Tâm sự quặn lòng của người mẹ có con trai đầu mất vì bệnh bại não, phải ăn na trừ bữa để dành tiền cho đứa con thứ 2 chữa bệnh tim
“Khi ấy mẹ mới sinh con được 10 ngày. Vết khâu tầng sinh môn còn chưa lành nhưng sao đau đớn bằng việc mất con, phải không” – người mẹ viết.
Mới đây, đăng tải trên một group đông thành viên, một người mẹ có tên là N.T đã trải lòng tâm sự về nỗi đau mất con khi chị vừa sinh hạ được 10 ngày.
Chị sinh đôi, khi đó con chị mới chỉ vừa được 30 tuần. Mỗi bé sinh ra chỉ nặng hơn 1,3 kg.
Ngày con chào đời cũng là ngày chị đau đớn tột cùng khi nhận được hung tin: Bé lớn bị bại não và bé nhỏ bị tim bẩm sinh. Sau đó là những ngày chị sống trong ám ảnh về sự ra đi của con lớn và chuỗi ngày nhịn ăn để dành tiền chữa bệnh cho con nhỏ.
Người mẹ tâm sự: “ P.A của mẹ.
Ngày mẹ sinh con và em, 2 đứa mới chỉ 30 tuần. 1 đứa nặng 1,3 kg, 1 đứa nặng 1,4 kg.
Con nằm bệnh viện nhi Hải Dương được 10 ngày thì chuyển lên tuyến Trung ương. Ngày đưa con lên, tiên lượng 95% tử vong. Con thì bại não. Em con thì tim bẩm sinh. 2 đứa đều nhiễm trùng máu, viêm phổi, hoại tử ruột. Người con bị phù căng lên như quả bóng vay sắp vỡ. Ngồi xe cấp cứu mẹ chưa bao giờ cảm thấy quãng đường 60km nó dài đến vậy.
Cuối cùng mẹ con mình cũng vượt qua. Đưa con vào phòng cấp cứu, bác sĩ lắc đầu bảo mẹ: “Thôi cho các con vào nằm được ngày nào hay ngày ấy, chứ chỉ số sống của các con không còn nữa”.
Lúc ấy, mẹ mới đẻ được 10 ngày. Vết khâu tầng sinh môn còn chưa lành nhưng làm sao đau đớn được bằng các con, phải không?
Con cố gắng được 10 ngày trên đó thì con bỏ mẹ đi. Ngày con đi, mẹ đang ở quê. Bà ngoại không dám gọi cho mẹ. Bà gọi cho bà cô ở nhà bảo mua quần áo cho con rồi mang lên. Con sắp được về. Mọi người đều giấu mẹ.
Sáng thứ 7, một ngày nắng chói chang, 11 giờ trưa bà gọi về cho mẹ, bảo mẹ lên với con. Con sắp được về rồi. Lúc ý mẹ biết mẹ mất P.A thật rồi.
Sấp ngửa ra bắt xe lên, lúc mẹ lên đến nơi là 2 giờ chiều. Bác sĩ bảo mẹ mặc áo vào nhìn con lần cuối. Bác sĩ bảo đáng lẽ con đi lúc đêm hôm qua rồi, nhưng có lẽ còn đợi mẹ nên chưa đi được. Con cứ gắng gượng để chờ mẹ. Lúc mẹ vào, nhịp tim con chậm dần rồi con ra đi mãi mãi. Mẹ không biết phải diễn tả cảm giác ấy như thế nào. Không 1 câu từ nào có thể lột tả được đau đớn ấy.
Nhưng con đi để em lại cho mẹ. Từ hôm P.A của mẹ đi, em con khỏe lên trông thấy. Sau 25 ngày con mất, em con đủ sức khỏe để mổ tim. Sau đó, tự thở được và ra với mẹ. Ghép tim được 40 ngày thì em xuất viện, khi ấy nặng 2,2 kg.
Suốt một tháng em con nằm theo dõi đặc biệt, mẹ không còn nhiều tiền. Hay nói đúng hơn là mẹ không dám tiêu tiền vì sợ em con ra ghép mẹ, mẹ không lo được tiền bỉm sữa. Mẹ đã ăn na con ạ. Cơm ở căng – tin thì 30 nghìn 1 suất nhưng na thì 20 nghìn 1 cân. Và thế là ròng rã vài tuần, sáng mẹ xin cháo từ thiện, trưa và tối ăn na trừ cơm. Nhưng cuối cùng đều qua cả đúng không con?
Tháng 10 em con xuất viện. Lúc đó, Hà Nội không còn nhiều na nữa.
Đến nay cũng qua vài mùa na. Em con cũng đã 4 tuổi, nhưng nỗi đau của mẹ vẫn mãi như vậy, vẫn như mới chỉ ngày hôm qua.
Sáng nay hạ đĩa quả trên bàn thờ con xuống, thấy có quả na mà lòng mẹ nặng trĩu.
Một mùa na mới lại sắp tới… Sắp đến giỗ con… Chàng trai tháng 7 của mẹ”.
Hình ảnh được đính kèm trong bài viết xúc động của người mẹ.
Đọc xong dòng tâm sự của người mẹ, ai cũng cảm thấy xúc động đến rơi nước mắt theo. Quả thực có làm mẹ mới hiểu được nỗi đau đến xé lòng khi mất đi đứa con mình mang nặng đẻ đau.
Nhưng thật may mắn vì số phận đã không quá nhẫn tâm với người mẹ này. Chị vẫn còn một đứa con nữa để an ủi, để lấy đó làm động lực sống cho mình.
Mọi người cảm thấy thương cảm và gửi rất nhiều lời động viên đến chị: “ Chúc chị và bé luôn khỏe mạnh, bình an. Cố lên chị nhé. Mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp thôi”.
Hướng Dương HT
Mẹ Việt ở Úc tự tay đỡ con ra khi vượt cạn, tưởng sẽ khóc vì xúc động ai dè cười phá lên vì câu nói của chồng
Không ít người đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với người mẹ này khi chị có thể tự tay đỡ con ra trong khoảnh khắc bé chào đời.
Chị Liên Nguyễn, 23 tuổi hiện đang sống ở Sydney, Úc sinh con trai vào tháng 10/2018. Hiện tại, con trai của chị đã được 18 tháng tuổi.
Nhớ lại ngày đi đẻ hài hước của mình, chị Liên kể: " Khi thai nhi được 37 tuần 3 ngày thì mình có đi khám thai. Lúc đó mình còn trêu bác sĩ là cháu đẻ luôn được chưa chứ nặng nề lắm rồi. Bác sĩ cũng trêu lại mình là: "Thế đẻ luôn đi", ai ngờ đêm hôm đó khoảng 2 giờ sáng mình đi vệ sinh và bị vỡ ối. Lúc đó mình cũng khá bình tĩnh, gọi chồng dậy rồi gọi điện cho bác sĩ đỡ đẻ riêng để thông báo tình hình rồi lập tức đi vào bệnh viện.
Trên đường đi hai vợ chồng còn bị đi lạc một vào toà nhà chung cư, hoảng hốt mãi không tìm được đường ra xong đành để xe lại trong bãi đậu xe rồi tìm lối thoát hiểm đi bộ tới viện, may bệnh viện cũng gần đó".
Mỗi lần xem lại đoạn clip này, chị Liên không khỏi xúc động.
Sau khi vào viện lúc 2 giờ 30, chị Liên được y tá khiểm tra tình hình và sau đó thông báo cho bác sĩ đỡ đẻ riêng của chị. 2 tiếng sau thì chị bắt đầu xuất hiện những cơn đau nhẹ, âm ỉ. Đến 7 giờ sáng thì chị bắt đầu đau dồn dập.
" Ôi cái cảm giác đau đẻ đến nỗi mình nhìn ra cửa sổ mà chỉ ước có thể nhảy xuống luôn cho nhanh chứ đau như chết đi sống lại mấy lần thế này" - chị Liên miêu tả cơn đau đẻ của mình.
Y tá liên tục thăm khám xem cổ tử cung của chị đã mở được bao nhiêu phân rồi. Đến khi mở hết 10 phân, chị Liên chuẩn bị sẵn tinh thần chuẩn bị rặn đẻ. Có mặt ở phòng sinh cùng vợ, ông xã của chị Liên thấy sợ nên chỉ dám đứng ở đầu giường nắm chặt lấy tay chị.
" Tuy đau đớn nhưng mình cũng không quên nhắc ông xã nhớ chụp ảnh cho mình. Rồi lúc sau đang rặn mình lại quay ra bảo chồng: "Anh đỡ đầu con nhé". Đúng lúc đó thì bác sĩ bảo mình đưa tay ra đỡ con đi, theo phản xạ mình cũng đưa tay để kéo con ra chứ cũng chẳng nhớ là vừa bảo chồng đỡ xong.
Mình cứ nghĩ trong đầu là lúc con ra chắc mình sẽ khóc lắm đây nhưng lúc bé ra, ông xã bỗng dưng hét lên: "Happy Birthday" làm mình cười không khóc nổi" - chị Liên vui vẻ nhớ lại.
Khoảnh khắc chị Liên tự tay đón con trai chào đời.
Ông xã của chị Liên tự tay cắt rốn cho con.
Hai mẹ con chị được da tiếp da khoảng 1 tiếng đồng hồ, sau đó bác sĩ đưa em bé đi đo thân nhiệt và cân. Ngay lúc đó chị Liên cũng tự đi xuống bàn đẻ, vào phòng tắm để vệ sinh sạch sẽ, đợi em bé cân đo xong là mình tự đi bộ đẩy con về phòng riêng. Chị Liên cho hay khi đẻ xong chị cảm thấy khoẻ re, em bé nặng 2,9kg và chị cũng không bị rách hay phải rạch tầng sinh môn. Một tuần sau là chị có thể đi lại như bình thường.
Những ngày ở viện, cứ 7 giờ sáng là sẽ có một cô y tá đến tận phòng để kiểm tra thân nhiệt, theo dõi sản dịch của sản phụ và hướng dẫn cách chăm sóc bé, cho bé bú.
Về sức khoẻ của em bé thì sẽ có khoảng 4-5 bác sĩ chuyên khoa khác nhau đến kiểm tra, mỗi lần kiểm tra chỉ mất 5 phút. Bệnh viện nơi chị Liên sinh con cũng phục vụ sản phụ và người nhà 3 bữa ăn hàng ngày với thực đơn phong phú và ngon miệng, ngoài ra còn có thêm cả trà sáng, trà chiều.
Hàng ngày, các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện sẽ đến tận phòng để kiểm tra sức khoẻ cho bé.
Sản phụ và người nhà được phục vụ ăn 3 bữa/ngày và có cả trà sáng, trà chiều.
Thời điểm sinh con, chị Liên vẫn đang là du học sinh tại Úc nên chị xác định chi phí sinh con sẽ hết khoảng 170 triệu đồng. Tuy nhiên, trước khi qua Úc chị Liên có mua bảo hiểm nên tiền viện phí chị được bảo hiểm chi trả, bà mẹ trẻ chỉ phải trả khoảng 50 triệu đồng cho bác sĩ đỡ đẻ riêng của mình.
Hành trình vượt cạn tuy có nhiều đau đớn song cũng không làm chị Liên sợ bằng việc chị quá nhiều sữa: " Hai ngày đầu mình chưa về kịp sữa nhưng không biết cứ để em bé bú nhưng thực ra có ra tí sữa nào đâu nhưng lại cứ tưởng con bú được. Ngày thứ ba thì sữa về nhiều bao la, một ngày mình phải hút được 1800ml sữa để cất trữ đông, cứ 30 phút phải hút sữa 1 lần. Mình thực sự ám ảnh luôn, ngực cũng vì thế mà bị chảy xệ.
Soi gương thấy ngực thảm quá nên mình quyết định không hút nữa, cứ để sữa tự chảy. Dần dần sữa cũng bớt, không về nhiều nữa rồi tự ngưng. Tuy nhiên lúc đó mình cũng đã tích trữ được 1 tủ sữa cho con uống dần đến khi 6 tháng tuổi".
Chị Liên sợ nhất là việc chị quá nhiều sữa, cứ 30 phút bà mẹ trẻ phải hút sữa một lần.
Hiện tại, bé Louis đã 18 tháng tuổi.
Có lẽ sau này lớn lên, nhìn lại khoảnh khắc mình chào đời Louis sẽ hạnh phúc lắm đây.
V.V.
Tâm sự cảm động của chàng trai Sài Gòn: "22 ngày giãn cách xã hội là 22 ngày mẹ hạnh phúc nhất" Trước khi có dịch, cả nhà cố gắng lắm mới bên nhau được 1 bữa cuối tuần. Nhưng từ lúc ở nhà giãn cách xã hội, mẹ tôi vui hết sức vì "được" bận rộn nấu ăn, cả gia đình đông đủ không ai vắng mặt. Vậy là chuỗi ngày giãn cách xã hội đã được nới lỏng, cuộc sống sinh hoạt đã...