Sửa Luật Chứng khoán: Định nghĩa rõ hơn một số quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng
Tại Hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức ngày 7/11, nhiều chuyên gia đã đóng góp về vấn đề chào bán chứng khoán ra công chúng.
Nhiều chuyên gia đã đóng góp về vấn đề chào bán chứng khoán ra công chúng.
Chưa đồng nhất với các điều kiện để niêm yết cổ phiếu
Tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, quy định về việc chào bán chứng khoán ra công chúng đã gắn trách nhiệm của doanh nghiệp chào bán chứng khoán ra công chúng trong việc niêm yết cổ phiếu ngay sau khi chào bán. Cụ thể, Dự thảo quy định: “Ngoại trừ việc chào bán chứng chỉ quỹ mở, tổ chức phát hành đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định tại Điều này phải niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán”. Việc quy định bắt buộc niêm yết ngay sau khi chào bán chứng khoán ra công chúng nhằm mục tiêu gắn việc chào bán với niêm yết, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn nhằm đưa thị trường gần hơn với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB), quy định như Dự thảo hiện nay chưa giải quyết được triệt để vấn đề này và có thể dẫn đến nguy cơ khó áp dụng trên thực tế.
Lý giải rõ hơn về những điều này, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư kí VASB cho hay, mặc dù các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng đã được nâng lên cả về điều kiện vốn, điều kiện free float và điều kiện hiệu quả doanh nghiệp, tuy nhiên, các điều kiện này vẫn chưa đồng nhất với các điều kiện để niêm yết cổ phiếu. Vì vậy, trên thực tế sẽ có trường hợp doanh nghiệp đáp ứng điều kiện chào bán nhưng không đáp ứng điều kiện niêm yết thì vẫn không thể niêm yết (ví dụ trường hợp ROE min 5%).
Đại diện VASB cũng cho rằng, việc nâng cao các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, đặc biệt là các điều kiện về hiệu quả doanh nghiệp chào bán một mặt có tác dụng tích cực là nâng cao được chất lượng hàng hóa chào bán ra công chúng, nhưng mặt khác lại gây khó khăn cho nhu cầu công khai, minh bạch để tối đa hóa hiệu quả của các doanh nghiệp.
“Có những trường hợp doanh nghiệp không có lãi nhưng vẫn là đối tượng quan tâm của đông đảo nhà đầu tư do những lợi thế tiềm ẩn của doanh nghiệp. Và trong những trường hợp này, việc được chào bán công khai sẽ tăng tính cạnh tranh để doanh nghiệp có thể có được hiệu quả cao nhất trong chào bán”, ông Kỳ chia sẻ.
Video đang HOT
VASB cũng cho rằng, có xu hướng tăng cao sự khác biệt giữa doanh nghiệp đại chúng có vốn nhà nước với doanh nghiệp đại chúng không có vốn nhà nước. Mặc dù đối tượng của dự thảo Luật Chứng khoán mới không bao gồm việc thoái vốn Nhà nước mà việc thoái vốn Nhà nước được quy định trong Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác và các Nghị định 71, Nghị định 32 hướng dẫn chi tiết.
Tuy nhiên, khi so sánh quy định tại 2 Luật này thì thấy có sự khác biệt khá lớn trong việc chào bán chứng khoán ra công chúng. Cụ thể, thoái vốn nhà nước tại công ty cổ phần thì phải đấu giá (kể cả trường hợp doanh nghiệp không có lãi), trong khi đó, điều kiện có lãi là một trong những điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng của công ty cổ phần (theo Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi).
Như vậy, đã có sự phân biệt khá lớn giữa công ty cổ phần có vốn nhà nước và công ty cổ phần không có vốn nhà nước trong khi hai loại hình công ty này trong Luật Doanh nghiệp thì đều thuộc loại hình công ty cổ phần, cần được đối xử bình đẳng tương đối.
Làm rõ một số khái niệm
Để giải quyết các vướng mắc về chào bán chứng khoán ra công chúng, VASB đề xuất, dự thảo cần đồng nhất hóa khái niệm chào bán chứng khoán với niêm yết hoặc UPCoM chứ không chỉ là quy định bắt buộc phải thực hiện sau đó. Có nghĩa, các điều kiện, trình tự, hồ sơ khi đăng ký chào bán cũng là điều kiện và hồ sơ niêm yết hoặc UPCoM cổ phiếu.
Đại diện VASB cũng kiến nghị cần quy định phân biệt việc chào bán chứng khoán ra công chúng để niêm yết và UPCoM. Trong đó, điều kiện chào bán để niêm yết sẽ theo hướng nâng cao điều kiện để nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết. Còn điều kiện UPCoM chỉ chú trọng vào các điều kiện về thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin đầy đủ, chi tiết và chính xác. Việc quy định như vậy sẽ vừa đạt mục tiêu nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, vừa đạt mục tiêu không nâng tiêu chuẩn để bỏ lọt các doanh nghiệp đại chúng cần quản lý và minh bạch thông tin. Và theo hướng này thì cũng không cần thiết phải nâng cao điều kiện công ty đại chúng.
Góp ý về vấn đề này, đại diện Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, quy định điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng nêu tại điểm d và đ Khoản 1 Điều 12 Dự thảo Luật là chưa hợp lý. Bởi lẽ, việc ước tính số lượng nhà đầu tư tham gia mua cổ phần đáp ứng trước khi lập phương án tăng vốn điều lệ là rất khó khăn và thiếu căn cứ rõ ràng. Đồng thời việc yêu cầu cổ đông lớn phải cam kết nắm giữ cổ phiếu trong thời hạn tối thiểu ít nhất 1 năm cũng là ngoài khả năng của doanh nghiệp. Do vậy, VNDirect thấy rằng không nên đưa hai nội dung này vào là điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Đại diện VNDirect cũng góp ý, các quy định về chào bán chứng khoán cần làm rõ khái niệm về lãnh thổ. Trong thời đại toàn cầu hóa, các giao dịch tài chính, chứng khoán có thể diễn ra xuyên biên giới. Ví dụ: một tổ chức phát hành ở nước ngoài có thể thực hiện chào bán chứng khoán cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà không cần hiện diện tại Việt Nam. Trong trường hợp này có rủi ro là việc chào bán chứng khoán xuyên biên giới bị lọt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.
Thuỳ Linh
Theo baohaiquan.vn
Chuyên gia đánh giá cao chất lượng nội dung dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi
Sáng 7/11, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi. Nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến nội dung dự thảo Luật đã được đưa ra và ghi nhận tại Hội thảo.
Nhiều ý kiến đóng góp đã được ghi nhận tại Hội thảo. Ảnh TL.
Thời điểm thích hợp để sửa Luật
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, Luật Chứng khoán được ban hành năm 2006 và sửa đổi năm 2011 cùng một số văn bản hướng dẫn liên quan đã góp phần đưa thị trường chứng khoán (TTCK) VIệt Nam ngày càng phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Đến năm 2018, số lượng công ty niêm yết tăng hơn 7 lần so với năm 2016, có hơn 1.537 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch, vốn hoá thị trường đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tương đương 77% GDP, so với mức 22% GDP của năm 2016.
Tuy nhiên, quá trình phát triển của nền kinh tế và hoạt động TTCK đã phát sinh nhiều bất cập trong Luật chứng khoán và nhu cầu cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với tình hình mới, tạo ra khuôn khổ pháp lý và động lực cho TTCK phát triển bền vững và an toàn.
Theo ông Hải, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Quốc hội, đưa việc sửa đổi Luật Chứng khoán trình Quốc hội lấy ý kiến vào kỳ họp đầu tiên và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 2 năm 2019.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng thông tin, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã được lấy ý kiến của các chuyên gia cũng như nhà đầu tư và có sự tham gia góp ý của đông đảo người quan tâm. Thứ trưởng kì vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực từ phía các công ty chứng khoán, doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.
Tại Hội thảo, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch UBCKNN thông tin, Luật Chứng khoán sửa đổi được xây dựng dựa vào 4 chủ trương căn bản. Thứ nhất, dự thảo Luật xây dựng dựa trên chỉ đạo của Đảng phát triển TTCK trở thành kênh đầu tư huy động vốn dài hạn của nền kinh tế. Thứ hai, dự thảo Luật được xây dựng trên tinh thần kế thừa những quy định của Luật Chứng khoán năm 2006, bổ sung những nội dung phù hợp với thực tế thị trường và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cũng sẽ đảm bảo sự thống nhất với các văn bản pháp luật do Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi hướng tới 3 mục tiêu căn bản: hoàn thiện thể chế, đáp ứng nhu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước với TTCK, bảo đảm hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính tham gia thị trường.
Nhận được sự đồng thuận cao
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư kí Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) cho rằng, nhìn chung, Dự thảo đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra nhiều điểm mới tích cực, trong đó, một số mục tiêu đã được đặt ra và giải quyết tương đối rõ nét.
Dự thảo đã bổ sung một số quy định mới nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch của TTCK. Trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến quy định về tăng một số thẩm quyền cho Thanh tra UBCKNN như thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin từ tổ chức tín dụng, doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho Thanh tra UBCKNN thực thi quyền hạn của mình trong xử lý các vi phạm trên thị trường, giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn.
Bên cạnh đó, quy định về tách Giấy phép hoạt động với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty chứng khoán cũng là một bước tiến quan trọng. Theo VASB, điều này giúp cho UBCKNN có thể thực thi các chế tài như: đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng Giấy phép, thu hồi Giấy phép... tránh được tình trạng không thể xử lý dứt điểm các thành viên thị trường vi phạm do bị vướng các quy định liên quan đến thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp, giúp thanh lọc các thành viên tham gia thị trường.
Tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, quy định về tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi cho công chúng. Ông Nguyễn Thanh Kỳ cho rằng, đây là quy định mới được kỳ vọng sẽ đem lại những thông tin có chất lượng hơn trong Báo cáo tài chính của các công ty đại chúng và niêm yết, giúp nhà đầu tư có thông tin rõ ràng, minh bạch trước khi quyết định đầu tư.
Nhận định về chất lượng nội dung của dự thảo, Công ty TNHH Chứng khoán NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cũng thống nhất cao với các nội dung sửa đổi của dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi. VCBS cho rằng, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung, làm rõ các vấn đề còn bất cập trong Luật Chứng khoán hiện hành. Đồng thời luật hóa các nội dung đã được quy định tại các văn bản dưới luật nhằm tạo hiệu lực pháp lý cao hơn; bổ sung các điều luật trên cơ sở tham khảo các TTCK phát triển trong khu vực và trên thế giới nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Thuỳ Linh
Theo baohaiquan.vn
Sửa Luật Chứng khoán: Chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp, chiến lược mới được chào bán riêng lẻ Tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi mới được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến, quy định điều kiện chào bán riêng lẻ đã được ban soạn thảo sửa theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh việc các công ty lạm dụng chào bán riêng lẻ thay vì chào bán ra công chúng. Dự...