Sự sáng tạo thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh của người thầy
Bằng sự tâm huyết trong công tác giảng dạy; luôn muốn khích lệ, đánh thức khả năng tiềm ẩn của học trò nhằm mang đến những tiết học đầy cảm hứng, nhiều thầy cô đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo để cả thầy- trò cùng cảm nhận được niềm hạnh phúc bởi những giá trị mình nhận được sau mỗi giờ học.
Người thầy truyền cảm hứng tích cực
Mỗi giờ vào lớp, cô- trò cùng nhau tìm hiểu nội dung môn học nhưng lại lĩnh hội được đa dạng vấn đề với nguồn năng lượng dồi dào cùng niềm cảm hứng hăng say, tích cực…; đó là tâm trạng nhiều giáo viên- học sinh có được qua những tiết học sáng tạo. Và điều lý thú này được khởi nguồn từ chính những thầy cô đứng lớp.
Đã từ lâu, tiết Tin học tại trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) luôn được học sinh các khối mong đợi bởi sự “biến hình” của cô giáo Nguyễn Thị May. “Nay cô sẽ dạy gì, chúng ta sẽ thực hành bằng cách nào?…”- là những câu học trò THPT Yên Hòa thường trao đổi với nhau mỗi ngày hay vào đầu tiết học.
Học sinh trường THPT Yên Hòa trong một giờ báo cáo dự án Tin học của cô giáo Nguyễn Thị May (ảnh chụp trước ngày 4/5/2021)
Là một giáo viên Tin học đầy trách nhiệm và yêu nghề, cô giáo Nguyễn Thị May không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng nhiều phương pháp cải tiến giúp bài giảng sinh động, hấp dẫn, hiệu quả. Vừa giảng dạy, cô vừa sống và trải nghiệm cùng học sinh trong lớp, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em, từ đó tìm ra cách thức khơi gợi tinh thần, nâng cao kết quả học tập của lớp.
“Tôi quan niệm dạy học không chỉ là dạy chữ mà còn là một quá trình giáo dục lâu dài; vì vậy trong nhiều bài giảng Tin học, tôi đã lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước hay nâng cao ý thức xã hội của các em thông qua phương pháp phản biện, thiết kế album ảnh, cẩm nang du lịch, sổ tay danh ngôn, poster, inforgraphic, mini game phục vụ học tập, các câu chuyện hoạt hình…. Bên cạnh đó, tôi cũng truyền cảm hứng tích cực đến học sinh thông qua việc lồng ghép những thông điệp nhân văn như “gửi lời yêu thương”, “sống tích cực giữa mùa dịch”, “thấu hiểu yêu thương”…, giúp các em biết trân trọng và tận dụng những cơ hội mình đang có, nhất là những điều kiện tốt khi học tập online.”- cô May chia sẻ.
Trong quá trình dạy Tin học, cô May nhận ra một thực tế đáng buồn đang tồn tại là học sinh ứng dụng công nghệ nhiều nhưng kỹ năng sử dụng lại chưa tốt; biết cách chơi game giỏi nhưng lại yếu về kỹ năng tìm kiếm thông tin; giỏi lướt facebook, làm tiktok nhưng lại không có khả năng soạn thảo một văn bản hành chính đúng quy cách; giỏi bảo vệ “cả giang sơn” trên game nhưng lại không có khả năng bảo vệ mình khỏi các cám dỗ của thế giới ảo…. Từ đó, cô May đã chú trọng vào việc truyền dạy để học sinh không chỉ biết kiến thức mà còn biết vận dụng kiến thức đó vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, tạo được các sản phẩm có tính ứng dụng cao. Những sáng tạo, nỗ lực của cô đã khích lệ học trò rất nhiều, giúp các em trưởng thành hơn về kiến thức và về cả nhận thức xã hội.
Người thầy sáng tạo
Luôn xác định trọng trách của người thầy trong giai đoạn hiện nay là đổi mới, sáng tạo nên bằng đam mê và sự tâm huyết của mình, cô Phạm Thị Thu Hường – giáo viên dạy Sinh học trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa đã có nhiều sáng kiến để nâng cao hiệu quả giảng dạy; một trong số đó là thay đổi không gian lớp học, đưa nghệ thuật vào bài giảng. Học trò hay hỏi cô Hường: “Cô ơi, hôm nay mình đi đâu thế?”. Vẫn không gian lớp ấy, vẫn từng ấy học trò nhưng mỗi ngày lớp học của cô Hường lại biến thành sân chơi, phòng tập thể dục, sân khấu, đấu trường gameshow để được thỏa thích trải nghiệm. Cô và trò học về phép lai, quang hợp, về hô hấp, tuần hoàn… mà được nghe hát cải lương, bolero, chèo, Rap, dân ca quan họ Bắc Ninh… Học trò của cô Hường đã làm được những điều tuyệt vời ấy, biến kiến thức khô cứng thành bài hát, vở kịch, màn ảo thuật…; đó là cả quá trình nỗ lực, thử nghiệm từ hai phía. Học sinh tự nghiên cứu, báo cáo nội dung bài học bằng một đoạn nhạc với các hình thức thể hiện khác nhau; cả cô, trò cùng được khám phá, vui vẻ; cô còn biết về nhiều hơn nguồn năng lượng tiềm ẩn, điểm mạnh của học trò. “Quy luật hoạt động của bộ não là khi cảm xúc càng thăng hoa thì trí nhớ càng khắc sâu. Bằng việc lồng ghép nghệ thuật vào môn Sinh, giờ học của tôi luôn vui vẻ, vừa căng thẳng kịch tính, vừa hồi hộp, vừa xúc động, … Học sinh học tập qua gameshow, bài hát thì sẽ nhớ nhanh, nhớ lâu và không buồn ngủ, do đó giờ học sẽ đạt được hiệu quả cao”- cô Hường cho biết.
Sự sáng tạo của người thầy mang đến nhiều giá trị cho học trò (Ảnh: Phạm Hùng)
Còn cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên Địa lý trường THCS Lương Thế Vinh, huyện Đan Phượng đã khéo léo lồng ghép, áp dụng khoa học tiềm thức vào dạy học môn Địa lý; hay cô và trò cùng tìm hiểu kiến thức môn Địa lý qua các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để phát huy tiềm năng của học trò; nhờ đó các tiết học của cô Dung luôn hấp dẫn, sinh động, có sức lôi cuốn học sinh.
Nhận xét về sự sáng tạo của các thầy cô giáo trong công tác giảng dạy, nhất là dạy trực tuyến, TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam bày tỏ sự hoan nghênh, khen ngợi với những giáo viên luôn có năng lượng tích cực, sáng tạo yêu nghề. “Trong khoa học giáo dục, việc đưa các phương pháp, hình thức khác nhau vào môn học giúp nội dung môn học được truyền tải đến học sinh phong phú, tươi vui, hấp dẫn. Với học sinh khi học trực tuyến, nếu truyền thụ kiến thức một chiều sẽ rất nhàm chán, nội dung bài giảng chẳng đến được với các em. Nhưng khi người thầy miệt mài, có sáng kiến thay đổi cách cung cấp thông tin, các hoạt động, giờ dạy được thêm nhạc, họa, hình ảnh, video…, điều này giúp thay đổi tâm lý tiếp nhận của học sinh, các em sẽ tiếp thu bài tốt hơn. Sáng tạo trong giáo dục là một đòi hỏi cấp thiết, luôn cần sự tâm huyết, trách nhiệm và bản lĩnh của chính người thầy…”.
Học sinh Hà Nội nhiều âu lo trong ngày đầu trở lại trường
Hàng chục ngàn học sinh lớp 12 ở Hà Nội đã đến trường vào sáng nay. Lứa học sinh 3 năm liên tiếp chịu ảnh hưởng của Covid-19 sẽ còn nhiều áp lực trước mùa thi tốt nghiệp tới.
Sau thông báo vào giờ chót của Sở GD-ĐT Hà Nội chiều qua, sáng nay, khoảng 50% học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố Hà Nội quay trở lại trường học trực tiếp. Những học sinh này sẽ học ở trường thứ 2, 4, 6 và học trực tuyến vào các ngày thứ 3,5,7.
50% còn lại sẽ học theo thời khóa biểu ngược lại.
Đo nhiệt độ cho học sinh ở Trường THPT Kim Liên. Ảnh: Lê Anh Dũng
Cảm xúc của em như ngày đầu đi học
7h15 sáng, Phạm Linh Giang, học sinh lớp 12, Trường THPT Yên Hoà có mặt ở trường. Giang nói, em cảm thấy bỡ ngỡ và lạ lẫm vì rất lâu chưa được gặp các bạn và thầy cô.
"Cảm xúc của em giống như thể ngày đầu tiên đi học", Giang nói.
Học sinh Trường THPT Yên Hòa đến trường. Ảnh: Thúy Nga
Dù mừng vui nhưng Giang cho biết, em cũng cảm thấy lo lắng vì tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến khá phức tạp.
"Ban đầu, bố mẹ không đồng ý cho em đi học vì lo sợ có thể lây chéo ngay trong lớp. Nhưng hiện tại em cũng đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, do đó em vẫn mong được tới trường học trực tiếp".
Để đảm bảo an toàn cho bản thân, Giang mang theo 2 chiếc khẩu trang, chai nước riêng và dung dịch rửa tay khô.
Em Phan Lê Hà Nhi (học sinh lớp 12 chuyên tiếng Trung, của Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam) cho hay, dù đến trường nhưng thật sự em vẫn khá lo lắng, bởi bản thân em mới chỉ tiêm một mũi vắc xin cách đây mới 2 tuần trước.
Đến trường sau thời gian dài học online, một điều nữa cũng khiến Hà Nhi lo lắng đó là những bài kiểm tra. Em có chút hồi hộp bởi không biết thời gian học qua online mình có tiếp thu đủ kiến thức.
Hà Nhi cho hay, hôm nay đến trường, em chuẩn bị và mang theo bên mình giấy ướt để lau chùi các vật dụng, một bịch khẩu trang mới và một lọ xịt sát khuẩn để đảm bảo an toàn.
Cả Ban Giám hiệu ra đón học sinh
Sáng nay, Ban giám hiệu Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam có mặt đón học sinh ngay tại cổng trường.
Bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (trái) đón học sinh ở cổng trường. Ảnh: Thanh Hùng
Bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, hôm nay, trường chia 2 luồng để đón học sinh nhằm đảm bảo giãn cách phòng dịch. Một luồng dành cho các học sinh tự đi xe đạp, xe máy đến trường; luồng còn lại cho học sinh được phụ huynh đưa đến.
Theo bà Dương, để đảm bảo an toàn cho học sinh một cách tối đa, trường đã chuẩn bị công tác đón học sinh trở lại từ cách đây một tuần.
Công việc đầu tiên là khử khuẩn, dọn dẹp vệ sinh trường lớp, đã được hoàn tất cách đây 2 ngày, vào 4/12.
Để chuẩn bị cho buổi học đầu tiên ngày hôm nay, trường chia khối 12 làm 2 nhóm. Cụ thể, vào các ngày Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu có 8 lớp đi học trực tiếp. Còn 9 lớp còn lại đi học trực tiếp vào các ngày Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Bảy.
"Chúng tôi cũng chia các lớp theo phương án "phòng chẵn, phòng lẻ". Tức những lớp học ở phòng chẵn sẽ đi học vào các ngày Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu và tương tự như vậy đối với các lớp còn lại. Như vậy sẽ đảm bảo sự giãn cách giữa các lớp".
Tuy nhiên, bà Dương cũng cho biết, qua nắm bắt, cũng có một số ít học sinh sáng nay chưa trở lại trường, bởi sự lo lắng của gia đình với tình hình dịch bệnh.
"Chúng tôi cũng rất thông cảm và chia sẻ với tâm trạng này của phụ huynh và học sinh. Đối với những học sinh chưa đến trường, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm kết nối màn hình trực tuyến song song với lớp học để các em có thể nắm bắt, đuổi kịp chương trình với các bạn trên lớp".
Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đến trường sáng nay. Ảnh: Thanh Hùng
Trường học đã sẵn sàng nhiều phương án
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hoà cho biết, công tác chuẩn bị đón học sinh quay trở lại của nhà trường bắt đầu từ cuối tháng 10. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp hơn, nên phải đến hôm nay, học sinh mới có thể đi học trực tiếp.
"Trong ngày hôm nay, có 7 lớp học trực tiếp tại trường, 7 lớp học trực tuyến. Đối với các lớp học trực tiếp, chúng tôi đã sắp xếp cách nhau một phòng học để đảm bảo giãn cách".
Cũng theo bà Nhiếp, khi nhận được quyết định học sinh sẽ quay trở lại trường, một số phụ huynh khá băn khoăn, lo lắng nên đã đệ đơn xin với ban giám hiệu nhà trường cho con nghỉ học. Tuy nhiên, trong ngày hôm nay, sĩ số học sinh đi học gần như đảm bảo 100%.
"Khi Sở GD-ĐT Hà Nội điều chỉnh kế hoạch cho học sinh quay trở lại trường vào ngày 6/12, các học sinh lớp 12, một nửa học trực tiếp, một nửa học trực tuyến, vì vậy sẽ có thầy cô giáo đến trường dạy trực tiếp, sau đó tiếp tục dạy trực tuyến.
Để đảm bảo việc dạy và học, nhà trường đã sắp xếp và chuẩn bị phòng học cũng như đường truyền mạng để thầy cô sau khi kết thúc tiết học trực tiếp có thể chuyển sang dạy học trực tuyến.
Trường không có học sinh lớp 12 nào thuộc diện F0 hay ở vùng 3, 4. Nhưng trong trường hợp phát hiện có F0, trường cũng chuẩn bị riêng phòng thể dục để có thể cách ly học sinh/ giáo viên đó ngay tại trường" - bà Nhiếp nói.
Học sinh Trường THPT Kim Liên được bố trí ngồi 1 người/bàn. Ảnh: Lê Anh Dũng
Quyết định cho học sinh trở lại trường trong bối cảnh số ca Covid-19 tăng khiến ngành giáo dục và phụ huynh, học sinh có nhiều trăn trở. Tuy nhiên, được đi học trực tiếp cũng là điều mà nhiều phụ huynh và học sinh mong mỏi từ lâu.
Đến nay, với học sinh từ 15-17 tuổi, Hà Nội đã tiêm được 286.153 mũi/307.799 trẻ (đạt gần 93%).
Các trường học phải đạt các tiêu chí về yêu cầu an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn liên ngành của Sở GD-ĐT và Sở Y tế. Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin chỉ được dạy trực tuyến; các trường chỉ dạy học trực tiếp một buổi/ngày, không tổ chức ăn bán trú, căng-tin; học sinh tự mang theo nước uống cá nhân;...
Trong trường hợp xuất hiện F0, việc phong tỏa và cách ly với các học sinh diện F1 sẽ được thực hiện.
Hạnh phúc, hành trình nhiều cảm xúc Xây dựng trường học hạnh phúc được nhiều cơ sở giáo dục tại Nghệ An thực hiện với quan điểm coi người học là mục tiêu cao nhất. Hoạt động CLB tại Trường THCS Tân Dân, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Để làm được điều này, rất cần ở mỗi cán bộ quản lý, giáo viên tình yêu trường lớp, yêu nghề, tâm...