SV 2012: Đậm chất trí tuệ và hiện đại
Trong SV 2012 lần này, sinh viên được bày tỏ suy nghĩ của mình về chuyện lạm phát, tệ nạn xã hội, giao thông hay sống ảo, thi cử, tình yêu…
Ở trận tranh tài mở màn chương trình SV 2012 với chủ đề Sự trở lại của những nhà thông thái – vui tính, không khí của SV 96, SV 2000 đã được tái hiện bởi những sinh viên thế kỷ 21 hiện đại và năng động nhưng không kém phần thông minh, hóm hỉnh.
Sáng 1-1, kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình SV 2012 với trận tranh tài mở màn giữa ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Thương mại. Chương trình thu hút sự quan tâm của khá nhiều người xem, đặc biệt là giới trẻ.
Trí tuệ mà đậm chất hài hước
Dấu ấn đậm nét mà chương trình SV 2012 để lại trong lòng khán giả chính là tính trí tuệ mà đậm chất hài hước kiểu sinh viên.
Phần Lời chào SV của ĐH Bách khoa Hà Nội với hình ảnh một ban nhạc có đạo cụ được phóng tác theo những dụng cụ kỹ thuật đặc trưng cho ngành nghề đào tạo của trường đã tạo nên không khí sôi động trên trường quay. Phần thi kết thúc với bản nhạc Bài ca Bách khoa đầy bản sắc và niềm tự hào. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải bị lôi cuốn bởi sự độc đáo của phần thi tới mức thốt lên: “Tiếc là chỉ có 2 phút, tôi muốn xem nữa”. Ban giám khảo đánh giá cao phần thi này, trừ nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho điểm khắt khe có lẽ vì cách phối nhạc “thập cẩm”, hài hước kiểu sinh viên không gây hứng thú cho một người có chuyên môn sâu về âm nhạc.
Sinh viên Trường ĐH Thương mại hồ hởi tham gia chương trình SV 2012. Ảnh: PT
Phần ra mắt của ĐH Thương mại lại là màn trình diễn của một “công ty” với đầy đủ thành phần, ban bệ đậm chất sinh viên thương mại.
Video đang HOT
Ở phần thi SV thông thái, nếu ĐH Thương mại mang… hai bát cơm ra làm câu đố thì ĐH Bách khoa Hà Nội lại đưa ra ba tấm nylon theo ba kích cỡ khác nhau để thách thức đội bạn. Với những lý giải dí dỏm, thông minh và sáng tạo, cả hai đội đã khiến các thành viên ban giám khảo cũng như khán giả có mặt ở trường quay đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác…
Phần thi Tài năng SV trở thành yếu tố quyết định kết quả cuối cùng. Trong tình huống căng thẳng đó, ĐH Bách khoa Hà Nội đã thể hiện thành công bản lĩnh của mình. Cả khán phòng và ban giám khảo đã đi từ cảm giác thích thú trước màn đọc rap và vũ đạo sinh động, hài hước mô phỏng giảng đường đến sự xúc động sâu sắc khi nghe bài hát Thầy cô và mái trường qua diễn xuất tinh tế của đội thi này.
Chung cuộc, ĐH Bách khoa Hà Nội thắng cách biệt 1,5 điểm so với ĐH Thương mại.
Sân chơi mới đầy lôi cuốn
Bạn Thái Hà, sinh viên khoa Thương mại quốc tế ĐH Thương mại tham gia thi tài với ĐH Bách khoa, tâm sự: “Sau mấy tuần chuẩn bị và hồi hộp chờ đợi, số đầu tiên của chương trình SV 2012 đã lên sóng trong sự náo nức của bọn em. Là thí sinh tham dự chương trình ngay từ trận mở đầu, trong em có cả sự lo lắng lẫn niềm tự hào. Ở đây, sinh viên chúng em có thể thỏa sức sáng tạo trong những phần thi yêu cầu cả trí thông minh lẫn óc hài hước. Đối với em, thắng hay thua cũng không quan trọng bằng việc em được tham gia sân chơi bổ ích, lôi cuốn chỉ dành riêng cho sinh viên này”.
Là khán giả có mặt tại trường quay, bạn Phạm Tuyết Ngân (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “SV 2012 khá thú vị với những phần thi gay cấn, sáng tạo. Tuy chưa là sinh viên nhưng em rất thích chương trình này”.
Về những nét mới của SV 2012, nhà báo Lại Văn Sâm, Trưởng ban Thể thao-Giải trí và Thông tin kinh tế Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi SV 2012, cho biết: “Các trường tham gia lần này rất sáng tạo trong việc sử dụng kịch bản, đạo diễn. Nhiều màn trình diễn trong phần thi tài năng SV rất ấn tượng. Nếu SV 2000 còn có sự tham gia của khá nhiều thầy cô, các trường còn đầu tư khá nhiều tiền để thuê người viết kịch bản, đạo diễn thì ở SV 2012 các bạn sinh viên chủ yếu tự biên tự diễn.
Đặc biệt, trong chương trình lần này, sinh viên được bày tỏ suy nghĩ của mình về chuyện lạm phát, tệ nạn xã hội, giao thông hay sống ảo, thi cử, tình yêu… Chúng tôi không yêu cầu các bạn giải quyết các vấn đề xã hội mà chỉ muốn qua đó khẳng định rằng sinh viên không thờ ơ, không vô cảm với mọi nhịp điệu đang diễn ra trong xã hội. Và điều quan trọng là chúng tôi muốn sinh viên nói bằng giọng nói của mình, thể hiện đúng chất sinh viên”.
“Sự xuất hiện của những trường mới cũng khiến chúng tôi ngạc nhiên. Khi phân bảng thi đấu ở TP.HCM, chúng tôi xếp những đội hạt giống cùng với đội yếu hơn vào một bảng. Thế nhưng, làm tôi bất ngờ không phải những đội hạt giống mà lại là một trường cao đẳng nghề. Mỗi bảng chỉ được chọn một trường nên nhiều lúc tôi cảm thấy rất nuối tiếc. Sinh viên bây giờ sẽ là những chàng trai cô gái vẫn thông minh, dí dỏm nhưng lanh lợi và hiện đại hơn” – nhà báo Lại Văn Sâm nói.
SV 2012 có 52 chương trình, phát sóng lúc 10 giờ Chủ nhật hằng tuần từ ngày 1-1-2012. Có 99 đội chơi. Mỗi vòng thi đều xây dựng các phần thi riêng. Ở vòng loại, sinh viên tham gia các phần thi quen thuộc như Lời chào SV, SV thông thái và Tài năng SV. Vòng 2, sinh viên phải trải qua hai phần thi mới là SV tivi và Bản tin SV. Vòng 3 là hai phần thi Tài năng SV và SV sáng tạo. Vòng 4 sẽ có thêm phần hùng biện Góc nhìn SV. Vòng 5, trận chung kết sẽ là sự xuất hiện của ba đội có điểm số cao nhất ở ba miền Bắc, Trung, Nam và một đội giải Nhì xuất sắc. Đội đoạt giải Nhất sẽ nhận giải thưởng trị giá 50 triệu đồng. Ở SV 2012, nhà báo Lại Văn Sâm sẽ xuất hiện trong vai trò Trưởng ban Giám khảo của cả ba miền. Thành phần ban giám khảo các miền còn có: đạo diễn Đỗ Thanh Hải, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, nhà thơ Phan Huyền Thư, ca sĩ Mỹ Tâm, diễn viên Hồng Ánh..
Theo PLTPHCM
Chàng sinh viên có thu nhập tám con số
Là SV năm thứ 3 ĐH Thương mại, Lại Thế Long (SN 1990, quê Nghệ An) hiện là Chủ tịch CLB Việc làm sinh viên HN kiêm phó giám đốc Công ty Giáo dục The Connect với mức thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.
Lại Thế Long, SV năm thứ 3 Trường ĐH Thương mại.
Những ngày đầu vất vả
Lại Thế Long sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghệ An nghèo khó, trong một gia đình có 5 anh em, cha là thương binh 3/4, mẹ làm nghề nông. Mọi chi phí sinh hoạt trong nhà đều chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Từ nhỏ, Long đã phải đi móc lạc, bắt ốc trên các cánh đồng để phụ giúp gia đình.
Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Long luôn nỗ lực học tập. Năm 2008, cậu thi đỗ đại học Thương Mại. Ước mơ "đổi đời" của cậu học trò nhà quê bắt đầu được thực hiện từ đây.
Với quan niệm "học phải đi đôi với hành" nên ngay từ khi mới học năm thứ nhất, Long đã tất bật với công việc làm thêm. Ban đầu, Long nhận công việc phát tờ rơi nhưng không may bị mất tiền oan vào tay một công ty "ma".
Những vấp ngã ban đầu không làm Long nản chí, cậu lại tiếp tục với các công việc làm thêm khác. Sau khoảng thời gian trải nghiệm với nhiều công việc: phát tờ rơi, in ấn, bê tráp...Long quyết định thành lập ra câu lạc bộ việc làm sinh viên để giúp đỡ các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như mình.
Long chia sẻ: "Những ngày đầu khó khăn với tớ như chất thành núi vì không có vốn, chưa có kinh nghiệm, chưa biết tổ chức...lại sợ chẳng có ai theo một sinh viên năm thứ nhất như mình."
Trải qua những ngày tháng vất vả, cuối cùng câu lạc bộ việc làm sinh viên cũng được nhiều bạn biết đến. Với mục tiêu học tập, trải nghiệm những kiến thức nghề nghiệp bằng chính công việc thực tế, câu lạc bộ đã thu hút được hàng trăm bạn sinh viên tham gia.
Hiện Long còn đang là phó giám đốc của công ty Giáo dục The Connect, làm "ông chủ" khi còn quá trẻ, Long tâm sự: "Nhiều khi tớ cảm thấy vô cùng áp lực vì phải suy nghĩ và giải quyết quá nhiều việc. Đôi khi không có thời gian vui chơi như mọi người, đa phần mọi người đều nói là tớ già trước tuổi, nhưng tớ nghĩ mọi người nói thế là đúng"
"Thầy giáo" của sinh viên
Hàng ngày, ngoài những giờ lên lớp thì Long phải đến câu lạc bộ để giám sát, định hướng cho nhân viên làm việc. Long còn là người trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn các bạn sinh viên cách lập nghiệp. "Tính đến nay, tớ đã hướng dẫn cho hàng trăm bạn sinh viên trong đó có cả những người lớn tuổi hơn mình. Tớ cảm thấy rất hạnh phúc vì được mọi người tin tưởng", Long chia sẻ.
Long cho biết thêm, bạn đã xây dựng câu lạc bộ giống với mô hình của một công ty thu nhỏ. Các bạn sinh viên khi tham gia vào câu lạc bộ đều phải trải qua một quá trình tuyển dụng và chọn lọc kĩ càng. Long đã áp dụng qui trình tuyển dụng của một số công ty lớn, để giúp các bạn khi tham gia vào câu lạc bộ có cơ hội trải nghiệm và có một cái nhìn tổng quát hơn về doanh nghiệp. Thông qua đó các bạn sẽ định hình được một doanh nghiệp là như thế nào, cơ cấu, tổ chức ra sao...Thay bằng việc khó khăn tìm kiếm một môi trường trường thực tế để trải nghiệm.
"Các thế hệ sinh viên khi tham gia vào câu lạc bộ đều có các kĩ năng rất tốt, từ kĩ năng trả lời phỏng vấn đến kĩ năng thuyết trình, kĩ năng hoạch định, tổ chức...Từ đó các bạn ấy sau khi ra ngoài đã được các doanh nghiệp đánh giá rất cao và đều tìm kiếm được một công việc tốt", Long vui mừng kể lại những thành công mà câu lạc bộ đã đạt được.
Trong tương lai, chàng sinh viên 9X này mong muốn tự mình thành lập gia một công ty chuyên về đào tạo, phát triển, giới thiệu việc làm cho các bạn sinh viên. "Hãy lắm lấy cơ hội và tự tạo cho mình một con đường phát triển các bạn nhé!", đó là lời nhắn nhủ mà "thầy giáo" trẻ này muốn gửi đến tất cả các bạn sinh viên.
Theo Dân Trí
Những 'bông hồng' Việt tỏa sáng trên đất Mỹ Những cô gái gốc Việt với vóc dáng nhỏ bé, vẻ đẹp giản dị nhưng trí tuệ của họ khiến người Mỹ phải thán phục. Họ vinh dự nằm trong số những tài năng được nhận giải thưởng của Tổng thống Mỹ Obama. Giáo sư Vicky Thảo D.Nguyễn là người Mỹ gốc Việt duy nhất trong danh sách 100 nhà khoa học trẻ...