Suýt chết vì… rắn cảnh
Nhiều người vẫn lầm tưởng rắn hoa cổ đỏ (còn gọi là rắn học trò) trong răng và nọc không có độc, cắn không việc gì, có thể nuôi làm cảnh.
Nhưng thực tế đã có nhiều ca bị rắn này cắn vật lộn trong đau đớn, mới nhất đã có cháu bé tử vong thương tâm. Đáng báo động là huyết thanh kháng độc loài rắn này chưa có.
Tử vong vì vết cắn nhỏ
Nhiều người từng nuôi loại rắn hoa cổ đỏ hoặc để tự do luồn chạy trong vườn nhà giật mình trước cái chết vừa xảy ra với cháu N.T.N.T. (15 tháng tuổi, trú tại Tiền Giang).
Chị Võ Thị Mỹ (phường Vĩnh Hòa, Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết: Nghe cháu T. tử vong mới sực tỉnh chứ trước đây quanh nhà thấy rắn hoa cổ đỏ bò nhiều cũng không sợ. Còn để trẻ sờ vào vì rắn này rất hiền, có màu sắc đẹp, dễ thu hút các em nhỏ. Thậm chí, chị Mỹ còn bắt rắn này thả vào sân chơi, răng rắn có lần cà xước vào ngón tay nhưng chỉ thấy đau nhẹ rồi tự hết.
Làm trang trại ở huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), ông Nguyễn Văn T. nhiều lần thấy rắn hoa cổ đỏ trườn vào lán trại nhưng vẫn để yên vì nghĩ rắn đẹp mà không độc. Thực tế đã có người bị cắn nhẹ nhưng sức khỏe bình thường. Ông T. cho biết: Loại động vật này hay xuất hiện nhiều vào mùa hè, người dân phát hiện ít đuổi đánh hoặc bắt về ăn vì thấy giống vật nuôi làm cảnh.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh): Cuối tháng 3, cháu N.T.N.T. được chuyển đến từ BVĐK Tiền Giang với một vết thương rất nhỏ trên tay dù đã băng bó nhưng không thể cầm máu. Theo gia đình T., trong lúc cháu đang chơi trong sân thì bị con rắn hình thù đẹp, y như rắn cảnh cắn, sau đó được đắp bằng các lá thuốc dân gian nhưng tình hình ngày càng nặng thêm.
Cháu T. được đưa gấp đến BVĐK Tiền Giang. Tại đây, các bác sĩ đã dùng thuốc chống lại tình trạng rối loạn đông máu, băng ép và chích 4 lọ kháng huyết thanh dành cho rắn lục tre nhưng không đỡ.
Đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, được xác định ngay là không phải rắn tre, rắn lục cắn mà là rắn hoa cổ đỏ. Loại độc của rắn này chưa có huyết thanh để kháng lại nên dù đã được tức tốc cấp cứu nhưng chất độc nhiều, gây xuất huyết tại vết thương, dưới da, chân răng, nghi xuất huyết não. Sau 2 ngày cấp cứu, cháu T. đã tử vong.
Loại rắn hoa cổ đỏ, độc tố nằm tận trong hàm.
Chuyên gia khuyến cáo gì?
Trước ca tử vong của cháu T, BS. Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có nhiều khuyến cáo, lý giải về vấn đề độc tố cũng như những nguy cơ nguy hại đến tính mạng từ loại động vật này.
Theo BS. Phương, nhiều năm làm trong nghề cấp cứu, chống độc thì thấy độc từ loại rắn này rất phức tạp. Trung bình rắn hoa cổ đỏ cắn 10 người thì chỉ có 3 người trúng độc và bị ảnh hưởng sức khỏe. Các loại rắn khác khi cắn thì độc có ngay trong răng nanh (móc độc), cắn cái là độc đi vào cơ thể luôn.
Ngược lại, loại rắn hoa cổ đỏ, độc tố nằm ở răng hàm cuối cùng, sâu trong miệng rắn. Nếu cắn nhẹ chưa tới góc sâu trong hàm thì người bị cắn sẽ không bị nhiễm độc tố mà chỉ đau do vết cắn. Vậy nên nhiều người bị cắn không trúng độc lại vô tư nghĩ loài rắn này vô hại.
Tuy nhiên, khi rắn hoa cổ đỏ há miệng to ngoạm cả phần răng trong cùng (răng hàm) thì sẽ trúng chất cực độc. Nghiên cứu cho thấy chất độc gây chết người được bơm từ răng trong cùng tận sâu trong hàm của rắn. Trường hợp của cháu T. đã bị rắn ngoạm vào đến tận răng hàm nên chất cực độc xâm nhập cơ thể nhanh, không có thuốc chữa.
Từ trường hợp của cháu T. cũng như phân tích của bác sĩ Phương, các chuyên gia chống độc khuyến cáo mọi gia đình không nên nuôi rắn làm cảnh.
Bất cứ loại rắn nào khi đến gần nơi sinh sống hãy tìm cách đuổi đi hoặc có biện pháp để ngăn chặn. Các bậc phụ huynh nên quán triệt đến con em mình sự nguy hại của tất cả loài rắn, không cho trẻ chơi rắn cảnh, kể cả rắn nhựa.
Nhiều trẻ nhỏ chơi rắn nhựa giả quen đến khi thấy rắn thật vô tư đuổi bắt nên bị rắn cắn và phải đến cơ sở y tế cấp cứu. Khi không may bị bất cứ loại rắn nào cắn, cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, tránh việc lạm dụng các loại thuốc lá, thuốc Nam để tự chữa trị dẫn đến những biến chứng khó lường, khó cứu.
Bé gái tử vong vì "rắn học trò": Nhiều người vẫn nuôi chơi
Bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã liên hệ nhiều quốc gia để tìm kiếm nguồn kháng huyết thanh cứu bé gái bị "rắn hoa cổ đỏ", tức "rắn học trò" cắn - một loại rắn mà dân gian cho là không độc.
Sáng 6-4, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đại diện bệnh viện cảnh báo về mối nguy hiểm trẻ em chơi rắn hoa cổ đỏ và đó cũng là nguyên nhân gây tử vong cho bé gái N.T.N.T. (15 tháng tuổi), được chuyển từ Tiền Giang lên ngày 29-3 chỉ với một vết thương kỳ lạ trên tay: băng ép, cầm máu cách nào cũng không được.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương đang kể về ca bệnh
Theo lời kể của người nhà, bé đang chơi ngoài sân thì bị rắn cắn, người nhà đắp một loại lá nhưng thấy máu ở vết thương nơi cẳng tay vẫn chảy tiếp nên đưa bé vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Nơi đây đã cấp cứu, dùng thuốc chống lại tình trạng rối loạn đông máu, băng ép và chích 4 lọ kháng huyết thanh dành cho rắn lục tre, tuy nhiên bé vẫn chảy máu nên đã được chuyển lên TP HCM.
Khi vào đến BV Nhi Đồng 1, các bác sĩ nhận ra đây không phải là vết thương do rắn lục tre. Qua đối chiếu hình ảnh với gia đình, xác định là rắn hoa cổ đỏ, một loại rắn độc chưa có kháng huyết thanh. Các bác sĩ đã liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi có nghiên cứu về rắn này nhưng được biết ở Việt Nam chưa có kháng huyết thanh.
"Chúng tôi đã liên hệ nhiều quốc gia để tìm kiếm kháng huyết thanh nhưng không có. Chỉ có một bệnh viện ở Nhật đang nghiên cứu thử nghiệm kháng huyết thanh này, tuy nhiên chế phẩm vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa thể sử dụng được" - BS Phương cho biết.
Rắn hoa cổ đỏ - Ảnh: WIKIMEDIA
Bé được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - chống độc, các bác sĩ cố gắng cứu bé bằng cách truyền rất nhiều máu, chế phẩm máu, gần như là thay máu cho bé, truyền thuốc rối loạn đông máu... Tuy nhiên bé ngày càng nặng, xuất huyết không chỉ ở vết thương mà còn dưới da, chân răng, nghi ngờ xuất huyết não, và đã tử vong sau 2 ngày.
Qua ca bệnh, BS Đinh Tấn Phương cảnh báo về loại rắn này. Nó có nhiều tên như rắn học trò, rắn bảy màu, nữ hoàng bóng đêm..., có đầu màu ô liu, cổ đỏ, thân mình nhiều hoa văn đen, xanh... rất đẹp và nguy hiểm nhất là một số người vẫn tưởng nó không độc, thậm chí cho trẻ con nuôi chơi.
Theo BS Phương, loại rắn này đặc biệt ở chỗ 10 người bị cắn thì chỉ có 3 người nhiễm độc, 7 người không có triệu chứng gì nên mới tưởng không độc.
Có 2 nguyên nhân: một là, rắn này không tự sinh ra nọc độc mà tổng hợp chất độc từ những thứ nó ăn, nên những con ăn nhiều động vật độc thường có độc tính cao hơn; hai là, rắn này có 2 chiếc răng bơm chất độc nằm ở góc trong, sâu của hàm chứ không phải răng nanh như các rắn khác.
Nếu nó chỉ cắn sơ, chưa tới góc hàm thì người bị cắn sẽ không "dính" răng bơm nọc. Em bé nói trên không may bị cắn khi con rắn mở to miệng, nên bị rắn bơm nọc vào. Độ nặng của bệnh nhân còn tùy thuộc vào lượng nọc con rắn bơm vào.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương giải thích về nguyên nhân nhiều người tưởng loại rắn này không đọc
"Tôi khẳng định đây là rắn độc, vì vậy tuyệt đối không cho trẻ chơi. Nọc của rắn này không bị biến đổi bởi nhiệt, axit, rượu... nên không được ăn hay ngâm rượu. Nếu bị rắn gây rối loạn đông máu cắn, chỉ nên đưa bệnh nhân gấp đến cơ sở y tế, không làm gì khác" - BS Phương cảnh báo.
"Rắn học trò" cực độc cắn bé gái 15 tháng tuổi tử vong Sáng 6/4, Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh thông tin về một trường hợp bé gái 15 tháng tuổi bị tử vong do rắn hoa cổ đỏ (hay còn gọi là rắn học trò, rắn hổ lửa, nữ hoàng bóng đêm...) cắn gây nhiễm độc, rối loạn đông máu (...