Sức hút kỳ thi đánh giá năng lực
Năm học 2021 – 2022, ĐHQG TPHCM tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để mở rộng phương thức xét tuyển thí sinh cho các trường thành viên.
Thí sinh vui mừng nhận giấy báo thi.
Đợt 1, kỳ thi có hơn 74.000 thí sinh dự tuyển. Số lượng các trường ĐH trong và ngoài công lập sử dụng phương án xét tuyển bằng điểm thi kỳ thi này tiếp tục tăng, với hơn 70 trường. Điều gì tạo nên sức hút?
Bảo đảm tính bao quát của kiến thức
Năm học 2021 – 2022, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM gồm 2 đợt trước và sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đợt 1 thi vào ngày 28/3 tại các tỉnh, thành như TPHCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột. Đợt 2 thi vào ngày 4/7 tại TPHCM, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TPHCM, cho biết: Kỳ thi đánh giá năng lực có mục tiêu đa dạng phương thức tuyển sinh, góp phần tuyển chọn được thí sinh có đủ năng lực và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo. Do đó, định hướng bài thi đánh giá năng lực cơ bản, cần thiết của học sinh để học tốt đại học và học tập suốt đời. Trong đó, ưu tiên kiểm tra năng lực sử dụng tiếng Việt, tiếng Anh, logic và xử lý số liệu, giải quyết các vấn đề khoa học.
“Bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM gồm ba phần, với 120 câu dưới dạng trắc nghiệm khách quan. Bài thi hạn chế việc đánh giá khả năng nhớ, thuộc. Do đó, đề thi sẽ cung cấp số liệu, dữ kiện một cách nhiều nhất để học sinh dựa vào đó thể hiện năng lực của mình” – TS Chính nói.
Nhìn nhận kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM có tính bao quát về phổ kiến thức, ThS Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) cho rằng: Sàng lọc kiến thức bằng phổ câu hỏi, bộ đề có tính bao quát kiến thức dạng hiểu biết, tư duy và suy luận… sẽ cho nguồn tuyển tốt hơn.
“Năm nay, HUFI dành tối đa 5% chỉ tiêu cho phương thức này. Thí sinh cần đạt từ 650 điểm bài thi đánh giá năng lực trở lên. Riêng 3 ngành công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh và quản trị kinh doanh thực phẩm, thí sinh đạt từ 700 điểm trở lên. Xét về chất lượng nguồn tuyển bằng phương thức này 2 năm qua, tôi nhận thấy đầu vào của sinh viên rất tốt” – ThS Sơn nói.
Video đang HOT
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
Đáp ứng tiêu chí nhẹ nhàng
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, thành công của kỳ thi đánh giá năng lực 2 năm qua đến từ việc tận dụng tối đa công nghệ để tổ chức kỳ thi, tạo thuận lợi cho thí sinh khi đăng ký dự thi và xét tuyển. Mặt khác, xu hướng đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh có sự thay đổi lớn ở các trường (chuyển từ kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học) đã ít nhiều tạo thêm sức hút cho kỳ thi.
Đặc biệt, với xu hướng dạy học tích hợp, đánh giá quá trình học tập của sinh viên chuyển từ hoạt động gần như độc lập với quá trình dạy học sang việc tích hợp vào quá trình dạy học, xem đánh giá là một phương pháp dạy học…, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM gần như đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên.
PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (trường có sử dụng kết quả xét tuyển kỳ thi đánh giá năng lực) nhìn nhận: Bản chất kỳ thi này không đề cao khả năng ghi nhớ mà tập trung đánh giá khả năng áp dụng kiến thức. Do đó, nó góp phần đánh giá kiến thức tổng quan, hiểu biết của thí sinh ở các mặt, hạn chế việc học tủ.
“Tôi cho rằng, đây là xu hướng tất yếu, trong nước chưa nhiều nhưng ở nước ngoài, các kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức từ lâu. Trong bối cảnh phát triển của cách mạng 4.0, các nghề trong tương lai đòi hỏi con người có kiến thức tổng hợp, hiểu biết toàn diện. Trường Đại học Lạc Hồng là trường đào tạo đa ngành, bao gồm các khối kỹ thuật, ngôn ngữ và kinh tế… Vì vậy, việc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực nhằm tìm kiếm thí sinh phù hợp nhất” – TS Quỳnh chia sẻ.
Thầy Trần Phương Bình – giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết: Số lượng học sinh đăng ký dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM tăng dần qua mỗi năm. “Tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, cơ hội trúng tuyển của các em rộng mở hơn. Các em được thử sức, rà soát khối lượng kiến thức, kỹ năng mình được học trong 3 năm qua, có được sự tự tin, thoải mái trước khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT” – thầy Bình nói.
Từ các bộ đề thi thử ĐHQG TPHCM đưa ra 2 năm qua, TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nhìn nhận: Bài thi được xây dựng theo định hướng đánh giá năng lực cơ bản của thí sinh (sử dụng ngôn ngữ, xử lý số liệu, tư duy logic, giải quyết vấn đề) chứ không đánh giá khả năng nhớ kiến thức. Chính vì vậy, bài thi sẽ đòi hỏi kiến thức ở phạm vi khá rộng, bao phủ gần như tất cả môn học trong chương trình phổ thông. Nếu không có nền kiến thức tốt, thí sinh khó lấy điểm cao.
Thí sinh không nên học lệch, tủ mà tiếp cận học tập theo hướng toàn diện; phương pháp học tập khoa học, có hệ thống; học đều các môn; lập luận, đánh giá, phản biện chứ không chỉ chấp nhận kiến thức. Cách học tập đúng đắn cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt chứ không phải chỉ khi thi mới bắt đầu. Thời gian này, các em hệ thống hóa lại kiến thức đã có. Thoải mái và tự tin cũng là một trong các yếu tố giúp thí sinh đạt điểm cao. – TS Nguyễn Quốc Chính
Thi đánh giá năng lực: Nhẹ nhàng, nhiều cơ hội
Việc tham dự kỳ thi đánh giá năng lực giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường phù hợp với bản thân và có nhiều thuận lợi. Thí sinh cần lưu ý gì để dự thi và sử dụng kết quả hiệu quả nhất?
Kỳ thi đánh giá năng lực được nhiều thí sinh lựa chọn vì sự nhẹ nhàng, không mất nhiều thời gian. Trong ảnh: thí sinh hào hứng sau khi kết thúc kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2020 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
"Kể từ ngày đóng cổng đăng ký dự thi, thí sinh không được quyền điều chỉnh các thông tin cá nhân. Các thông tin không chính xác ảnh hưởng đến việc tham gia dự thi hoặc ảnh hưởng đến kết quả thi, xét tuyển của thí sinh đều không được xử lý. Do vậy ngay khi được cấp tài khoản, thí sinh cần truy cập và kiểm tra để đảm bảo tính chính xác của các thông tin cá nhân.
TS Nguyễn Quốc Chính
Năm 2021 có 4 ĐH lớn tổ chức kỳ thi riêng với tên gọi khác nhau, trong đó ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức hai kỳ thi đánh giá năng lực, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) có kỳ thi kiểm tra năng lực và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có kỳ thi đánh giá tư duy. Ngoài ra, một số trường ĐH ngoài công lập như Hồng Bàng, Nguyễn Tất Thành cũng sẽ tổ chức kỳ thi riêng.
Tận dụng tối đa công nghệ
Theo TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi đánh giá năng lực có mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, góp phần tuyển chọn được những thí sinh có đủ năng lực và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo.
"Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sẽ diễn ra sáng 28-3, hiện có hơn 74.000 thí sinh đăng ký dự thi. Năm 2020 đã có gần 70 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi và năm nay dự kiến có thêm nhiều trường sử dụng kết quả thi này. Việc tận dụng tối đa công nghệ để tổ chức kỳ thi giúp thí sinh vô cùng thuận lợi khi đăng ký dự thi và xét tuyển" - ông Chính nói.
Năm nay, Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực, trong đó đợt 1 dự kiến từ ngày 9-5. Thí sinh đăng ký trực tuyến đợt thi đầu tiên từ ngày 1-4 tại địa chỉ www.khaothi.vnu.edu.vn.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết: "Thí sinh được lựa chọn ngày thi, ca thi, đợt thi phù hợp với kế hoạch cá nhân; được thay đổi thời gian thi trước 14 ngày dự thi. ĐH Quốc gia Hà Nội ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để tăng tính chủ động cho thí sinh và tiết kiệm chi phí xã hội. Cổng thông tin đăng ký dự thi trực tuyến bắt đầu mở từ ngày 1-4 tại www.cet.vnu.edu.vn. Thí sinh có thể đăng ký, nộp lệ phí online (chuyển khoản, ví điện tử, app); làm bài thi trên máy tính, biết điểm thi từng phần và tổng điểm ngay sau khi hoàn thành bài thi. Giấy chứng nhận kết quả thi được gửi tới thí sinh sau 14 ngày dự thi theo đường bưu điện".
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại 3 địa điểm ở phía Bắc. Từ ngày 1 đến 30-4, nhà trường sẽ mở đăng ký tham dự bài kiểm tra tư duy trên hệ thống http://ts.hust.edu.vn. Còn kỳ thi kiểm tra năng lực do Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức sẽ diễn ra trong 2 ngày 29 và 30-5. Đầu tháng 4-2021, thí sinh có thể đăng ký dự thi tại https://tuyensinh.hcmiu.edu.vn. Việc nộp lệ phí cũng thực hiện bằng cách chuyển khoản, gửi qua bưu điện hoặc trực tiếp tại trường.
Không luyện thi, học tủ
Vì là kỳ thi đánh giá năng lực nên tất cả các đơn vị tổ chức thi đều khẳng định không tổ chức luyện thi hay bất kỳ hoạt động ôn luyện, thi thử bài thi năng lực, đồng thời khuyên thí sinh tập trung học thật tốt, không phải học thuộc lòng và cũng không nên ôn thi tại các lò luyện.
TS Nguyễn Quốc Chính cho biết: "Bài thi tại ĐH Quốc gia TP.HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Cấu trúc của bài thi gồm 3 phần: sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề. Hiện nay bài thi tham khảo đã được công bố".
Còn PGS.TS Trần Tiến Khoa - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - thông tin: "Trường sử dụng bài kiểm tra để đánh giá các loại năng lực của thí sinh: ghi nhớ và vận dụng kiến thức, năng lực tính toán - giải quyết vấn đề, tư duy logic, môn thi tự chọn đánh giá kiến thức tự nhiên, năng lực suy luận tổng hợp sáng tạo hoặc kỹ năng sử dụng ngôn ngữ Anh. Thí sinh thi 3 môn, gồm 2 môn bắt buộc (toán học, tư duy logic) và 1 môn tự chọn (chọn 1 trong 4 môn lý, hóa, sinh, tiếng Anh). Nội dung kiến thức nói trên nằm trong chương trình THPT và tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 12".
Cần phải tốt nghiệp THPT
Kết quả thi đánh giá năng lực được sử dụng chỉ như một phương án xét tuyển, bên cạnh phương thức xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác được các đơn vị tổ chức kỳ thi và các đơn vị có sử dụng kết quả kỳ thi năng lực trong năm nay. Điều kiện chung để được xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT và việc xét tuyển sẽ thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau, trong đó có kết quả thi đánh giá năng lực và cần đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành/chương trình đào tạo theo quy định.
Mỗi thí sinh 1 đề thi
Thí sinh tới điểm thi tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2020 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, ngân hàng đề thi năng lực có đến 15.000 câu hỏi, đảm bảo mỗi thí sinh có một đề thi riêng. "Bài thi nhằm kiểm tra năng lực tư duy nên sẽ cung cấp đủ thông tin để các em phân tích, trả lời. Bài thi này nhằm chống lại cách học thuộc lòng, thí sinh tránh học tủ, học lệch và cần dành nhiều thời gian ôn tập lại các kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài. Có thể tham khảo bài thi mẫu trước khi đăng ký dự thi đánh giá năng lực (công bố trước ngày 15-3).
PGS.TS Trần Trung Kiên - trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết trường không công bố đề thi mẫu, mà chỉ đưa ra đề cương và ví dụ minh họa. Bài thi đánh giá tư duy hướng tới đánh giá năng lực tư duy tổng thể của học sinh, tập trung vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức toán THPT để giải quyết các vấn đề thực tế; đánh giá hiểu biết về khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh); đánh giá năng lực đọc nhanh, hiểu đúng vấn đề về khoa học kỹ thuật và đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh.
Cấu trúc bài thi đánh giá tư duy gồm 3 phần, làm trong 180 phút. Phần 1 - đánh giá năng lực toán gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, thi trong 90 phút. Phần 2 - đọc hiểu, làm bài trong 30 phút với 3 - 4 bài đọc, mỗi bài dài 800 - 1.000 từ về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ. Phần 3 - bài tự chọn 1 trong 3 nội dung là bài lý - hóa, hóa - sinh hoặc tiếng Anh.
Nội dung kiểm tra nằm trong chương trình THPT, ở mức thông hiểu và vận dụng, làm bài trong 60 phút.
Trường đại học giảm chỉ tiêu xét tuyển đánh giá năng lực Một số trường rục rịch hạ chỉ tiêu, giảm điểm sàn cho phương thức xét điểm đánh giá năng lực nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho những thí sinh có kết quả thi tốt. Đợt 1 của kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức vừa kết thúc. Theo thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM,...