Sử dụng điện thoại để phục vụ học tập: Nên hướng dẫn kỹ năng
Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15-9-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, học sinh có thể sử dụng điện thoại trong giờ học nhằm phục vụ việc học tập khi được sự cho phép của giáo viên.
Quy định này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có các biện pháp quản lý phù hợp, tăng cường hướng dẫn học sinh kỹ năng sử dụng điện thoại.
Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh có thể sử dụng điện thoại trong giờ học nhằm phục vụ việc học tập.
Bà Ngô Thị Kiều Linh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (quận Hoàn Kiếm):
Giáo viên phải làm tốt việc bao quát lớp
Nếu thiếu phương pháp quản lý hiệu quả thì cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học sẽ bất lợi vì ảnh hưởng đến việc học tập. Do vậy, phải có quy định cụ thể thời gian nào học sinh được sử dụng điện thoại để tra cứu, tìm kiếm nội dung phục vụ học tập. Đơn cử, khi sử dụng điện thoại trong giờ học nên tổ chức theo phương pháp thảo luận nhóm, thường từ 4 đến 6 học sinh, để giáo viên dễ dàng kiểm soát việc sử dụng điện thoại của các em. Khi thảo luận, thầy cô cũng cần quy định thời gian dùng điện thoại cụ thể, khoảng 10-15 phút, nhằm hạn chế việc các em rảnh rỗi, làm việc riêng. Khi hết thời gian, các nhóm phải báo cáo kết quả thảo luận, đồng thời cất điện thoại. Nhà trường cũng cần xây dựng quy chế sử dụng điện thoại trong giờ học. Bên cạnh đó, giáo viên phải làm tốt việc bao quát lớp, nếu học sinh nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, từ đó giúp các em dần hình thành thói quen tốt.
Ông Nguyễn Khắc Thuật, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa):
Cần xây dựng quy định cụ thể về việc học sinh được sử dụng điện thoại
Video đang HOT
Thực tế cho thấy, từ khi có dịch Covid-19, học sinh phải làm quen với phương pháp học trực tuyến. Do đó, theo tôi việc sử dụng điện thoại thông minh phục vụ học tập là rất hữu ích. Tuy nhiên, cũng còn nhiều học sinh chưa ý thức, vẫn dùng điện thoại để vào mạng xã hội, chơi điện tử trong giờ học, do vậy, cần phải có phương pháp quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát học sinh, đồng thời phổ biến kỹ năng sử dụng điện thoại, ứng dụng công nghệ vào việc học tập cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường, phụ huynh thường xuyên cảnh báo về việc lạm dụng điện thoại sẽ nguy hại như thế nào cả về thể chất lẫn tinh thần đối với giới trẻ. Theo tôi, căn cứ vào Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT vừa ban hành, các nhà trường cần xây dựng những nội quy, quy định cụ thể về việc học sinh được sử dụng điện thoại để phục vụ cho việc học một cách hiệu quả nhất.
Bà Hoàng Thị Mận, giáo viên tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy):
Phù hợp xu hướng dạy và học mới
Chiếc điện thoại thông minh sẽ là công cụ học tập hữu hiệu, giúp các em tìm kiếm thông tin, mở rộng kiến thức từ các bài giảng, sách giáo khoa; giúp học sinh ghi âm lại các bài giảng trên lớp, chụp lại các bài kiểm tra để rút kinh nghiệm hoặc tự kiểm tra trình độ… Do đó, thực hiện Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, bản thân giáo viên phải tự trau dồi, cập nhật và mở rộng kiến thức; tăng cường tương tác giữa thầy và trò trong giờ học. Theo tôi, nếu quản lý bằng cách bố trí hộp cất giữ điện thoại trong từng lớp học, tạo cho các em thói quen mỗi khi đến lớp đưa điện thoại về chế độ im lặng, cất vào đúng nơi quy định, chỉ sử dụng khi giáo viên cho phép… thì việc sử dụng điện thoại chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp xu hướng dạy và học mới.
Bà Hoàng Thị Tâm, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên):
Hướng dẫn học sinh tìm kiếm, sàng lọc kiến thức khi sử dụng điện thoại
Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới, trong đó một nội dung quan trọng là thay đổi phương pháp dạy và học, từ truyền thụ kiến thức sang giáo viên dạy học sinh cách học. Theo đó, quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học sẽ góp phần thực hiện tốt những đổi mới này. Song, bên cạnh những mặt lợi, điện thoại thông minh rất dễ “gây nghiện” cho người sử dụng, nhất là lứa tuổi học sinh. Do đó, chúng tôi rất mong các nhà trường có biện pháp quản lý hiệu quả việc học sinh sử dụng điện thoại phục vụ cho việc học. Đồng thời tăng cường hướng dẫn học sinh tìm kiếm, sàng lọc, kiến thức tìm được trên mạng, cách phòng, chống tin giả ra sao, bảo vệ những thông tin riêng tư của mình trên thế giới ảo như thế nào… Khi việc sử dụng điện thoại di động trong nhà trường được Ban Giám hiệu, các giáo viên quan tâm, chú trọng để bảo đảm hiệu quả, đúng mục đích thì phụ huynh không có gì đáng phải lo lắng.
Quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động cần được hiểu thế nào cho đúng?
Thông tư 32 về điều lệ trường THCS, THPT, trong đó có quy định "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên..." đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Nhiều người ủng hộ cho rằng, việc cho học sinh sử dựng điện thoại trong giờ học phục vụ trong học tập là cần thiết, phù hợp với xu thế công nghệ 4.0... nhưng cũng rất nhiều người phản đối nội dung này, bởi cho rằng sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường...
Sáng 25-9, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng và Báo Tiền phong phối hợp tổ chức Tọa đàm "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học - Nên hay không?".
Quang cảnh buổi tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Trưởng bộ môn Luật, Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết, không nên hiểu quy định theo Thông tư 32 về Điều lệ trường THCS, THPT do Bộ GD-ĐT ban hành là cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động một cách thoải mái trong giờ học. Thay vào đó, quy định mới trao quyền chủ động cho giáo viên trong việc quản lý và định hướng học sinh sử dụng điện thoại hiệu quả, đúng mục đích.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương đề xuất các trường có thể triển khai thí điểm trong phạm vi một lớp học, một bộ môn, từ đó nhân rộng ra toàn trường chứ không nên thực hiện đồng loạt.
Thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (quận Gò Vấp) nêu ý kiến, khi gõ cụm từ khóa "có nên sử dụng điện thoại di động trong giờ học hay không?" trên công cụ tìm kiếm google, kết quả tra cứu cho thấy hiện nay trên thế giới đang tồn tại nhiều ý kiến tranh cãi trái ngược.
Một mặt, điện thoại di động mang lại nhiều tiện ích cho người học như tiết kiệm thời gian, tra cứu thông tin nhanh chóng, tăng kỹ năng quản lý thời gian, song mặt khác cũng có một số ảnh hưởng tiêu cực như phân tán tư tưởng người sử dụng, là một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến hiện tượng bị bắt nạt trên mạng xã hội, gian lận thi cử, bệnh trầm cảm, khiến người sử dụng hạn chế khả năng tư duy và giao tiếp với thế giới xung quang.
Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới như Anh, Úc, Pháp đã cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học. Một số quốc gia khác cho học sinh sử dụng một thời gian sau đó cấm do gặp khó khăn trong vấn đề quản lý.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) sử dụng điện thoại di động để tra cứu thông tin trong giờ học
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, cho biết từ trước đến nay các quy định của ngành không cấm học sinh sử dụng điện thoại di động nói riêng và các thiết bị công nghệ nói chung trong giờ học mà giao quyền và trách nhiệm cho mỗi giáo viên, nhà trường trong việc quản lý sử dụng.
Trước khi Thông tư 32 ra đời, nhiều trường THCS và THPT trên địa bàn TPHCM đã cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học theo sự cho phép và định hướng của giáo viên. Thông tư 32 ra đời không mới so với thực tế triển khai ở các trường nhưng là một hướng mở, tạo cơ sở pháp lý chính thống cho các trường triển khai và quản lý hiệu quả.
Ở góc độ khác, cô Lê Thị Phượng, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10) bày tỏ, học online hiện nay đang là xu thế học tập mới trên thế giới. Hình thức học tập này đòi hỏi khả năng tự thân của học sinh và các biện pháp quản lý của giáo viên. Trong đó, kiến thức SGK chỉ đáp ứng vừa đủ nhu cầu học tập của học tập, khi cần mở rộng và chuyên sâu kiến thức học sinh cần các nguồn tài liệu học tập trên mạng. Vì vậy, tận dụng tiện ích của các thiết bị công nghệ là cần thiết và phù hợp tình hình thực tế hiện nay.
Đồng quan điểm, cô giáo Đặng Ngọc Trâm Anh, trợ lý thanh niên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) nêu ý kiến, trước khi quy định cho phép hay không cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động cần tìm hiểu các em có nhu cầu sử dụng hay không? và sử dụng trong môi trường, hoàn cảnh nào phù hợp? Đơn cử, giáo viên này dẫn chứng hiện nay quy định ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là không cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong các buổi tọa đàm, chuyên đề học tập có mời diễn giả, chuyên gia phát biểu nhằm tránh sự phân tán và thiếu tập trung của học sinh.
Theo chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thị Diễm Quyên, hiện nay trên mạng có rất nhiều app quản lý điện thoại (cài đặt sẵn thời gian sử dụng, nếu quá thời gian đó điện thoại sẽ tự tắt để nhắc nhở người sử dụng) và hầu hết phần mềm đều miễn phí. Một cách làm khác, giáo viên có thể quy định học sinh tập trung tất cả điện thoại di động vào đầu giờ, khi cần sử dụng mới phát lại cho các em để tránh việc bị lạm dụng.
Danh Trí Nhân, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Hùng Vương (quận 5) thú nhận, em chủ yếu sử dụng điện thoại di động để tra cứu tài liệu trên mạng, trao đổi nhóm qua các dự án học tập nhưng thỉnh thoảng cũng hơi sa đà vào các phần mềm chat, chơi game.
Tống Ngọc Thảo My, học sinh lớp 12A10, Trường THPT Nguyễn An Ninh nêu ý kiến tại tọa đàm
Còn Tống Ngọc Thảo My, học sinh lớp 12A10, Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10) cho rằng, thời gian học trên trường không đủ nên cần học thêm online, rèn luyện kỹ năng tiếng Anh và trao đổi, thảo luận với bạn bè. Thỉnh thoảng em có kết hợp giải trí, chơi game, nghe nhạc và tán gẫu với bạn bè nhưng phần lớn thời gian vẫn tập trung vào việc học.
Thầy Lê Quang Huy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (quận 5) cho rằng, trong thời đại kỹ thuật số, sử dụng thiết bị thông minh là nhu cầu tất yếu không thể phủ nhận. Vấn đề ở chỗ giáo viên cần giúp học sinh kiểm soát được thời gian sử dụng, làm chủ thiết bị chứ không phải bị thiết bị làm chủ, lôi kéo vào các mục tiêu không phù hợp.
Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học: Chỉ người trong cuộc mới thấu! Hẳn chúng ta ai cũng từng ít nhất một lần nghe đến câu "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Nay học trò lại có thêm điện thoại thông minh trong lớp thì tha hồ mà thể hiện những hành vi phá bĩnh? Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học theo thông tư mới ban hành của...