Từ vụ “thầy giáo tát học sinh”: Giáo viên cần tinh tuyển và không ngừng học
Nhìn nhận về một số vụ “ thầy giáo tát học sinh ” thời gian gần đây, chuyên gia giáo dục toàn cầu, CEO Innedu STEAM Tô Thụy Diễm Quyên phân tích một số căn nguyên và đưa ra giải pháp cơ bản.
Cần đổi mới đào tạo ngành sư phạm
Trước mỗi vấn đề, chúng ta cần đặt nó ở góc nhìn đa diện. Rõ ràng hiện tượng “đánh học sinh” không phải là phổ biến. Tuy nó có thể gây ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh chung của đội ngũ nhưng nhất định không nên đánh đồng và quy chụp vấn đề đạo đức hay kỹ năng của người giáo viên .
“Không thể vì một vài hiện tượng mà đánh giá cả một hệ thống. Hàng triệu giáo viên đang hành nghề, có người này người nọ, như bao ngành nghề khác. Tuy nhiên, phải thừa nhận, kỹ năng của đại đa số giáo viên hiện nay còn nhiều lỗ hổng cần bồi dưỡng, lấp đầy để họ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của giáo dục nước nhà.”, chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên nhận định.
Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên cho biết: Nhiều nước trên thế giới , đặc biệt là các nước phát triển mà điển hình là nước Mỹ – không có trường đào tạo Sư phạm riêng mà chỉ có các khoa Sư phạm trong trường Đại học. Để có một giáo viên tốt, một trong những vấn đề quan trọng đầu tiên là tuyển lựa được những sinh viên – người học Sư phạm xuất sắc.
Ở các nước phát triển, sinh viên học Đại học xong mới chuyển ngành Sư phạm và sẽ học tiếp các khoá học nghiệp vụ để theo nghề giảng dạy. Các sinh viên xuất sắc nhất của các chuyên ngành, yêu thích ngành Sư phạm sẽ được tuyển lựa để đào tạo.
Khi đặt vấn đề về đầu vào ngành Sư phạm, cần nói thêm rằng, về chế độ đãi ngộ thì giáo viên khắp thế giới đều khó khăn. Giáo viên ở các nước chủ yếu theo nghề là do yêu thích và đam mê, trong khi ở nước ta vẫn còn hiện tượng chọn Sư phạm để cho có một việc làm chứ không hẳn là do yêu thích.
Xuất phát điểm, động cơ và mục đích cũng là yếu tố làm nên thành công của mỗi người với nghề nghiệp của mình. Bởi khi có đam mê và yêu thích, họ sẽ vượt qua mọi khó khăn, có nguồn năng lượng tích cực để hoàn thành công việc.
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Giáo viên cần học tập suốt đời
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia đào tạo, tập huấn cho giáo viên khắp mọi miền đất nước, chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ: Tôi nhận thấy giáo viên ta còn nhiều kiến thức và kỹ năng cần bồi dưỡng. Kể cả những giáo viên mới ra trường thì vẫn tồn tại tình trạng thiếu cập nhật về kiến thức và phương pháp. Đặc biệt là kỹ năng vận dụng các hiệu ứng tâm lý vào việc giáo dục học sinh. Các kỹ thuật dạy học thì chỉ chủ yếu về lý thuyết và sử dụng thì chưa hiệu quả.
Chương trình đào tạo và các môn học đối với giáo viên thế kỷ 21 cần đáp ứng đủ các yêu cầu: Kiến thức về nội dung; Kiến thức về công nghệ và Kiến thức về phương pháp. Đó là 3 vòng tròn lồng nhau, thuật ngữ này được gọi là mô hình TpaCK. Đây là yêu cầu cần và đủ của một giáo viên thời 4.0. Tất cả các kiến thức này không thể tách rời mà hỗ trợ nhau.
Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ thuật dạy học tích cực trong phần Kiến thức về phương pháp của giáo viên. Sức mạnh của phương pháp sẽ tối ưu hóa năng lực tư duy cho người học và làm người học tích cực chủ động hơn. Giáo viên cần có khả năng tự học, tự bồi dưỡng và ý thức học tập suốt đời để cập nhật các kiến thức, phương pháp hiện đại vào giảng dạy. Chỉ khi giáo viên có động lực và năng lượng tốt mới truyền cảm hứng tích cực tới các học sinh và khiến quá trình học tập trở nên hứng thú, nhẹ nhàng, không bị áp lực.
Quay trở lại câu chuyện về kỷ luật học sinh, Chuyên gia Tô Thuỵ Diễm Quyên cho rằng: Nếu giáo viên được trang bị tốt kiến thức về chuyên môn và kỹ năng xử lý tình huống bằng cách vận dụng các hiệu hứng tâm lý từ khi còn trên ghế trường Sư phạm thì sẽ hạn chế được tối đa các câu chuyện đáng tiếc trong ứng xử tình huống sư phạm và kỷ luật học sinh. Để thế hệ người Việt trẻ có khả năng tư duy tốt, biết kiểm soát hành vi tiêu cực thì các em phải được học điều đó từ người thầy của mình. Vì vậy nhà giáo không được phép biến mình thành người thiếu kiểm soát hành vi và nóng giận đến mất bình tĩnh trước học sinh của mình.
“Chúng ta đang nỗ lực để xây dựng trường học Hạnh phúc. Điều này chỉ thực thi được khi cả thầy và trò được đảm bảo an toàn tuyệt đối trong trường học. Đồng thời cả thầy và trò cần phải tương tác với nhau bằng tình yêu thương và sự tôn trọng từ cả hai phía.” – chuyên gia Tô Thuỵ Diễm Quyên.
Thi đua mà bị biến thành ganh đua, giáo dục sẽ lệch hướng
Động lực được chuyển hóa từ bên trong thì mới bền vững. Trong giáo dục, động lực không đến từ thưởng, phạt và từ những cuộc thi mang tính cạnh tranh.
Những hình ảnh thi đua giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với giáo viên, thậm chí là giữa các trường học với nhau đã trở nên quen thuộc trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, phong trào này dường như đang tạo ra áp lực không nhỏ cho đội ngũ giáo viên cũng như các nhà trường trước những tổng kết con số thành tích cuối mỗi kỳ học, cuối năm học.
Bàn về câu chuyện thi đua trong giáo dục Việt Nam, cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên - Tổng giám đốc Innedu, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Phong trào thi đua với những phần thưởng, thúc ép, áp đặt chỉ tạo động lực trong thời gian ngắn.
Nguyên lý tạo động lực cho con người có tính thách thức và tính đối kháng. Tuy nhiên, nếu thực hiện không khéo sẽ tạo ra sự ganh đua, cạnh tranh tiêu cực.
Khi thi đua trở thành ganh đua
Theo chia sẻ của cô Tô Thụy Diễm Quyên, trong giáo dục Việt Nam, sự ganh đua được biểu hiện rõ nét trong từng lớp học, từng kỳ thi, những lần tổng kết đánh giá và tồn tại cả trong quan điểm của nhiều người về thành tích học tập.
Cô Quyên cho biết: "Trong cuốn sách Cải cách giáo dục Việt Nam của tác giả Tanaka Yoshitaka (dịch giả Nguyễn Quốc Vương) đã phân tích rõ tính cạnh tranh trong thi đua của giáo dục hiện nay.
Để tạo động lực trong học tập, giáo viên thường tổ chức bài dạy, thiết kế những cuộc cạnh tranh để học sinh thể hiện sự hiểu biết của mình.
Nhưng vô tình những cuộc cạnh tranh đó khiến các em chỉ chú ý đến nét mặt của giáo viên, chỉ quan tâm mình đúng hay sai nhưng không quan tâm đến nội dung câu trả lời, nội dung bài học".
Thi đua trong giáo dục nếu thực hiện không đúng cách dễ trở thành ganh đua, cạnh tranh nhau (Ảnh minh họa: Lã tiến)
Như vậy, mục đích mỗi tiết học của học sinh là được giáo viên, bạn bè chú ý, là mình sẽ giành phần thắng với mỗi câu trả lời. Cách tạo động lực học tập như vậy sẽ không mang lại kết quả, học sinh không được phát triển tư duy, khả năng sáng tạo.
Bên cạnh đó, những kỳ thi, những tổng kết điểm số, đánh giá học sinh, đánh giá giáo viên cũng là một biểu hiện của vấn đề ganh đua trong giáo dục.
Khi học sinh, phụ huynh đều chạy theo điểm số, kết quả đỗ đạt, trường học chỉ lấy số lượng học sinh giỏi, số lượng học sinh đậu đại học để nói về bảng thành tích của trường thì vấn đề thi đua cạnh tranh vẫn còn tồn tại.
Những phong trào thi đua chạy theo thành tích cũng ảnh hưởng đến tâm lý, làm sai lệch quan niệm của nhiều người về giáo dục.
"Thậm chí việc học của con nhưng bố mẹ cũng ganh đua với nhau. Có học sinh từng chia sẻ với tôi rằng, bố mẹ đã gây sức ép và bắt buộc em phải thi đậu vào trường chuyên. Vì bạn trong cơ quan của bố cũng có con học trường chuyên.
Đây là một câu chuyện buồn nhưng không phải là câu chuyện hiếm gặp, khi bố mẹ xem trọng điểm số, coi trọng trường chuyên, lớp chọn, ép buộc con vào một cuộc đua cạnh tranh khốc liệt, mệt mỏi", cô Quyên chia sẻ.
Thi đua bị biến thành ganh đua không phải chỉ là câu chuyện riêng của những học sinh. Ngay cả với các giáo viên, những hình thức thi đua mang tính cạnh tranh vẫn còn tồn tại.
Theo cô Tô Thụy Diễm Quyên, nhiều giáo viên đã không còn hứng thú với cuộc họp thi đua trong trường, khi trong những cuộc họp ấy thi đua đã bị biến thành cuộc đấu tố, chê bai nhau. Hình thức thi đua cạnh tranh như vậy không những phản động lực, mà còn làm giảm hiệu quả công việc của giáo viên, trường học.
Thay đổi cách đánh giá sẽ loại bỏ thi đua cạnh tranh trong giáo dục
Cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng: "Tạo động lực với "cây gậy và củ cà rốt" (hình thức phạt và thưởng) chỉ tạo động lực ở bậc thấp. Vì khi không còn những hình thức thưởng - phạt đó, động lực cũng sẽ không còn.
Chính vì vậy, cần chuyển hóa động lực từ bên trong để nó phát triển bền vững".
Nguyên lý tạo động lực cho con người có tính thách thức và tính đối kháng, cần phải làm cho người học cảm thấy rằng, nỗ lực để không bị bỏ lại phía sau sẽ tạo hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu thực hiện sai cách thì tính thách thức và tính đối kháng dễ bị chuyển thành tính ganh đua. Ganh đua khiến con người bằng mọi giá đạt được mục đích của mình, không quan tâm đến người khác, ganh đua trong giáo dục cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp.
Theo quan điểm của cô Tô Thụy Diễm Quyên, để thi đua không bị biến thành tiêu cực, cạnh tranh thì cần phải thay đổi cách đánh giá.
Cô Tô Thụy Diễm Quyên (thứ hai từ trái sang) cho rằng cần thay đổi cách đánh giá học sinh và cách đánh giá giáo viên (Ảnh: Cô Quyên cung cấp)
Cách đánh giá, phân loại học sinh theo bậc giỏi, khá, trung bình, yếu cũng phản động lực. Giáo dục tích cực là không so sánh học sinh này với học sinh kia, chỉ cần đánh giá để học sinh tự tiến bộ, mỗi người chỉ cần so sánh với bản thân mình của ngày hôm qua.
Trong đánh giá hành vi học sinh, thầy cô cần đánh giá hành vi tích cực của học sinh, khuyến khích làm điều tích cực thay vì chỉ trích, phê bình lỗi lầm.
Để lớp học không rơi vào những cuộc đua cạnh tranh tiêu cực, cô Quyên nêu ví dụ: "Giáo viên sẽ thay đổi để không còn tình trạng ganh đua trong lớp học, trong môi trường giáo dục.
Khi cho lớp học làm bài tập nhóm, có nhóm làm đạt 10 điểm, có nhóm khác đạt 5 điểm nhưng vẫn ghi nhận thành quả của học sinh.
Giáo viên đánh giá quá trình học sinh hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhau làm bài, đánh giá như vậy sẽ tạo ra tính đối kháng nhưng ko ganh đua.
Bên cạnh đó thầy cô có thẻ gắn hình trái tim, những mặt cảm xúc đáng yêu, tích cực trong kết quả bài làm từng nhóm, ghi nhận những nhóm học sinh có sự nỗ lực, cố gắng. Đặc biệt là giáo viên nên chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình về những hành vi tích cực của học sinh".
Một điều quan trọng cần phải lưu tâm là giáo viên nên đánh giá định tính chứ không phải đánh giá định lượng, đánh giá hành vi của học sinh nhưng không cho điểm hành vi.
"Thay đổi cách đánh giá trong giáo dục là một vấn đề then chốt để giải quyết tình trạng ganh đua, chạy đua thành tích hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ bớt một số cuộc thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi cấp quốc gia, đây là một việc làm khoa học để thay đổi tính cạnh tranh trong thi đua.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra những yêu cầu về thay đổi trong cách đánh giá đối với học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Giáo viên cần phải hiểu giá trị của đánh giá định tính và sáng tạo trong cách đánh giá định tính.
Bên cạnh đó, điều cần thiết phải làm là thay đổi cách đánh giá giáo viên, không thể đánh số, cho điểm hạnh kiểm hay hành vi của giáo viên", cô Quyên khẳng định.
Bài cuối: “Đọc vị” được học sinh là chìa khóa thành công của người thầy Sau loạt bài về đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã nhận được nhiều ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia. Dưới đây là chia sẻ của bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, về bài toán đổi mới phương pháp giáo dục. *Phóng viên: Gần đây, đang có...