Sửa mặt nạ lặn biển thành mặt nạ trợ thở chống COVID-19
Bác sĩ nha khoa Paul Amas ở Pháp đã kêu gọi tặng mặt nạ lặn biển cho các y bác sĩ. Tại Ý, Công ty Isinnova đã cải tiến mặt nạ lặn biển thành mặt nạ trợ thở cho bệnh nhân COVID-19.
‘Khai quật’ 5.000 khẩu trang bị lãng quên dưới hầm mộ ở Washington 6 triệu khẩu trang của Đức ‘bốc hơi’ bí ẩn ở Kenya Các nhà sư Thái Lan làm khẩu trang phòng virus SARS-CoV-2 từ nhựa tái chế
Công ty Isinnova đã cải tiến mặt nạ với bộ đấu nối (màu vàng) nối với hai ống thở – Ảnh: LCI
Bác sĩ Paul Amas 55 tuổi ở thành phố Marseille (đông nam nước Pháp) đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề.
Mấy hôm trước, ông đã kêu gọi quyên góp mặt nạ lặn biển Easybreath để tặng cho đội ngũ y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19.
Lời kêu gọi của một bác sĩ Pháp
Trong video phát trên mạng xã hội, bác sĩ Paul Amas nói: “Tôi kêu gọi tất cả những người đã mua mặt nạ này cho mùa hè… Tôi khuyến khích các bạn chuyển giao mặt nạ cho các cơ quan y tế”.
Trong bối cảnh thiếu khẩu trang FFP2, ông chắc chắn mặt nạ lặn biển Easybreath sẽ bảo vệ tốt hơn nhiều so với khẩu trang FFP2 vì mặt nạ có ưu điểm che phủ toàn bộ khuôn mặt.
Trả lời báo Nice-Matin (Pháp) hôm 25-3, bác sĩ Paul Amas cho biết ông nảy ra sáng kiến sử dụng mặt nạ Easybreath thay cho khẩu trang cách đây nửa tháng khi tìm cách bảo vệ mình.
Ông giải thích: “Virus không lan truyền qua không khí. Do đó mặt nạ sẽ giúp che kín mặt hoàn toàn trước các giọt bắn li ti”.
Ngoài ra, mặt nạ còn có ưu điểm ở chỗ có thể lau sạch bằng xà phòng với dung dịch sát khuẩn rồi sử dụng lại.
Trước khi kêu gọi tặng mặt nạ lặn biển cho các y bác sĩ, ông đã từng hướng dẫn trên mạng cách làm khẩu trang bằng lon Coca Cola và giấy vệ sinh.
Video đang HOT
Sau đó, Công ty Decathlon đã phát thông báo giải thích: “Mặt nạ Easybreath… không được thiết kế vì mục đích y tế. Công dụng nguyên thủy của nó vẫn là thực hành lặn. Chúng tôi khuyến cáo không nên thay đổi cấu trúc mặt nạ vì có thể ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của mặt nạ, nhất là luồng không khí”.
Tuy nhiên, Decathlon cũng xác nhận các nhóm kỹ thuật của công ty đang hỗ trợ cho một số trung tâm nghiên cứu ở Pháp và nước ngoài nhằm thử nghiệm xem mặt nạ có thích nghi với chức năng chống dịch hay không.
Mặt nạ lặn Easybreath do Công ty Subea tại Hendaye (tỉnh Pyrénées-Atlantiques của Pháp) thiết kế vào năm 2017 và là sáng chế của Công ty Decathlon ở Pháp. Tên “Easybreath” có nghĩa là “dễ thở” trong tiếng Anh.
Đây là mặt nạ lặn đầu tiên giúp người lặn quan sát và thở dưới nước dễ dàng bằng mũi và miệng như trên đất liền. Mặt nạ gồm một khung duy nhất che toàn khuôn mặt. Không khí vào và ra thông qua ống thở phía trên mặt nạ.
Mặt nạ Easybreath dùng cho người lặn biển – Ảnh: SUBEA
Giới công nghệ ở Ý cải tiến mặt nạ
Tại tỉnh Brescia (miền bắc nước Ý), bác sĩ Renato Favero ở bệnh viện Gardone Vol Trompia đã có sáng kiến cải tiến mặt nạ lặn biển cho bệnh nhân thở máy.
Ông nghe nói Công ty Isinnova có thể dùng công nghệ in 3D chế tạo van Venturi để nối mặt nạ cung cấp khí oxy với máy trợ thở nên liên lạc và đề xuất ý tưởng.
Các kỹ sư công ty đã phân tích đề xuất và kết luận mặt nạ Easybreath là mặt nạ phù hợp nhất để làm ra sản phẩm theo yêu cầu.
Sau đó, Công ty Isinnova liên hệ với chi nhánh Công ty Decathlon ở Ý. Ngay lập tức chi nhánh Ý đã đồng ý hợp tác và cung cấp bản vẽ kỹ thuật mặt nạ.
Giải thích trên báo Corriere della Sera (Ý), các kỹ sư Công ty Isinnova cho biết họ đã tháo rời mặt nạ Easybreath ra để đánh giá các chi tiết cần thay đổi, sau đó sử dụng máy in 3D chế tạo các phụ kiện kết nối giữa mặt nạ cải tiến với hầu hết các loại ống thở dùng trong bệnh viện.
Mặt nạ cải tiến đã loại bỏ phần trên của ống thở và thay bằng bộ đấu nối in 3D.
Nhờ bản vẽ của Công ty Decathlon, họ có thể sản xuất nhanh các bộ phận, đặc biệt là biết chính xác kích thước của lỗ thoát khí.
Mặt nạ lặn biển đã qua cải tiến ở Ý – Ảnh: ISINNOVA
Mẫu mặt nạ cải tiến đầu tiên đã được thử nghiệm ở hai bệnh viện tại Bresciano và Brescia. Theo báo La Repubblica (Ý), kết quả rất đáng khích lệ.
Kỹ sư Marco Ruocco giải thích: “Chỉ có chi tiết van đã được cấp bằng sáng chế để tránh đầu cơ còn toàn bộ dự án đều được đưa lên mạng. Bấy kỳ ai cũng có thể tải tài liệu xuống và in van 3D tự do, miễn không dùng để kinh doanh”.
Dỳ vậy, các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nếu muốn sử dụng mặt nạ phải làm tờ cam kết chấp thuận sử dụng thiết bị y sinh chưa qua chứng nhận.
HOÀNG DUY LONG
Bác sĩ Pháp chết vì COVID-19: Ông không nghỉ hưu, đi chống dịch giúp đất nước
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đã xác nhận thông tin trên và cho biết đây là bác sĩ Pháp đầu tiên tử vong do COVID-19. Ông được mô tả là một bác sĩ tốt, được mọi người yêu quý và kính trọng.
Bác sĩ Jean-Jacques Razafindranazy - Ảnh chụp màn hình Le Parisien
Hãng tin AFP ngày 23-3 dẫn thông tin từ nhà chức trách Pháp cho biết một bác sĩ Pháp đã nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) và qua đời sau thời gian chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Truyền thông Pháp cho biết bác sĩ này là ông Jean-Jacques Razafindranazy, 67 tuổi, làm việc tại phòng cấp cứu của một bệnh viện ở thành phố Compiegne, tỉnh Oise (miền bắc Pháp), khu vực đầu tiên ở Pháp chịu ảnh hưởng nặng do dịch COVID-19.
Thị trưởng thành phố này, ông Philippe Marini, cho biết bác sĩ trên là "người đã tình nguyện quay lại làm việc và bản thân biết rằng ông đang đối mặt rủi ro". Bác sĩ này qua đời khi ông sắp bước sang tuổi 68. Ông bị nhiễm SARS-CoV-2 vào đầu tháng 3.
Ông Marini cho biết thành phố đã mất đi "một bác sĩ tốt, một người đàn ông được đồng đội yêu quý và kính trọng".
Không rõ bác sĩ Razafindranazy bị nhiễm virus SARS-CoV-2 như thế nào. Tuy nhiên, báo Le Parisien cho biết ông đã tiếp xúc với các bệnh nhân trong giai đoạn đầu bùng phát dịch, khi các biện pháp phòng ngừa vẫn chưa được thực hiện nghiêm ngặt.
Theo kênh truyền hình France 3, con trai của bác sĩ này cũng đã có những chia sẻ trên Facebook. Anh viết về bác sĩ Razafindranazy: "Cha tôi, người hùng!".
"Cha tôi có niềm đam mê với công việc và ông đã không chịu nghỉ hưu" - người con chia sẻ. Được biết vợ của bác sĩ Razafindranazy cũng đã nhiễm bệnh và đang được cách ly tại nhà.
Con trai của bác sĩ Razafindranazy chia sẻ với báo Le Parisien rằng cha anh đã không muốn tận hưởng khoảng thời gian mà lẽ ra ông được nghỉ hưu, bởi vì các đồng nghiệp của ông đang quá tải.
Anh đã cảm ơn những người đã chăm sóc cho cha trong những ngày cuối cùng khi ông được chữa trị tại một bệnh viện ở thành phố Lille, đồng thời cảnh báo "dịch bệnh này khá nghiêm trọng và không nên xem nhẹ".
Một nhân viên y tế Pháp đang chuyển bệnh nhân ra khỏi xe cấp cứu - Ảnh: AFP
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cũng đã xác nhận thông tin trên và cho biết đây là bác sĩ Pháp đầu tiên tử vong do COVID-19. Ông cũng đã xuất hiện trên truyền hình để bày tỏ sự kính trọng của mình với các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
"Các nhân viên y tế đang hi sinh to lớn cho đất nước chúng ta" - ông Veran đánh giá. Bộ trưởng Y tế Pháp còn ca ngợi "sự dũng cảm phi thường của tất cả bác sĩ, y tá và những người khác đã cứu giúp các sinh mạng mỗi ngày".
Tuy nhiên, các nhân viên y tế ở Pháp đang gặp một vấn đề: nhiều khu vực thiếu đồ bảo hộ để bảo vệ nhân viên y tế, chẳng hạn khẩu trang.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Veran nói rằng thật ra các nhân viên y tế có thể bị nhiễm bệnh trong lúc không làm công việc và có một số trường hợp y bác sĩ bị nhiễm bệnh dù đã đeo khẩu trang. Ông nói rằng việc bảo vệ cho nhân viên y tế tuyến đầu là "hoàn toàn cần thiết".
BÌNH AN
Việt Nam bổ nhiệm Lãnh sự danh dự tại Marseille Mới đây, tại tòa nhà Trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp Marseille, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp đã chủ trì lễ công bố quyết định của Chính phủ Việt Nam về việc bổ nhiệm ông Nguyen Cong Tuoi Maurice Germain, công dân Pháp, làm Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Marseille, với khu vực lãnh sự là...