Sự thật về kho báu khổng lồ của dòng họ Mạc ở Hà Tiên
Cách đây khoảng 3 thế kỷ, miền đất biên viễn Hà Tiên nay là TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) nằm dưới quyền cai quản của dòng họ Mạc – dòng họ nổi tiếng về sự giàu có.
Sau khi dòng họ này lụi tàn, trong dân gian xuất hiện một bài “sấm truyền” ám chỉ rằng, có một khối tài sản khổng lồ được giấu trong lòng núi. Để tìm được nó, hậu thế phải làm theo chỉ dẫn, phải biết được quy luật phong thủy, địa lý, thổ nhưỡng. Cho rằng đây chính là khối tài sản cất giấu của dòng họ Mạc giàu có năm nào, những tay săn lùng kho báu đã tìm đến đào bới. Thực hư của kho báu ẩn trong bài “sấm truyền” này như thế nào?
Bài “sấm truyền” chỉ dẫn kho báu?
Ông Trương Minh Đạt (nhà nghiên cứu Nam Bộ nổi tiếng) cho biết: Cách đây khoảng 3 thế kỷ, dòng họ Mạc được triều đình nhà Nguyễn cho phép lập xứ cai quản vùng Tây Nam. Người đầu tiên gây dựng nên dòng họ nổi tiếng này chính là Mạc Cửu (1655 – 1735). Con trai ông – Mạc Thiên Tích (1718- 1780) vốn là danh thần của nhà Nguyễn. Sau khi đứng chân ở vùng đất mới, dòng họ Mạc không ngừng lớn mạnh. Từ đó, Hà Tiên cũng trở thành cảng biển nhộn nhịp”. Theo các tư liệu lịch sử, họ Mạc ở Hà Tiên chủ trương mở rộng giao thương với một số nước Bắc Á và những nước Đông Nam Á. Họ có đội tàu buôn hùng hậu, tàu buôn các nước Đông – Tây khi qua đây đều ghé qua. Dòng họ Mạc được xác lập như một triều đình thu nhỏ, được nhà Nguyễn cho phép lập quân đội, cho in ấn tiền và xây phủ giống như kinh thành ở trung tâm Hà Tiên. Dòng họ này trở nên giàu có và đóng góp to lớn vào công cuộc bảo vệ bờ cõi phía Nam nước ta. Thời cực thịnh, dòng họ này còn chế ngự được cả vua Cao Miên.
Video đang HOT
Ông Trương Minh Đạt chỉ nơi viên quan Pháp bị sét đánh sau khi đào bới mộ tìm kho báu.
Họ Mạc nổi tiếng về sự giàu có. Đến nay, dân gian vẫn lưu truyền giai thoại về khối tài sản khổng lồ dòng họ này truyền cho hậu thế. Để giữ bí mật, tiền nhân của họ Mạc đã viết ra một bài thơ mà chỉ con cháu trong họ mới hiểu được ẩn ý bên trong. Hậu thế chỉ cần dựa theo những nội dung hàm chứa chỉ dẫn là tìm ra kho báu?! Đoạn thơ được xem là bài “sấm truyền” ấy cụ thể như sau:”Trời Tây bóng ngả chênh chênh/ Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng/ Vàng trong hang đá/ Vàng chói sáng lòa/ Vọng lên lầu các nguy nga/ Ao sen nở trắng trước tòa khói hương”.
Dựa vào bài thơ này, người ta cho rằng kho báu được cất giấu tại núi Bình San. Đây vốn là thủ phủ của “vương quốc” họ Mạc xưa và hiện tại vẫn còn tồn tại một hệ thống lăng mộ tương đối lớn của dòng họ này. Bài “sấm truyền” sau khi dịch ra có ẩn ý rằng: Vào lúc xế chiều, mặt trời chiếu từ hướng Tây. Thời điểm đó, bóng sẽ rọi đến nơi chứa kho báu. Trong câu “soi vào hang đá long lanh ngọc vàng”, từ “hang đá” ám chỉ khu mộ táng của họ Mạc hiện nay, trong đó có hang, chính là nơi đặt kho báu. Các từ “nguy nga”, “lầu các” (kinh đô), “sen nở” (ao sen trước khu lăng mộ hiện nay) đều ám chỉ kho báu nằm ở khu lăng mộ.
Tuy nhiên, sau đoạn thơ chỉ dẫn lại có đoạn cảnh báo: “Bờ tre xanh xanh/ Hái lá nấu canh/ Canh ăn hết canh/ Vị cay thanh thanh”. Câu này được giải nghĩa là: “Bờ tre xanh xanh” là bờ tre quanh núi Bình San trước đây, nơi có khu lăng mộ của họ Mạc bị phá hủy. “Vị cay” nghĩa là tân, ứng với Tết, đó là Tết Thanh Minh năm Tân Hợi (1911), kho báu bị phát hiện. Như vậy, đại ý của đoạn thơ này cảnh báo, nếu con cháu không tìm ra kho báu thì vào năm 1911 sẽ có người đến lấy. Thực tế, lịch sử từng ghi nhận vào năm Tân Hợi (1911), một khu mộ trong dòng họ Mạc đã bị một viên quan Pháp cho lính đến đào bới. Điều này càng tăng thêm độ tin cậy, người ta tin rằng, không chỉ có tính chất chỉ dẫn, đoạn thơ “sấm truyền” còn có thể dự báo cho hậu thế sẽ có một ngày khu mộ bị phá.
Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt cho biết, theo những tư liệu của họ Mạc ghi lại từ lời kể của cụ Thiềm Văn Tường, con rể ông Mạc Tử Khâm (mất tháng 7 năm 1988) thì: Đầu thế kỷ 20, Việt Nam dưới quyền cai trị của chế độ thực dân Pháp. Đứng đầu tỉnh Hà Tiên là viên Chánh Tham Biện Roux Serret. Sau khi nghiên cứu kỹ về họ Mạc ở Hà Tiên, ông ta cho rằng có kho báu cất giấu trong khu lăng mộ dòng họ này. Viên quan này sau lấy cớ đắp đường, xây lộ trong tỉnh lỵ Hà Tiên để lấy đất, phá núi (núi Bình San ngày nay) lấy đá làm đường. Mục đích cuối cùng của ông ta chính là cho quân khai quật những ngôi mộ trong lăng họ Mạc tại núi Bình San để tìm kho báu.
Khu mộ dòng họ Mạc tại núi Bình San ngày nay.
Bài “sấm truyền” là thơ của một nữ sĩ
Theo tư liệu ghi lại, những ngày đào đất đá ở núi Bình San, khi đào đến lăng mộ của bà Hiếu Túc Thái Phu Nhân (vợ cả Mạc Thiên Tích), viên quan Pháp phải huy động nhiều đoàn tù khổ sai làm cật lực trong 10 ngày ròng rã mới phá được nắp quan tài. Nhưng không như hắn nghĩ, số “kho báu” mà tên tham quan này có được cũng chỉ là một vài cái trâm cài đầu, vòng trang sức đeo tai, cổ của nhà Phật… Tất cả đều rất ít giá trị. Trong thời gian này, viên quan Pháp thường xuyên cưỡi ngựa đến trông coi công trường để kiểm tra việc đào bới khu lăng mộ.
Vào một đêm mưa gió, khi hắn đang đứng dưới gốc phi lao cạnh khu lăng mộ họ Mạc trú mưa thì bất ngờ giông gió nổi lên. Một tia sét đáng thẳng vào cây phi lao đại thụ khiến một cành lớn đổ ập xuống, rơi trúng ngay chỗ đứng của viên quan pháp, đập gãy cổng tam quan đi vào khu mộ. Con ngựa hoảng quá tháo chạy, viên quan này ngã ngựa suýt chết. Sau khi khỏe lại, cho rằng việc đào mộ tìm kho báu đã bị báo oán, hắn tức tốc cho quân đem tất cả những gì tìm được ở mộ bà Hiếu Túc Thái Phu Nhân trả lại cho con cháu họ Mạc. Rồi hắn ra lệnh di chuyển mộ bà về khuôn viên khu mộ dòng Mạc (khu mộ họ Mạc hiện nay – PV).
Để làm rõ thực hư câu chuyện trên, chúng tôi tiếp tục tham vấn ý kiến của nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt. Ông được xem là nhà Hà Tiên học, từng là Phó ban quản lý di tích lịch sử núi Bình San nên khá am hiểu những gì thuộc về dòng họ này. Tuy nhiên, khi đưa ra vấn đề kho báu, ông Đạt bất ngờ như lần đầu tiên nghe đến. Ông cho rằng, tất cả chỉ là sự hiểu nhầm của lịch sử. Để dẫn chứng, ông lấy ra trên kệ một cuốn sách ố màu, nhìn trang bìa thì đây là một tác phẩm văn học mang tên “Nàng ái Cơ trong chậu úp” của tác giả Mộng Tuyết, vợ danh thi Đông Hồ. Đây là tác phẩm bà viết theo thể loại Ngoại ký sự tiểu thuyết. Lật từng trang cho chúng tôi xem, ông Đạt chỉ ra rằng, thực ra bài “sấm truyền” chương X mang tên “Tiểu Thư Mạc Minh cô”. Ông Đạt khẳng định: “Nội dung hai đoạn thơ đó do bà nhà thơ Mộng Tuyết hư cấu mà ra, hoàn toàn không liên quan gì đến kho báu”.
Để thuyết phục hơn, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà lưu niệm Đông Hồ, nơi nữ sĩ Mộng Tuyết an dưỡng tuổi già, nay được bà Lâm Thị Hoa (cháu nhà thơ Đông Hồ) trông giữ. Bà Hoa cho biết, tác phẩm này do bà Mộng Tuyết viết tại Sài Gòn (cũ) vào khoảng 1959-1960, chứ không phải viết ở Hà Tiên, do NXB Bốn Phương, Viện văn nghệ phát hành năm 1960. Do đó, chuyện kho báu chỉ là sự nhầm lẫn đáng tiếc. Sinh thời, nữ sỹ Mộng Tuyết không biết gì về kho báu của dòng họ Mạc nên khi tác phẩm ra đời, gây ra sự hiểu nhầm, vợ chồng bà đã phải đính chính nhiều lần. Như vậy, lời “sấm truyền” chỉ dẫn kho báu thực chất là bài thơ của một nữ sĩ, cũng không hề liên quan gì đến cuộc khai quật lăng mộ của viên quan Pháp vào tháng 3/1911. Cho đến nay, thực hư dưới lòng đất ở khu mộ dòng họ Mạc tại núi Bình San có chứa kho báu hay không thì xem ra chỉ có người xưa mới tỏ.
Theo Kỳ Anh (Gia đình & Xã hội)