Sức ép trường công lập
(BVPL) – Lượng thí sinh dự thi năm nay vào lớp 10 tăng so với số lượng các trường công lập nhận vào. Vì thế, cuộc chạy đua để dành chiếc vé vào cấp 3 của các sĩ tử khốc liệt chẳng kém gì kỳ thi đại học. Sức ép vào được trường công lập đang đè nặng lên tâm lý của phụ huynh và học sinh.
Chỉ riêng ở TP. Hà Nội kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2015 – 2016 dự kiến có 85.000 nghìn thí sinh tham gia, tăng gần 10.000 học sinh so với năm ngoái. Trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 50.180 em, do vậy còn 29.500 học sinh sẽ không được học tại các trường công lập và trung bình cứ 3 học sinh thi chỉ có 2 học sinh được nhận vào trường công lập.
Cả tháng nay gia đình nhà anh Nguyễn Văn Hải (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đứng ngồi không yên vì lo cho con thi vào lớp 10. Con anh Hải năm nay đăng ký thi vào trường THPT Việt Đức, trường có tỷ lệ cạnh tranh thuộc top cao nhất. Để nắm chắc cơ hội đỗ vào trường, từ cuối năm học lớp 8 anh Hải đã cho con đi học thêm. Thời điểm này con anh Hải phải học tăng tốc gấp rút hơn. Câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Văn Hải đang là chuyện thời sự của hàng chục nghìn gia đình có con vừa học xong lớp 9 ở TP. Hà Nội. Bởi qua kỳ thi tuyển này sẽ có khoảng 29.500 học sinh lớp 9 không vào được lớp 10 trường công lập mà sẽ tiếp tục phải học ở các trường dân lập hoặc trường giáo dục thường xuyên hay các trường trung cấp nghề.
Các thí sinh kết thúc môn thi Toán vào lớp 10 năm 2015 tại điểm trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Việc tăng số lượng học sinh thi vào lớp 10 cũng khiến cuộc đua trở nên quyết liệt hơn. Nhìn từ góc độ người đứng trên bục giảng thầy giáo Nguyễn Hữu Huân, giáo viên trường Hữu Nghị 80 ở Sơn Tây, TP. Hà Nội cho rằng: Áp lực là điều dễ hiểu vì đây không đơn thuần là kỳ thi mà còn là cuộc thanh lọc và sẽ có đến những ảnh hưởng đến bước đi tiếp theo của học sinh. Qua việc thi tuyển vào lớp 10 rất khó khăn, gây áp lực rất lớn cho học sinh và phụ huynh khi mà các cháu lựa chọn thi vào trường nào, sau đó lại áp lực thi vào trường chuyên, lớp chọn… Việc các cháu lựa chọn có vào được trường công lập rất khó khăn.
Nhiều trường ở Hà Nội có số lượng thí sinh thi tuyển cao hơn chỉ tiêu nhiều lần. Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân) có 480 chỉ tiêu trong khi đó có 3.887 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 8); trường THPT Kim Liên có 600 chỉ tiêu có 1.547 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 2,5); Trường THPT Tây Hồ có 560 chỉ tiêu có 2.900 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 5,5), trường THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng) có 560 chỉ tiêu có đến 3.707 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 7); trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm) có 540 chỉ tiêu nhưng có tới 2.483 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 5)…
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Trưởng phòng Quản lý thi, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Căn cứ vào tình hình thực tế, Sở đã cho phép một số trường THPT trên địa bàn tăng 5 – 10% chỉ tiêu so với năm học trước. Song song với đó, Sở yêu cầu các trường tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh”.
Âu lo hằn rõ ở những khuôn mặt của những ông bố, bà mẹ khi họ dồn hết mọi hy vọng vào con, có điều cũng có không ít các bậc phụ huynh muốn chứng tỏ học lực của con bằng cách hướng con thi vào các trường điểm mà không hề quan tâm đến những áp lực rất lớn mà các con phải gánh chịu.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã cho rằng: Không có kỳ thi nào mà không có áp lực, kể cả kỳ thi tốt nghiệp THPT cho đến kỳ thi THCS, chỉ có áp lực như thế nào và cách giải quyết ra sao. Vấn đề là đã có bao nhiêu chỗ và số lượng thí sinh thi vào đã đủ chưa, bởi nếu không có kế hoạch như vậy thì rõ ràng là áp lực, còn nếu như có đủ chỗ như có 70.000 thí sinh thi mà có 72.000 chỗ thì sẽ không có áp lực. Do vậy đó là vấn đề của các Sở Giáo dục và Đào tạo…
Với những vấn đề đặt ra cho công tác tuyển sinh vào lớp 10 thì ngành Giáo dục và Đào tạo cần sớm có giải pháp để giảm áp lực kỳ thi vào lớp 10 cho học sinh như xây thêm nhiều trường THPT công lập mới để tăng chỉ tiêu tuyển sinh, đồng thời nâng cao chất lượng hệ thống các trường dân lập để mọi học sinh được hưởng quyền bình đẳng trong giáo dục… Cuộc đua vào lớp 10 trường công lập chắc chắn không giảm tải, giảm nhiệt nếu không có sự thay đổi từ các loại hình đào tạo.
Theo BVPL