Sữa học đường: Ai hưởng lợi?
Lãnh đạo Sở GD &ĐT Hà Nội khẳng định, sữa học đường được bổ sung các vi lượng và khoáng chất cần thiết để bảo đảm việc phát triển chiều cao và trí tuệ của học sinh.
Ai hưởng lợi?
Chương trình sữa học đường với vốn đầu tư nghìn tỷ từ ngân sách là chủ đề nóng thu hút truyền thông và sự quan tâm trên các diễn đàn mạng xã hội những ngày qua.
Trước đó, ngày 8/7/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học.
Sữa học đường: Ai hưởng lợi?
HĐND thành phố Hà Nội cũng đã thông qua nghị quyết từ ngày 5/7/2018 nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Theo đó, trẻ sẽ uống sữa tươi tiệt trùng, có hoặc không đường, được Hà Nội đặt hàng làm riêng. Sữa bổ sung một số vi lượng, khoáng chất, không bán trên thị trường và có tem mác riêng. Đơn vị xây dựng tiêu chuẩn vi chất để bổ sung vào sữa cho học sinh Hà Nội là Viện Dinh dưỡng quốc gia.
Tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 890 tỷ đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng.
Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%.
Chương trình đấu thầu nhà cung cấp sữa học đường dự kiến ngày 1/10 sẽ được hoãn đến ngày 10/10 vì bổ sung tiêu chí hồ sơ mời thầu.
Lý do là vì ngày 21/9/2018, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mới nhận được công văn số 4801/ATTP-KN của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường.
Video đang HOT
Cục An toàn thực phẩm gửi kèm theo công văn số hiệu 437/DDHĐ&NN của Viện Dinh dưỡng ngày 17/9/2018 khuyến nghị bổ sung 3 vi chất.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đến nay đã có 11 đơn vị đăng ký tham gia đấu thầu dự án Sữa học đường của Hà Nội. Để tạo điều kiện cho đông đảo nhà thầu tham gia, sở sẽ kéo dài thời hạn đấu thầu dự án Sữa học đường đến ngày 10/10, thay vì 1/10 như công bố trước đó.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Nhiều phụ huynh học sinh và giáo viên rất đồng tình với chương trình sữa học đường tại Hà Nội khi học sinh được tài trợ ít nhất 50% giá sữa. Tuy nhiên, xung quanh chất lượng, giá thành và quy trình triển khai cho học sinh uống sữa vẫn còn nhiều lo ngại.
Nhiều phụ huynh chia sẻ, khi cầm tờ phiếu đăng ký từ con, cha mẹ dù có băn khoăn thì vẫn xác định cuối cùng là đồng ý. Chẳng lẽ trong lớp phần lớn các bạn uống sữa con mình lại không, nên cần đồng thuận, dù cũng chưa biết các con uống loại sữa gì?
Một phụ huynh ở Long Biên biết thêm, chị gặp cô chủ nhiệm, chị có hỏi các con được uống loại sữa gì thì cô giáo nói chưa biết. Vì vậy, chị dặn con, khi nào được phát sữa thì chưa uống ngay mà mang về để gia đình xem đó là loại sữa gì, hạn sử dụng ra sao… rồi từ đó mới sử dụng. “Tuy nhiên, nếu chất lượng sữa tốt, trong khi áp dụng chương trình này các cháu được trợ giá một nửa tiền sữa thì rất nên tham gia”- phụ huynh này nói
Trao đổi với Tiền Phong, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội) lo lắng: Nhà trường rất khó kiểm tra chất lượng nguồn sữa và chưa biết công ty nào cung cấp. Cô Oanh cũng tỏ ra lo lắng về khâu bảo quản sữa tại trường.
Cũng theo cô giáo Oanh, Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo rằng nhà trường có thể yên tâm về chất lượng sữa, các lô sữa đưa vào trường học đều có nhãn mác, có số lô của nhà sản xuất.
Chuyên gia lên tiếng
Các chuyên gia kinh tế trong đó có PGS TS Ngô Trí Long cho rằng, sữa học đường là chương trình tốt nhưng việc thực hiện cần thận trọng. Do có một nguồn tiền lớn từ ngân sách sẽ được dùng để hỗ trợ chương trình vì thế việc sử dụng nguồn vốn này thế nào và đối tượng nào được hưởng lợi là vấn đề cần làm rõ.
“Với chương trình này, nhất thiết phải cho đấu thầu công khai giữa các nhà cung cấp. Thực tế ở các nước, đấu thầu là hình thức cạnh tranh và mang lại hiệu quả cao nhất. Với chương trình lớn như sữa học đường, sẽ có nhiều nhà cung cấp muốn lobby, móc nối với đơn vị đứng ra tổ chức chương trình để giành được hợp đồng. Để hạn chế các tiêu cực có thể xảy ra với chương trình sữa học đường, mất lòng tin của hàng triệu gia đình, việc đấu thầu phải thực hiện công khai, đúng trình tự của các quy định pháp luật”, ông Long đề xuất.
Cũng theo ông Long, để tránh việc đấu thầu hình thức, tránh tình trạng nhà cung cấp sữa “luồn cửa sau” hay “bắt tay dưới gầm bàn” với đơn vị tổ chức chương trình, toàn bộ quy trình đấu thầu hoàn toàn phải thực hiện công khai, và có sự giám sát của các cơ quan chức năng và báo chí trong tất cả các khâu. Còn nếu không sẽ là một chương trình để lại nhiều điều tiếng.
Theo doanhnghiepvn.vn
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội: Trường học không được "tự quyết" chọn sữa học đường
"Không thể giao quyền cho các trường tự chọn sữa học đường vì không thể đủ năng lực. Đồng thời, chương trình cần có tính thống nhất trên địa bàn toàn thành phố", ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay.
"Trẻ thành phố béo phì nhưng thiếu chất"
PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, sữa là một trong 8 nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, có mặt trên tất cả tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa quan trọng và dễ tiếp thu của giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.
Chẳng hạn, bữa ăn học đường được Nhật Bản thực hiện từ năm 1954, trong đó yêu cầu mỗi bữa trưa trẻ mầm non, tiểu học phải được uống 200ml. Sau 40 năm áp dụng, người Nhật đã tăng chiều cao thêm 10cm, tuổi thọ ở mức cao nhất thế giới.
Tại Thái Lan, chỉ số này là 170,3cm với nam và 159cm với nữ, ở Mỹ là 175,9cm với nam và 162,1cm với nữ, ở Trung Quốc là 172,1cm với nam và 160,1cm với nữ. Trong khi đó, ở Việt Nam chiều cao trung bình của nam mới đạt 163,9cm và 153,7cm với nữ, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Đặc biệt, khẩu phần canxi của người Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu khuyến nghị về canxi. Tỷ số canxi/phospho của khẩu ăn hiện thấp làm giảm khả năng hấp thu và chuyển hóa canxi trong xương, gây ra tình trạng thấp còi.
Trong khi đó, một ly sữa dạng lọc 100ml chưa 100mg hàm lượng canxi. Vì vậy, việc uống sữa là một trong những cách để hấp thụ canxi, giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ.
Tại buổi giao ban Thành ủy Hà Nội chiều 25/9, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, các trường không đủ năng lực để tự thực hiện sữa học đường. (Ảnh: Đ.T)
Bà Nhung cho hay, hiện nay, trẻ em thành phố có tỉ lệ béo phì tăng cao nhưng vẫn thiếu chất. Chương trình sữa học đường không tăng thêm năng lượng, khiến học sinh bị béo phì mà sẽ bổ sung các vi chất để tăng chiều cao, bổ sung chất đúng như kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
"Khi thấy con béo phì, nhiều phụ huynh cắt sữa. Tuy nhiên, thực tế, các thực phẩm như bánh bao, bánh giò, xôi đều có lượng kalo nhiều hơn sữa. Trẻ béo phì không phải do sữa mà bởi nếp sống chuộng đồ ăn nhanh. Một hộp sữa trong bữa phụ sẽ tốt hơn chiếc bánh quy, bánh giò hay bánh rán.
Việc dậy thì sớm của trẻ liên quan hormone tồn dư trong rau, thịt gà, thịt lợn của bữa ăn hàng ngày. Hiện chưa có bài báo quốc tế nào đăng thông tin về mối liên hệ giữa sữa và dậy thì sớm. Trẻ thừa cân béo phì vẫn cần canxi và thừa cân béo phì không phải do sữa mà là do chế độ ăn uống", bà Nhung nói.
Các trường không được tự chủ
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc, hiện tại, đơn vị thực hiện đã tiến hành khảo sát năng lực triển khai chương trình sữa học đường của các trường trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là trường công lập, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, các trường tùy theo năng lực để có thể lưu trữ. Các trường lớn có thể lưu trữ sữa trong ngày và theo tuần với các trường nhỏ.
Đơn vị này cũng cho hay, đây là chủ trương đã được HĐND TP thông qua, nếu tỷ lệ phụ huynh đăng ký chỉ khoảng 50%, đề án vẫn được triển khai.
Theo đó, Bộ Y tế đặt hàng riêng sữa học đường với các công ty, chứ không phải sữa chọn ngẫu nhiên. Chương trình thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, vì sức khoẻ của học sinh, đảm bảo mọi thứ tốt nhất về chất lượng, giá cả... Sữa học đường có thành phần cung cấp trên vỏ, có tem nhãn mác riêng để phụ huynh kiểm tra.
Hiện nay, trẻ em thành phố có tỉ lệ béo phì tăng cao nhưng vẫn thiếu chất. (Ảnh minh họa)
Về tiêu chuẩn sữa, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay: "Ngành giáo dục sẽ làm việc với Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Trong đó, Viện Dinh dưỡng quyết định sẽ có thành phần nào. Sở Y tế chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở GD&ĐT quản lý việc thực hiện của các trường thông qua hệ thống".
Trước câu hỏi về việc có nên giao quyền tự chủ cho các trường học quyết định loại sữa học đường, ông Tiến cho rằng, không thể giao quyền cho các trường được vì không thể đủ năng lực cũng như chương trình cần có tính thống nhất trên địa bàn toàn thành phố.
Theo Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Hà Nội đã chủ động vào cuộc để triển khai một Đề án nhằm nâng cao tầm vóc, trí tuệ của học sinh mẫu giáo, tiểu học, đảm bảo cho các em có sức khỏe tốt để tham gia các hoạt động học tập, rèn luyện.
Chương trình được triển khai hoàn toàn tự nguyện nên cần tuyên truyền để các nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh hiểu rõ, từ đó tham gia chương trình theo đúng tinh thần của Đề án.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Minh bạch sữa học đường Một kết quả khảo sát được công bố gần đây của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc) và Liên đoàn sữa quốc tế IDF cho thấy có 140 triệu trẻ em trên toàn thế giới đang được hưởng lợi từ chương trình sữa học đường. Trong đó có 58% các chương trình hiện có trẻ em được cung...