã được thông tin, mình về nhà để chịu tang cha mình là N.H.D. Đương nhiên dù là bất cứ lý do gì đi nữa thì việc nước vẫn hơn việc nhà, nên mình xin lỗi mọi người, xin lỗi quê hương vì suy nghĩ và quyết định của mình”.
“Tâm thư” của chàng trai từ Campuchia về quê chịu tang cha, khi cả nước đang thực hiện cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch Covid-19 thu hút rất nhiều ý kiến trái chiều.
Theo anh T, anh đã thực hiện cách ly tại gia ở văn phòng làm việc tại PhnomPenh từ ngày 7/3 -5/4, tình hình sức khoẻ không có triệu chứng gì bất thường nên anh quyết định về quê chịu tang cha. Trên đường đi, anh T chủ động không đi xe khách đông người mà thuê xe 4 chỗ đi riêng về đến TP.Hồ Chí Minh, lưu trú khách sạn 1 đêm rồi lên ga về thẳng nhà, anh cũng được kiểm tra thân nhiệt đầy đủ, không tiếp xúc với nhiều người hoặc tới những nơi đông người hoặc người nhiễm dịch.
“Về việc tổ chức tang lễ cho ba thì chính quyền địa phương, gia đình cùng hàng xóm cũng ý thức được tình hình dịch bệnh nên chuẩn bị các vật dụng y tế cần thiết và hạn chế tiếp xúc ở mức tối đa nhất. Hiện, mình đang được cách ly tập trung tại Khu huấn luyện quân đội ở Cát Tân – Phù Cát, được kiểm tra sức khoẻ, đo thân nhiệt hàng ngày, vẫn bình thường”, anh T trình bày.
Với bức “tâm thư” trên, anh T mong muốn thông tin để mọi người nắm rõ sự việc, có thể bình tĩnh hơn trong công tác chống dịch và tránh những tin đồn thất thiệt, sai sự thật làm hoang mang đến gia đình, bạn bè, xóm làng và toàn thể người dân huyện Hoài Ân.
Ngoài ra, anh T cũng gửi lời xin lỗi vì đã gây nên sự hoảng loạn nhất định đến mọi người và mong được thông cảm bỏ qua, chung tay để thực hiện các công tác phòng bệnh.
Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, đến nay tỉnh Bình Định vẫn chưa có trường hợp dương tính Covid-19.
Video đang HOT
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Định, đến chiều 11/4, tỉnh này có 4 trường hợp được cách ly tập trung (trong đó có anh N.H.T), chưa có trường hợp nào dương tính với Covid-19.
Giám đốc Sở Y tế Bình Định Lê Quang Hùng cho biết, lực lượng công an đã nắm thông tin ban đầu về việc anh N.H.T từ Campuchia về Bình Định nhưng không khai báo y tế. Sau khi anh N.H.T hết cách ly tập trung, công an sẽ làm rõ anh này về nước bằng đường nào, có qua cửa khẩu Mộc Bài như lời khai hay không, hay đi về bằng đường khác? Bởi theo ông Hùng, nếu qua cửa khẩu sẽ được cách ly theo đúng quy định.
Ông Lê Quang Hùng cho hay, kết quả xét nghiệm lần thứ nhất đối với anh N.H.T đã cho kết quả âm tính với Covid-19 và đang chờ kết quả xét nghiệm lần 2. Sau khi xảy ra sự việc, lực lượng y tế đã cách ly tại nhà hơn 100 trường hợp dự đám tang cha anh N.H.T.
Theo xác minh của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 huyện Hoài Ân, ngày 5/4, anh N.H.T khai từ Campuchia qua Tây Ninh về TP.Hồ Chí Minh. Tối 6/4, anh T lên tàu SE4 về ga Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) và có mặt tại nhà lúc 9h ngày 7/4 để làm đám tang cho cha. Do anh N.H.T về từ quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 nên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Định có quyết định đưa đi cách ly tập trung vào ngày 9/4.
Ngày 10/4, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 huyện Hoài Ân có văn bản đề nghị UBND các xã, thị trấn thông báo đến nhân dân, người đến dự đám tang cha anh N.H.T và có tiếp xúc với anh N.H.T khẩn trương đến trạm y tế để khai báo y tế và giám sát y tế theo quy định.
Dũ Tuấn
Vụ 2 cảnh sát hy sinh: "Cả tháng kiệt sức vì chống Covid-19, nay lại nhìn các anh ra đi..."
"Chúng chèn và tạt đầu xe, hai anh ngã..., hy sinh ngay tại chỗ. Nghe đâu nhóm tội phạm sinh năm 2004, 2005.
Quanh các anh không còn ai, đang mùa dịch Covid-19, Đà Nẵng vắng tanh, chỉ có anh em chúng tôi thay phiên nhau đi làm nhiệm vụ, thiếu uý Nguyễn Thị Hồng Hoa - cán bộ Đội Công tác hậu cần (CTHC), Công an quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng - chia sẻ trên trang mạng cá nhân.
Sáng 3/4, bài viết đăng trên trang mạng cá nhân của thiếu uý Nguyễn Thị Hồng Hoa - cán bộ Đội CTHC, Công an quận Sơn Trà liên quan đến vụ việc 2 cán bộ, chiến sĩ Công an quận Sơn Trà hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vào tối 2/4 khiến nhiều người xúc động.
Bài viết trên trang mạng cá nhân của thiếu uý Nguyễn Thị Hồng Hoa.
Nội dung chia sẻ của thiếu uý Nguyễn Thị Hồng Hoa như sau:
"Sơn Trà, 20h40 ngày 2/4/2020
"Về nhà thôi các anh ơi, các anh đã mệt rồi"...
Đà Nẵng 21h, anh trong đội nửa đùa nửa thật gọi lên cơ quan trực, tôi còn bảo anh trêu tôi, bao giờ chỉ huy gọi thì em lên, mấy hôm nay anh toàn trêu tôi thế. Anh bảo lên đi, hình như có vụ tai nạn ở phường. Tôi bật dậy mặc quân phục. Xong quay lại đọc tin nhắn mới, anh bảo "Thôi anh lừa đó, em ở nhà đi, ai ở cơ quan mới trực...".
Đà Nẵng 22h, anh em tôi đang trên Zalo của Đội chọc nhau. Anh Đội trưởng nói "Đừng giỡn nữa, cơ quan mình đang có chuyện buồn. Toàn đội lên cơ quan trực 100%". Tôi bật dậy, mặc đồ ngành chạy vội vào cơ quan. Các anh chị bơ phờ, mắt ai nấy đỏ hoe.
2 cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông-trật tự hy sinh trong lúc truy bắt tội phạm đua xe và cướp giật tài sản. Chúng chèn và tạt đầu xe, hai anh ngã, mặt biến dạng, máu chảy đỏ cả một góc đường, hy sinh ngay tại chỗ. Nghe đâu nhóm tội phạm sinh năm 2004, 2005. Quanh các anh không còn ai, đang mùa dịch, Đà Nẵng vắng tanh, chỉ có anh em chúng tôi thay phiên nhau đi làm nhiệm vụ.
Cả Đội lập tức lên trung tâm pháp y, xe cứu thương đã đưa các anh vào. Chúng tôi ngồi sõng soài trên mặt đất, nước mắt tràn. Chứng kiến từng người thân đến và khóc đến lạc giọng.
Đà Nẵng 1h30 sáng. Mẹ của các anh tới rồi, bước đi không vững. Tôi đưa mẹ anh vào gặp mặt anh lần cuối, nhưng anh trong đội bảo người khác dìu, anh không cho tôi vào. Anh sợ tôi không chịu nổi vì các anh ra đi thương tâm lắm, không còn vẹn hình hài như những ngày còn cười nói bên chúng tôi. Tôi đứng ngoài song cửa trung tâm pháp y, nghe tiếng người mẹ gào thét gọi tên con trai duy nhất. Tôi khóc như mưa, khóc cho người anh đã ra đi bỏ lại gia đình và hai đứa con còn thơ dại. Khóc cho người bạn ra đi khi tuổi đời mới tuổi 23, không có mẹ ở bên để đưa anh về, cả gia đình đang giấu vì sợ sốc.
Đà Nẵng 2h sáng. Vắng lặng, lạnh ngắt. Chỉ còn anh em chúng tôi thao thức, chạy trong đêm khuya để lo cho 2 người đồng đội thân yêu đã như ngôi sao vụt tắt mãi mãi sau lần làm nhiệm vụ cuối cùng. Ngồi ôm chị Đội phó vì sau khi đưa thân nhân về nhà, chị khóc rưng rức như một đứa trẻ.
Đà Nẵng 3h sáng, về đến phòng rồi nhưng không tài nào ngủ được. Xin đổi ca trực cách ly 199 để ở nhà chuẩn bị hồ sơ tang lễ. Cả tháng qua chống dịch, anh em tôi đã kiệt sức rồi. Nay lại thêm đồng đội hy sinh...
Thương gia đình các anh, nuôi được một người con ăn học tử tế, vào lực lượng CAND là biết bao nhiêu khổ cực, cũng là biết bao nhiêu tự hào, niềm tin tưởng, kỳ vọng. Nhưng đớn đau thay, vì làm tròn nhiệm vụ với đất nước, với nhân dân mà người con ấy hy sinh một cách thương tâm. Mẹ anh bảo: "Tôi vào tôi khóc nhưng đó đâu phải con tôi, đó là ai?".
Tôi là học viên mới ra trường đi làm được 4 tháng. Lần đầu tiên trong đời chứng kiến cảnh anh em của tôi hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ một cách thương tâm như vậy. Không kịp nói một lời, ra đi chỉ mình hai anh em với nhau, xung quanh vắng lặng không một bóng người qua lại. Đã có quá nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, mỗi lần đọc tin tức đau xót vô cùng. Nhưng lần đầu tiên, chứng kiến những người anh em ngay bên cạnh mình ra đi sau vụ tai nạn thảm khốc, do chính tội phạm tuổi vị thành niên gây ra, nghe tiếng khóc lạc giọng gọi con của những người thân yêu ruột thịt thì tôi mới thấu được sự khổ cực, vất vả, nỗi đau đớn và xót xa của cái nghề, cái nghiệp mà anh em chúng tôi đang ngày đêm cống hiến.
Các anh mệt rồi đúng không, cả tháng qua tập trung chống dịch, lại tuần tra, lại truy bắt tội phạm. Các anh cũng là người bằng da bằng thịt thôi mà. Mệt rồi, chúng em đưa các anh về thôi...
Đêm nay, Sơn Trà, một đêm trắng...".
Sáng cùng ngày, thượng tá Phan Minh Mẫn - Trưởng Công an quận Sơn Trà - cho biết, hiện cơ quan điều tra đã tạm giữ 8 đối tượng liên quan đến vụ việc khiến 2 cán bộ, chiến sĩ Công an quận Sơn Trà hy sinh trong khi làm nhiệm vụ và một người dân bị thương.
"Bước đầu xác định, cả 8 đối tượng này đều trú tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Đây là các đối tượng có liên quan đến vụ đua xe, lạng lách, cướp giật người đi đường. Đêm qua, cơ quan chức năng đã tổ chức truy tìm, hiện đang tạm giữ các đối tượng để phục vụ công tác điều tra", Trưởng Công an quận Sơn Trà thông tin.
Hiện trường vụ việc.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, khoảng 20h40 ngày 3/4, Trung tâm chỉ huy thông tin TP.Đà Nẵng nhận được tin báo của người dân có nhóm đối tượng đua xe và cướp giật người đi đường.
Theo đó, Công an thành phố đã chỉ đạo cho Công an quận Sơn Trà triển khai lực lượng truy đuổi nhóm đối tượng nêu trên. Khi di chuyển đến khu vực cầu Mân Quang, Thọ Quang, Sơn Trà thì xảy ra va chạm giao thông làm hai cảnh sát giao thông-trật tự quận Sơn Trà là đại úy Đ.T.T (sinh năm 1979) và trung sĩ V.V.T (sinh năm 1997) hy sinh, một người dân bị thương là anh Mai Quốc Long (sinh năm 1985, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).
Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Diệu Bình
Hai vợ chồng cùng bệnh nặng Hai vợ chồng ông Trần Quỳnh (52 tuổi) và bà Nguyễn Thị Tố Lan (51 tuổi) sống trong ngôi nhà cũ nát, xập xệ dưới chân núi Hòn Đình cuối thôn Hội Nhơn, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định), đang lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo vì cùng bệnh nặng. Ông Trần Quỳnh bệnh nặng cần được cứu chữa Tháng...