Tài năng toán học của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long
Ông Lý Hiển Long từng đạt danh hiệu xuất sắc về toán học ở Đại học Cambridge và được giảng viên hết lời ca ngợi.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: Washington Post
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và phu nhân thăm Việt Nam từ ngày 21/3 đến 24/3 nhằm tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược và hợp tác trong ASEAN.
Ông Lý Hiển Long, sinh năm 1952, là con cả của thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu. Năm 1971, ông Lý theo học chuyên ngành toán tại trường Trinity của Đại học Cambridge, Anh. Năm 1973, ông trở thành người Singapore đầu tiên đạt danh hiệu sinh viên toán xuất sắc nhất (Senior Wrangler), theo Straits Times.
Senior Wrangler là người có điểm thi cao nhất trong số các sinh viên toán hàng đầu tại Cambridge. Chương trình giảng dạy toán ở trường Cambridge nổi tiếng là có độ khó cao và danh hiệu nói trên được coi là một trong những thành tựu trí tuệ lớn nhất có thể đạt được ở Anh.
Năm 1974, ông tốt nghiệp Cambridge với bằng cử nhân toán học hạng ưu. Ông còn có văn bằng khoa học máy tính tương đương thạc sĩ cũng tại trường Cambridge. Năm 1980, ông tốt nghiệp thạc sĩ quản trị công tại trường hành chính John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard.
Năm 1984, ở tuổi 32, ông đắc cử vào quốc hội Singapore, theo bước cha mình tiến vào con đường chính trị. Ông đảm đương nhiều vị trí quan trọng và vào năm 1990, ông được bổ nhiệm làm phó thủ tướng Singapore. Năm 2004, ông trở thành thủ tướng Singapore.
Những sinh viên xuất sắc nhất ngành toán của trường Cambridge như ông Lý đã trở thành các chuyên gia hàng đầu trong toán học, vật lý và các lĩnh vực khác. Vì vậy, nhiều người, đặc biệt là giảng viên của ông, bất ngờ khi ông Lý không đi theo con đường trở thành học giả mà tập trung vào sự nghiệp chính trị.
Lý Hiển Long (giữa) cùng bố mẹ là ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi. Ảnh: allsingaporestuff
Ông Lý giải thích trong một bức thư với giảng viên rằng ông “sẽ không bao giờ trở thành một nhà toán học”, theo Must Share News.
“Nhà toán học có ít tiếng nói trong những gì diễn ra ở thế giới xung quanh. Điều này không quan trọng ở những nước phát triển lớn như Anh, nhưng ở Singapore, điều đó rất có vấn đề với tôi”, ông viết.
Video đang HOT
Theo NUS, giáo sư toán học Bela Bollobas là giảng viên từng dạy cho ông Lý ở Đại học Cambridge. “Tôi chắc chắn tôi đã dạy ông ấy nhiều hơn bất cứ ai ở Cambridge, tôi có thể nói một cách trung thực rằng ông ấy là một sinh viên đặc biệt xuất sắc, tôi không chắc có nhiều người Singapore biết đến điều này hay không”, ông Bollobas nói.
“Mọi người có thể cho rằng vì ông Lý hiện là thủ tướng nên tôi phải tán tụng ông ấy. Nhưng không, ông ấy thật sự nổi bật. Ông ấy là người đứng đầu và bỏ xa các sinh viên khác”, giáo sư Bollobas chia sẻ.
“Tôi nghĩ rằng ông ấy đã học thêm khoa học máy tính chủ yếu là vì cha ông không muốn ông chỉ ở trong ngành toán học thuần túy. Ông Lý không chỉ chăm chỉ, tận tâm, chuyên nghiệp mà còn rất sáng tạo”, ông nói thêm.
“Tất cả đặc điểm đó cho thấy rằng ông sẽ là một nhà nghiên cứu toán học tầm cỡ thế giới. Tôi chắc rằng cha ông không nhận ra con trai mình đặc biệt đến nhường nào. Ông ấy chỉ nghĩ ông Lý giỏi nhưng ông Lý còn ưu tú hơn thế”, giáo sư nhấn mạnh.
“Tôi từng thuyết phục ông Lý Quang Diệu rằng ‘hãy nhìn xem, con trai ông đặc biệt xuất sắc, ông nên khuyến khích cậu ấy đi theo ngành toán’, nhưng ông Lý Quang Diệu ám chỉ điều đó là không thể, bởi vì nếu ông Lý Hiển Long trở thành một nhà toán học chuyên nghiệp hàng đầu và rời khỏi Singapore để đến Đại học Princeton, Harvard hoặc Cambridge thì điều đó sẽ gửi tín hiệu sai đến người dân Singapore”.
“Tôi phải đồng ý rằng đây là một luận điểm rất có lý. Bây giờ tôi còn ấn tượng trước Thủ tướng Lý Hiển Long hơn những năm trước đây. Tôi rất tự hào vì tôi từng dạy ông ấy. Có vẻ ông ấy đã làm việc rất tốt. Tôi nghĩ rằng thật sự tốt cho ông Lý khi đi theo con đường chính trị. Ông ấy chắc chắn có thể làm nên nhiều điều khác biệt”, giáo sư Bollobas nhận xét.
Phương Vũ
Theo VNE
Tranh cãi về 'chính trị triều đại' giữa anh em thủ tướng Singapore
Hoạt động tưởng niệm một năm ngày mất của cố thủ tướng Lý Quang Diệu trở thành tâm điểm trong cuộc tranh cãi hiếm thấy giữa các con của ông.
Thủ tướng Lý Hiển Long đứng bên bức ảnh cha mình, ông Lý Quang Diệu, trong buổi lễ tưởng niệm một năm ngày mất của ông Lý Quang Diệu tại tòa nhà quốc hội cũ của Singapore hôm 23/3. Ảnh: AP
Theo WSJ, con gái của cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Lý Vỹ Linh, cuối tuần trước đã đăng lên Facebook những email trao đổi giữa bà với một tờ báo địa phương. Trong đó, bà cho rằng bài viết bà gửi cho báo đã bị kiểm duyệt, lược bỏ những chỉ trích về điều bà gọi là "tôn thờ, sùng bá" cha bà, người qua đời ở tuổi 91 tháng ba năm ngoái.
Trong thư từ trao đổi, bà Lý cũng chỉ trích anh trai mình, Thủ tướng Lý Hiển Long, với cáo buộc "lợi dụng quyền lực" và cố gắng "thiết lập một triều đại", vì tổ chức buổi lễ tưởng niệm đánh dấu một năm ngày mất của cha bà. Sự kiện diễn ra ở các địa điểm của chính quyền như tòa nhà quốc hội và các nhóm do chính phủ tài trợ cũng tham gia vào việc tổ chức.
Thủ tướng Lý Hiển Long, người dẫn dắt Singpapore từ năm 2004, sau đó viết trên Facebook rằng ông "vô cùng đau buồn" bởi ý kiến của em gái và rằng "những cáo buộc trên hoàn toàn không đúng sự thật".
Phát ngôn viên của ông Lý hôm qua từ chối bình luận thêm về vụ việc. Còn bà Lý Vỹ Linh nói qua điện thoại rằng vụ tranh cãi là "vấn đề của Singapore" và rằng "tôi luôn cố gắng giữ đúng sự thật và đó là tất cả điều tôi muốn nói".
Tranh cãi giữa hai anh enh nhà thủ tướng Singapore "là một phần trong những câu hỏi xoay quanh giới lãnh đạo tại đất nước Singpapore nhỏ bé, về việc liệu một hệ thống đặc biệt tại châu Á có thể tiếp tục không", Gillian Koh, nhà nghiên cứu cấp cao tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu, nói.
Nguyên tắc về "chính trực, chống tham nhũng và trọng dụng nhân tài sẽ phải được chứng minh nhiều lần trong suốt thập kỷ tới", bà nhận xét.
Kể từ khi Singpore độc lập vào năm 1965, đảng Hành động Nhân dân (PAP) do ông Lý Quang Diệu sáng lập luôn chiếm số ghế áp đảo tại quốc hội. Ông Lý Quang Diệu là thủ tướng đầu tiên của nước này và giữ vị trí đó trong 31 năm, giành được sự ngưỡng mộ trên toàn thế giới khi đưa Singapore từ một thuộc địa nghèo của Anh thành đất nước hiện đại và giàu có.
Khi ông qua đời vào tháng ba năm ngoái, hàng chục nghìn người đã đến viếng. Bất chấp trời mưa, nhiều người tập trung dọc theo các tuyến đường rước linh cữu ông đến nhà hỏa táng.
Con trai cả của ông Lý Quang Diệu là Lý Hiển Long, 64 tuổi, đang trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba sau khi ông chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 9 năm ngoái. Ông nhìn chung có cách tiếp cận với những lời chỉ trích nhẹ nhàng hơn cha mình.
Thủ tướng Lý nói rằng cuộc bầu cử là một phần trong kế hoạch của ông để chuẩn bị cho việc kế nhiệm từ từ của một làn sóng các nhà lãnh đạo mới, khi nội các mới có các thành viên từ thế hệ trẻ.
Bà Lý Vỹ Linh, em của Thủ tướng Lý Hiển Long. Ảnh: Therealsingapore
Gia đình ông Lý đôi khi phải đối mặt với cáo buộc cho rằng họ giống như một
"triều đại". Michael Barr, giáo sư tại Đại học Flinders ở Australia, cho rằng gần như "không thể phân biệt giữa thương hiệu của gia đình ông Lý với thương hiệu của Singapore".
Phát ngôn viên của Thủ tướng Lý hôm qua cho biết họ không có bình luận thêm về ý kiến cho rằng gia đình họ Lý giống như một triều đại.
Lời phê bình như vậy hiếm khi đến từ các thành viên trong nội bộ gia đình, vì vậy, bình luận của bà Lý Vỹ Linh là điều bất ngờ với nhiều người Singapore.
Là cố vấn cấp cao tại Viện Khoa học Thần kinh Quốc gia, bà Lý thường xuyên cộng tác viết bài cho các báo Straits Times và Sunday Times. Trong bài viết đã làm nảy sinh mâu thuẫn với anh mình, bà Lý cho rằng việc chuẩn bị kỷ niệm ngày mất của cha bà khiến bà khó chịu và làm bà liên tưởng tới Trung Quốc sau khi chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời. Bà đã chỉ trích cụ thể bức chân dung cha bà làm từ hàng nghìn cục tẩy mang cờ Singapore.
Trong bài viết, bà Lý cho rằng cha bà "sẽ rất xấu hổ trước việc sùng bái, tôn thờ này chỉ một năm sau khi ông mất". Khi bà và biên tập viên tờ Straits Times, Ivan Fernandez, bất đồng về việc biên tập bài viết của bà, bà Lý đã đăng lên Facebook trao đổi email giữa bà và ông Fernandez.
Bức chân dung ông Lý Quang Diệu được xếp từ cục tẩy mà bà Lý Vỹ Linh chỉ trích. Ảnh: Straits Times
Khi được liên lạc để hỏi ý kiến, ông Fernandez đã nhắc đến bài viết của biên tập viên Straits Times, nói rằng cáo buộc của bà Lý là "vô căn cứ", và tố rằng bản thảo ban đầu của bà chứa nội dung đạo văn. Ông cho biết Straits Times vốn có ý định đăng bài viết của bà ngay sau khi nó được biên tập.
Bà Lý hôm 10/4 viết trên Facebook rằng bà không đạo văn và "chỉ đơn giản là quên dẫn nguồn gốc" cho một số thông tin trong bài viết của mình.
Các email đã bị xóa khỏi trang Facebook của bà Lý nhưng đã được truyền thông địa phương đăng lại, cho thấy bà Lý nói với ông Fernandez rằng bà sẽ không cho phép tên của cha mình "bị bôi nhọ bởi một người con trai đáng hổ thẹn".
Trên trang Facebook của bà Lý cũng có một bài đăng khuyên nội các Singapore hãy để buổi lễ tưởng niệm cho công chúng tự tổ chức.
"Ý kiến cho rằng tôi mong muốn thiết lập một triều đại càng ngớ ngẩn", bài đăng trên trang Facebook của bà Lý có đoạn. "Trọng dụng nhân tài là giá trị cơ bản của xã hội chúng ta, và cả tôi, đảng Hành động Nhân dân cầm quyền, và công chúng Singapore sẽ không chấp nhận bất cứ nỗ lực nào như vậy".
Phương Vũ
Theo VNE
Singapore vẫn phê chuẩn TPP nếu có sự đồng thuận Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore vẫn phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu 11 nước thành viên của hiệp định này nhất trí duy trì thỏa thuận đa phương dù Mỹ đã tuyên bố rút lui. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Ảnh: Today) Trong cuộc phỏng vấn với đài BBC hôm nay 1/3, Thủ...