Sự cố sách giáo khoa: Trẻ lớp 1 bị dồn ép học gây mệt mỏi, áp lực
Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhận định, môn Tiếng Việt lớp 1 “nặng và khó hơn” so với chương trình cũ, trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn gây mệt mỏi, áp lực.
Cơ quan giám sát lĩnh vực giáo dục, đào tạo của Quốc hội (UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng) nêu nhận định trên trong báo cáo nhanh Về một số vấn đề dư luận phản ánh liên quan đến sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1.
Báo cáo nêu rõ, năm 2020 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) giáo dục phổ thông, bắt đầu từ khối lớp 1.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo về vấn đề sách giáo khoa tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội.
Theo quy định của Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục (2019), Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT: Ban hành các quy định, quy trình thành lập các Hội đồng thẩm định CT, SGK; tổ chức thẩm định CT, SGK lớp 1; ban hành CT, SGK lớp 1 và hướng dẫn chọn lựa SGK. Chỉ đạo biên soạn, thẩm định và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Do điều kiện cụ thể, Chính phủ đã xin ý kiến Quốc hội để Bộ GD-ĐT không biên soạn một bộ SGK, mà tạo điều kiện cho việc xã hội hóa biên soạn SGK.
Theo chủ trương này, đến nay đã có 5 bộ SGK lớp 1 được thẩm định và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phê duyệt 5 bộ SGK này để sử dụng cho năm học 2020-2021.
Video đang HOT
5 bộ SGK được phê duyệt do 3 nhà xuất bản thuộc ngành giáo dục biên soạn, bao gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT, hai nhà xuất bản còn lại trực thuộc 2 trường Đại học là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
5 bộ SGK đã được các nhà trường tiểu học đưa vào lựa chọn theo quy trình của Bộ GD-ĐT hướng dẫn và tổ chức dạy học, từ tháng 9/2020.
Báo cáo của UB Văn hoá, Giáo dục đề cập những phản ánh về CT, SGK. Cụ thể là về chương trình còn nặng, đặc biệt môn Tiếng Việt “nặng và khó hơn” so với chương trình cũ, trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến việc học không hiệu quả, gây mệt mỏi, áp lực.
Về các bộ SGK, cơ quan giám sát lĩnh vực cho biết, trong 5 bộ sách phát hành thì 4 bộ sách chưa thấy ý kiến phản ánh. Các ý kiến góp ý chủ yếu tập trung vào sách Tiếng Việt 1 của bộ Cánh Diều (Sách do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên và Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM phát hành). Nội dung phản ánh: Sách còn nhiều thiếu sót, chưa chuẩn; một số bài có nội dung và hình ảnh sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch từ nước ngoài không phù hợp với tâm lý lứa tuổi và thiếu tính định hướng giáo dục.
Sách có nhiều từ ngữ mang tính địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1; một số thuật ngữ còn trừu tượng; một số tình huống còn gượng ép.
Về việc chuẩn bị các điều kiện dạy học, các phản ánh cho rằng cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo CT, SGK mới; còn tồn tại mâu thuẫn giữa yêu cầu cao của CT, SGK mới với sự hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở nhiều địa phương.
Uỷ ban của Quốc hội cho biết, sau khi có phản ánh của dư luận về CT, SGK lớp 1 mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có phiên họp với Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan để nắm thông tin và chỉ đạo Bộ GD-ĐT lắng nghe dư luận, tiếp thu ý kiến xã hội và lọc, sửa “sạn” trong sách.
Qua các báo cáo của Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, thường trực UB Văn hoá, Giáo dục cho rằng, trên cơ sở của các quy định ban hành, việc thẩm định CT, SGK lớp 1 đã được Bộ GD-ĐT triển khai đúng quy trình, bảo đảm theo quy định của luật Giáo dục.
Từ đó, Bộ trưởng Nhạ đã ký ban hành CT, SGK theo luật định.
Nêu quan điểm về những nội dung chưa chuẩn trong bộ sách Cánh Diều như dư luận xã hội đang phản ảnh, thường trực UB Văn hoá, Giáo dục cho rằng, việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông chưa được công bố lấy ý kiến rộng rãi và thực nghiệm một cách đúng quy định.
Dẫn luật Giáo dục 2019, cơ quan giám sát chỉ rõ, Hội đồng thẩm định chất lượng sách giáo khoa chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.
“Về các nội dung này, theo các Điều 31, 32 thì việc đảm bảo chất lượng CT, SGK thuộc về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT” – báo cáo của UB Văn hoá, Giáo dục thể hiện.
UB Văn hoá, Giáo dục khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi và tổ chức khảo sát về việc triển khai CT, SGK lớp 1, hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát Nghị quyết 88 để gửi đến UB Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 này.
Những từ ngữ, bài học nào trong sách Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều sẽ phải điều chỉnh và thay thế?
Đã có nhiều từ ngữ, số đoạn/bài trong sách Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều được Hội đồng thẩm định đề nghị tác giả điều chỉnh, thay thế cho phù hợp.
Liên quan đến việc điều chỉnh, bổ sung của sách Tiếng Việt lớp 1, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã nhận được một số phản ánh của đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh về khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học SGK môn Tiếng Việt 1. Đặc biệt là SGK Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều (do GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, NXB ĐH Sư phạm TP.HCM phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK Tiếng Việt 1 rà soát, báo cáo. Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả, SGK môn Tiếng Việt của bộ sách Cánh Diều. Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa phù hợp.
Sau quá trình rà soát nghiêm túc các ngữ liệu trong sách, để sách hoàn chỉnh và đảm bảo tính phù hợp hơn, Hội đồng thẩm định đề nghị các tác giả điều chỉnh, cung cấp một số ngữ liệu để gợi ý cho giáo viên và các nhà trường lựa chọn sử dụng trong quá trình dạy học.
Một số từ ngữ như "nhá", "nom", "quà... quà...", Hội đồng thẩm định đã khuyến nghị ở Biên bản vòng 1. Sau khi rà soát, Hội đồng tiếp tục đề nghị nhóm tác giả tìm các từ ngữ khác phù hợp và hay hơn. Những từ ngữ được đề cập đến trên các phương tiện thông tin đại chúng như: "Chén", "cuỗm", "tợp", "dưa đỏ", "lồ ô", "be be", "lỡ xô", "bê đồ" "ti vi", "bế", "khổ mỡ", Hội đồng thẩm định đề nghị nhóm tác giả tìm các từ ngữ khác phù hợp.
Một số đoạn/bài: "Hai con ngựa", "Cua, cò và đàn cá", "Lừa, thỏ và cọp", sau khi rà soát sách, Hội đồng thẩm định tiếp tục đề nghị tác giả thay thế văn bản. Các đoạn/bài khác được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng: "Ve và gà", "Ước mơ của tảng đá", "Quạ và chó", Hội đồng thẩm định đề nghị tác giả thay thế văn bản khác cho phù hợp. Khi chọn văn bản thay thế, các tác giả nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng văn học Việt Nam.
Bộ GD&ĐT đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.
Một số từ ngữ, bài học trong sách Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều sẽ phải điều chỉnh, thay thế. Ảnh: TL
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 3977/BGD&ĐT-GDTH. Trong công văn, Bộ chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục. Trong quá trình triển khai thực hiện, các Sở GD&ĐT tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến phản ánh về Bộ GD&ĐT theo quy định.
Để xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn khi sử dụng SGK trong giảng dạy và có phương án khắc phục khi phát hiện lỗi trong SGK, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giả viết SGK thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
Các Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học cho học sinh căn cứ vào yêu cầu của ngữ liệu được quy định trong Chương trình Ngữ văn, căn cứ vào trình độ học sinh, căn cứ vào mục tiêu của hoạt động dạy học đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Đổi mới sách giáo khoa: Cần cái nhìn thực tế Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những thay đổi căn bản đã chính thức triển khai từ năm học 2020-2021. Đến nay, sau hơn 1 tháng áp dụng đối với khối lớp 1 nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình với tinh thần đổi mới. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập trong việc sử dụng sách...