Sự thật về mỹ phẩm tế bào gốc
Một công nghệ hiện đại còn đang trong giai đoạn nghiên cứu gây nhiều tranh cãi với thuật ngữ là “ mỹ phẩm tế bào gốc” …
Làm đẹp là nhu cầu tất yếu của phụ nữ. Ăn theo thực tế này, một công nghệ hiện đại còn đang trong giai đoạn nghiên cứu gây nhiều tranh cãi với thuật ngữ là “mỹ phẩm tế bào gốc” đang được quảng cáo tràn lan tại Việt Nam. Nhiều chị em đua nhau đi làm đẹp bằng mỹ phẩm tế bào gốc, có người khen hiệu quả, có người than tốn kém cả trăm triệu đồng mà vẫn chưa thấy đẹp đâu. Vậy, đâu là sự thật và có hay không những nguy cơ tiềm ẩn đằng sau phương pháp làm đẹp tốn kém này?
Đoàn thanh tra đột xuất kiểm tra các sản phẩm tại một số cơ sở quảng bá dịch vụ làm đẹp bằng tế bào gốc.
Ma trận “mỹ phẩm tế bào gốc”
Phong trào làm đẹp với mỹ phẩm tế bào gốc đang được nhiều chị em mê mẩn và chia sẻ hào hứng trên mạng. Nhiều người buôn bán mỹ phẩm online đã quảng cáo với nhiều “mỹ từ” khi miêu tả về mặt hàng mỹ phẩm tế bào gốc của mình: Nào là chăm sóc da, nuôi dưỡng da, chống lão hóa, hết nám, xóa nhăn, tăng sức đề kháng, không độc hại, được sản xuất tại nước ngoài, bảo đảm về nguồn gốc xuất xứ, những loại mỹ phẩm được cho là có chiết xuất từ “tế bào gốc” đang làm hoa mắt người tiêu dùng với giá cả không hề rẻ. Trung bình giá một lần làm đẹp bằng tế bào gốc từ 800 ngàn đến 9 triệu đồng, có nơi là 21 triệu đồng mỗi đợt trị liệu kéo dài trong khoảng 10 lần. Dịch vụ làm đẹp từ tế bào gốc “sống” còn có giá đến trên 105 triệu đồng/lượt và một nhân viên thẩm mỹ viện tư vấn: “Chỉ cần trị liệu một lần trong hai tiếng rưỡi thì có thể trẻ lại 5 – 10 tuổi, da sẽ trắng, xóa được cả sẹo lõm và tái tạo da tươi mới như da em bé”. Để trực tiếp trải nghiệm, trong vai những người đi tìm mua mỹ phẩm “tế bào gốc”, giữa một “rừng” sản phẩm được quảng cáo “trên trời”, chúng tôi (PV) liên hệ được với một người tự nhận là đang phân phối mỹ phẩm tế bào gốc có tên Baby Body Lotion tại Hà Nội. Theo người này, sản phẩm được sản xuất 100% tại Hàn Quốc, không tẩy da hay dùng hóa chất độc hại và đặc biệt dùng công nghệ tế bào gốc (Stem Cells) để dưỡng trắng da chỉ sau 14 ngày.Thế nhưng, dù được quảng cáo rầm rộ với những lời “có cánh”, thì chỉ cần bằng mắt thường cũng không khó để nhận ra trên bao bì sản phẩm này không hề có tem mác chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận. Tại một nơi khác lại giới thệu họ có ít nhất 3 dòng sản phẩm ứng dụng công nghệ tế bào gốc, trong đó có tế bào gốc nhân sâm hoang dã, tế bào gốc chiết xuất từ cây tùng… giá từ 5 triệu đến 11 triệu đồng/bộ. Nhưng điều đáng nói là trong cả xấp tài liệu quảng cáo hàng loạt các sản phẩm của công ty này hoàn toàn không có bất cứ một công thức sinh hóa nào để người dùng có thể kiểm chứng được hàm lượng và chất lượng của nó. Tiếp tục đi tìm một số sản phẩm khác cũng được quảng cáo được chiết xuất theo công nghệ “tế bào gốc”, PV cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu khi yêu cầu người bán cung cấp các giấy tờ liên quan để chứng minh tính hợp pháp của sản phẩm. Theo các chuyên gia y tế, trong một “rừng sản phẩm” mang tên “mỹ phẩm tế bào gốc” hiện nay, có đến 99% là lừa đảo. Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế khẳng định, các thành phần có nguồn gốc từ con người (bao gồm cả tế bào gốc) không được phép sử dụng trong mỹ phẩm và ứng dụng làm đẹp. Rõ ràng, trên thực tế hiện nay, thị trường các sản phẩm làm đẹp da gắn liền với 3 từ “tế bào gốc” khá phức tạp khi xuất hiện tràn lan và nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ, thật giả lẫn lộn, nhưng chất lượng thì “hên xui” và đôi khi cụm từ “tế bào gốc” tân thời đang làm hoa mắt người tiêu dùng. Trên thực tế, việc làm đẹp từ tế bào gốc hiện tại vẫn đang vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều, chưa nói đến rủi ro của việc làm đẹp từ tế bào gốc có nguy cơ lây lan những bệnh truyền nhiễm rất cao.
Các chuyên gia nói gì?
Theo các chuyên gia tế bào gốc Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia) và ý kiến của một số bác sĩ chuyên ngành thì cho đến nay Việt Nam chưa hề được tiếp cận với những công bố về mặt khoa học thực sự của các phòng nghiên cứu chính thống trên thế giới đối với những dạng mỹ phẩm liên quan đến “tế bào gốc”. Ngay cả trong điều trị bệnh, việc sử dụng công nghệ tế bào gốc cũng khá ngặt nghèo, dè dặt vì tế bào gốc bên cạnh những ưu việt nổi trội cũng có phản ứng ở khía cạnh nào đó khá giống với tế bào ung thư nên không thể khống chế được hoàn toàn. Việc sử dụng sản phẩm tế bào gốc tại Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn nghiên cứu, chỉ mới có một số BV lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương,… được phép áp dụng trong điều trị bệnh lý chứ không áp dụng trong thẩm mỹ. Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cũng cho biết, không cấp phép lưu hành cho bất cứ mỹ phẩm tế bào gốc nào do quy định tất cả các thành phần, sản phẩm có nguồn gốc từ những hệ, cơ quan của con người không được phép sử dụng trong mỹ phẩm. Hiện tại vẫn còn nhiều tranh cãi và những ứng dụng của tế bào gốc vẫn trong vòng thí nghiệm chứ chưa có một quy trình rõ ràng trong điều trị thật sự cho bệnh nhân. Ngay cả trên thế giới, tế bào gốc và những chất có nguồn gốc tế bào gốc thậm chí còn bị cấm dùng trong các sản phẩm mỹ phẩm tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Kích thước của tế bào gốc khoảng 15 – 20 micromet nên chúng không thể thâm nhập qua da. Hơn nữa, nguồn tế bào gốc (nếu có) trong mỹ phẩm hoàn toàn khác với cấu trúc tế bào của người sử dụng, do vậy sẽ xảy ra phản ứng đào thải tế bào lạ và gây ra phản ứng viêm hoặc dị ứng cho người sử dụng.
Với sự tiến bộ của y học hiện đại, ngày nay có rất nhiều phương pháp làm đẹp cho chị em phụ nữ lựa chọn. Tuy nhiên, việc tìm hiểu và sử dụng phương pháp nào để làm đẹp hoặc để điều trị thì chị em cần phải có hiểu biết rõ ràng nếu không sẽ rất dễ bị mắc mưu những kẻ cơ hội “lập lờ đánh lận con đen”, thậm chí trở thành “chuột bạch” cho những người xấu trục lợi. Đa phần hiện nay, lợi dụng thói quen tiêu dùng “truyền khẩu” của người Việt mà phần lớn khách hàng thường bị lừa đảo một cách “ngoạn mục” trước những sản phẩm và công nghệ được gắn thêm một thuật ngữ rất chuyên môn và rất hiện đại là: “tế bào gốc”!!!
Theo Phụ Nữ Today