Sử dụng phiếu bài tập & bài tập dự án: Hình thành năng lực và kỹ năng học tập
Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới hướng tới việc phát triển năng lực của người học, chú trọng tới vấn đề thực hành của HS.
Vì vậy, trong quá trình dạy, giáo viên cần quan tâm tới việc phát huy tính tự học của các em. Việc sử dụng phiếu bài tập hay bài tập dự án sẽ giúp học sinh hình thành năng lực và các kỹ năng học tập.
Chương trình GDPT mới chú trọng đến hoạt động tự học. Ảnh T.G
Chú trọng năng lực người học
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Triệu, Tổ trưởng Bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Chu Văn An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ chia sẻ: Để đáp ứng việc giảng dạy môn Ngữ văn theo CTGDPT mới, mỗi một giáo viên đều phải tìm tòi những phương pháp phù hợp với cách tiếp cận trong mỗi bài giảng. Vì vậy, tổ bộ môn Ngữ văn của nhà trường luôn có thống nhất chung trong việc đưa ra những đổi mới về phương pháp giảng dạy.
“Trước đây trong phân môn tập làm văn, HS rất thích học văn mẫu vì nội dung có sẵn, không phải suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên, với yêu cầu đổi mới việc dạy và học, giáo viên đã thay đổi việc học tập của các em; Giúp HS thoát ly các bài văn mẫu bằng cách tự học, tự lĩnh hội kiến thức dưới sự dẫn dắt của giáo viên.
Thầy cô hướng dẫn học sinh các bước tiếp cận và thực hành từng kiểu bài khác nhau. Từ việc tìm hiểu đề cho tới khai thác, phân tích các nội dung yêu cầu, học sinh sẽ tự xây dựng được bài tập làm văn bằng chính năng lực của mình.
Đặc biệt, thầy cô sẽ đổi mới trong quá trình kiểm tra, đánh giá trình độ học sinh, với các mức độ đánh giá khác nhau. Với học sinh khá, giỏi sẽ có mức đánh giá cao hơn, còn với học sinh trung bình và yếu kém, có mức yêu cầu các em phải đạt. Điều quan trọng, trong quá trình dạy học, giáo viên sẽ luôn khuyến khích sự cố gắng của từng học sinh”, cô Ngọc Triệu cho biết như vậy.
Thiết kế phiếu bài tập và bài tập dự án
Video đang HOT
Hình thức đổi mới phương pháp giảng dạy trong bộ môn Ngữ văn ở Trường THCS Chu Văn An là giáo viên sẽ cho học sinh các phiếu bài học tập trước mỗi tiết học. Ngay từ khâu soạn bài, các giáo viên sẽ soạn sẵn các phiếu học tập chứ không dựa hoàn toàn vào các câu hỏi trong sách giáo khoa.
Cô giáo Ngọc Triệu chia sẻ: Việc làm này nhằm tránh tình trạng học sinh tìm mua những cuốn sách hướng dẫn rồi chép câu trả lời vào vở soạn mang tính chất đối phó. Vì vậy, đối với những bài học đơn giản, sau mỗi tiết học, giáo viên sẽ giành ra 5 phút để hướng dẫn học sinh các câu hỏi về bài học sắp tới.
Với những bài khó, phức tạp, giáo viên soạn hệ thống câu hỏi để học sinh về nhà tìm hiểu trước. Trước khi tới lớp, học sinh sẽ trả lời các câu hỏi đó theo ý hiểu của mình (ở phiếu bài học cô giáo sẽ không đánh giá đúng, sai). Trong quá trình lên lớp, giáo viên và học sinh cũng trao đổi và đưa ra những cách hiểu phù hợp nhất.
Phần việc của học sinh là điều chỉnh, bổ sung các nội dung vào vở ghi cũng như vào phiếu học tập mà các em đã chuẩn bị. Như vậy, quá trình làm việc trên lớp học sinh không hề bị thụ động. Các em được tiếp cận kiến thức theo hướng mở, tự mình lĩnh hội kiến thức và hoàn thiện sự hiểu biết của mình không hề có sự khiên cưỡng. Như vậy, các em sẽ chủ động có những sáng tạo riêng của bản thân, học sinh nhớ lâu vì các em thực sự được làm việc.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Triệu, trong quá trình giảng dạy, cô trò cùng trao đổi kiến thức. Ví dụ trong tiết học về bài “Ánh trăng” của tác giả Nguyễn Duy, giáo viên yêu cầu học sinh có các phần chuẩn bị tại nhà như sưu tầm những bài cùng về chủ đề “Ánh trăng”. Sau khi dẫn dắt vào bài dạy, giáo viên yêu cầu các nhóm cùng thảo luận trên phiếu học tập các em đã chuẩn bị sẵn. Mỗi nhóm sẽ trao đổi theo các nội dung vấn đề của từng phần trong tác phẩm. Mỗi HS có các phiếu chuẩn bị khác nhau.
Sau khi các nhóm trình bày, cả lớp sẽ có sự bổ sung góp ý cho từng vấn đề. Sau tiết học, học sinh lưu lại các phiếu bài tập mà mình đã chuẩn bị để có sự đối sánh và ghi nhớ nội dung bài. Việc sử dụng phiếu bài tập sẽ có tác dụng kích thích việc học tập của học sinh.
Giáo viên có thể giao bài tập dưới hình thức các dự án nhỏ để các em có cơ hội tìm hiểu và nghiên cứu. Với môn ngữ văn, giáo viên cho học sinh tìm hiểu về các tác giả trong văn học, đặc biệt là những tác giả tại địa phương nơi các em sống. Với chuyên mục về tác giả ở địa phương tại thành phố Cần Thơ, cô giáo Ngọc Triệu cho các em tìm hiểu về tác giả Lê Vĩnh Hoàng.
Dưới hình thức bài tập dự án, học sinh có thể đi tìm các tư liệu về tác giả này tại thư viện thành phố, thư viện trường. Các vấn đề được tìm hiểu liên quan xung quanh tác giả đó như xuất thân, cuộc đời sự nghiệp, những tác phẩm chính, nội dung, phong cách nghệ thuật trong tác phẩm của tác giả…
Đặc biệt trong đó có vấn đề học sinh phải tiếp cận trình bày hiểu biết của mình về một tác phẩm cụ thể mà các em yêu thích, có ấn tượng nhất… Quá trình thâm nhập thực tế và tìm hiểu cũng như chia sẻ ấn tượng của mình về từng nội dung giúp các em có những cảm nhận riêng cũng như rèn cho các em các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng tập viết luận. Học sinh sẽ tự trình bày hiểu biết của mình, quá trình tự học sẽ được phát huy.
Với những bài tập lớn, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh làm theo nhóm, từng nhóm sẽ trình bày sau đó có sự bổ sung của cá nhân và các nhóm. Mọi học sinh, đều phải tiếp cận các nội dung, theo yêu cầu từng bài học. Điều này sẽ giúp tất cả học sinh đều phải làm việc thực thu, không ỷ lại vào các bạn khác trong nhóm. Để học sinh hứng thú với mỗi tiết học, giáo viên luôn có những điểm cộng để khuyến khích các em.
Minh Châu
Theo giaoducthoidai
Thực hiện chương trình - Sách giáo khoa mới: Quan trọng là đội ngũ giáo viên
Đổi mới đào tạo đội ngũ giáo viên (GV), đáp ứng chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông mới được Bộ GDĐT coi là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt.
Trong đó, chú trọng tăng cường kết nối giữa lý thuyết và thực hành cũng như phát triển năng lực dạy học theo hướng giúp cho học sinh (HS) có khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra.
Ảnh minh họa.
Gắn kết đào tạo giáo viên với các trường phổ thông
Trong quá trình đổi mới, GV là đội ngũ trực tiếp triển khai thực hiện những giải pháp công việc cụ thể. Có chương trình mới, SGK mới và đội ngũ GV vẫn là những con người ấy nhưng cần thay đổi về mặt tư duy, phương pháp giảng dạy... để đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra.
Điều này đòi hỏi trước hết ở các trường sư phạm - nơi đào tạo nguồn GV của cả nước cần có những thay đổi từ chương trình đào tạo đến chuẩn đầu ra cho sinh viên (SV)... Hiện toàn quốc có 58 trường đại học (ĐH), 57 trường cao đẳng (CĐ), 40 trường trung cấp (TC) có ngành đào tạo GV (14 trường ĐH Sư phạm, 33 trường CĐ Sư phạm và 2 trường TC sư phạm). Hàng năm có khoảng 60.000 SV sư phạm tốt nghiệp.
PGS Lưu Trang- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng việc đào tạo GV ở mỗi ĐH hiện nay phải cung cấp cho các đơn vị tuyển dụng những GV sẵn sàng thích nghi, hội nhập. Họ không thể là những sản phẩm đầu ra cho giáo dục phổ thông (GDPT) lạc lõng, lúng túng trước Chương trình GDPT mới. Để làm được điều đó, nhà trường vừa nâng cao chất lượng và trình độ đội ngũ giảng viên, vừa chú trọng kết hợp với các trường phổ thông để nắm bắt thực trạng đội ngũ GV và việc giảng dạy ở trường phổ thông. Xây dựng và không ngừng mở rộng hệ thống thực tập thường xuyên (hay gọi là thực tập vệ tinh) của nhà trường ở các trường phổ thông đối với SV nhằm tạo điều kiện thực hành liên tục, phù hợp cho SV, trao đổi nắm bắt việc giảng dạy và nhu cầu của thầy cô giáo trường phổ thông được đầy đủ và sâu sắc hơn. Từ đó, những GV tương lai được vận dụng ngay những gì đã học vào trong trường để nâng cao kiến thức, nhuần nhuyễn thực hành.
Đồng tình với quan điểm này, theo ThS Lê Văn Thắng (Trường CĐ Sư phạm Nam Định), nhìn từ kinh nghiệm của các nước tiên tiến, Việt Nam có thể học hỏi được nhiều điều. Chẳng hạn, ở Phần Lan, đào tạo GV nhằm mục đích phát triển cân bằng các năng lực cá nhân và năng lực chuyên môn của GV. Ngoài việc nghiên cứu sự phát triển trẻ em, học tập nội dung và phương pháp sư phạm đối với từng lĩnh vực kiến thức, mỗi SV hoàn thành một luận văn thạc sĩ trong đó nghiên cứu và giải quyết một vấn đề thực tế dạy học.
"Nhiều nơi trên thế giới, SV sư phạm dành nhiều thời gian hơn ở trường phổ thông trong các chương trình đào tạo so với một, hai thập kỷ trước. Khoảng thời gian này thường đi kèm với sự quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của trải nghiệm trong trường - chất lượng của các GV hợp tác được chọn, đào tạo cho vai trò của họ và tạo ra một chương trình giảng dạy thực hành - một chuỗi kinh nghiệm và bài học trong phần thực tập của chương trình"- ThS Lê Văn Thắng nêu quan điểm.
Cập nhật chương trình đào tạo mới
Theo GS.TS Thái Văn Thành- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, hướng tới đào tạo đội ngũ GV đáp ứng đổi mới CT-SGK, các trường sư phạm đã áp dụng nhiều mô hình đào tạo tiếp cận năng lực của các nước tiên tiến, trong đó có mô hình CDIO (Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành), do Viện Công nghệ Massachusetts Hoa Kỳ (MIT) khởi xướng.
Việc đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO sẽ đánh giá quá trình bao gồm các bài tập nhóm, hồ sơ học tập, các sản phẩm học tập liên quan đến môn học, kiểm tra giữa kỳ. Thông qua các hoạt động này, SV hình thành các năng lực thực hiện, học đi đôi với hành và có thể kiểm soát chất lượng đào tạo.
Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho biết một trong những giải pháp quan trọng của nhà trường đó là đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy theo yêu cầu của Chương trình GDPT mới. Các chương trình đào tạo GV được cập nhật, điều chỉnh và bổ sung thường xuyên, từ 1 đến 2 năm một lần.
Từ năm 2013 đến nay trường đã chủ động 4 lần điều chỉnh chương trình: 2013, 2015, 2017 và 2018. SV trường được cập nhật chương trình, nội dung, phương pháp dạy học của Chương trình GDPT mới. Đồng thời họ được học tập và được trải nghiệm sử dụng phương pháp dạy học mới: dạy học STEM, dạy học theo chủ đề, dạy học tích hợp, liên môn, liên ngành...
Đổi mới công tác đào tạo GV trong các trường sư phạm hiện nay đã được chú trọng nhưng trên thực tế diễn ra chưa đồng đều. ThS Thắng lưu ý cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng cho những thay đổi lớn trong giáo dục và đào tạo. Từ thực tế đổi mới giáo dục của các nước tiên tiến cho thấy mọi sự thay đổi đều cần thử nghiệm và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định mới khẳng định được kết quả. "Cần có lộ trình phù hợp để công tác đào tạo GV vốn đòi hỏi nhiều thời gian và đào tạo bổ sung cho GV hiện tại cố số lượng lớn và bận rộn với công việc hàng ngày thực sự hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí"- ông Thắng nói.
Thu Hương
Theo daidoanket
Vĩnh Phúc: Trường THPT Tam Dương đổi mới phương pháp giảng dạy "lấy học sinh làm trung tâm" Với bề dày truyền thống 53 năm (1966 -2019) xây dựng và phát triển, cán bộ nhân viên và học sinh, trường Trung học phổ thông (THPT) Tam Dương, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) ngày càng đổi mới phương pháp giảng dạy "lấy học sinh làm trung tâm", khới dậy tinh thần tự học và sáng tạo... Lãnh đạo huyện chúc mừng các...