‘Tâm thư’ của thầy Văn Như Cương gửi cha mẹ học sinh
Nhân dịp đầu năm học mới, thay vì một bản diễn văn báo cáo thành tích, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh, đã có bức “tâm thư” gửi cha mẹ học sinh.
Mục đích của bức tâm thư này, theo thầy Văn Như Cương, là nhằm “tâm sự về việc dạy dỗ con em chúng ta” với các bậc cha mẹ học sinh. Thanh Niên Online xin trích đăng nội dung chính của bức thư này.
Đừng làm trẻ kiêu căng hay tự ti
Xin các bậc làm cha, làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái của mình. Một số vị luôn luôn cho rằng con mình cái gì cũng nhất: xinh đẹp, thông minh, tài năng, trí tuệ…, họ tâng bốc con và làm cho đứa con cũng cảm thấy mình hơn người.
Một số vị khác thì ngược lại, luôn luôn buồn bực vì con, chì chiết thậm chí mạt sát con, xem nó là thứ vất đi, khó dạy khó bảo, rồi chẳng làm nên cơm cháo gì…
PGS Văn Như Cương (đứng, bìa trái) phát biểu trong một hội nghị về giáo dục – Ảnh: Nguyệt Minh
Mỗi đưa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nghệ thuật làm cha, làm mẹ là biết cách khuyến khích, khen ngợi, nhưng không đề cao quá đáng những điểm mạnh của con mình; mặt khác cần khắc phục mà không vùi dập những điểm yếu của nó.
Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta.
Cần cân nhắc trước “yêu sách” của con
Xin các vị đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con cái. Hãy nhớ rằng con cái chúng ta luôn luôn “được voi, đòi tiên”, bởi vậy chúng ta cần cân nhắc trước yêu sách của con cái. Có thể các vị không thiếu tiền, nhưng ở đây là vấn đề giáo dục, nên có thể thừa tiền vẫn không cho. Trẻ em càng được nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút, mà đó là điều tối kỵ.
Đối với con cái, nếu “yêu cho roi cho vọt” là quan điểm sai lầm thì “yêu cho ngọt cho bùi” cũng sai lầm không kém.
Để trẻ biết rửa bát, quét nhà
Video đang HOT
Xin các vị đừng thương các con đến mức không để chúng đụng tay đụng chân làm bất kỳ việc gì, mà dành toàn bộ thời gian cho chúng “dùi mài kinh sử”.
Con muốn giúp mẹ làm bếp thì “thôi con đi học bài đi, mẹ làm tí xong ngay”, ăn cơm xong thì “con nghỉ một lúc rồi học bài nhé, để mẹ rửa bát cho”.
Thế là có những đứa trẻ không bao giờ biết làm việc, kể cả những việc đơn giản như: quét dọn nhà cửa, lau rửa bát đĩa, ấm chén, tưới cây nhổ cỏ, vun luống tỉa hoa… Lớn lên chắc chắn chúng sẽ thành những kẻ lười biếng, xem thường lao động, coi kinh những người lao động.
Là một thầy giáo lâu năm, tôi tin rằng: Không có lao động thì không có sáng tạo. Một người lười lao động thì chắc chắn không làm việc gì thành công.
Biết làm việc thiện
Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có. Hãy để cho trẻ con chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, biết bao số phận cay đắng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội. Đối với những người như vậy một sự chia sẻ về vật chất và tinh thần, một lời động viên, một cử chỉ đồng cảm… chính là thể hiện lòng nhân ái đối với họ.
Lòng nhân ái trong mỗi người sẽ xóa tan sự đố kị, sự vô cảm, sự thù hận… và làm cho trẻ con của chúng ta tốt đẹp và cao thượng hẳn lên.
Đừng đắm mình theo thế giới ảo
Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quanh mình, đang xảy ra hằng ngày…, để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng. Hãy làm sao để chúng nói chuyện, trao đổi, tâm sự… nhiều hơn với người thân trong gia đình chứ đừng suốt ngày đuổi theo những ảo ảnh trên mạng.
Trong tình hình hiện nay, các mạng xã hội trên internet mang lại nhiều nguy hiểm cho con trẻ chúng ta… Xin các vị hãy quan tâm điều này nhiều hơn, đã có rất nhiều trẻ em trở thành hư đốn, thậm chí phạm pháp vì quá mê say với thể giới ảo.
Học thêm là không cần thiết
Về việc học tập của con em, Trường Lương Thế Vinh chống lại việc học thêm một cách vô tội vạ. Nhà trường bố trí và sắp xếp kế hoạch thực hiện chương trình đủ để học sinh không phải học thêm. Việc học thêm chỉ mang đến những bất lợi cho học sinh: tốn tiền, tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm vì đi đường, không có thì giờ để tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi…
Theo TNO
Nghẹn ngào tâm thư của thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến ngày Vu Lan
Trước ngày nhâp học cũng là ngày lễ Vu Lan, Tiến đã giãi bày tình cảm chân thành của mình với bố mẹ.
Chỉ còn một ngày nữa là thủ khoa nghèo Nguyễn Hữu Tiến sẽ chính thức nhập học, ước mơ và niềm kì vọng bấy lâu của gia đình đã thành hiện thực. Thế nhưng mỗi khi nhắc đến người cha đang sống vạ vật nơi cống hoang để kiếm tiền nuôi 4 chị em ăn học, Tiến lại nghẹn ngào nói không nên lời.
Thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến (áo xanh) và em trai Nguyễn Hữu Tiền.
Tấm lòng của người cha ấy đã được xã hội biết đến và nhiều mạnh thường quân đã ra tay giúp đỡ. Để tỏ lòng biết ơn đến đấng sinh thành và những tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ gia đình em, Tiến đã viết một bức tâm thư vô cùng xúc động trước ngày nhập học.
Hôm nay cũng là ngày lễ Vu Lan, Tiến nghẹn ngào nói: "Hôm nay ngày lễ Báo hiếu và em cảm thấy buồn lắm vì bố vẫn phải sống lang thang ngoài thành phố, mẹ vẫn phải vất vả đi làm đêm. Em chưa giúp gì được cho bố mẹ cả. Em muốn chúc bố mẹ luôn mạnh khỏe, vui vẻ và cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn. Sau này chúng em thành đạt nhất định sẽ hết lòng báo hiếu bố mẹ".
Cùng đọc lá thư cảm động của thủ khoa nghèo Nguyễn Hữu Tiến:
Khi biết mình sẽ được tiếp tục học đại học, em có nhiều cảm xúc vô cùng khó tả...vui sướng, hạnh phúc xen lẫn với lo lắng, băn khoăn.
Ngôi trường đại học không chỉ là ước mơ của hai anh em từ nhỏ, mà đó còn là sự kỳ vọng lớn nhất của bố mẹ trong những năm tháng khổ cực, nghèo khó.
Khoảnh khắc em biết được mình đỗ thủ khoa ĐH Y Hà Nội với 29,5 điểm, em chưa dám nói với bố mẹ. Bởi nhìn trong đôi mắt mệt mỏi của mẹ sau mỗi đêm mẹ đi vặt lông vịt thuê về, lòng em lại thắt lại, cảm giác bất lực khi mình không đỡ được gánh nặng trên đôi vai gầy của mẹ suốt những năm qua nuôi 4 chị em ăn học.
Còn bố, em không nghĩ rằng bố lại có thể sống trong ống cống ngoài thành phố. Em thương cảnh bố phải sống ở vỉa hè, ngủ tạm ở đường, lang thang từ góc này đến nơi khác để mưu sinh, gửi tiền về cho mẹ nuôi mấy chị em ăn học.
Vì vậy, qua bức thư này, em mong các anh chị nhà báo có thể giúp em gửi những lời cảm ơn chân thành nhất đến những nhà hảo tâm đã giúp đỡ em, cũng như gia đình em trong thời gian qua. Nếu không có sự giúp đỡ của các tấm lòng các bác, các cô, chú, anh, chị trong và ngoài nước trong thời qua, không biết em có thể yên tâm bước vào giảng đường đại học được không nữa!
Cuộc sống của gia đình em đã thay đổi, thời gian tới, có thể bố không phải ở vỉa hè nữa, một chú tốt bụng nói sẽ cho bố em làm bảo vệ ở tòa nhà chú làm việc với mức lương ổn định và một cô giáo cũng đã nói sẽ cho ba bố con em ở khu nhà của cô... Còn rất nhiều sự giúp đỡ khác mà em không biết nói gì để cảm ơn.
Nghe tin được nhiều người giúp đỡ, em được các nhà hảo tâm tặng máy tính, học bổng tiếng Anh, mẹ em nghẹn ngào vì hạnh phúc. Thấy sự tự hào của mẹ trong đôi mắt đẫm lệ, hai anh em cảm thấy vui phần nào.
Em muốn gửi đến bố mẹ rằng: "Bố mẹ à, con cảm ơn bố mẹ đã sinh ra và nuôi nấng, dạy dỗ con. Con biết, tuy gia đình mình còn nghèo nhưng tình cảm mà bố mẹ dành cho chúng con thì khó... gia đình nào có được. Từ bé đến lớn, hai anh em con chỉ muốn, chỉ biết học, học để bố mẹ vui, để giúp gia đình thoát nghèo".
Để đạt được kết quả này, một người mà em luôn biết ơn chính là thầy giáo chủ nhiệm cấp 3 của hai anh em.
Thầy Bình và các thầy cô trong trường đã dạy dỗ và tạo điều kiện giúp đỡ 2 anh em em rất nhiều trong quá trình học tập. Đã nhiều lần thầy và nhà trường đã chủ động miễn giảm học phí cho 2 anh em. Thầy còn luôn động viên em và gia đình để em luôn có tâm lý vững vàng cố gắng phấn đấu.
Và lời cảm ơn cuối cùng, em xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến tất cả những tấm lòng hảo tâm đã động viên, gúp đỡ em và gia đình em trong thời gian qua.
Những món quà vật chất, tinh thần thật quý báu mà trong mơ chúng em cũng không nghĩ đến đã chia sẻ bớt gánh nặng cho gia đình và là động lực, tạo điều kiện giúp em tiếp tục được học tập, thực hiện ước mơ của mình.
Điều ấy đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực vào cuộc sống cho 4 chị em cố gắng học tập. Dù biết còn rất nhiều khó khăn phía trước nhưng em xin hứa sẽ hết sức cố gắng, đem cả con tim và khối óc của mình để học tập và rèn luyện, phục vụ đất nước.
Cảm ơn các anh chị nhà báo đã cho em được giãi bày tâm sự và bày tỏ lòng biết ơn của mình... Cảm ơn anh chị đã chia sẻ, động viên và là cầu nối với những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ gia đình em.
Trước khi lên thành phố nhập học, bố mẹ luôn căn dặn rằng: "Gia đình mình còn nghèo, cố gắng mà học con ạ. Thủ khoa đại học chưa là cái gì, học đại học còn khó hơn nhiều, cần phải nỗ lực gấp đôi, gấp 3 nữa. Đừng bao giờ quên và không phụ công ơn của những người thầy, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ gia đình mình".
Một lần nữa, em muốn gửi đến các nhà hảo tâm đã đồng hành và sẻ chia với gia đình, tạo điều kiện tiếp bước em đến trường.
Thân gửi và cảm tạ anh chị nhiều!
Em Tiến
Nguyễn Hữu Tiến"
Theo Datviet
Chống gian lận thi cử: Nữ giáo viên gửi tâm thư Một nữ giáo viên trẻ đã viết tâm thư gửi lên Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phạm Vũ Luận ủng hộ việc chống gian lận trong thi cử. Khi cánh cổng trường thi khép lại, ngay cả lực lượng công an cũng chỉ được phép làm nhiệm vụ ngoài phòng thi. Trong phòng thi chỉ có giám thị và thí sinh. Khung cảnh...