Tác giả viết sách giáo khoa: Không có chuyện hợp nhất giữa các bộ sách
Giáo sư Đỗ Thanh Bình khẳng định gần như toàn bộ các sách lớp 2 và lớp 6 của bộ sách “Cùng học và phát triển năng lực” đã bị bỏ chứ không phải là sáp nhập như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông tin.
Giáo sư Lê Thanh Bình. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnamplus)
“Tôi khẳng định không có sự hợp nhất giữa các bộ sách mà Nhà xuất bản Giáo dục đã loại bỏ bộ sách của chúng tôi dù chúng tôi đã viết xong hoàn chỉnh và được thẩm định nội bộ là đạt yêu cầu,” giáo sư Đỗ Thanh Bình, chủ biên cuốn sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6 bức xúc nói.
Việc hai bộ sách giáo khoa “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” và bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” có ở lớp 1 nhưng không còn được tiếp tục ở các lớp cao hơn đã khiến nhiều giáo viên, phụ huynh lo ngại về tính kết nối giữa các lớp. Cô Phùng Thị Thu Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Thái Hòa, Ba Vì, Hà Nội cho hay việc sử dụng một bộ sách sẽ thuận lợi hơn cho học sinh trong việc nắm bắt ngay từ đầu và theo guồng đó trong suốt quá trình học.
Thông tin tới báo chí ngày 10/3, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định các bộ sách này không “biến mất” mà được hợp nhất với hai bộ sách còn lại của đơn vị này là “Kết nối tri thức” và bộ “Chân trời sáng tạo.”
Trong đó, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được hợp nhất từ bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Cùng học để phát triển năng lực; bộ sách Chân trời sáng tạo được hợp nhất từ bộ Chân trời sáng tạo và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.
Đơn vị này cũng cho biết mục tiêu hợp nhất là nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả; tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn sách, phát triển sách giáo khoa giấy đồng bộ với sách và học liệu điện tử cũng như nâng cao chất lượng công tác tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới. Điều này cũng để tiết giảm tối đa chi phí nhằm có được các bộ sách giáo khoa có chất lượng cao hơn nữa về nội dung, hình thức, hợp lý về giá thành.
Video đang HOT
Sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giới thiệu. (Ảnh: PV)
“Việc hợp nhất đã làm cho bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống nâng cao hơn nữa về chất lượng bởi lẽ hội tụ được những điểm ưu việt của bộ sách Cùng học để phát triển năng lực; làm cho bộ sách Chân trời sáng tạo nâng cao hơn nữa về chất lượng bởi lẽ hội tụ được những điểm ưu việt của bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.
Vì thế, giữa 4 bộ sách lớp 1 và 2 bộ sách lớp 2 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có một sự liên thông chặt chẽ. Theo đó, ở lớp 1, dù giáo viên và học sinh sử dụng bộ sách nào, đến lớp 2, giáo viên và học sinh đều có thể lựa chọn sách Kết nối tri thức với cuộc sống hoặc Chân trời sáng tạo,” đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay.
Tuy nhiên, theo g iáo sư Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện là giảng viên của trường, chủ biên (phần lịch sử) cuốn sách Lịch sử và Địa lý lớp 6, bộ sách “Cùng học và phát triển năng lực” thì không hề có sự hợp nhất giữa các bộ sách.
Giáo sư Đỗ Thanh Bình khẳng định các tác giả của bộ sách “Cùng học và phát triển năng lực” đã tập trung tâm huyết, trí lực trong hai năm để hoàn thiện bộ sách lớp 2 và lớp 6. “Ngày 19/6/2020, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức hội đồng thẩm định nội bộ ba bộ sách và cuốn sách của chúng tôi đã được hội đồng kết luận đạt yêu cầu, thậm chí được đánh giá tốt nhất trong các cuốn sách lịch sử và địa lý lớp 6 của các bộ sách.
Tuy nhiên, ngày 25/6, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lại thông báo sẽ sáp nhập với bộ sách ‘Kết nối tri thức với cuộc sống.’ Chúng tôi không đồng ý sáp nhập vì mỗi bộ sách có tư tưởng, triết lý, cách viết khác nhau. Hơn nữa, nếu sáp nhập phải nói ngay từ đầu, còn khi các bộ sách đã là sản phẩm hoàn chỉnh thì không thể sáp nhập được nữa,” giáo sư Đỗ Thanh Bình nói.
Tỷ lệ được các nhà trường lựa chọn của các bộ sách giáo khoa lớp 1.
Cũng theo ông Bình, gần như toàn bộ các sách lớp 2 và lớp 6 của bộ sách “Cùng học và phát triển năng lực” đã bị bỏ chứ không phải là sáp nhập. Trong bộ sách này chỉ có sách Giáo dục thể chất lớp 6 và sách Trải nghiệm sáng tạo lớp 2 được sử dụng. Duy chỉ có sách Âm nhạc là có sự hợp nhất khi một phần nội dung của sách “Cùng học và phát triển năng lực” được chọn kết hợp sách “Kết nối tri thức với cuộc sống.”
“Việc dùng hay bỏ là quyền của Nhà xuất bản, nhưng chúng tôi lên tiếng để khẳng định không có sự sáp nhập, cũng không phải vì sách của chúng tôi không đạt thẩm định. Chúng tôi viết sách không phải vì tiền mà vì nền giáo dục,” giáo sư Đỗ Thanh Bình chia sẻ.
Là tác giả chủ biên và mất hai năm để cùng cả chục tác giả khác để viết một cuốn sách, giáo sư Đỗ Thanh Bình cho hay thù lao của mình chỉ được khoảng 5 triệu đồng, trong đó đã được thanh toán 80% là hơn 3,8 triệu đồng.
“Mọi người vẫn nói chỉ ai dại mới đi viết sách giáo khoa, nhưng chúng tôi làm vì tâm huyết với giáo dục, và chúng tôi thực sự rất buồn khi công sức, tâm huyết của mình trong mấy năm trời đã bị xóa bỏ dù được kết luận đạt yêu cầu,” giáo sư Bình nói.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 thì bộ Cánh Diều được nhiều nhà trường lựa chọn nhất, chiếm tỷ lệ 32%. Hai bộ sách được lựa chọn ít nhất là bộ “Cùng học và phát triển năng lực” (chiếm khoảng 14% và bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” (chiếm khoảng 8%). Đây cũng là hai bộ sách lớp 1 đã không còn được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển ở lớp 2 và lớp 6./.
Phú Thọ: Hoàn tất giới thiệu SGK lớp 2, lớp 6 mới
Sau 3 ngày tổ chức hội thảo, Sở GD&ĐT Phú Thọ cùng các nhà xuất bản đã hoàn tất công tác giới thiệu sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới tới các huyện, thành, thị trong tỉnh.
Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu Sở GD&ĐT Phú Thọ.
Hội thảo diễn ra từ ngày 27 - 1/3. Trong đó, ngày 27/2, các nhà xuất bản đã giới thiệu bộ sách giáo khoa lớp 2 mới. Sáng 28/2, Sở GD&ĐT Phú Thọ phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến giới thiệu SGK lớp 6, năm học 2021-2022 với 13 điểm cầu các huyện, thị, thành.
Chiều 28/2, các báo cáo viên đại diện Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu chung về SGK Cánh Diều lớp 6; giới thiệu sách Ngữ văn 6; Giới thiệu sách Toán 6; giới thiệu sách Khoa học tự nhiên 6; giới thiệu sách Giáo dục công dân 6; giới thiệu sách Lịch sử và Địa lý 6; giới thiệu sách Âm nhạc 6; giới thiệu sách Tin học 6; Giới thiệu sách HĐTN, hướng nghiệp 6.
Ngày 1/3/2021 giới thiệu về sách giáo khoa lớp 6 môn Tiếng Anh. Tại ngày làm việc này, đại diện các NXB đã giới thiệu khái quát, những điểm mới về nội dung, cấu trúc, phương pháp tiếp cận của 8 bộ SGK Tiếng Anh lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Trong đó có 4 bộ của NXB Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, 2 bộ của Nhà xuất bản giáo dục; 1 bộ của NXB Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; 1 bộ của NXB Đại học sư phạm.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Mạnh phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ nhấn mạnh: Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Cùng với các công đoạn chuẩn bị về cơ sở vật chất thì khâu chọn sách giáo khoa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các tiêu chí lựa chọn SGK phải phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương; phù hợp điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục. Sau hội thảo này, các cán bộ, giáo viên của tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu, đánh giá từng cuốn sách, từng bộ sách để tham gia vào công tác lựa chọn SGK năm học 2021-2022 của tỉnh.
Theo các đơn vị phát hành SGK, mỗi bộ sách đều mang một thông điệp, bản sắc riêng nhưng đều cụ thể hoá mục tiêu giáo dục toàn diện cũng như biên soạn theo định hướng giúp cho việc dạy học chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người học.
Điện Biên: Công bố danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 vào đầu tháng 4 Sở GD&ĐT Điện Biên vừa khai mạc Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông , năm học 2021-2022 và tiến hành lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6. Ông Nguyễn Văn Kiên (đứng giữa) - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên chủ trì hội nghị Theo Quyết định của UBND tỉnh Điện Biên, địa phương...